<!DOCTYPE html PUBLIC "-//W3C//DTD XHTML 1.0 Transitional//EN" "http://www.w3.org/TR/xhtml1/DTD/xhtml1-transitional.dtd">
<html xmlns="http://www.w3.org/1999/xhtml">
<head>
<meta content="en-us" http-equiv="Content-Language" />
<meta content="text/html; charset=utf-8" http-equiv="Content-Type" />
<title>Viết nhân kỷ niệm hai năm ngày m</title>
<style type="text/css">
.style1 {
text-align: justify;
}
.style2 {
font-family: Arial, Helvetica, sans-serif;
font-size: 10pt;
}
.style3 {
text-align: justify;
font-family: Arial, Helvetica, sans-serif;
font-size: 10pt;
}
.style4 {
text-align: center;
font-family: Arial, Helvetica, sans-serif;
font-size: 10pt;
color: #0000FF;
}
.style5 {
text-align: center;
font-family: Arial, Helvetica, sans-serif;
font-size: 10pt;
color: #808080;
}
.style6 {
text-align: right;
font-family: Arial, Helvetica, sans-serif;
font-size: 10pt;
}
</style>
</head>
<body>
<p class="style3"><strong>Viết nhân kỷ niệm hai năm ngày mất của đồng chí Võ Văn
Kiệt (Chín Dũng)</strong></p>
<p class="style4"><strong>Ký ức về ông Chín Dũng</strong></p>
<p class="style3">Ông Lê Công Giàu, nguyên phó bí thư thường trực Thành đoàn
TP.HCM, gửi cho chúng tôi bài viết này nhân hai năm ngày mất của đồng chí Võ Văn
Kiệt (11-6-2008 - 11-6-2010). Một ký ức về người lãnh đạo khu ủy, với niềm tin
vững chắc vào thế hệ trẻ khi đó...</p>
<table align="center" border="0" cellpadding="0" cellspacing="2" class="tLegend" style="border-collapse: separate;" width="40">
<tr>
<td class="style1">
<img border="1" class="style2" hspace="0" hyperlink="" onclick="return showImage(this.src)" src="http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=425159" /></td>
</tr>
<tr>
<td class="style5"><em>Đồng chí Võ Văn Kiệt (bìa trái) cùng thanh niên
xung phong và lực lượng lao động tình nguyện ra quân khai hoang phục hóa
ngoại thành </em></td>
</tr>
</table>
<p class="style3">Khoảng cuối năm 1966, tôi (đang là sinh viên Đại học Khoa học)
được lệnh về căn cứ. Phải đi vòng vì sợ lộ, khuya lắc mới tới nơi, là một vùng
giáp biên giới Campuchia. </p>
<p class="style3">Trong một cuộc họp, tôi đoán có một số đồng chí lãnh đạo khu
ủy cùng lãnh đạo Thành đoàn, cán bộ các bộ phận phụ trách sinh viên, học sinh,
thanh niên lao động, thanh niên nông thôn...</p>
<p class="style3">Cuộc họp diễn ra sôi nổi vì phong trào thanh niên đô thị Sài
Gòn vừa “đánh’’ một trận lớn bằng những cuộc biểu tình liên tục, cả thành phố
náo động vì biểu tình. Cảnh sát Sài Gòn được điều động đầy đường phố để đàn áp
phong trào. </p>
<p class="style3">Tất nhiên báo cáo của chúng tôi làm khu ủy hài lòng, đặc biệt
quan tâm, đặt nhiều câu hỏi và đề nghị chúng tôi báo cáo chi tiết hơn.</p>
<p class="style3">Gần cuối hội nghị, sau bữa cơm chiều đạm bạc, đồng chí Ba Vạn,
Năm Nghị kéo tôi ra ngoài nói: “Cậu chuẩn bị tối nay đi gặp ông Chín”. Tôi dạ và
không hỏi gì thêm vì nguyên tắc bí mật... </p>
<p class="style3">Khoảng 19g tối, một đồng chí bảo vệ đến dẫn tôi đi xuyên qua
rừng cây, trời tối đen như mực, đèn pin phải che bớt ánh sáng tránh bị máy bay
phát hiện. Nơi tôi đến là một căn nhà tranh sạch sẽ nền cao, trong nhà có một
cây đèn dầu sáng. </p>
<p class="style3">Bước vào tôi thấy một người đàn ông tuổi độ 50 hoặc hơn bước
ra cười bắt tay và ôm chặt tôi, ông kêu ngồi xuống chiếu và hỏi thăm sức khỏe
của tôi và anh em trong phong trào, cả những người bị bắt... </p>
<p class="style3">Ông bận bộ pyjama màu xanh nhạt chứ không phải bộ bà ba đen
như các cán bộ khác, tay cầm đèn pin đi rừng, đeo kính trắng, y như một trí thức
Sài Gòn. Gương mặt đẹp trai (như bọn sinh viên học sinh chúng tôi thường nhận
xét), nụ cười rất tươi. </p>
<p class="style3">Khoảng cách giữa một cán bộ lãnh đạo cao cấp và anh cán bộ trẻ
biến mất hồi nào! Cuộc nói chuyện trở nên cởi mở như hai chú cháu (vì tôi còn
quá trẻ, lứa tuổi 20 nên tôi gọi ông bằng chú).</p>
<p class="style3">Ông hỏi tôi rất nhiều câu hỏi, qua đó chứng tỏ ông rất am hiểu
nhân dân Sài Gòn, phong trào, tình hình chính quyền Sài Gòn, và tôi cũng phải
suy nghĩ kỹ khi trả lời, nhưng nhờ gắn bó với phong trào từ học sinh đến sinh
viên, trí thức nên kết quả cuộc “sát hạch” cũng đạt loại khá.</p>
<p class="style3">Bấy giờ tôi mới hiểu là do báo cáo của tôi trong hội nghị mấy
ngày trước đó nên ông muốn gặp riêng để hỏi sâu hơn. Được gặp trực tiếp, thấy
mặt ông, không phải che mặt hoặc ngồi trong ô kín, chứng tỏ sự tin cậy của ông
đối với cán bộ trẻ của Thành đoàn. </p>
<p class="style3">Sau này khi bị địch bắt, chúng tra tấn hỏi về lãnh đạo khu ủy,
lãnh đạo Thành đoàn, tôi đã không làm các đồng chí thất vọng.</p>
<p class="style3">Ông nói: “Phong trào thanh niên thành phố là lực lượng xung
kích của phong trào cách mạng, bao gồm các lực lượng thanh niên công nhân lao
động, thanh niên nông thôn, ngoại thành, thanh niên học sinh, sinh viên và trí
thức. Trong đó lực lượng học sinh sinh viên là ngòi nổ để tạo ra phong trào, tạo
điều kiện cho các lực lượng khác tham gia. Khi đó phong trào mới có quy mô lớn
mạnh. Lực lượng học sinh sinh viên rất nhạy và nhanh trong việc nắm bắt tình
hình khi địch có những chủ trương, hành động sai trái, không được lòng dân. Học
sinh sinh viên có điều kiện tổ chức hội thảo, tuyệt thực, đêm không ngủ, xuống
đường trong khi các lực lượng khác như thanh niên công nhân khó nổ ra các hoạt
động như vậy”.</p>
<p class="style3">Cuộc nói chuyện rất hào hứng, thú vị, kéo dài đến khuya. Sau
khi nghe tôi nói xong, ông nêu các vấn đề đường lối chung cách mạng miền Nam,
cách mạng Sài Gòn, mục tiêu, sách lược và hướng đi phong trào thanh niên thành
phố, trong đó đặc biệt quan tâm phong trào học sinh sinh viên, vì nó dễ nổ ra
phong trào để tạo điều kiện các phong trào khác tham gia. </p>
<p class="style3">Ông nói dễ hiểu, ngắn gọn, sâu sắc và có tầm nhìn chiến lược
vừa rất cụ thể, không nói như bài bản sách vở. Những điều ông nói làm tôi sáng
ra nhiều điều và thấy rõ mục tiêu, đường đi và niềm tin tăng lên gấp bội. </p>
<p class="style3">Phải chăng lý tưởng cách mạng của thanh niên là những nội dung
đó: xác định đúng mục tiêu, con đường đi đúng và niềm tin mãnh liệt làm động lực
cho bản thân vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm. Coi cái chết nhẹ như lông hồng.</p>
<p class="style3">Tôi còn có dịp gặp ông trong những cuộc hội nghị của khu ủy có
Thành đoàn tham dự. Những chỉ đạo của ông đều là những chỉ đạo quan trọng, tạo
ra những phong trào mới, có những bước ngoặt căn bản cho cách mạng Sài Gòn. </p>
<p class="style3">Ông biết lắng nghe cán bộ trẻ, dù đôi lúc nói năng tranh luận
trái tai với cấp trên. Ông rất dũng cảm quyết định những vấn đề sau khi đã bàn
bạc tranh luận, lắng nghe, cân nhắc, không dựa dẫm vào tập thể để trốn trách
nhiệm cá nhân.</p>
<p class="style3">Cuộc nói chuyện chấm dứt khi đồng chí bảo vệ vào nhắc ông trời
đã khuya, ông phải nghỉ ngơi. Khi chia tay ông lại ôm thật chặt tôi. Trên đường
về, tôi thầm nghĩ: “Đảng Cộng sản VN nhất định sẽ lãnh đạo cách mạng thắng lợi
nếu Đảng có nhiều cán bộ kiệt xuất như ông”. </p>
<p class="style3">Tôi rất vui vì được gặp một lãnh đạo tài giỏi, niềm tin vào
cách mạng, vào lãnh đạo mạnh mẽ hơn và tự nhủ kỳ này về Sài Gòn sẽ cùng anh em
“đánh” những trận lớn hơn, gây rối loạn cho địch ngay tại trung tâm Sài Gòn.</p>
<p class="style6"><em><strong>Theo TTO</strong></em></p>
</body>
</html>