<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div>
<title></title>
<style type="text/css">
p.MsoNormal
{margin-bottom:.0001pt;
font-size:12.0pt;
font-family:"Times New Roman";
margin-left: 0in;
margin-right: 0in;
margin-top: 0in;
}
span.normal-h1
{font-family:"Times New Roman";
}
h3
{margin-top:0in;
margin-right:0in;
margin-bottom:6.0pt;
margin-left:0in;
text-align:justify;
text-indent:.5in;
page-break-after:avoid;
tab-stops:434.0pt;
font-size:13.5pt;
font-family:"Times New Roman";
}
.style1 {
font-family: Arial, Helvetica, sans-serif;
}
.style3 {
font-family: Arial, Helvetica, sans-serif;
font-size: 10pt;
}
.style4 {
font-size: 10pt;
}
.style5 {
font-family: Arial, Helvetica, sans-serif;
font-size: 10pt;
text-align: right;
}
.style6 {
text-align: center;
font-family: Arial, Helvetica, sans-serif;
font-size: 10pt;
color: #0000FF;
}
.style7 {
text-align: center;
}
.style8 {
font-family: Arial, Helvetica, sans-serif;
font-size: 10pt;
text-align: center;
}
.style9 {
color: #808080;
}
</style>
<div class="style6"><strong>Giấc mơ Trường Sa</strong></div>
<p align="justify" class="style3"><em>Trong những ngày theo chân đoàn công tác “Hành trình vì biển, đảo quê hương” đến quần đảo Trường Sa thân yêu, chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy sự đổi thay đến diệu kỳ ở nơi đầu sóng, ngọn gió của Tổ quốc. Giữa biển trời đầy nắng, gió, những ước mơ của các anh thật nhỏ nhoi và bình dị!</em></p>
<blockquote dir="ltr" style="margin-right: 0px;">
<p align="justify"><font size="2" face="arial"> </font><strong><span class="style3">Giọt nước đảo xa</span></strong></p>
</blockquote>
<table width="1" cellspacing="0" cellpadding="3" border="0" align="right">
<tbody>
<tr>
<td><a href="javascript:ChangeImages('/dataimages/original/2010/06/images335217_H4d.jpg');"> <img height="205" border="0" alt="" class="style3" name="imagePhoto" src="http://sggp.org.vn/dataimages/original/2010/06/images335217_H4d.jpg" style="width: 172px;" /></a><span class="style3"> </span></td>
</tr>
<tr>
<td class="style7">
<p class="style8"><font class="style9"><em>Để </em><em>tránh </em><em> sóng to, </em><em>gió </em><em>lớn... vườn </em><em>rau trên đảo </em> <em>Núi Le được </em><em>bao </em><em>bọc </em><em>khá kín đáo</em></font></p>
</td>
</tr>
</tbody>
</table>
<p align="justify" class="style3">Đến bây giờ, về đến đất liền, chúng tôi vẫn còn nhớ như in câu chuyện xảy ra khi đoàn đến đảo An Bang. Sóng quá to, chiếc xuồng nhỏ (mà anh em thường gọi đùa là xuồng “trứng vịt”) bị sóng nhồi lên, dập xuống liên tục nên không thể cập bãi cát. Dừng lại cách bãi cát khoảng vài thước, trên một bãi đá ngầm, anh em trên xuồng tự nhủ, phen này phải lội nước nhưng phải thật cẩn thận vì bãi đá trơn trợt, nhấp nhô.</p>
<p align="justify" class="style3">Xuồng chòng chành trong sóng nhưng anh em trong đoàn vẫn cố gắng bước xuống. Ngay lập tức, những khuôn mặt đen sạm, rắn rỏi của các anh lính đảo xuất hiện. Chốc lát, các anh thanh niên trên xuồng được hướng dẫn tận tình lội vào đảo. Còn chị em phụ nữ được các anh lính đảo nhiệt tình “công kênh” từ xuồng đến tận bãi cát. Do được anh em trên tàu HQ957 “mách nước” từ trước, ai ai trong đoàn cũng chuẩn bị sẵn một đôi dép nhựa có quai của bộ đội. Bước trên những tảng đá ngầm trơn trợt, nhờ đôi dép bộ đội ấy mà không ai bị ngã.</p>
<p align="justify" class="style3">Vừa bước chân lên đến đảo, theo quán tính, chúng tôi lao ngay đến… bếp ăn, nơi có một thùng đựng nước khá to. Ai cũng tự nhiên rửa chân khá thoải mái. Đến khi ngước mắt lên, tôi bắt gặp ánh mắt khá buồn của một anh lính đảo. Nhưng anh lính trẻ - hạ sĩ Nguyễn Văn Vinh, quê ở quận 8, TPHCM - bỗng vui ngay và tươi cười cho biết: “Tụi em tiết kiệm nước lắm nhưng có mấy anh ra thăm tụi em rất mừng. Vì có đoàn ra thăm thì trước sau gì trời cũng mưa!”.</p>
<p align="justify" class="style3">Chúng tôi nhìn nhau ái ngại và xấu hổ vì sự hồn nhiên tắc trách của mình. Nhưng chiều hôm đó trời mưa thật. Cơn mưa không lớn nhưng cũng thỏa lòng mong đợi của các anh lính đảo và của cả chúng tôi.</p>
<p align="justify" class="style3">Giọt nước ở nơi đây quý giá lắm, là giấc mơ hàng ngày của các anh lính đảo. Để tiết kiệm nước, các anh lính đảo phải tiết kiệm… tắm. Thượng úy Trần Xuân Lập, ở đảo Phan Vinh, cho biết: “Trường Sa có 2 mùa rõ rệt. Thời điểm này là cuối mùa khô nên nước khan hiếm lắm. Anh em phải hết sức dè dặt trong sinh hoạt thường ngày”. Khái niệm “lọt sàng, xuống nia” trong sử dụng nước được lính đảo vận dụng khá nhuần nhuyễn. Mỗi ngày chỉ dùng 1 lon nước, 3 ngày tắm một lần. Nhưng cũng phải đứng trong thau, chậu tắm để tận dụng nước đã tắm tưới cây. Chắc có lẽ nhờ vậy mà các vườn rau ở các điểm đảo xanh tươi đến lạ kỳ.</p>
<blockquote dir="ltr" style="margin-right: 0px;">
<p align="justify" class="style3"><strong>Giản dị như lính đảo</strong></p>
</blockquote>
<p align="justify" class="style3">Trong suốt chuyến hải trình, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với rất nhiều lính đảo. Dù mới ra đảo hay trải qua nhiều cái tết xa nhà thì các cán bộ chiến sĩ hải quân tại các điểm đảo đều có chung nhiều điểm. Ai cũng rắn rỏi, đen giòn và khá cởi mở, chững chạc trong giao tiếp. Trong các lần giao lưu đó, chúng tôi đều hỏi về những ước mơ của các anh lính trẻ. Mỗi người một mơ ước, nhưng hình như ít ai nghĩ về mình.</p>
<div align="center">
<table width="1" cellspacing="0" cellpadding="3" border="0" align="center">
<tbody>
<tr>
<td><font size="2"> <img width="399" border="0" alt="" class="style1" name="imagePhoto" src="http://sggp.org.vn/dataimages/original/2010/06/images335219_H4e.jpg" /><span class="style1"> </span></font></td>
</tr>
<tr>
<td class="style9" style="text-align: center;"><font size="2" class="style1"><em>Lính đảo và anh em trên đoàn đang đẩy xuồng “trứng vịt” bị mắc cạn ra biển.</em></font></td>
</tr>
</tbody>
</table>
</div>
<p align="justify" class="style4"><font class="style1">Trong đêm giao lưu văn nghệ ở đảo Trường Sa Lớn, hạ sĩ Nguyễn Văn Chương, quê ở Hải Phòng, tâm sự: “Nhà tôi ở vùng quê, quanh năm suốt tháng với ruộng đồng khổ cực. Ra đảo, tuy xa nhà, xa người thân nhưng cuộc sống của tôi phong phú hơn. Tôi tham gia văn nghệ và chơi khá thành thạo nhiều môn thể thao. Khi rời quân ngũ, tôi sẽ xin vay vốn đi học nghề lái máy cày. Nghề này ở quê em thu nhập khá lắm. Ráng làm vài năm và để dành tiền cưới vợ!”. </font></p>
<p align="justify" class="style4"><font class="style1">Đúng là giản dị như người lính đảo. Thiếu úy Đào Khắc Thanh đang công tác tại đảo An Bang tâm sự: “Những đêm buồn, tôi nằm vắt tay lên trán hay nắm thật chặt bàn tay. Nhà tôi ở Can Lộc, Hà Tĩnh, cách bia tưởng niệm các cô gái Đồng Lộc khoảng 2km. Nơi ấy, vợ và đứa con trai 4 tuổi của tôi chắc đang chìm vào giấc ngủ. 4 tuổi là cái tuổi bi bô nói, nhưng… hên quá, thằng nhóc ham chơi nên ít gọi điện thoại cho ba. Tranh thủ thời gian nghỉ trưa hay đêm tôi gọi điện thoại về nhưng nói chuyện được vài phút thì nó… ngủ. Lính đảo là chấp nhận gian khó nhưng tôi vẫn ước mong được đón giao thừa với vợ con…” </font></p>
<p class="style5"><em><strong>Theo SGGPO</strong></em></p>
</div> </html>