<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Bài học lớn từ việc làm nhỏ</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Bài học lớn từ
việc làm nhỏ</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Khi những thí sinh và phụ huynh
cuối cùng lên xe trở về nhà bình yên thì sinh viên tình nguyện (SVTN) mới tạm
biệt các điểm trực - nơi họ đã đeo bám hơn 1 tháng nay. </font></p>
<div class="article-content article-content02">
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chương trình Tiếp sức mùa thi
2011 đã khép lại sau đợt thi CĐ (ngày 16.7). </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Bạn Trần Thị Hồng Hương,
trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, SVTN đã viết trong quyển nhật ký chung của đội
hình Trạm xe buýt: “Ngày 10.7.2011: Cái gì đến cũng sẽ đến, vậy là cái ngày
được mặc màu áo Tiếp sức mùa thi để hỗ trợ các thí sinh đã khép lại. Sau hơn
4 tuần, theo nhiều người nhận xét thì da mình đen và gầy hơn hẳn, nhưng thay
vào đó là mình đã có 4 tuần nắng mưa đầy ý nghĩa. 4 tuần để biết thế nào là
tinh thần đồng đội, để biết nỗi vất vả của các bậc làm cha, làm mẹ. Đặc biệt
là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Để biết rằng ngày ấy đi thi, mình
may mắn hơn nhiều người trong cái thời khắc quan trọng của cuộc đời này…”.</font></p>
<table style="width: 238px; height: 382px" align="center" id="table1">
<tr>
<td>
<p style="text-align: center"><font face="Arial" size="2">
<img alt="" src="http://www.thanhnien.com.vn/Picture20117/MinhNguyet/Thang7/Baihoc2.jpg"> <br>
<span style="color: #808080; font-style: italic">Những ly trà đá
miễn phí làm mát lòng phụ huynh chờ con ở bên ngoài trường thi</span></font></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Bạn Nguyễn Thị Trà Giang -
trường ĐH Kinh tế TP.HCM diễn tả cảm xúc chân thật của mình: “Ngày qua ngày,
tôi càng cảm thấy được công việc mà mình đang làm thật ý nghĩa và thiết thực
biết bao! Nhớ những buổi chiều tá hỏa và hoảng loạn vì những cơn mưa bất
chợt của Sài Gòn khiến công việc tiếp sức trở nên gián đoạn và khó khăn hơn,
nhưng tinh thần của đội vẫn lên cao lắm. Đứng trú mưa trong những buồng ATM
dọc trạm, nhưng vẫn không an tâm vì lỡ thí sinh đến. Thế rồi kéo bè đội mưa,
xách dù ra đứng, có thí sinh thì nhường hết dù cho các em, vui lắm; còn lúc
vắng vẻ thì cầm dù múa hát, “bệnh” lắm. Vui nhất là những ánh mắt tin yêu
của các bác phụ huynh luôn dành cho các sinh viên tình nguyện…”.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">“Nếu bạn hỏi, qua chương
trình này tôi nhận được những gì? Cách giao tiếp với các cô, chú, bác phụ
huynh lớn tuổi, cách diễn đạt, cách làm quen lẫn cách sinh hoạt chung trong
một tập thể… thì đó là những thứ quá nhỏ tôi đã nhận được. Cái lớn nhất
chính là tình người đấy các bạn ạ. Tình bạn, tình thương đồng đội, tình
người nơi đất khách, và cả chuyện tình cây me được lưu truyền qua các đời
nữa”.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Từ chiêm nghiệm thực tế qua
những ngày gắn bó làm tình nguyện viên, một nữ sinh “nhân văn” (trường ĐH
Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) bỗng thay đổi “định kiến” khi khám phá
được một bí mật thú vị: “Con trai khoa Điện tử - Viễn thông trường ĐH Khoa
học tự nhiên hát cực hay. Hôm qua em đi học thế mà bọn họ chế ra hẳn một
giai điệu có một không hai nhé. Đừng tưởng đám con trai ấy chỉ biết đến máy
tính và lập trình không thôi nhé, họ cũng yêu trường và yêu thầy cô ghê lắm
đó!”. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">“Đợt tình nguyện này đã làm
cho tụi mình thấy công việc tiếp sức mùa thi có ý nghĩa rất thiết thực. Mục
đích không phải là làm cho có lệ để lấy giấy chứng nhận hay giấy khen mà đó
thực sự làm vơi đi những lo lắng của các thí sinh đi thi ĐH, CĐ và người
thân các em. Chính vì thế, nó làm cho tụi mình thấy vui hơn, bởi chúng mình
đang đi trên con đường màu xanh của tuổi trẻ - con đường chắp cánh cho những
ước mơ xây dựng tương lai”, cũng như nhiều SVTN khác, cô gái Ngô Thị Bích -
trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đã đúc kết và thể hiện trong
quyển nhật ký như vậy.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TNO</i></b></font></div>
</body>
</html>