<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div>
<meta content="text/html; charset=utf-8" http-equiv="Content-Type">
<title></title>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><strong>Ứng cử viên Công dân trẻ tiêu biểu TP. Hồ Chí Minh năm 2011</strong><br />
<strong>Trần Thị Lệ Xuân – Cô thợ dệt tận tâm với nghề</strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
17 tuổi, chị làm công nhân tại nhà máy dệt 1 Công ty dệt Việt Thắng (nay là Tổng Công ty Việt Thắng – CTCP). Cuộc sống công nhân gặp nhiều khó khăn nhưng những điều đó không làm nản lòng ý chí vượt lên hoàn cảnh để trở thành một công nhân giỏi. Sự lao động miệt mài, chăm chỉ của chị công nhân Trần Thị Lệ Xuân đã mang về cho chị những thành quả tốt đẹp, là “Bàn tay vàng” trong hội thi thợ giỏi ngành dệt Việt Nam lần thứ IV do Tập đoàn dệt may tổ chức.<br />
<br />
<strong>Có duyên với nghề dệt</strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
15 tuổi lên thành phố lập nghiệp. Ngày đầu rời Long An lên thành phố học nghề tại trường Cao Đẳng Công Thương, tối chị Xuân lại đi học bổ túc. Nhà chị còn bốn người em tuổi ăn tuổi học nên khi học xong trường nghề chị đành gác lại việc học bổ túc để đi làm. “Đầu quân” ở công ty dệt Việt Thắng, làm ở bộ phận điều khiển máy dệt. Chị vui mừng khi đã tìm được một công việc đúng chuyên môn của mình.</span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"> </span></div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><img width="294" height="336" alt="" src="chi%20le%20xuan.JPG" /></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Ngày đầu vô làm việc, chị phải học hơn người khác, chăm chỉ hơn. Chị cho biết “Học kiến thức thì biết, học ở trường thực tập trên một máy, nhưng đi làm một người đứng 8 máy thậm chí 16 máy. Nhìn cách người ta làm mà so sánh, làm hoài riết quen”. Cũng nhờ trưởng ca trực tiếp chỉ dẫn những kĩ thuật của một công nhân đứng máy, một công nhân đứng máy giỏi cần phải có những thao tác thật nhanh khi xử lí các mối sợi bị đứt và chất lượng sản phẩm phải đạt loại A cao, vì vậy chị đã tiếp thu thêm nhiều kinh nghiệm trong quá trình làm việc của mình. Tháng đầu đi làm lương chỉ có 416.000 đồng sau đó lên được 700.000 đồng đến 800.000 đồng. Sau 6 năm lương cũng lên được 4 triệu. Chị kể trung bình một tháng 27 công có khi chị làm đến 30, 31 công, nhiều lần đơn hàng nhiều công nhân tăng ca đêm. Làm nhiều rồi cũng quen, dần dần cũng không buồn ngủ, cứ vào công xưởng là “chân tay chạy hoài”, lúc đó chị tưởng tượng như mình là cái máy dệt, làm và làm.<br />
<br />
Có nhiều người làm rồi nản, họ làm vài tháng rồi bỏ. Bạn bè chị cũng bảo làm công ty khác đi. Chị chỉ nghĩ đơn giản “Người ta nản, mình ráng, biết đâu cuộc đời thay đổi”.</span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Chị bỏ đồng ruộng lên thành phố. “Mảnh đất hứa” sẽ mở ra cho chị nhiều cơ hội tìm việc làm để lo cho gia đình, cho ba mẹ. Chị cười “Hình như mình có duyên với nghề này, bây giờ nghĩ lại thấy điều đó đúng với mình thiệt!”.<br />
<br />
<strong>Dành tất cả cho con</strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Con chị đã được 6 tuổi, đang học lớp 1. Khi nhắc đến con, chị cho biết “Mình khó khăn nhưng cũng ráng lo cho con hơn một chút”. Nhìn con ngồi học, chị thấy mình hạnh phúc. Chị chia sẻ ngày nào bà nội rồi ông nội cũng dạy cháu học bài. Chị làm ca đêm thì chiều nào rảnh vẫn tranh thủ dạy cho con. Hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn nên chị cũng không dám sinh thêm đứa nữa vì khi đã sinh con là phải cho nó một cuộc sống đầy đủ hơn mình. Chia sẻ về tương lai, chị chỉ nói “Người ta có học thì cố gắng để tiến thân, chị làm công nhân thì chỉ mong làm đủ sống. Tiền dành dụm được chị muốn dành tất cả cho con”.</span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Nhìn dáng người nhỏ nhắn của chị dành tất cả tình thương yêu cho đứa con của mình mới thấy cảm phục tấm lòng người mẹ. Có thể chị không phải là một người nổi bật trong xã hội, nhưng bằng những việc làm bình dị hàng ngày trong công việc và cuộc sống gia đình, chị vẫn là một tấm gương cho sự vươn lên với khát vọng “đổi đời” từ sự chăm lo và hết mực thương yêu con của mình. Sự đóng góp thầm lặng của chị đã được đền đáp bằng những giải thưởng mà chị đạt được. Năm 2006 đạt lao động giỏi cấp nhà máy, năm 2007 đạt chiến sĩ thi đua cấp Công ty, năm 2008 đạt lao động giỏi cấp công ty, năm 2009 đạt lao động giỏi cấp Tổng công ty, năm 2010 đạt ”Bàn tay vàng” trong hội thi thợ giỏi ngành dệt Việt Nam lần thứ IV do Tập đoàn dệt may tổ chức; chiến sĩ thi đua cấp công ty và năm 2011 chị Trần Thị Lệ Xuân là gương thanh niên điển hình tiêu biểu thực hiện cuộc vận động Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác được Thành Đoàn khen tặng; chiến sĩ thi đua Bộ Công Thương. Chị cũng như nhiều anh chị em công nhân khác là những đóa hoa đẹp thầm lặng đang từng ngày góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.</span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-size: small;"><br />
<strong>Lê Diện</strong><br />
<br />
<br />
<br />
</span></div>
</meta>
</div>
<div><span style="font-size: small;"><br />
</span></div> </html>