<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH BCH TP</title>
</head>
<body>
<p><b><font face="Arial" size="2" color="#FF0000">ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH <br>
BCH TP. HỒ CHÍ MINH </font></b></p>
<p align="right"><i><font face="Arial" size="2">TP. Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 5 năm 2001</font></i></p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#FF0000">NGHỊ QUYẾT<br>
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH <br>
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH LẦN THỨ VII<br>
-------oOo-------</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<br>
Đại hội Đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh lần
thứ 7 với 600 Đại biểu chính thức thay mặt hơn 249.000 đoàn viên thanh niên cộng
sản thành phố, được tiến hành từ ngày 17/5/2001 đến ngày 19/5/2001, đã làm việc
khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, dân chủ.<br>
<br>
Đại hội đã nghe trình bày báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội
VI và nội dung phương hướng nhiệm vụ 2001 - 2005, báo cáo kiểm điểm của Ban chấp
hành Thành đoàn khóa VI ; trên cơ sở ý kiến thảo luận của Đại hội và kết quả
phiếu biểu quyết đã được công bố ;</font></p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#FF3300">ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH<br>
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH LẦN THỨ VII<br>
QUYẾT NGHỊ</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">1. Thông qua các văn kiện của Ban Chấp hành Thành Đoàn khóa VI trình Đại hội
Đoàn thành phố lần thứ VII cùng những nội dung quan trọng đã được biểu quyết
bằng phiếu và công bố trước Đại hội.<br>
<br>
2. Giao Ban Chấp hành Thành Đoàn khóa VII căn cứ vào kết quả thảo luận, kết quả
phiếu biểu quyết đã được công bố, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung
ương Đoàn và Thường trực Thành ủy để hoàn chỉnh thành văn kiện chính thức của
Đại hội và ban hành.<br>
<br>
3. Ban chấp hành Thành đoàn khóa VII có trách nhiệm cụ thể hóa Nghị quyết Đại
hội, xây dựng kế hoạch triển khai, quán triệt trong toàn Đoàn và lãnh đạo, chỉ
đạo tổ chức thực hiện có kết quả cao nhất Nghị quyết Đại hội đại biểu Đoàn Thanh
niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh lần thứ VII.</font></p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2">
<br>
<b><font color="#FF6600">ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH
</font></b></font></p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2"><b><font color="#FF6600">THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH LẦN THỨ VII</font></b></font></p>
<p align="justify"><font color="#00CC00" face="Arial" size="2"><b><u>
<a name="phan thu nhat"></a>Phần thứ nhất</u><br>
PHONG TRÀO HÀNH ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA THANH NIÊN VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN THANH NIÊN
CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH <br>
5 NĂM (1996 - 2000).</b></font><font face="Arial" size="2"><font color="#00CC00"><br>
</font>
<br>
<b><font color="#008080">I.- TÌNH HÌNH CHUNG VÀ TÌNH HÌNH THANH NIÊN NHỮNG NĂM CUỐI THẾ KỶ 20.<br>
</font></b>
<br>
<b>1.- Thành phố tiếp tục ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế - xã hội, tạo
điều kiện cho thanh niên rèn luyện và phát triển về nhiều mặt, tác động tích cực
đến hoạt động của Đoàn.</b><br>
<br>
Công cuộc đổi mới của Đảng tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng, mở ra
nhiều cơ hội cho Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng hội nhập
kinh tế thế giới và tiếp thu các thành tựu khoa học công nghệ, thúc đẩy sản xuất
phát triển, nâng cao đời sống nhân dân. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần 8,
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần VI và nhiều nghị quyết của Ban chấp
hành Trung ương Đảng khóa VIII, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) với
cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã có những tác động tích cực trong
việc củng cố niềm tin của thanh niên, tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho thanh
thiếu niên phát triển toàn diện. Việc quan tâm sơ kết và chỉ đạo tiếp tục thực
hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) về công tác thanh niên của các cấp ủy
Đảng, việc chọn năm 2000 là “Năm Thanh niên”, “Năm Trẻ em” đã tạo động lực cho
đoàn viên - thanh thiếu niên rèn luyện, cống hiến và trưởng thành. <br>
<br>
Tình hình chính trị thế giới trong những năm cuối thế kỷ 20 cũng diễn biến khá
phức tạp ; những tồn tại yếu kém trong tổ chức thực hiện chủ trương chính sách
của Đảng và nhà nước, những bất cập trong quản lý kinh tế - xã hội, chậm đổi mới
công tác cán bộ, sự phân hóa giàu - nghèo cũng đã ảnh hưởng đến tư tưởng chính
trị, nhận thức và lối sống của một bộ phận thanh niên.<br>
<br>
<b>2.- Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội 5 năm qua thái độ chính
trị của thanh niên cũng chuyển biến tích cực, các nhu cầu cơ bản của thanh niên
tiếp tục phát triển đa dạng với yêu cầu ngày càng cao.<br>
</b>a) Nhận thức và thái độ chính trị của thanh niên đã có biểu hiện ngày càng tích
cực. Số đông thanh niên thành phố ngày càng tin tưởng và ủng hộ công cuộc đổi
mới, tự nguyện tự giác tham gia thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của
thành phố thông qua các chương trình hành động cách mạng do Đoàn tổ chức. Thanh
niên đã biểu lộ rõ thái độ, chính kiến ủng hộ cái đúng, phản ứng gay gắt trước
những hiện tượng tiêu cực thông qua các diễn đàn thanh niên, báo chí… Số thanh
niên tự giác gia nhập các tổ chức Đoàn - Hội, số đoàn viên ưu tú được kết nạp
vào đội ngũ của Đảng hàng năm đều tăng. <br>
<br>
b) Nhu cầu được rèn luyện, cống hiến và tự khẳng định của thanh niên bộc lộ ngày
càng rõ nét. Dưới tác động của môi trường văn hóa - xã hội phong phú và đa dạng,
cuộc đấu tranh giữa lối sống tích cực và lối sống tiêu cực, không lành mạnh vẫn
diễn ra gay gắt trong thanh niên. Phần lớn thanh niên vẫn nỗ lực vươn lên tự
hoàn thiện nhân cách, khẳng định năng lực cá nhân, trân trọng các giá trị đạo
đức truyền thống, phẩm chất cách mạng và nêu cao tinh thần tình nguyện, xung
kích, cống hiến vì lợi ích xã hội. <br>
<br>
c) Nhu cầu học tập và phát triển tài năng phát triển mạnh mẽ. Hầu hết các đối
tượng thanh niên đều mong muốn được học tập, nâng cao trình độ, số lượng thanh
niên theo học ở tất cả các hệ đào tạo những năm gần đây tăng nhanh. Việc động
viên giúp đỡ học sinh, sinh viên học giỏi của các tổ chức xã hội và “Quỹ bảo trợ
tài năng trẻ” của thành phố đã giúp nhiều thanh thiếu niên có thêm điều kiện học
tập, phát triển tài năng. <br>
<br>
d) Rèn luyện nâng cao tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ, có việc làm ổn định và
nâng cao thu nhập là nhu cầu và cũng là vấn đề quan tâm nhiều nhất của đại bộ
phận thanh niên. Nhìn chung, thanh niên hăng say lao động, sáng tạo, luôn trau
dồi nghề nghiệp, tự giác học thêm bổ sung kiến thức nhằm ổn định việc làm và
nâng cao thu nhập chính đáng. Khá nhiều thanh niên được hỗ trợ tự tạo việc làm,
đã tích cực học hỏi kinh nghiệm vươn lên sản xuất kinh doanh giỏi, trở thành các
chủ doanh nghiệp hoặc chủ cơ sở sản xuất nhỏ và vừa. Nhiều lao động trẻ, trí
thức trẻ đã tình nguyện đi xây dựng nông thôn, tham gia vào các đội thanh niên
lao động tình nguyện trên các công trình xa, công trình trọng điểm… <br>
<br>
e) Nhu cầu giao lưu văn hóa, vui chơi giải trí của thanh niên có sự phát triển
nhanh so với đầu nhiệm kỳ. Thanh niên nhạy cảm, dễ dàng nắm bắt và thích nghi
với những cái mới. Việc tiếp cận những giá trị văn hóa mới đã giúp cho thanh
niên phát huy những phẩm chất tốt đẹp như năng động, sáng tạo, tích cực hòa nhập
cùng xã hội. Các sân chơi, tụ điểm văn hóa văn nghệ luôn thu hút rất đông thanh
niên tham gia. <br>
<br>
<b>3.- Tình hình thanh niên thành phố đặt ra cho tổ chức Đoàn nhiều vấn đề cần quan
tâm.<br>
</b>Nhìn chung, thanh niên thành phố rất năng động, sáng tạo, luôn ủng hộ sự nghiệp
đổi mới của Đảng, sống có nghĩa tình và luôn vượt khó, vươn lên trong mọi hoàn
cảnh ; ham học, ham làm, sẵn sàng tình nguyện thực hiện những nhiệm vụ khó khăn
trong cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều vấn đề đáng lo ngại vẫn tồn tại trong đời sống
thanh niên. Đó là một bộ phận thanh niên thiếu ý thức rèn luyện, nhận thức chính
trị kém, chưa được sự quan tâm chăm sóc, giáo dục đúng mức của gia đình nên dễ
bị tác động lôi kéo vào các hoạt động không lành mạnh, có nguy cơ cao dẫn đến tệ
nạn xã hội, phạm pháp. Thanh niên nói chung chưa quyết liệt tham gia đấu tranh
ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trong xã hội. <br>
<br>
a) Thanh niên công nhân chiếm khoảng 22,9 % tổng số thanh niên của thành phố, số
lượng tăng nhanh trong những năm qua, nhất là trong khu vực kinh tế ngoài quốc
doanh. Thanh niên công nhân từng bước đã đáp ứng được việc chuyển đổi cơ chế
quản lý, loại hình doanh nghiệp, có nhiều sáng kiến trong lao động sản xuất.
Nhưng thanh niên công nhân lại ít có điều kiện tiếp cận với các thông tin thời
sự chính trị - xã hội, đời sống văn hóa tinh thần còn đơn điệu, ít có điều kiện
tự đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi giải trí chính đáng của bản thân. Việc nâng
cao tay nghề, giác ngộ về ý thức giai cấp và quyền làm chủ của thanh niên công
nhân là vấn đề cần quan tâm.<br>
<br>
b) Công chức, viên chức trẻ có nhiều điều kiện để học tập nâng cao trình độ, mở
rộng kiến thức và cập nhật thông tin mới, đang hình thành một lớp cán bộ trẻ
giỏi về trình độ nghiệp vụ, phần lớn có đạo đức trong sáng, trách nhiệm cao với
công việc ; số ít còn biểu hiện quan liêu trong quan hệ với dân, chưa làm hết
trách nhiệm công chức.<br>
<br>
c) Thanh niên lao động tự do và thanh niên nghèo thành thị chưa thích ứng với cơ
chế mới, còn lúng túng trong phấn đấu để lập thân, lập nghiệp. Đa số có việc làm
không ổn định, đời sống bấp bênh, trình độ học vấn và tay nghề thấp. Đây là bộ
phận thanh niên cần được tổ chức Đoàn tập trung tạo điều kiện để họ ổn định cuộc
sống, mưu sinh, lập nghiệp và gia nhập vào các phong trào hành động của Đoàn.<br>
<br>
d) Thanh niên nông thôn chiếm 16,4 % tổng số thanh niên thành phố nhưng chỉ có
1/3 số đó là trực tiếp lao động nông nghiệp. Thanh niên nông thôn có nhiều cố
gắng trong lao động, tự tạo việc làm, giữ vững truyền thống tình làng, nghĩa xóm
nhưng đa số có trình độ học vấn, tay nghề thấp, ngại học, ít có điều kiện mở
rộng giao lưu, tiếp cận thông tin và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần nên
chậm thích nghi với quá trình đô thị hóa và chuyển dịch cơ cấu ngành nghề ở nông
thôn. Thanh niên nông thôn cần được hỗ trợ học văn hóa, học nghề, chuyển giao
kiến thức khoa học kỹ thuật và luật pháp để theo kịp sự phát triển của đời sống
kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố.<br>
<br>
e) Thanh niên trong lực lượng vũ trang luôn dũng cảm, mưu trí, sẵn sàng chịu
đựng gian khổ và hy sinh, là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ an ninh chính trị -
trật tự an toàn xã hội cho thành phố, luôn gắn bó với dân, giúp đỡ nhau vượt khó
hoàn thành nhiệm vụ. Trong giai đoạn mới tổ chức Đoàn cần đầu tư các nội dung và
hình thức giáo dục để tiếp tục nâng cao chất lượng chính trị tư tưởng và tăng
cường rèn luyện quân phong, quân kỷ trong thanh niên lực lượng vũ trang.<br>
<br>
f) Thanh niên sinh viên - học sinh : chiếm khoảng 27,7 % tổng số thanh niên
thành phố. Khá nhiều sinh viên đã có ý thức tự lập trong cuộc sống, vươn lên
trong học tập và nghiên cứu khoa học, nhạy cảm với những vấn đề chính trị xã
hội. Học sinh phổ thông ngày càng có nhiều điều kiện thuận lợi để học giỏi và mở
rộng kiến thức. Học sinh chuyên nghiệp được đầu tư bồi dưỡng kỹ năng thực hành
nghề nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Vấn đề bồi dưỡng lý tưởng,
giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức công dân, định hướng nghề nghiệp, tạo điều
kiện để sinh viên - học sinh tiếp cận thực tế.. là những vấn đề mà tổ chức Đoàn
cần quan tâm trong phối hợp với các lực lượng xã hội khác nhằm phát triển toàn
diện người sinh viên - học sinh.<br>
<br>
<br>
g) Trí thức trẻ thành phố đa dạng, phong phú về ngành nghề được đào tạo, trình
độ chuyên môn cao, giàu tiềm năng sáng tạo. Đại bộ phận trí thức trẻ đã có đóng
góp tích cực trong giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, tiếp nhận và chuyển
giao công nghệ mới. Nhiều hoạt động của trí thức trẻ (kể cả văn nghệ sĩ trẻ) thể
hiện sự gắn bó với xã hội và thành phố. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận trí thức
trẻ ít quan tâm đến tình hình chính trị, xã hội, chưa hòa mình vào thực tiễn xây
dựng, phát triển, bảo vệ thành phố và đất nước. Vì vậy, cần chú trọng bồi dưỡng
bản lĩnh chính trị và tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng, đối với đất nước
cho đội ngũ trí thức trẻ.<br>
<br>
h) Thanh niên có đạo và thanh niên các dân tộc ít người có nhu cầu tham gia hoạt
động xã hội, từ thiện ; yêu thích văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, quan tâm
giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, sống tốt đạo, đẹp đời và coi trọng truyền thống
gia đình.<br>
<br>
i) Nữ thanh niên ngày càng thể hiện rõ vai trò tích cực trong các hoạt động xã
hội, hăng hái tham gia các phong trào vì sự tiến bộ của phụ nữ. Tuy nhiên do
quan niệm gia đình, xã hội, điều kiện lao động, nên nhìn chung trình độ học vấn,
tay nghề, sự tham gia vào các hoạt động xã hội và thăng tiến trong cuộc sống còn
hạn chế. <br>
<br>
 Tình hình thanh niên với những xu hướng tích cực - tiêu cực đan xen lẫn nhau,
đã đòi hỏi tổ chức Đoàn Thanh niên thành phố càng phải năng động sáng tạo hơn
trong việc tổ chức các phong trào hành động phù hợp với đặc thù của từng đối
tượng thanh niên, nhằm phát huy có hiệu quả mặt tích cực đồng thời hạn chế những
mặt tiêu cực trong đời sống thanh niên.<br>
<br>
<font color="#008080"><b>II.- ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC PHONG TRÀO HÀNH ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA THANH
NIÊN.<br>
</b></font>
<br>
Nghị quyết Đại hội Đoàn thành phố lần VI (nhiệm kỳ 1996 - 2000) xác định 7
chương trình hành động : Mưu sinh lập nghiệp, Khuyến học - tài năng, Tuổi trẻ về
nguồn, Tuổi trẻ giữ nước, Công tác xã hội, Khỏe vì nước và Vì đàn em. Trong tổ
chức thực hiện hàng năm đều có bổ sung những nội dung - giải pháp mới, tên gọi
một số chương trình cũng đã có sự điều chỉnh cho phù hợp. Một số chương trình đã
được tổ chức khá đồng bộ ở tất cả các cấp, các khu vực và được nhiều đoàn viên,
thanh niên hưởng ứng (chương trình mưu sinh lập nghiệp, công tác xã hội, về
nguồn, khuyến học - tài năng).<br>
<br>
Từ năm 1999 đã có sự thay đổi khá lớn trong thiết kế các chương trình hành động
của Đoàn. Các hoạt động mang tính sáng tạo, nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa
học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống được tách thành chương trình khoa học công
nghệ. Như vậy, từ năm 1999 đến nay, Đoàn Thanh niên thành phố có 8 chương trình
hành động.<br>
<br>
<br>
Công tác giáo dục và các phong trào, chương trình hành động của thanh niên thành
phố đã đạt được những kết quả nhất định và có sự phát triển mới so với nhiệm kỳ
V. Các chương trình hành động của Đoàn đều nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu lợi ích
chính đáng của thanh niên, tạo môi trường hành động hữu ích cho thanh thiếu niên
tham gia ngày càng tích cực và hiệu quả hơn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển
thành phố. Thể hiện cụ thể ở những nội dung sau :<br>
<br>
<b>1.- Tạo được thế chủ động trong công tác giáo dục, góp phần hình thành lớp thanh
niên giàu lòng yêu nước, có ý thức trách nhiệm công dân, có tri thức, có sức
khỏe và lao động giỏi, sống có văn hóa và tình nghĩa :</b><br>
Kiên trì mục tiêu góp phần hình thành một thế hệ thanh niên mới, đáp ứng yêu cầu
của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đoàn đã tiếp tục thực hiện khá tốt
công tác giáo dục chính trị tư tưởng và đạo đức lối sống cho thanh niên thông
qua thực tiễn phong trào, các loại hình hoạt động văn hóa truyền thống về nguồn
và giáo dục điển hình. Đoàn đã từng bước tạo được thế chủ động hơn trong công
tác giáo dục. Việc ban hành nghị quyết chuyên đề về công tác tư tưởng văn hóa
(năm 1998) của Ban chấp hành Thành đoàn với các nội dung : giáo dục chính trị tư
tưởng, giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức lối sống và giáo dục pháp luật là
bước phát triển quan trọng trong công tác giáo dục của Đoàn, có tác động tích
cực làm chuyển biến nhận thức trong đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp và tạo được hiệu
quả nhất định trong công tác giáo dục thanh niên.<br>
<br>
a) Công tác giáo dục chính trị tư tưởng của Đoàn đã có một số tiến bộ mới góp
phần nâng cao nhận thức chính trị, bồi dưỡng niềm tin, khơi gợi tình cảm cách
mạng trong thanh niên. Trong những năm gần đây công tác giáo dục chính trị tư
tưởng không chỉ dừng lại trong nội bộ Đoàn mà còn từng bước mở rộng diện tác
động đến thanh niên bằng nhiều hình thức đa dạng đã tạo nhiều cơ hội để thanh
niên được bày tỏ chính kiến, trao đổi, tranh luận nâng cao nhận thức đồng thời
góp ý xây dựng Đảng, chính quyền và tổ chức Đoàn.<br>
<br>
Đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động về nguồn góp phần giáo dục truyền thống cách
mạng lịch sử - văn hóa - con người Việt Nam, nuôi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần
tự hào dân tộc, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, củng cố ý chí tự cường
và lòng tự tin hướng đến tương lai của thanh niên. Các cấp bộ Đoàn đã biết tận
dụng các sự kiện chính trị - xã hội quan trọng để thực hiện các nội dung tuyên
truyền giáo dục của Đoàn, biết kết hợp hài hòa giữa giáo dục truyền thống lịch
sử - văn hóa dân tộc, truyền thống cách mạng với truyền thống của tổ chức Đoàn,
truyền thống lịch sử - văn hóa của thành phố, của địa phương, ngành nghề, đơn
vị. Đặc biệt là giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng bất khuất
của dân tộc Việt Nam thông qua các nhân chứng lịch sử. Nhiều loại hình hoạt động
văn hóa truyền thống đa dạng tiếp tục được khẳng định, phát huy, trở thành những
hoạt động thường xuyên và phổ biến ở hầu hết các đơn vị cơ sở với qui mô và chất
lượng tổ chức được nâng lên rõ rệt. (Chỉ riêng chương trình về nguồn đã thu hút
gần 8 triệu lượt đoàn viên thanh niên tham gia, tăng hơn 8 lần so với nhiệm kỳ
V). <br>
<br>
Đoàn cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động góp phần định hướng giá trị đạo đức
và lối sống cho thanh niên, đặc biệt là giáo dục điển hình. Thực tiễn các chương
trình hành động của Đoàn là môi trường rèn luyện tích cực đối với sự phát triển
nhân cách, đạo đức và định hướng lối sống của thanh thiếu niên. Các phong trào,
các chiến dịch tình nguyện, các chương trình dự án của Đoàn đã giúp đoàn viên -
thanh thiếu niên trưởng thành hơn, tự tin hơn trong cuộc sống ; tính tự nguyện
tham gia các hoạt động xã hội, tinh thần trách nhiệm cộng đồng, lòng nhân ái,
lối sống tiết kiệm và tương thân tương trợ lẫn nhau trong thanh niên ngày càng
được khẳng định rõ nét. Tinh thần vượt khó và sự tiến bộ của thanh niên luôn
được động viên kịp thời nên đã có sức lan tỏa nhất định và mang lại hiệu quả
giáo dục khá tích cực trong đời sống xã hội. Từ 1999, cuộc vận động thanh niên
rèn luyện 8 phẩm chất “Yêu nước, hiếu thảo, kính thầy, thương người, hiếu học,
trung thực, kỷ luật, tiết kiệm” được đúc kết và phát triển từ thực tiễn sống
động của phong trào thanh niên và công tác giáo dục của Đoàn, góp phần hoàn
chỉnh định hướng những giá trị đạo đức cần phải rèn luyện trong thanh niên thành
phố. <br>
<br>
Đoàn đã tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật góp phần xây dựng ý
thức chấp hành pháp luật trong thanh niên, nâng cao trách nhiệm công dân và đưa
pháp luật vào đời sống xã hội. Một số Luật (bộ luật) và các văn bản quy phạm
pháp luật khác đã được tuyên truyền phổ biến rộng rãi thông qua các chiến dịch
Mùa hè xanh, các chiến dịch truyền thông, các phiên tòa tập sự, các cuộc thi tìm
hiểu kiến thức pháp luật, các lớp kiến thức cơ bản về pháp luật, các đợt sinh
hoạt chủ điểm… Một số đơn vị đã tập hợp được lực lượng nòng cốt và tổ chức các
câu lạc bộ pháp lý, câu lạc bộ tuổi trẻ và pháp luật, văn phòng tư vấn pháp luật
miễn phí cho thanh niên nghèo, đội nhóm tuyên truyền Luật nghĩa vụ quân sự… Các
loại hình trên chưa nhiều nhưng bước đầu đã góp phần đem lại một số kết quả nhất
định trong công tác giáo dục pháp luật của Đoàn. <br>
<br>
b) Hạn chế : việc tổ chức thực hiện các nội dung giáo dục của Đoàn chưa đồng
đều, chưa toàn diện tại từng đơn vị và từng cấp bộ (nhất là Đoàn cơ sở và chi
đoàn), chưa tác động nhiều đến thanh niên trung bình và thanh niên chậm tiến.
Các nội dung giáo dục lý tưởng cộng sản, giáo dục ý thức giai cấp công nhân, ý
thức cảnh giác cách mạng trước âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù
địch… chưa được thực hiện thường xuyên và liên tục. Có lúc có nơi việc tổ chức
các hoạt động giáo dục còn mang nặng tính hình thức, nội dung hời hợt. Nguyên
nhân của những hạn chế trên là do đội ngũ cán bộ Đoàn làm công tác giáo dục vừa
thiếu vừa yếu, trình độ lý luận chính trị hạn chế, đội ngũ báo cáo viên, tuyên
truyền viên của Đoàn còn mỏng ; thiếu sự hướng dẫn và định hướng thường xuyên
của các cấp bộ Đoàn và các cấp ủy Đảng về các nội dung giáo dục chính trị tư
tưởng trong thanh niên cũng như trong nội bộ cán bộ - đoàn viên.<br>
<br>
<b>2.- Đáp ứng nhu cầu lợi ích chính đáng của thanh niên, góp phần nâng cao chất
lượng nguồn nhân lực trẻ :<br>
</b>a) Trên cơ sở những kết quả đạt được của nhiệm kỳ V, Đoàn Thanh niên Cộng sản
thành phố đã tiếp tục tập trung tốt hơn cho việc vận động thanh niên giúp nhau
học nghề tự tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, khai thác tốt hơn nguồn lực trong
thanh niên để chăm lo cho sự phát triển của thanh niên.<br>
<br>
Phong trào “3 giúp” (giúp vốn, giúp giống, giúp nghề) của thanh niên Củ Chi và
phong trào “Mỗi chi đoàn giúp 1 hộ thanh niên nghèo” của Quận đoàn 11, đã được
nhân rộng trên phạm vi toàn thành. Cùng với Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố,
các cấp bộ Đoàn thuộc 22 quận huyện đã tích cực vận động đoàn viên thanh niên
tiết kiệm tích lũy được gần 2,8 tỉ đồng và nguồn vốn này đã hỗ trợ hàng ngàn
lượt thanh niên với số vốn phát vay hơn 4,1 tỉ đồng. Ngoài ra, qua các phong
trào trên tại cơ sở, thanh niên cũng đã giúp nhau hơn 5,1 tỉ đồng trong làm ăn.
Nếu tính cả 2 nguồn trên, số vốn thanh niên tiết kiệm tự giúp nhau đã tăng gấp 4
lần so với nhiệm kỳ V. Việc khai thác các nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước và các
tổ chức xã hội khác cũng tăng 65 % so với nhiệm kỳ trước. Đoàn đang từng bước mở
rộng mạng lưới cơ sở nhằm hỗ trợ thanh niên tìm kiếm việc làm, tìm cơ hội phát
triển sản xuất, góp phần nâng cao ý thức tự lập, thực hành tiết kiệm, tương thân
tương trợ lẫn nhau cùng vượt khó vươn lên trong cuộc sống.<br>
<br>
Phong trào VKT (vốn - kiến thức, khuyến nông - tương trợ, tiết kiệm) đã tập
trung tốt hơn cho hoạt động khuyến nông và chuyển giao kiến thức ứng dụng tiến
bộ khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp. Đoàn đã từng bước khai thác có hiệu quả
nguồn lực của ngành nông nghiệp, Hội nông dân và các cơ sở Đoàn hoạt động trên
lĩnh vực nông nghiệp hỗ trợ cho phong trào. Một số hoạt động được tổ chức khá
tốt như tập huấn bồi dưỡng kiến thức về khoa học kỹ thuật nông nghiệp, tổ chức
các điểm trình diễn, tham quan các vườn cây ăn trái ở miền Tây, hỗ trợ kỹ thuật
cây con giống… <br>
<br>
b) Thông qua các chương trình, dự án, Đoàn đã tích cực tham gia nâng cao trình
độ học vấn trong thanh niên, khuyến khích thanh niên học tập rèn luyện nâng cao
trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần tạo động lực thúc đẩy phong trào thi
đua học tập trong thanh niên tiếp tục phát triển. Các cấp bộ Đoàn cũng đã chủ
động hơn trong việc khai thác nguồn lực xã hội và cơ chế liên tịch với các ngành
để duy trì tốt các giải thưởng - học bổng khuyến học, phát triển các hoạt động
bảo trợ học đường để hỗ trợ thanh niên, sinh viên, học sinh nghèo vượt khó học
giỏi, góp phần giảm tỉ lệ học sinh nghèo bỏ học. Đoàn - Hội sinh viên các trường
đã biết phát huy vai trò giảng viên trẻ làm nòng cốt trong việc hướng dẫn, giúp
đỡ sinh viên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, tổ chức các hội nghị khoa học
sinh viên. Các cuộc thi học sinh giỏi nghề cũng đã được tổ chức nhiều hơn và
thường xuyên hơn trong các trường trung học chuyên nghiệp. Phong trào thi đua
học tập, các hoạt động sáng tạo, thi tìm hiểu kiến thức khoa học phổ thông, thi
tin học trẻ không chuyên, thi “những nhà sáng tạo trẻ”, thi sáng tạo mô hình…
cũng đã góp phần tích cực nâng cao tư duy nghiên cứu sáng tạo trong học sinh phổ
thông. <br>
<br>
Cuộc vận động rèn luyện lương tâm chức nghiệp được phát động từ năm 1998 đã thúc
đẩy sự phát triển rõ nét của phong trào tự rèn luyện, học tập nâng cao trình độ
chuyên môn nghiệp vụ trong đoàn viên - thanh niên khu vực hành chánh sự nghiệp.
Cuộc vận động đã góp phần đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện đạo đức và phát
triển năng lực công tác của đội ngũ cán bộ - công chức trẻ trước yêu cầu mới về
cải cách hành chánh và quản lý nhà nước. Các hội thi chuyên môn nghiệp vụ, thi
kiến thức quản lý nhà nước, việc hình thành các tủ sách nghiệp vụ , câu lạc bộ
nghiệp vụ, các công trình thanh niên cải tiến qui trình nghiệp vụ, cuộc vận động
rèn luyện đạt danh hiệu cán bộ - công chức trẻ giỏi… đã tạo động lực tinh thần
và môi trường hành động cho đoàn viên - thanh niên nâng cao trình độ nghiệp vụ
chuyên môn, thực hiện tốt chức trách được phân công và góp phần nâng cao hiệu
quả hoạt động của đơn vị.<br>
<br>
c) Hoạt động văn hóa - thể thao của Đoàn không chỉ đơn thuần là hoạt động vui
chơi giải trí mà luôn gắn bó mật thiết với sự phát triển của các phong trào hành
động trong thanh niên, hoạt động văn hóa luôn gắn với về nguồn, gắn với định
hướng giáo dục của Đoàn về các giá trị đạo đức, thẩm mỹ và lối sống của thanh
niên. Mô hình “Sân chơi cuối tuần”, “Ngày chủ nhật khỏe”, các đêm lễ hội văn hóa
thanh niên trên đường phố, cuộc vận động đọc sách “Ngọn lửa tuổi trẻ” và xây
dựng tủ sách thanh niên… là những hoạt động có tác động tích cực đến đời sống
văn hóa của thanh niên thành phố. Đến nay hoạt động văn hóa - thể thao đã trở
thành một loại hình hoạt động mà hầu như cơ sở nào cũng tổ chức được. Hoạt động
văn hóa - thể thao cũng đã được các cấp bộ Đoàn sử dụng có hiệu quả trong công
tác tuyên truyền cổ động chính trị, các chiến dịch truyền thông về các vấn đề xã
hội, góp phần phổ biến và vận động thanh niên thực hiện tốt các nghị quyết, nghị
định…<br>
<br>
d) Hạn chế : các hoạt động định hướng nghề nghiệp trong học sinh phổ thông chưa
được đầu tư đúng mức, tổ chức Đoàn trên địa bàn dân cư chưa làm tốt công tác tư
vấn giúp thanh niên sử dụng đồng vốn có hiệu quả và hướng dẫn cơ sở quản lý tốt
nguồn vốn. Đoàn chưa tạo được mạch nối giữa trường đại học với doanh nghiệp nên
sản phẩm nghiên cứu khoa học của các trí thức trẻ, của sinh viên chưa gắn với
nhu cầu thực tiễn sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội, phần lớn các đề tài
nghiên cứu chưa có khả năng ứng dụng.<br>
<br>
<b>3.- Phát huy các nguồn lực, tạo môi trường hành động để thanh niên rèn luyện góp
phần thực hiện nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội của thành phố :<br>
</b>a) Phong trào CKT (chất lượng - kiểu dáng - tiết kiệm, tiếp thị) trong thanh
niên công nhân tiếp tục được nâng chất đã tạo môi trường hành động cho thanh
niên tham gia phát triển kinh tế, góp phần phát triển khả năng sáng tạo, tay
nghề và trình độ quản lý sản xuất trong thanh niên công nhân. Số lượng các công
trình thanh niên trên lĩnh vực sản xuất kinh doanh không tăng so với nhiệm kỳ V
nhưng giá trị làm lợi cho các đơn vị đã tăng gấp đôi. Số lần tổ chức hội thi tay
nghề và số lượt đoàn viên thanh niên tham gia cũng tăng gần gấp 3 lần. Các mô
hình tập thể do thanh niên quản lý (cửa hàng thanh niên, khu máy thanh niên, đội
xe thanh niên, phân xưởng thanh niên…) được xây dựng nhiều hơn, hiệu quả hơn.
Gần đây, một số cơ sở Đoàn đã thật sự trở thành lực lượng nòng cốt trong việc
phổ biến kiến thức và tổ chức thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu
chuẩn quốc tế, hoặc chủ động hướng dẫn thanh niên công nhân tiếp cận và quản lý
vận hành công nghệ mới, vận động thanh niên công nhân phát huy sáng kiến, tiếp
tục khẳng định vai trò của tổ chức Đoàn trong hoạt động doanh nghiệp.<br>
<br>
b) Công trình thanh niên do cơ sở Đoàn tổ chức là một môi trường rèn luyện khá
toàn diện và có hiệu quả đối với đoàn viên, thanh niên. Phương thức tổ chức
phong trào bằng các công trình thanh niên, phần việc thanh niên xuất phát từ
phong trào CKT của thanh niên công nhân, đến nay đã được các cấp bộ Đoàn chỉ đạo
thực hiện phổ biến ở hầu hết các lĩnh vực hoạt động của Đoàn. Công trình thanh
niên không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho đơn vị mà đã mang lại hiệu quả thiết
thực về đời sống - văn hóa - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
trẻ, củng cố và từng bước nâng cao uy tín chính trị của tổ chức Đoàn trong thanh
niên và xã hội. Từ tháng 6/1996 đến nay các cơ sở Đoàn đã thực hiện hơn 20.000
công trình thanh niên, phần việc thanh niên (gấp 6 lần nhiệm kỳ V và chỉ tính
riêng số công trình thanh niên năm 2000 đã nhiều hơn tổng số công trình thanh
niên của hơn 3 năm trước đó), trong đó có khoảng 50 - 60 % là công trình thanh
niên do chi đoàn thực hiện. <br>
<br>
c) Công tác xã hội của Đoàn đã được tổ chức chủ động hơn ở cơ sở, đều hơn ở các
khu vực, các hoạt động đều có trọng tâm, trọng điểm, có sự điều phối tập trung
của Thành đoàn và quận huyện - Đoàn tương đương. Đoàn đã kiên trì tổ chức các
ngày chủ nhật xanh, xây dựng công trình sạch đẹp, chiến dịch tình nguyện Mùa hè
xanh, ngày thứ bảy tình nguyện “Vì trẻ em” và nhiều hoạt động xã hội khác chăm
lo gia đình chính sách, các đối tượng xã hội, đặc biệt là trẻ em nghèo… góp phần
tích cực tham gia phát triển cơ sở hạ tầng ở nông thôn, xây dựng trường học, nhà
tình thương, thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa và các chính sách xã hội khác
của thành phố. Các cấp bộ Đoàn đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các
đội hình thanh niên tình nguyện làm công tác xã hội, nâng cao ý thức trách nhiệm
công dân và tinh thần tự nguyện tự giác hành động vì lợi ích xã hội của thanh
niên. Số lượt đoàn viên thanh niên tham gia đóng góp giá trị vật chất và vận
động các giới cùng tham gia với Đoàn đã tăng lên nhiều lần.<br>
<br>
d) Công tác tuyên truyền phòng chống ma túy của Đoàn đã có những nỗ lực đáng kể
góp phần xây dựng ý thức tự phòng tránh ma túy trong thanh thiếu niên và giúp
được nhiều thanh thiếu niên từ bỏ con đường nghiện ngập trở về cuộc sống cộng
đồng. Các cơ sở Đoàn đã cố gắng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền vận động,
vừa kiên trì thực hiện thường xuyên vừa chỉ đạo tập trung cao điểm hoặc theo
chiến dịch, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm. Các đội hình thanh niên tình
nguyện phòng chống ma túy, tư vấn giúp đỡ người nghiện, tổ chức tuyên truyền tại
các quán cà phê tư nhân, các ký túc xá… đã được thử nghiệm thành công và đang
tiếp tục nhân rộng trên địa bàn dân cư. Việc phối hợp với các ngành chức năng
trong đấu tranh chống tội phạm về ma túy và cai nghiện ma túy bước đầu đã đạt
được một số kết quả tốt. Một số Quận - Huyện đoàn đã tổ chức và phát huy được
lực lượng thanh niên tình nguyện trong công tác phòng chống ma túy ngay tại
phường - xã, khu phố - ấp.<br>
<br>
e) Từ việc tổ chức cho đoàn viên thanh niên tích cực tham gia phong trào giữ gìn
an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, Đoàn đã từng bước tham gia xây dựng
chính quyền cơ sở, thực hiện qui chế dân chủ ở phường - xã, cơ quan, doanh
nghiệp là bước tiến bộ mới trong công tác thanh niên của Đoàn. Một số cách làm
hay, nội dung mới sáng tạo của cơ sở đã được nâng chất và nhân rộng. Đó là việc
tổ chức Liên hoan Thanh niên tiến bộ trong quá trình thực hiện Nghị quyết liên
tịch 02 với ngành Công an, tặng sổ tiết kiệm “Vì người bạn tòng quân”, các công
trình thanh niên chuyển hóa địa bàn phức tạp, vận động đoàn viên tình nguyện
tham gia Ban điều hành khu phố - tổ dân phố, xây dựng các đội nhóm thanh niên
tình nguyện phòng chống tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội, đội thanh niên xung
kích, đội thanh niên chuyên nhiệm… Với nhiều loại hình hoạt động, các cấp bộ
Đoàn đã từng bước tổ chức được lực lượng nòng cốt và tham gia có hiệu quả hơn
trên lĩnh vực quản lý trật tự an toàn xã hội. Cuộc vận động xây dựng khu phố -
ấp “An toàn - sạch đẹp - văn minh - nghĩa tình” là một giải pháp khá toàn diện
được đúc kết từ phong trào hành động của đoàn viên thanh niên trên địa bàn dân
cư và bước đầu triển khai thực hiện có hiệu quả từ năm 1999. Thông qua các phong
trào thi đua phù hợp đặc thù từng đơn vị, hoạt động Đoàn trong khu vực lực lượng
vũ trang đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo ổn định chính trị và trật tự
an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.<br>
<br>
f) Hạn chế : phong trào CKT chưa phát triển sâu rộng trên phạm vi toàn khu vực.
Nhiều cơ sở Đoàn chưa chú ý đúng mức đến công tác tuyên truyền trong quá trình
làm công tác xã hội và tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường nên diện tác động
chưa rộng đến từng hộ dân, từng đối tượng thanh niên, chưa vận động được đông
đảo thanh niên và nhân dân tại chỗ tham gia. Công tác tuyên truyền, phòng chống
tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy chưa đạt kết quả cao. Vai trò của chi
đoàn tại nhiều đơn vị trong việc tạo môi trường hành động để đoàn viên thanh
niên rèn luyện, cống hiến cũng như tham gia thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở
còn nhiều hạn chế. Qui trình tổ chức đăng ký - theo dõi - kiểm tra - công nhận
công trình thanh niên chưa được thực hiện chặt chẽ.<br>
<br>
<b>4.- Chăm sóc, bồi dưỡng và giáo dục thiếu niên - nhi đồng :<br>
</b>a) Hầu hết các cơ sở Đoàn đã phát huy được nguồn lực của hệ thống tổ chức Đoàn
và xã hội nhằm chăm lo về vật chất lẫn tinh thần cho thiếu nhi, nhất là trẻ em
chưa được đến trường, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, ở ngoại thành, vùng sâu,
vùng xa. Trong 5 năm qua, Đoàn đã vận động được hàng tỷ đồng và hàng vạn học cụ,
đồng phục, tập trắng, sách giáo khoa… giúp cho hàng trăm ngàn em có nguy cơ bỏ
học trở lại trường lớp và các em nghèo có điều kiện học tốt. Các giải thưởng
khuyến học do Đoàn khởi xướng ngày càng được tổ chức với quy mô lớn hơn, sâu
rộng hơn góp phần tạo được phong trào thi đua trong học tập, rèn luyện bền bỉ,
vượt khó vươn lên của đội viên, học sinh.<br>
<br>
Hưởng ứng các ngày cùng hành động “Vì trẻ em”, “Tháng hoạt động vì đàn em”, thực
hiện phương châm “Mỗi cơ sở Đoàn - một công trình thiết thực vì đàn em”… các cơ
sở Đoàn đã tổ chức nhiều loại hình để chăm lo và đáp ứng nhu cầu học tập, vui
chơi giải trí cho các em. Đoàn khu vực trường học đã kiên trì thực hiện các công
trình : xóa mù chữ, chống tái mù chữ, công trình “Giữ vững sĩ số, giảm tỷ lệ học
sinh lưu ban” góp phần hạn chế tối đa tình trạng bỏ học của các em vì hoàn cảnh
khó khăn. Đoàn đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, phát huy có hiệu quả các
đơn vị sự nghiệp của Đoàn trong việc vận động toàn xã hội bảo vệ, chăm sóc và
giáo dục thiếu nhi. Các cơ sở Đoàn đã chủ động vận động các em có hoàn cảnh đặc
biệt khó khăn đến lớp học tình thương, các “mái ấm, “nhà mở”, “tổ ấm”, “lớp vừa
học vừa làm”… không chỉ giúp các em vừa được học văn hóa, học nghề mà còn chuẩn
bị cho các em đến tuổi trưởng thành có việc làm, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm
và tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên, lên án tình trạng ngược đãi, vi phạm
nhân phẩm trẻ em, chống lạm dụng sức lao động và tình dục trẻ em.<br>
<br>
b) Từ thực tế hoạt động phong trào trong những năm qua, lực lượng tình nguyện
phụ trách thiếu nhi trên địa bàn dân cư được hình thành và ngày càng phát triển
mạnh hơn. Năm 1996, toàn thành phố có 72 câu lạc bộ, đội nhóm với 1.336 phụ
trách thì đến năm 2000 có 252 câu lạc bộ đội nhóm với 2.496 phụ trách thiếu nhi
trên địa bàn dân cư. Hầu hết các Quận Huyện đoàn đã chú trọng xây dựng, phát
triển và đội ngũ hóa lực lượng phụ trách thiếu nhi, tăng cường công tác đào tạo,
huấn luyện và phát huy đội ngũ phụ trách tình nguyện, hình thành lực lượng giáo
dục viên trẻ em đường phố.<br>
<br>
c) Phong trào thiếu nhi tiếp tục phát triển sâu rộng trong trường học và cả trên
địa bàn dân cư với nhiều hoạt động thiết thực, đa dạng và bổ ích đối với các em.
Các phong trào "Vượt khó và giúp bạn vượt khó", "Về nguồn", "Em yêu khoa học",
"Vì thành phố sạch đẹp - văn minh", Kế hoạch nhỏ… đã được duy trì và nâng chất
trong suốt 5 năm qua. Tuổi nhỏ thành phố đã tích cực tham gia thực hiện các chủ
trương của Đoàn Thanh niên Cộng sản thành phố bằng chính các phong trào của
mình. Các em đã quyên góp hàng tỉ đồng giúp bạn nghèo, giúp các bạn vùng bị lũ
lụt, tham gia tiết kiệm xây dựng nhà nghĩa, nhà tình thương, xây dựng công trình
trường Trần Văn Chẩm (Củ Chi), trường An Thạnh (Bến Tre), phụng dưỡng Bà Mẹ Việt
Nam anh hùng. Các phong trào trên đã tạo môi trường tốt cho các em từng bước làm
quen với đời sống cộng đồng, rèn luyện tinh thần lao động - học tập sáng tạo và
lối sống tiết kiệm vì lợi ích bản thân, gia đình và xã hội.<br>
<br>
d) Việc ban hành Quyết định 99 của Ủy ban nhân dân thành phố về quy chế hoạt
động Nhà Thiếu nhi quận huyện đã tạo động lực mạnh mẽ cho việc củng cố các Nhà
Thiếu nhi, đẩy mạnh việc tổ chức chăm sóc và giáo dục trẻ em.<br>
<br>
e) Hạn chế : công tác qui hoạch và đội ngũ hóa lực lượng phụ trách chưa được
thực hiện một cách đồng bộ. Chương trình huấn luyện, đào tạo đội ngũ phụ trách
Đội vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Phong trào thiếu nhi còn mang tính khuôn mẫu, áp
đặt, chưa khơi gợi được sự chủ động sáng tạo của các em, phong trào ở chi đội
chưa mạnh, chưa lan tỏa đến đông đảo đội viên, thiếu nhi.<br>
<br>
<b>5.- Thực hiện 2 công trình thanh niên thành phố :<br>
</b>a) Ngay sau Đại hội VI, Ban chấp hành đã triển khai đồng loạt hệ thống các giải
pháp từ cấp chi đoàn đến cấp thành để thực hiện công trình thanh niên xây dựng
1000 phòng học. Đã nỗ lực phát hành 8 đợt vé số ; tổ chức các hoạt động văn hóa
văn nghệ, thể dục thể thao ; phát hành các sản phẩm mang nhãn hiệu 1000 phòng
học ; vận động tiết kiệm,… Sau gần 4 năm thực hiện, Đoàn đã vận động được 16,5
tỷ đồng cho công trình (tương đương 235 phòng học, trị giá 70 triệu/phòng). Công
trình này đã có tính lan tỏa rộng lớn và thu được sự ủng hộ tích cực trong toàn
Đoàn và xã hội, khẳng định rõ nét tính xung kích của Đoàn Thanh niên Cộng sản
thành phố Hồ Chí Minh trong khơi sức thanh niên tham gia thực hiện các chương
trình xã hội góp phần khẳng định uy tín của tổ chức Đoàn.<br>
<br>
b) Các cấp bộ Đoàn đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai các giải pháp thực
hiện công trình phổ cập trung học cơ sở cho thanh niên công nhân. Trên cơ sở
khảo sát trình độ học vấn trong thanh niên công nhân một số đơn vị đã thực hiện
công tác tuyên truyền vận động, tham mưu cho cấp ủy Đảng, phối hợp với Công đoàn
xây dựng qui chế học tập, hỗ trợ kinh phí, dụng cụ học tập, hình thành các loại
quỹ khuyến học, cơ chế khen thưởng, nâng bậc lương cho thanh niên công nhân tích
cực học tập và học giỏi, tổ chức các nhóm hướng dẫn học tập… nhằm thực hiện tốt
công trình tại từng đơn vị cơ sở. Trong 4 năm qua (1997 - 2000), các cơ sở Đoàn
đã tổ chức được 343 lớp học, vận động 41.869 lượt thanh niên công nhân và lao
động trẻ đi học phổ cập trung học cơ sở đến nay đã có hơn 3.400 thanh niên hoàn
thành chương trình trung học cơ sở. Công trình đã có tác động tích cực đến phong
trào học bổ túc văn hóa không chỉ trong thanh niên công nhân mà cả các đối tượng
khác trên địa bàn dân cư, góp phần tác động đến việc hình thành cơ chế khuyến
khích học tập ở một số đơn vị, nâng cao mặt bằng dân trí trong thanh niên thành
phố.<br>
<br>
c) Hạn chế : Công trình 1000 phòng học chỉ đạt gần 30 %, công trình phổ cập
trung học cơ sở chỉ đạt hơn 17 % nếu tính trên số thanh niên công nhân diện phổ
cập trung học cơ sở được thống kê đầu nhiệm kỳ. Chỉ tiêu của công trình đặt ra
đã vượt quá khả năng thực hiện của Đoàn Thanh niên thành phố nên 2 công trình
đều không đạt kết quả cao. <br>
<br>
<font color="#008080"><b>III.- CÔNG TÁC TẬP HỢP THANH NIÊN, PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG, XÂY DỰNG TỔ CHỨC ĐOÀN.<br>
</b></font>
<br>
Nhiệm kỳ VI (1996 - 2000) đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác xây
dựng Đoàn của Đoàn Thanh niên Cộng sản thành phố. Sự thành công của năm xây dựng
Đoàn (1997) đã làm chuyển biến cơ bản công tác xây dựng Đoàn, tạo đà cho việc
đẩy mạnh công tác phát triển lực lượng, củng cố tổ chức nhất là cấp chi đoàn,
tiếp đó việc ban hành 3 Nghị quyết chuyên đề của Ban chấp hành Thành đoàn khóa
VI đã định hướng một cách toàn diện và có hệ thống về công tác xây dựng Đoàn.<br>
<br>
Qua 4 năm triển khai liên tục, đồng bộ nhiều giải pháp, công tác xây dựng Đoàn
đã có sự chuyển động tích cực về chất và lượng. Hoạt động chi đoàn ở các khu vực
nhìn chung đã có sự tiến bộ đáng kể. Công tác quản lý đoàn viên từng bước được
chấn chỉnh, vai trò nòng cốt chính trị của đoàn viên ở nhiều nơi đã được phát
huy. Công tác tập hợp thanh niên và phát triển lực lượng chính trị đã có sự
chuyển biến. Tổng số đoàn viên tăng bình quân 18 % hàng năm và năm 2000 Đoàn số
của thành phố đã vượt tổng số đoàn viên năm 1987 - đỉnh cao nhất của biểu đồ
Đoàn số trong 25 năm qua. Chất lượng đoàn viên, chất lượng chi đoàn từng bước
được nâng lên.<br>
<br>
Tuy nhiên, tổ chức Đoàn đông nhưng chưa thật sự mạnh ở tế bào, bản lĩnh chính
trị của nhiều Bí thư chi đoàn, của đoàn viên còn yếu, vai trò nòng cốt chính trị
của Đoàn trong tổ chức Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Sinh viên chưa được thực
hiện tốt, mặt trận thanh niên của Đoàn chưa rộng.<br>
<br>
<b>1.- Mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên :</b><br>
a) Thông qua việc tổ chức các phong trào hành động cách mạng, các cấp bộ Đoàn đã
có nhiều cố gắng đa dạng hóa các hình thức tập hợp thanh niên theo hướng mở rộng
diện tập hợp và nâng chất các đội hình, câu lạc bộ, đội nhóm, đặc biệt là xây
dựng đội hình thanh niên bên cạnh chi đoàn. Tổng số các câu lạc bộ, đội nhóm do
Đoàn - Hội quản lý đã tăng gấp 3 lần, số thành viên tham gia tăng hơn 4 lần so
với đầu nhiệm kỳ và đã có gần 2.000 chi đoàn xây dựng được đội hình thanh niên.
Một số quận huyện - tương đương bước đầu đã quan tâm đến việc hướng dẫn hoạt
động của các câu lạc bộ, đội nhóm, hướng dẫn chi đoàn xây dựng các đội hình
thanh niên. Nghị quyết 02/Ban chấp hành Thành đoàn được ban hành từ năm 1998
cùng các giải pháp như : cuộc vận động “Tôi và 18”, phương thức “1 + 1”, mỗi chi
đoàn xây dựng ít nhất 1 đội hình thanh niên…, đã có tác động nâng cao nhận thức
của cán bộ Đoàn các cấp về công tác tập hợp thanh niên và kết quả của công tác
này tại cơ sở.<br>
<br>
b) Vai trò nòng cốt chính trị của Đoàn trong xây dựng Hội Liên hiệp Thanh niên,
Hội Sinh viên (gọi tắt là Hội) từng bước được thể hiện rõ nét hơn. Các cấp bộ
Đoàn đã chủ động hỗ trợ Hội trong công tác huấn luyện cán bộ, xây dựng và phát
triển tổ chức cơ sở Hội, vận động thanh niên gia nhập Hội và góp ý xây dựng
chương trình công tác của tổ chức Hội các cấp.<br>
<br>
Tổ chức Đoàn đã phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên đầu tư thành lập Ủy ban
Hội tại 70 % phường - xã, xây dựng chi hội tại 50 % khu phố - ấp và nâng tổng số
hội viên tăng gần 50 % so với đầu nhiệm kỳ. Trong 5 năm, Đoàn đã tham gia phát
triển tổ chức Hội Sinh viên tại 18 trường đại học - cao đẳng, với số lượng hội
viên tăng gấp 5 lần so với đầu nhiệm kỳ. Hoạt động của Hội là môi trường tích
cực góp phần rèn luyện hành động thực tiễn cho người thanh niên trước khi vào
Đoàn và tổ chức Hội đã trở thành nguồn bổ sung đội ngũ cán bộ - đoàn viên có
chất lượng cho tổ chức Đoàn.<br>
<br>
c) Tập trung hơn cho công tác tập hợp và xây dựng lực lượng chính trị trong
thanh niên lao động ngoài quốc doanh và đạt được một số kết quả so với đầu nhiệm
kỳ. Nếu từ 1998 trở về trước công tác tập hợp thanh niên lao động ngoài quốc
doanh hầu như dậm chân tại chỗ thì 2 năm qua với nhiều giải pháp như : tuyên
truyền vận động các doanh nghiệp, vận động xây dựng lực lượng nòng cốt, chỉ đạo
điểm, phân cấp và hướng dẫn cơ sở qui trình thực hiện, hình thành câu lạc bộ cán
bộ Đoàn khu vực ngoài quốc doanh… đã đem lại một số kết quả bước đầu. Đến nay
toàn thành phố đã có 94 chi đoàn với 2.077 đoàn viên, 69 chi hội với 4.063 hội
viên trong khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.<br>
<br>
d) Hạn chế : diện tập hợp còn hẹp, chủ yếu vẫn là sinh viên học sinh, các đối
tượng khác (thanh niên có đạo, thanh niên dân tộc, doanh nghiệp trẻ, trí thức
trẻ, thanh niên lao động tự do…) chưa được đầu tư đúng mức. Công tác xây dựng tổ
chức Đoàn - Hội trong khu vực kinh tế ngoài quốc doanh và phát triển tổ chức cơ
sở của Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Sinh viên vẫn còn chậm, chưa đạt yêu cầu.
Đoàn chưa đầu tư đúng mức trong việc phối hợp với tổ chức Hội định hướng tổ chức
và hoạt động của Ủy ban Hội phường xã. <br>
<br>
<b>2.- Xây dựng Đoàn về tư tưởng chính trị :<br>
</b>a) Nhận thức chính trị của đoàn viên tiếp tục có chuyển biến khá tích cực, Đoàn
đã kiên trì thực hiện nhiều giải pháp tập trung nhằm nâng cao chất chính trị
trong sinh hoạt Đoàn các cấp, đặc biệt là chi đoàn. Hàng năm, đều có ít nhất 4
đợt sinh hoạt chủ điểm và một đợt sinh hoạt chính trị trong toàn Đoàn với nội
dung được định hướng thống nhất ở tất cả các khu vực. Từ sinh hoạt chủ điểm toàn
thành, một số đơn vị đã vận dụng chỉ đạo chi đoàn tổ chức sinh hoạt mỗi tháng 1
chuyên đề hoặc 15’ sinh hoạt chính trị đầu giờ… Các diễn đàn chính trị - xã hội,
cẩm nang rèn luyện đoàn viên, các cuộc thi “Tôi - người đoàn viên thanh niên
cộng sản”, thi lý luận chính trị, thi Olympic các môn khoa học Mác - Lênin… đã
tạo thêm nhiều cơ hội cho đoàn viên được tiếp cận, trao đổi và thảo luận những
vấn đề lý luận, tư tưởng của Đoàn, góp phần nâng dần nhận thức chính trị của
đoàn viên.<br>
<br>
b) Đoàn đã từng bước chú trọng hơn đến việc nghiên cứu thanh niên, tổng kết thực
tiễn một cách khoa học. Cấp thành và cấp quận huyện - tương đương, đã cố gắng bổ
sung các giáo trình huấn luyện cán bộ Đoàn trên cơ sở, đúc kết nhân rộng các mô
hình - giải pháp sáng tạo của cơ sở, hệ thống hóa các giải pháp chỉ đạo của
Đoàn. Ba nghị quyết chuyên đề của Ban chấp hành Thành đoàn khóa VI chính là kết
quả của quá trình tổng kết thực tiễn và nghiên cứu hệ thống các giải pháp đồng
bộ cho công tác xây dựng Đoàn, làm cơ sở lý luận cho việc thống nhất tư tưởng và
hành động trong đội ngũ cán bộ - đoàn viên. Việc triển khai tổ chức cho đoàn
viên học 5 bài chính trị cơ bản (năm 1999) và trang bị trình độ lý luận chính
trị sơ cấp cho Bí thư chi đoàn (năm 1998) là một bước tiến mới trong quá trình
nâng cao trình độ lý luận về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh cho
đội ngũ cán bộ - đoàn viên. Đến nay đã có 32,2 % đoàn viên và 52,4 % Bí thư chi
đoàn hoàn thành chương trình theo qui định.<br>
<br>
c) Các cấp bộ Đoàn chủ động hơn trong việc xây dựng lực lượng tuyên truyền viên
cơ sở, nắm thông tin dư luận và tăng cường thông tin các chủ trương chính sách
của Đảng - nhà nước, các nghị quyết, chỉ đạo của Đoàn cấp trên đến thanh niên.
Các đội nhóm tuyên truyền viên, thông tin dư luận, các bản tin chi đoàn, bản tin
khu phố, bản tin quận huyện - Đoàn tương đương, các chương trình phát thanh
thanh niên tại xã, ấp , ký túc xá, doanh nghiệp… được xây dựng nhiều hơn, phát
huy được vai trò của một bộ phận đoàn viên và chi đoàn trong thực hiện công tác
chính trị tư tưởng của Đoàn tại cơ sở. “Thông tin trong Đoàn” hàng tháng của
Thành đoàn được cải tiến và nâng chất, đáp ứng được yêu cầu định hướng nội dung
sinh hoạt chi đoàn định kỳ, đặc biệt là sinh hoạt về tư tưởng. Công tác thông
tin trong nội bộ hệ thống tổ chức của Đoàn đã có nhiều tiến bộ so với nhiệm kỳ
trước.<br>
<br>
d) Hạn chế : một bộ phận không nhỏ chi đoàn chưa thực hiện thường xuyên công tác
tư tưởng của Đoàn, chưa xem đó là nhiệm vụ của mỗi cán bộ - đoàn viên. Nội dung
sinh hoạt chính trị của chi đoàn chủ yếu theo chỉ đạo của cấp trên, chưa xuất
phát từ các vấn đề gai góc đang đặt ra ngay tại đơn vị cơ sở. Bản lĩnh chính trị
của một bộ phận đoàn viên vẫn chưa được khẳng định rõ nét. Đội ngũ cán bộ làm
công tác nghiên cứu, giảng dạy, làm công tác tư tưởng văn hóa vẫn chưa được quan
tâm đầu tư nâng chất. Công tác lý luận của Đoàn chưa ngang tầm với thực tiễn
phong trào thanh niên thành phố. <br>
<br>
<b>3.- Xây dựng Đoàn về tổ chức :<br>
</b>a) Trong nhiệm kỳ qua, công tác đoàn viên đã có sự chuyển biến khá tích cực. Từ
chỗ tiếp tục ngăn chặn có hiệu quả sự giảm sút đoàn số, Đoàn đã tích cực phát
triển lực lượng đoàn viên mới, đưa Đoàn số tăng dần hàng năm. Các giải pháp nhằm
nâng cao chất lượng công tác phát triển đoàn viên được tập trung tốt hơn. Chất
lượng đoàn viên hiện nay đã có nhiều tiến bộ hơn so với đầu nhiệm kỳ, nhiều đoàn
viên đã gắn bó với tổ chức Đoàn và thật sự trở thành nòng cốt chính trị trong
phong trào thanh niên thành phố. Số lượng đoàn viên được kết nạp trong cả nhiệm
kỳ là 183.435, vượt 83 % so với chỉ tiêu đề ra, thanh niên tự nguyện, tự giác
đến với Đoàn ngày càng nhiều.<br>
<br>
b) Các cấp bộ Đoàn đã tập trung củng cố, nâng cao chất lượng chi đoàn, đẩy mạnh
cuộc vận động xây dựng chi đoàn mạnh trong suốt 5 năm qua. Hệ thống các giải
pháp xác định trong Nghị quyết 01/Ban chấp hành Thành đoàn được cơ sở Đoàn tập
trung thực hiện đạt một số kết quả tích cực. Tình hình sinh hoạt chi đoàn có nề
nếp hơn, nội dung và hình thức sinh hoạt của một bộ phận chi đoàn được cải tiến
theo hướng thiết thực, sinh động, bám sát nhiệm vụ chính trị của đơn vị, xây
dựng được các công trình thanh niên, tổ chức các ngày sinh hoạt chi đoàn chủ
điểm, ngày cùng hành động. Các chi đoàn trong đội hình thanh niên cũng phát
triển khá tốt. Việc tiến hành khảo sát hoạt động chi đoàn nhằm xây dựng các giải
pháp nâng chất hoạt động chi đoàn phù hợp đặc thù từng khu vực và công tác sắp
xếp, kiện toàn lại tổ chức chi đoàn, xây dựng chi đoàn trong khu vực ngoài quốc
doanh, trường bán công - dân lập… đã góp phần phát huy tốt hơn việc thực hiện
chức năng, nhiệm vụ của chi đoàn, qui mô chi đoàn được tổ chức phù hợp hơn. Tỷ
lệ chi đoàn mạnh tăng dần từng năm, giảm hơn 50 % chi đoàn yếu so với năm 1996.<br>
<br>
c) Công tác tập huấn và bồi dưỡng cán bộ Đoàn đã được tổ chức một cách thường
xuyên hơn, góp phần xây dựng được đội ngũ cán bộ Đoàn trẻ, nhiệt tình, trưởng
thành từ thực tiễn công tác và phong trào thanh thiếu niên cơ sở. Ban Thường vụ
Thành đoàn đã chỉ đạo gắn bồi dưỡng nghiệp vụ với trang bị lý luận sơ cấp, trung
cấp, chú ý tổ chức bồi dưỡng đội ngũ Bí thư chi đoàn. Các đợt hội thi Bí thư chi
đoàn giỏi, hoạt động của các câu lạc bộ cán bộ Đoàn, câu lạc bộ dự bị Bí thư chi
đoàn đã góp phần tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để cán bộ Đoàn được trao
đổi, học tập kinh nghiệm, nâng cao năng lực tổ chức hoạt động.<br>
<br>
Bước đầu đã hình thành cơ chế phối hợp giữa các cấp bộ Đoàn trong việc tổ chức
bàn giao, tiếp nhận và phát huy đội ngũ cán bộ. Một số đơn vị đã chủ động phân
công cán bộ về củng cố các cơ sở Đoàn yếu, tham mưu với cấp ủy Đảng xây dựng kế
hoạch qui hoạch cán bộ trẻ, đưa cán bộ trẻ đi đào tạo dài hạn, có chính sách
chăm lo cho đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở.<br>
<br>
d) Hạn chế : một bộ phận đoàn viên chưa tự giác trong rèn luyện và tham gia các
hoạt động của Đoàn. Nhiều đơn vị Đoàn chưa quan tâm sơ - tổng kết chương trình
rèn luyện đoàn viên kịp thời, chưa tập trung tốt cho việc phát triển đoàn viên
trong thanh niên lao động tự do, thanh niên công nhân trực tiếp sản xuất và Hội
viên. Còn khá nhiều chi đoàn chưa thực sự là môi trường rèn luyện đoàn viên.
Công tác kỷ luật của Đoàn chưa được chú trọng đúng mức, sự đấu tranh xây dựng
nội bộ Đoàn không thường xuyên và không kịp thời. Việc đánh giá phân tích chất
lượng đoàn viên nhiều nơi không thực chất, xây dựng chi đoàn trong đội hình
thanh niên, trong các lĩnh vực mới còn chậm. Công tác bồi dưỡng, huấn luyện, đào
tạo cán bộ Đoàn chậm cải tiến về nội dung và phương pháp, chưa có hiệu quả thực
sự trong công tác đào tạo theo chức danh, chưa tập trung huấn luyện cán bộ làm
công tác thanh niên đặc thù (thanh niên tôn giáo,dân tộc, lao động ngoài quốc
doanh…). Một bộ phận nhỏ cán bộ Đoàn có biểu hiện quan liêu, hành chánh trong
quá trình công tác.<br>
<br>
<b>4.- Xây dựng Đoàn từ xây dựng Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh : <br>
</b>Các cấp bộ Đoàn đã tập trung khá tốt cho việc chăm sóc phát triển tổ chức Đội
Thiếu niên Tiền Phong Hồ Chí Minh. Việc bồi dưỡng, phát huy đội ngũ chỉ huy Đội,
xây dựng lực lượng đội viên nòng cốt, thực hiện chương trình rèn luyện đội viên
và xây dựng tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong trên địa bàn dân cư được các Quận
Huyện đoàn quan tâm thực hiện thường xuyên. Các lớp tập huấn chỉ huy Đội, thi
chỉ huy Đội giỏi được tổ chức đều đặn hàng năm đã góp phần rèn luyện bản lĩnh,
khả năng người chỉ huy Đội và bồi dưỡng kiến thức về Đoàn - Đội cho các em. Vai
trò lực lượng đội viên nòng cốt được phát huy khá tốt trong việc tham gia tổ
chức phong trào thiếu nhi và triển khai chương trình rèn luyện đội viên, hầu hết
chỉ huy Đội, đội viên nòng cốt trưởng thành đã bổ sung cho Đoàn những đoàn viên
có chất lượng và những cán bộ Đoàn giỏi. Nhưng nhìn chung, công tác xây dựng Đội
chưa ngang tầm với sự phát triển của phong trào thiếu nhi 5 năm qua ; chất lượng
đội viên, chất lượng sinh hoạt chi đội - liên đội cũng còn hạn chế.<br>
<br>
<b>5.- Đoàn tham gia xây dựng Đảng :<br>
</b>Trong nhiệm kỳ qua, tổ chức Đoàn đã tập trung thực hiện được một số nội dung và
giải pháp khá tích cực trong công tác xây dựng Đảng. Các cấp bộ Đoàn đã tổ chức
cho đoàn viên thanh niên tham gia góp ý chương trình công tác Đảng tại đơn vị và
những nội dung liên quan đến công tác thanh niên ; tham gia góp ý đảng viên,
nhất là đảng viên trẻ, góp ý bản kiểm điểm của các cấp ủy… thông qua cuộc vận
động xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương VI (lần 2)
; vận động đoàn viên thanh niên tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở
cơ quan, phường xã, doanh nghiệp.<br>
<br>
Cuộc vận động “Người cộng sản trẻ” đã góp phần phát triển các tổ, nhóm tu dưỡng
rèn luyện, các câu lạc bộ những người cộng sản trẻ, tạo môi trường thuận lợi để
đoàn viên ưu tú rèn luyện phấn đấu và trưởng thành, góp phần xây dựng nguồn phát
triển Đảng. Các cơ sở Đoàn còn chủ động giới thiệu đoàn viên ưu tú sang Đảng,
tìm những giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm đẩy mạnh công tác phát triển Đảng
trong thanh niên sinh viên,thanh niên công nhân và từ đội ngũ cán bộ Đoàn.<br>
Số lượng và chất lượng đoàn viên ưu tú giới thiệu cho Đảng từng bước đã được
nâng lên, số lượng đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng vượt chỉ tiêu đặt ra
(4.581/4.000). Nhiều cán bộ trẻ có năng lực và trưởng thành từ thực tiễn hoạt
động Đoàn đã được Đảng phân công giữ những nhiệm vụ quan trọng ở các cấp. Tuy
nhiên, công tác xây dựng Đảng chưa được thực hiện một cách chủ động, chưa thật
sự chú trọng đến chất lượng chính trị của đoàn viên ưu tú khi giới thiệu, một số
nhóm tu dưỡng rèn luyện chưa phát huy được khả năng bồi dưỡng đoàn viên ưu tú đủ
điều kiện để phát triển Đảng. <br>
<br>
<b>6.- Công tác kiểm tra của Đoàn đã được thực hiện một cách thường xuyên hơn.</b> Các
Quận Huyện đoàn và Đoàn tương đương đã tập trung kiện toàn Ủy ban Kiểm tra các
cấp ; tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác kiểm tra ; hướng dẫn nội dung
công tác kiểm tra cơ sở ; tổ chức kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của Đoàn ;
phối hợp với Ủy ban Kiểm tra của Đảng giải quyết kịp thời những khiếu nại, tố
cáo của đoàn viên thanh niên… góp phần chấn chỉnh kịp thời những lệch lạc trong
quá trình thực hiện nghị quyết của Đoàn, tham gia bảo vệ lợi ích hợp pháp của
đoàn viên, thanh niên. Mặt hạn chế trong thời gian qua là phương thức, nội dung,
thời điểm kiểm tra của Đoàn chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn và chưa góp phần
rút ra những kinh nghiệm cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên thành
phố trong từng giai đoạn.<br>
<br>
<font color="#008080"><b>IV.- CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO.<br>
</b></font>
<br>
<b>1.- Nội dung, phương thức chỉ đạo của Đoàn đã có sự sáng tạo, điều chỉnh kịp
thời đáp ứng yêu cầu phát triển phong trào thanh thiếu niên trong giai đoạn 1996
- 2000 :<br>
</b>- Kiên trì chuyển trọng tâm hoạt động về cơ sở đã từng bước tạo nên sức sống mới
trong hoạt động của cơ sở Đoàn, góp phần củng cố cơ sở yếu, phát huy sức sáng
tạo của các cấp bộ Đoàn trong tổ chức phong trào thanh thiếu niên. Nhiều mô
hình, giải pháp, cách làm sáng tạo của cơ sở đã được đúc kết, nâng chất và nhân
rộng, làm phong phú, đa dạng hơn nội dung các chương trình hành động của Đoàn.<br>
<br>
- Việc điều chỉnh nội dung chỉ đạo, tiếp tục phát triển các chiến dịch, các hoạt
động tập trung với qui mô lớn, các công trình thanh niên đã tác động tích cực,
mở ra nhiều cơ hội phát huy năng lực, trí tuệ của thanh niên vào sự nghiệp xây
dựng và phát triển thành phố, củng cố và phát triển mạch nối giữa Đoàn với thanh
niên.<br>
<br>
2.- Tiếp tục phát huy có hiệu quả và huy động tổng lực hệ thống các đơn vị sự
nghiệp, doanh nghiệp của Đoàn trong công tác giáo dục và thực hiện các chương
trình hành động của Đoàn, cùng với tổ chức Đoàn khai thác tốt các nguồn lực xã
hội chăm lo cho sự phát triển của thanh thiếu niên.<br>
<br>
3.- Khai thác tốt cơ chế liên tịch phối hợp với các ngành mang lại nhiều lợi ích
thiết thực cho thanh thiếu niên, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của
công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên thành phố. Trong nhiệm kỳ VI, Đoàn
Thanh niên thành phố đã ký liên tịch với 13 ngành (thêm 10 ngành so với nhiệm kỳ
V), tăng cường mối quan hệ phối hợp thường xuyên và chặt chẽ hơn so với những
năm trước. Qua cơ chế liên tịch, liên kết phối hợp, các cấp bộ Đoàn đã phát huy
tốt hơn nguồn lực xã hội trong việc chăm lo cho sự phát triển của thanh thiếu
niên.<br>
<br>
4.- Công tác đối ngoại, giao lưu trong và ngoài nước được chú ý hơn, đặc biệt là
các hoạt động giao lưu văn hóa với thanh niên các nước trong khu vực. Các cuộc
triển lãm quốc tế, tuần lễ văn hóa Asean, tuần lễ văn hóa các nước, các cuộc thi
tìm hiểu văn hóa các nước… được tổ chức thường xuyên hơn, tại Nhà Văn hóa Thanh
niên và một số trường đại học. Các hoạt động trên đã góp phần giới thiệu với
thanh niên thành phố những kiến thức về lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, văn
hóa của các nước, nhằm mở rộng kiến thức và học tập kinh nghiệm, rèn luyện bản
thân trong quá trình mở rộng quan hệ giao lưu thế giới.<br>
<br>
5.- Công tác thi đua khen thưởng, thông tin báo cáo từng bước đã được thực hiện
tốt hơn, công tác kiểm tra, tổng kết đánh giá, đúc kết kinh nghiệm đã được coi
trọng.<br>
<br>
6.- Hạn chế : chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt để khắc phục một số mặt yếu
trong công tác tập hợp thanh niên, công tác tư tưởng và xây dựng Đoàn. Một số
chủ trương mới chưa được kiên trì đeo bám - kiểm tra - điều chỉnh kịp thời trong
chỉ đạo nên đạt yêu cầu không cao, chưa tập trung tốt cho việc nâng chất các
phong trào yếu và củng cố các đơn vị yếu. Công tác tham mưu cấp ủy Đảng, chính
quyền về việc đầu tư phát triển nâng cấp hệ thống các đơn vị sự nghiệp văn hóa
của Đoàn có kết quả không cao. Công tác đối ngoại giao lưu quốc tế còn bị động
và chưa được đầu tư đúng tầm. Công tác chỉ đạo của cấp quận huyện - tương đương
vẫn chưa chuyển kịp với yêu cầu phát triển của phong trào thanh thiếu niên tại
cơ sở.<br>
<br>
<font color="#008080"><b>V.- ĐÁNH GIÁ CHUNG VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM.<br>
</b></font>
<br>
<b>1.- Đánh giá chung :<br>
1.1.- Thành công :<br>
</b>Trong 5 năm qua công tác Đoàn và phong trào thanh niên thành phố Hồ Chí Minh đã
có sự phát triển khá vững chắc, đạt được những kết quả khích lệ. Không ngừng
củng cố tổ chức, mở rộng mặt trận tập hợp đoàn kết thanh niên, nâng cao chất
lượng của đội ngũ nhằm đáp ứng được đòi hỏi của phong trào ngày càng phát triển.
Các phong trào, chương trình hoạt động của Đoàn có sự phát triển về chất, đa
dạng và phong phú hơn. Các phong trào, chương trình hành động không dừng lại ở
chăm lo lợi ích thanh thiếu niên mà quan trọng là đã hướng đến việc động viên,
khơi dậy tinh thần tình nguyện của đông đảo thanh niên tham gia thực hiện có
hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tham gia giữ vững an ninh
quốc phòng và trật tự an toàn xã hội. Tạo ra môi trường thuận lợi để đoàn viên
thanh niên rèn luyện, cống hiến, bồi dưỡng và nâng cao giác ngộ về sự nghiệp xây
dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Các hoạt động đó đã chinh phục thêm được nhiều
đối tượng thanh niên và các tầng lớp nhân dân, tiếp tục khẳng định uy tín của
Đoàn với xã hội trong thời kỳ mới. <br>
<br>
Công tác củng cố xây dựng và phát triển tổ chức đạt được những kết quả quan
trọng : số lượng thanh niên được tập hợp trong các đội hình của Đoàn tăng khá,
diện tập hợp thanh niên được mở rộng không chỉ hướng đến nơi, đối tượng dễ tập
hợp mà tập trung hướng vào nơi, đối tượng cần tập hợp đặc biệt là thanh niên lao
động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh ; nhận thức chính trị và năng lực
công tác của đội ngũ cán bộ, đoàn viên được nâng lên so với trước…<br>
<br>
<b>1.2.- Hạn chế :<br>
</b>Hạn chế lớn là tác động của các phong trào hành động, các nội dung giáo dục do
Đoàn thực hiện chưa lan tỏa và thu hút đông đảo tất cả các đối tượng thanh niên
mà chủ yếu mới dừng lại ở đại bộ phận sinh viên - học sinh và thanh niên có việc
làm ổn định, ở đại bộ phận thanh niên tích cực trong học tập, lao động và rèn
luyện. Có nơi, có lúc quá đề cao vấn đề lợi ích trong tổ chức hoạt động mà không
chú ý đúng mức chất chính trị, tính giáo dục trong hoạt động. Tỉ lệ thanh niên
được tập hợp vào Đoàn, Hội và các hình thức tập hợp của Đoàn còn thấp (chỉ đạt
23 %). Việc tập hợp thanh niên lao động ngoài quốc doanh còn rất hạn chế. Chất
lượng, hoạt động của Đoàn cơ sở mà đặc biệt là chi đoàn chưa cao, chưa thật sự
chủ động, còn ỉ lại vào sự chỉ đạo của cấp trên. Việc xây dựng lực lượng nòng
cốt chính trị còn chậm chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị. <br>
<br>
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do chưa chú ý đến tính đặc thù của từng
đối tượng trong thiết kế các nội dung hoạt động. Chất lượng tổ chức Đoàn cơ sở
chưa cao nhưng lại ôm đồm nhiều việc, trong đánh giá hiệu quả hoạt động có khi
quá chú trọng đến kết quả chăm lo lợi ích, xem nhẹ hiệu quả tập hợp giáo dục
thanh niên. Nhiều đơn vị không nắm chắc tình hình thanh niên tại chỗ, chưa nhận
thức đầy đủ trách nhiệm tập hợp thanh niên trong phạm vi liên quan, còn đùn đẩy
lẫn nhau. Đội ngũ cán bộ Đoàn có hạn chế về trình độ lý luận cũng như nghiệp vụ
công tác thanh vận nhưng lại chu chuyển nhanh, việc đào tạo, bồi dưỡng không
theo kịp nhu cầu thực tế. Trong công tác chỉ đạo có lúc còn nôn nóng đề ra những
giải pháp thiếu khả thi, không kịp thời rút kinh nghiệm để điều chỉnh. Bên cạnh
đó, một số yếu tố khách quan như sự phát triển nhanh của các doanh nghiệp, sự
chuyển đổi loại hình sở hữu các doanh nghiệp nhà nước, tốc độ đô thị hóa cao dẫn
đến sự biến đổi mạnh trong cơ cấu nghề nghiệp của thanh niên ; sự đa dạng về độ
tuổi, về học vấn, về trình độ nhận thức của thanh niên trong cùng một đơn vị ;
một số cấp ủy Đảng chưa có chương trình hành động cụ thể nhằm thực hiện Nghị
quyết Trung ương 4 và Nghị quyết 7 Thành ủy về công tác thanh niên. Việc chưa
quan tâm tạo điều kiện, hoạt động hay việc khoán trắng công tác thanh niên cho
Đoàn ở một số đơn vị ; sự vướng mắc trong công nhận pháp nhân của Ủy ban Hội
phường xã, các hội nghề nghiệp cũng có những tác động nhất định.<br>
<br>
<b>2.- Bài học kinh nghiệm :<br>
</b>a) Công tác giáo dục thanh niên trong tình hình mới chỉ đạt hiệu quả khi có nội
dung, phương thức phù hợp với từng đối tượng cụ thể và phải được thực hiện
thường xuyên, liên tục, có nội dung riêng, trong đó đặc biệt chú trọng công tác
giáo dục chính trị tư tưởng, đồng thời lồng ghép trong các nội dung hoạt động
khác. Các cấp bộ Đoàn cần phải chú ý tính đối tượng khi thiết kế nội dung, khai
thác chất liệu từ thực tế cuộc sống, vận động các lực lượng xã hội khác cùng
tham gia, tạo sự cộng hưởng nhằm đạt hiệu quả giáo dục cao.<br>
<br>
b) Kết hợp hài hòa giữa tổ chức các hoạt động chăm lo lợi ích chính đáng với
việc phát huy tính tích cực xã hội của thanh niên là động lực phát triển phong
trào thanh niên. Đời sống kinh tế - xã hội ngày càng phát triển đòi hỏi tổ chức
Đoàn phải đầu tư nhiều hơn nữa cho việc phát huy dân chủ, tổ chức các phong trào
hành động, tập hợp và phát huy tinh thần tình nguyện, tính xung kích của thanh
niên, chủ động tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.<br>
<br>
c) Yếu tố quan trọng nhất làm cho phong trào phát triển mạnh chính là đội ngũ
cán bộ giàu nhiệt tình, có trí tuệ, am hiểu và đồng cảm với đối tượng thanh niên
trong phạm vi phụ trách. Vì vậy cần phải đầu tư nhiều hơn cho công tác tuyển
chọn, đào tạo cán bộ, xây dựng cơ chế khuyến khích động viên phù hợp tạo động
lực cho cán bộ Đoàn rèn luyện, phấn đấu.<br>
<br>
d) Mở rộng các loại hình tập hợp thanh niên, phát triển không ngừng tỉ lệ thanh
niên tham gia vào các hoạt động, các loại hình tập hợp của Đoàn là thước đo hiệu
quả chất lượng tổ chức Đoàn. Vì vậy trong hoạt động phải luôn chú ý đến việc tập
hợp lực lượng, xem đây là trách nhiệm của toàn Đoàn, phải phát huy tính chủ động
của từng cấp bộ, cán bộ, đoàn viên trong công tác tập hợp thanh niên. Ở những
nơi có tổ chức Hội cần xây dựng tốt mối quan hệ Đoàn - Hội trên cơ sở đảm bảo
vai trò nòng cốt chính trị của Đoàn đồng thời phát huy tối đa tính chủ động,
sáng tạo của Hội.<br>
<br>
e) Kết hợp chặt chẽ giữa chuyển trọng tâm hoạt động về cơ sở với tổ chức các
hoạt động tập trung, trong đó ưu tiên cho cơ sở là yếu tố để phong trào phát
triển đa dạng và đồng bộ, Cần duy trì phương thức chỉ đạo bằng các chiến dịch
tình nguyện, các cuộc vận động, các đợt công tác xã hội tập trung… Vì nó phù hợp
với cuộc sống năng động của một thành phố công nghiệp. Phải kịp thời đúc kết các
phong trào xuất phát từ cơ sở để chỉ đạo nhân rộng nhằm phát triển sâu rộng
phong trào tại cơ sở.<br>
<br>
<font color="#00CC00"><b><u><a name="phan thu hai"></a>Phần thứ hai</u><br>
MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, CHƯƠNG TRÌNH CÔNG TÁC ĐOÀN
VÀ PHONG TRÀO THANH THIẾU NIÊN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
NHIỆM KỲ VII (2001 - 2005)<br>
</b></font>
<br>
<font color="#008080"><b>I.- THANH NIÊN THÀNH PHỐ BƯỚC VÀO THẾ KỶ 21 : THỜI CƠ VÀ THÁCH THỨC.<br>
</b></font>
<br>
<b>1.- Thời cơ mới, thách thức mới :<br>
</b>5 năm đầu của thế kỷ 21 là giai đoạn hết sức đặc biệt đối với công tác Đoàn và
phong trào thanh thiếu niên thành phố. Nghị quyết Đại hội lần 9 của Đảng và Đại
hội Đảng bộ thành phố lần 7 đã khẳng định kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và
chủ nghĩa xã hội, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân
chủ văn minh. Đối với thanh niên, xem trọng việc chăm lo giáo dục, bồi dưỡng,
đào tạo phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa,
nghề nghiệp, tạo việc làm và phát triển tài năng.<br>
<br>
Thành phố Hồ Chí Minh với vai trò trung tâm kinh tế - văn hóa - khoa học kỹ
thuật - giao lưu quốc tế của cả nước và hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm
phía Nam sẽ “cùng cả nước và vì cả nước” nỗ lực vượt bậc trong thực hiện chiến
lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010, phương hướng - nhiệm vụ xây dựng
phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2005 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội IX và
các nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ thành phố mà Đại hội VII Đảng bộ
thành phố xác định. Đời sống kinh tế xã hội của thành phố có sự chuyển biến tích
cực : tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, hạ tầng cơ sở khoa học và công nghệ
được đầu tư và phát triển, giáo dục - đào tạo từng bước nâng cao chất lượng và
phát triển qui mô, đời sống văn hóa tinh thần ngày càng đa dạng và lành mạnh, tệ
nạn xã hội được ngăn chặn, tình hình chính trị ổn định, an ninh quốc phòng được
giữ vững, giao lưu quốc tế được mở rộng. Tình hình thế giới, nhất là tình hình
khu vực có những chuyển biến mạnh mẽ : khoa học công nghệ có sự phát triển vượt
bậc và thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, xu hướng toàn cầu hóa,
liên kết kinh tế giữa Việt Nam và khu vực phát triển thông qua việc gia nhập
AFTA, các cuộc xung đột sắc tộc,đấu tranh chống can thiệp quân sự vẫn tiếp diễn,
khoảng cách giữa giàu nghèo, ô nhiễm môi trường ngày càng cao… Những yếu tố quan
trọng trên chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ đến nhận thức, hành động của thanh niên
thành phố và đặt tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố trước
những thời cơ và thách thức mới.<br>
<br>
Thời cơ để tạo bước phát triển mới trong phong trào thanh niên chính là sự
chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế – xã hội của thành phố và sự trưởng
thành của đội ngũ cán bộ - đoàn viên. Nó tạo điều kiện và môi trường thuận lợi
để Đoàn tập hợp, khai thác khả năng hoạt động đa dạng của thanh niên trong tham
gia phát triển kinh tế - xã hội ; đẩy mạnh việc đa dạng các hoạt động chăm lo
lợi ích thanh thiếu niên, đảm bảo vai trò hạt nhân nòng cốt chính trị trong mặt
trận tập hợp, đoàn kết thanh niên.<br>
Thách thức mà Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố phải đối mặt là sự
biến đổi mạnh mẽ và nhanh chóng của cơ cấu kinh tế dẫn đến sự biến đổi về cơ cấu
xã hội nghề nghiệp trong thanh niên, vị trí của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí
Minh chưa được xác định đúng đắn ở nhiều đơn vị kinh tế (nhất là các đơn vị
ngoài quốc doanh). Đó còn là những vấn đề nảy sinh từ đời sống xã hội đô thị
trong giai đoạn nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa còn đang
trong quá trình hình thành, chưa hoàn thiện, đang tác động mạnh đến thanh thiếu
niên : sự cạnh tranh gay gắt của thị trường lao động, tệ nạn xã hội còn nhiều,
lối sống cá nhân thực dụng, hưởng thụ nhất thời có xu hướng lây lan, khoảng cách
giàu nghèo và khác biệt trong điều kiện học tập, hưởng thụ văn hóa của một bộ
phận thanh niên có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, âm mưu diễn biến hòa bình của các
thế lực thù địch luôn tìm cách tác động, lôi kéo, làm phai nhạt ý chí phấn đấu
trong thanh niên.<br>
<br>
<b>2.- Đối mặt với thời cơ và thách thức :</b> Những vấn đề của thanh niên và của tổ
chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố :<br>
Để tận dụng được thời cơ và vượt qua thách thức, đòi hỏi tổ chức Đoàn phải nhận
thức đúng, đầy đủ những vấn đề của thanh niên và những vấn đề mà tổ chức Đoàn
Thanh niên Cộng sản thành phố phải giải quyết.<br>
<br>
<b> Những vấn đề cơ bản trong thanh niên mà tổ chức Đoàn phải nhận thức một cách
đầy đủ là :<br>
</b>Nhận thức tư tưởng chính trị được củng cố và nâng cao, thanh niên ngày càng tin
tưởng vào thành công của mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân
chủ, văn minh dưới dự lãnh đạo của Đảng. Tính tích cực chính trị - xã hội của
thanh niên có xu hướng phát triển thể hiện ở thái độ quan tâm đến tình hình
chính trị - xã hội, tình hình thực thi pháp luật và qui chế dân chủ cơ sở ; ở
thái độ chủ động tham gia các hoạt động xã hội… Bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận
thờ ơ chính trị, thiếu tin tưởng vào sự phát triển của đất nước, sống không có
lý tưởng, đề cao giá trị đồng tiền, xem nhẹ các giá trị cộng đồng.<br>
<br>
Việc làm, việc học và thu nhập là mối quan tâm lớn nhất của đông đảo thanh niên
thành phố. Một bộ phận có đủ điều kiện về học vấn, chuyên môn chắc chắn sẽ đáp
ứng được yêu cầu và đứng vững trước sự cạnh tranh của thị trường lao động. Một
bộ phận không nhỏ phải chấp nhận sự sàng lọc, thất nghiệp hoặc làm các công việc
không đúng ngành nghề đào tạo. <br>
<br>
Nhu cầu về hoạt động văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần ngày càng phát triển
đa dạng, trong khi điều kiện đáp ứng còn nhiều khó khăn sẽ kích thích quá trình
tự tìm tòi, khai thác và sáng tạo trong hoạt động văn hóa văn nghệ của thanh
niên. Trong quá trình đó hình thành 2 xu hướng : một là hướng về việc bảo tồn
phát huy các yếu tố văn hóa mang bản sắc dân tộc, tiếp thu các giá trị văn hóa
hiện đại ; hai là chạy theo nhu cầu hưởng thụ nhất thời, ngoại lai mà thiếu sự
chọn lọc. Sự phát triển của 2 xu hướng đó một phần tùy thuộc vào nỗ lực định
hướng, tạo môi trường hoạt động của Đoàn.<br>
<br>
Giao lưu quốc tế trở thành nhu cầu mạnh mẽ của đông đảo thanh niên thành phố,
đặc biệt là sinh viên học sinh và trí thức trẻ. Hoạt động giao lưu quốc tế, việc
chủ động ra nước ngoài học tập, tìm hiểu sẽ phát triển mạnh, trong khi đó thanh
niên chưa được chuẩn bị đầy đủ những kiến thức về quan hệ quốc tế, đường lối đối
ngoại của Đảng và Nhà nước…<br>
<br>
<b> Tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố phải giải quyết các vấn
đề cơ bản sau :<br>
</b>Thực hiện đạt hiệu quả cao công tác giáo dục, đặc biệt là bồi dưỡng lý tưởng độc
lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cho thanh niên trong điều kiện thực trạng tư
tưởng chính trị của thanh niên có nhiều cấp độ khác nhau, hệ thống công cụ làm
công tác tư tưởng của Đoàn tuy đã được củng cố những vẫn thiếu một đội ngũ tuyên
truyền viên, báo cáo viên đủ năng lực và trình độ…<br>
<br>
Đảm bảo vai trò hạt nhân chính trị trên mặt trận tập hợp đoàn kết các tầng lớp
thanh niên trong điều kiện cơ cấu xã hội - nghề nghiệp của thanh niên có nhiều
chuyển đổi, đối tượng thanh niên phát triển đa dạng kéo theo sự đa dạng về nhu
cầu, sở thích và môi trường hoạt động. Cần phải xác định điểm chung về mặt lợi
ích của các đối tượng sao cho phù hợp với lợi ích chung làm ngọn cờ tập hợp
thanh niên trong giai đoạn mới.<br>
<br>
Kết hợp hài hòa giữa chăm lo lợi ích thanh thiếu niên với việc tập hợp, động
viên, phát huy năng lực của thanh niên tham gia phát triển kinh tế xã hội là vấn
đề có ý nghĩa quyết định đến việc củng cố mạch nối giữa Đoàn - thanh niên, vừa
thể hiện vai trò người bạn, vai trò người tổ chức, hướng dẫn thanh niên đi vào
các phong trào hành động cách mạng.<br>
<br>
Tăng cường công tác xây dựng Đoàn, nâng cao tính chủ động và khả năng tổ chức
hoạt động của cơ sở ; nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, khả năng gắn bó mật
thiết với thanh niên của đội ngũ cán bộ ; phát huy tính tiên tiến, gương mẫu của
người đoàn viên là vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài trong điều kiện cơ sở vật
chất của Đoàn còn hạn chế, đội ngũ cán bộ phần đông chưa được đào tạo căn bản…
<br>
<br>
<font color="#008080"><b>II.- MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, KHẨU HIỆU HÀNH ĐỘNG.<br>
</b></font>
<br>
<b>1.- Mục tiêu :</b><br>
Giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cộng sản đạo đức cách mạng, góp phần hình thành một
lớp thanh niên vừa hồng vừa chuyên, kế thừa và phát huy xuất sắc truyền thống
của Đảng bộ và nhân dân thành phố ; xây dựng Đoàn vững mạnh đảm bảo vai trò hạt
nhân chính trị trong mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên ; đẩy mạnh các phong
trào, hành động cách mạng động viên thanh niên tình nguyện xung kích trong xây
dựng, phát triển, bảo vệ thành phố và đất nước.<br>
<br>
<b>2.- Nhiệm vụ cơ bản :</b><br>
Từ mục tiêu trên, xác định 4 nhiệm vụ cơ bản của công tác Đoàn và phong trào
thanh thiếu niên thành phố nhiệm kỳ 2001 - 2005 như sau :<br>
<br>
<b>1) </b>Đẩy mạnh giáo dục chủ nghĩa yêu nước, truyền thống dân tộc, truyền thống đấu
tranh cách mạng của Đảng ; tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin - Tư tưởng Hồ
Chí Minh nhằm tạo sự chuyển biến về chất trong nhận thức, bồi dưỡng lòng tin,
khơi gợi tình cảm cách mạng để đoàn viên thanh niên có hành động đúng đắn và
tích cực đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu,
nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>2) </b>Chăm lo lợi ích thiết thực của thanh thiếu niên, phát huy các nguồn lực xã
hội và khơi sức thanh niên góp phần tạo điều kiện cho thanh niên phát triển toàn
diện : học tập, nâng cao trình độ, ổn định nghề nghiệp, việc làm, vươn lên làm
chủ khoa học công nghệ, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, có lối sống, nếp
sống lành mạnh… góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ đáp ứng yêu cầu
xây dựng, phát triển và bảo vệ thành phố.<br>
<br>
<b>3) </b>Tập hợp và phát huy tinh thần tình nguyện, xung kích sáng tạo của thanh niên
trong các phong trào hành động cách mạng góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm
vụ kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng của thành phố, thực hiện có hiệu quả
nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.<br>
<br>
<b>4)</b> Xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố vững mạnh về
tư tưởng và tổ chức, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị và năng lực tổ chức
của các cấp bộ Đoàn, đảm bảo vai trò nòng cốt chính trị trong xây dựng Hội Liên
hiệp Thanh niên và Hội Sinh viên, tổ chức tốt các phong trào hành động của thanh
niên ; tăng cường đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ ; làm tốt công tác chăm
sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng, xây dựng Đội vững mạnh ; tích cực tham gia
xây dựng Đảng.<br>
<br>
<b>3.- Khẩu hiệu hành động :<br>
</b>
<br>
<font color="#008080"><b>III.- CÔNG TÁC GIÁO DỤC.<br>
</b></font>
<br>
<b>1.- Giáo dục chính trị tư tưởng :</b><br>
Trọng tâm là tuyên truyền cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước
làm cho thanh niên nhận thức đầy đủ và tin tưởng vững chắc vào mục tiêu độc lập
dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhận thức được xu thế phát triển của đất nước trong
xu thế phát triển của thế giới và khu vực, những đặc điểm về xây dựng chủ nghĩa
xã hội ở nước ta, nhận diện rõ “âm mưu diễn biến hòa bình” của các thế lực thù
địch. Trên cơ sở đó củng cố niềm tin, hình thành lý tưởng, xây dựng ý thức trách
nhiệm và tình cảm cách mạng để thanh niên có hành động đúng đắn, tích cực với sự
nghiệp xây dựng, phát triển, bảo vệ đất nước và thành phố.<br>
<br>
Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh đường lối, chủ trương của Đảng và nhà nước thông
qua duy trì và phát triển các cuộc thi tìm hiểu về nghị quyết của Đảng Cộng sản
Việt Nam, cuộc thi lý luận chính trị, xây dựng câu lạc bộ lý luận trẻ ở các cấp,
khuyến khích hỗ trợ nghiên cứu và tạo điều kiện công bố các đề tài nghiên cứu về
lý luận của trí thức trẻ. Tổ chức nhiều diễn đàn chính trị - xã hội, các cuộc
gặp gỡ, đối thoại giữa thanh niên với lãnh đạo để thanh niên trao đổi thông tin,
trình bày chính kiến , nâng cao nhận thức tư tưởng chính trị. Tích cực thực hiện
tuyên truyền và cổ động chính trị, tổ chức cho thanh niên học tập, quán triệt
chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và nhà nước. Giới thiệu hoạt động của
Đoàn lên Internet tạo điều kiện cho thanh niên và các lực lượng xã hội khác tìm
hiểu.<br>
<br>
<b>2.- Giáo dục truyền thống :</b><br>
Mục đích của công tác giáo dục truyền thống là làm cho chủ nghĩa yêu nước Việt
Nam giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần của thanh niên thành phố thông
qua những biểu hiện cụ thể : tự hào về truyền thống dân tộc, truyền thống đấu
tranh cách mạng của Đảng, của Đoàn, của Đảng bộ và nhân dân thành phố, của đơn
vị Anh hùng lực lượng vũ trang; biết kết hợp hài hòa giữa phát huy các giá trị
truyền thống với chọn lọc tiếp thu các giá trị hiện đại ; sẵn sàng tình nguyện
vì dân, trung thành với sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc Việt
Nam xã hội chủ nghĩa.<br>
<br>
Tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước trong thanh thiếu niên, thi đua tìm
hiểu học tập theo gương các anh hùng dân tộc, các anh hùng chiến sĩ thi đua của
thời kỳ đổi mới ; phát huy tốt mối quan hệ phối hợp với Hội cựu chiến binh, Câu
lạc bộ Truyền thống Thành đoàn trong công tác giáo dục truyền thống. Kiên trì
thực hiện cuộc vận động phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chăm lo mẹ liệt sĩ,
các gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có công cách mạng. Tổ chức các cuộc
thi tìm hiểu lịch sử, địa lý, công trình kiến trúc, văn hóa, danh nhân Việt Nam;
tìm hiểu truyền thống của Đảng, Đoàn và địa phương đơn vị; đầu tư nội dung các
chương trình lễ hội nhân dịp các lễ kỷ niệm lớn. Hệ thống báo chí, xuất bản của
Đoàn phải có nhiều chương trình, ấn phẩm tuyên truyền về chủ nghĩa yêu nước, về
lịch sử dân tộc, truyền thống Đoàn và các điển hình thanh niên tiên tiến.<br>
<br>
<b>3.- Giáo dục đạo đức - lối sống :</b><br>
Công tác giáo dục đạo đức lối sống phải làm cho 8 phẩm chất : “Yêu nước, hiếu
thảo, kính thầy, thương người, hiếu học, trung thực, kỷ luật, tiết kiệm” trở
thành yêu cầu rèn luyện của thanh niên thành phố ; góp phần giáo dục đạo đức
cách mạng, xây dựng nếp sống, lối sống văn minh trong thanh thiếu niên và xã
hội, cụ thể là xây dựng nếp sống văn hóa trong lao động sản xuất, trong học tập,
trong sinh hoạt tiêu dùng, trong hưởng thụ cái đẹp, quan hệ tình bạn, tình yêu
trong sáng.<br>
<br>
Các giải pháp cần tập trung là : thường xuyên phát hiện, tuyên dương và nhân
rộng các điển hình tiên tiến; chủ động tạo dư luận xã hội rộng rãi để biểu dương
những hành vi sống có văn hóa và phê phán những hành vi thiếu văn hóa trong mọi
môi trường học tập, lao động, vui chơi giải trí của thanh niên ; phát huy công
cụ của của Đoàn và khả năng hoạt động của thanh niên, xây dựng các chương trình
hoạt động văn hóa lành mạnh có giá trị giáo dục và định hướng thẩm mỹ, phát
triển các đội văn nghệ xung kích, các nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng. Tiếp
tục tổ chức và vận động thanh niên tham gia thực hiện cuộc vận động “xây dựng
khu phố - ấp an toàn - sạch đẹp - văn minh - nghĩa tình”. Làm nòng cốt trong xây
dựng và nhân rộng các mô hình “công sở văn minh”, “ký túc xá văn hóa”, “gia đình
trẻ hạnh phúc”.<br>
<b>
<br>
4.- Giáo dục pháp luật :</b><br>
Trọng tâm là giáo dục ý thức công dân, hướng tới việc hình thành văn hóa pháp
luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong thanh thiếu niên, làm cho mỗi
thanh thiếu niên nhận thức đầy đủ trách nhiệm công dân, tôn trọng pháp luật,
sống và làm việc theo pháp luật.<br>
<br>
Trong những năm trước mắt : tập trung giáo dục pháp luật thường thức rộng rãi
trong thanh thiếu niên, trong đó chú ý tính đặc thù của đối tượng thanh thiếu
niên trong từng khu vực. Tập hợp và phát huy khả năng của đông đảo sinh viên
luật, đoàn viên, thanh niên trong các ngành : tòa án, kiểm sát, tư pháp, thanh
tra, công an… tham gia công tác giáo dục pháp luật thông qua các chiến dịch
tuyên truyền, tư vấn pháp luật, sinh hoạt câu lạc bộ “Tuổi trẻ và pháp luật”.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan pháp luật ở địa phương nhằm tăng cường đội ngũ
báo cáo viên, tài liệu cho công tác tuyên truyền, sử dụng hiệu quả “tủ sách pháp
luật” và các hình thức giáo dục lồng ghép như : thi tìm hiểu, văn hóa văn nghệ,
hệ thống phát thanh, phiên tòa xét xử lưu động.<br>
<font color="#008080"><b>
<br>
IV.- CÁC CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA THANH NIÊN.</b></font><br>
<br>
Tiếp tục phát triển hai phong trào lớn : “Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ
giữ nước”. Thể hiện ở 3 chương trình sau :<br>
<br>
<b>1.- Chương trình “Vì sự phát triển của thanh niên” :<br>
</b>a) Mục tiêu : phát huy mọi nguồn lực xã hội, đồng thời khơi sức thanh niên tổ
chức các hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng, hợp pháp ngày càng
đa dạng của thanh niên, góp phần tạo điều kiện, môi trường để thanh niên rèn
luyện, giúp nhau cùng vươn lên, phát triển toàn diện về mọi mặt.<br>
<br>
b) Nội dung và các giải pháp chủ yếu :<br>
<i> Tổ chức các hoạt động nhằm tạo cơ hội để thanh niên ổn định việc làm, rèn
luyện tay nghề, nâng cao nghiệp vụ, cải thiện điều kiện sống :<br>
</i>Tiếp tục phát triển phong trào “3 giúp” trong thanh niên trên địa bàn dân cư ;
đầu tư nâng chất phong trào CKT, đẩy mạnh các hoạt động ôn lý thuyết, luyện tay
nghề, thi thợ giỏi trong thanh niên công nhân ; tổ chức tốt cuộc vận động Rèn
luyện đạt danh hiệu cán bộ - công chức trẻ giỏi trong thanh niên khu vực hành
chánh sự nghiệp ; đầu tư phát triển phong trào VKT trong thanh niên nông thôn
theo hướng vận động thanh niên tham gia tích cực các chương trình khuyến nông,
chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt.<br>
<br>
Bên cạnh việc khuyến khích thanh niên đi đầu trong khôi phục và phát triển ngành
nghề truyền thống, phát triển kinh tế gia đình, tự tạo việc làm, sẽ đầu tư nâng
cao hiệu quả hoạt động của các đội hình dịch vụ phục vụ đời sống sẵn có trên địa
bàn dân cư, phát triển nhiều đội hình mới để tạo thêm việc làm cho thanh niên.<br>
<br>
Khai thác có hiệu quả các nguồn vốn cho thanh niên vay thông qua việc hình thành
các nguồn vốn tại chỗ, kiến nghị với cơ quan chức năng để được ủy thác các nguồn
vốn nhằm chủ động tín chấp cho thanh niên vay từ các chương trình, dự án quốc
gia.<br>
<br>
Tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp, tổ chức các diễn đàn trao đổi về nghề
nghiệp… phối hợp để tổ chức đào tạo và đào tạo lại nhằm giúp thanh niên có thông
tin về công việc, chọn lựa ngành nghề, hướng vào đời phù hợp với khả năng bản
thân và nhu cầu lao động của xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động giới thiệu việc
làm của Đoàn thông qua định kỳ tổ chức các chiến dịch tìm việc làm, hội chợ việc
làm. Tập trung hỗ trợ cho thanh niên nông thôn, thanh niên trên địa bàn chưa có
việc làm. <br>
<br>
<i> Tổ chức các hoạt động hỗ trợ thanh niên học tập, nâng cao trình độ, phát triển
tài năng, vươn lên làm chủ khoa học và công nghệ :<br>
</i>Khai thác các nguồn lực trong thanh niên và xã hội để mở rộng quy mô và diện tác
động của các loại tín dụng học tập, quỹ học bổng, giải thưởng khuyến học (đối
tượng tập trung là học sinh phổ thông, học sinh nghề và thanh niên công nhân học
phổ cập trung học cơ sở). Củng cố hoạt động quỹ bảo trợ tài năng trẻ theo hướng
chú trọng khâu phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ trong độ tuổi thiếu niên.<br>
<br>
Kiên trì bồi dưỡng văn hóa thực hiện phổ cập trung học cơ sở cho thanh niên công
nhân tham gia có hiệu quả trong rèn luyện nâng cao tay nghề, trình độ nghiệp vụ,
ngoại ngữ, ứng dụng tin học quản lý, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật.<br>
<br>
Tạo điều kiện giúp cho thanh thiếu niên nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vai trò
của khoa học - công nghệ, của tri thức trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện
đại hóa, trong thời đại kinh tế tri thức. Từ đó vận động thanh niên phát huy
tính năng động, sáng tạo trong lĩnh hội tri thức, ứng dụng, chuyển giao và làm
chủ khoa học công nghệ mới, áp dụng công cụ hiện đại cho học tập và lao động.<br>
<br>
Phát triển sâu rộng các loại hình hỗ trợ học tập, nghiên cứu khoa học ở tất cả
các khu vực như : câu lạc bộ học thuật, câu lạc bộ chuyên viên trẻ, câu lạc bộ
thanh niên giỏi nghề nông, câu lạc bộ khuyến nông… Thường xuyên tổ chức các cuộc
thi, giải thưởng, triển lãm sáng tạo, hỗ trợ nghiên cứu và công bố kết quả
nghiên cứu để hỗ trợ thanh niên học tập nghiên cứu khoa học.<br>
<br>
Phối hợp với các ban ngành, tham mưu cho lãnh đạo, chính quyền các địa phương
đơn vị nhằm hoàn thiện các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích thanh thiếu niên học tập
; tín chấp, giảm học phí, miễn giảm học phí cho học sinh nghèo...<br>
<br>
<i> Tạo điều kiện để thanh niên hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, góp
phần đáp ứng và định hướng nhu cầu vui chơi giải trí ; xây dựng đời sống tinh
thần lành mạnh :</i><br>
Phát triển phong trào sinh hoạt, múa hát tập thể thông qua tổ chức tốt các cuộc
liên hoan văn nghệ quần chúng “hát cùng bạn bè tôi”, “hát cùng đồng bào tôi”,
các đội văn nghệ xung kích, tuyên truyền ca khúc cách mạng. Duy trì và tổ chức
tốt hơn loại hình lễ hội đường phố, sân chơi cuối tuần, cafe thanh niên... tạo
cơ hội cho thanh niên sinh hoạt văn hóa lành mạnh.<br>
<br>
Tổ chức tốt các cuộc vận động sáng tác âm nhạc, văn học trong thanh niên, trao
giải thưởng cho các tác phẩm văn học, âm nhạc có giá trị giáo dục cao. Phát
triển các tủ sách thanh niên và đẩy mạnh việc vận động thanh niên đọc sách văn
học, đọc các tác phẩm trong bộ sách “Ngọn lửa tuổi trẻ”. Tổ chức bình chọn các
tác giả, tác phẩm văn học - nghệ thuật tiêu biểu có tác dụng giáo dục cao đối
với thanh niên.<br>
<br>
Khuyến khích và tạo điều kiện tổ chức biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền
thống tại Nhà Văn hóa Thanh niên, các trường học và các Trung tâm sinh hoạt
thanh thiếu niên.<br>
<br>
Giáo dục ý thức rèn luyện thân thể, giữ gìn sức khỏe trong đông đảo đoàn viên
thanh niên và tinh thần thượng võ trong đội ngũ vận động viên, huấn luyện viên
trẻ, giới thiệu nhân rộng các mô hình phong trào thể thao quần chúng, tuyên
dương các điển hình thể thao, giao lưu gặp gỡ các vận động viên, huấn luyện
viên.<br>
<br>
Góp phần phát triển phong trào thể thao quần chúng thông qua duy trì và mở rộng
các giải thể thao truyền thống của Đoàn ở các cấp. Đầu tư tổ chức các giải thể
thao mang tính quần chúng cao như việt dã, bóng đá, bóng chuyền. Định kỳ tổ chức
các ngày chủ nhật khỏe, hội thi tài các môn thể thao dân gian, làm tốt việc kiểm
tra công nhận danh hiệu thanh niên khỏe để tạo động lực cho thanh niên tham gia.<br>
<br>
<i> Tạo điều kiện và cơ hội để thanh niên được chủ động tham gia, tổ chức các hoạt
động giao lưu quốc tế :</i><br>
Giáo dục cho thanh niên đường lối đối ngoại của Đảng và nhà nước trong giai đoạn
mới : độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế ;
Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng
quốc tế phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. Coi trọng công tác bồi
dưỡng nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, kỹ năng đối ngoại cho cán bộ Đoàn
để tự tin, vững vàng hơn trong quá trình tiếp cận và tham gia hoạt động.<br>
<br>
Làm tốt công tác đón tiếp các đoàn khách quốc tế, các chương trình thanh niên
quốc tế tổ chức tại thành phố, thông qua đó góp phần thực hiện công tác đối
ngoại nhân dân, giới thiệu truyền thống văn hóa đất nước, về thành phố, về
truyền thống và hoạt động của Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Sinh viên
thành phố. Chủ động xác lập quan hệ với các tổ chức thanh niên, sinh viên tiến
bộ trong khu vực và thế giới để xây dựng chương trình giao lưu văn hóa quốc tế
hàng năm tại thành phố. Từng bước tổ chức các chương trình giao lưu về kinh tế,
khoa học kỹ thuật giữa thanh niên thành phố và các nước. Chủ động và khuyến
khích các đơn vị có điều kiện tổ chức hoạt động giao lưu với quốc tế đặc biệt
với các nước Đông Nam Á, các nước có quan hệ truyền thống với Việt Nam, với Đoàn
Thanh niên Cộng sản thành phố. Chuẩn bị chu đáo nội dung cho các dự án hợp tác
quốc tế, cho các đoàn thanh niên thành phố đi giao lưu, học tập ở nước ngoài.<br>
<br>
<b>2.- Chương trình “Xung kích vì tổ quốc, vì cộng đồng” :<br>
</b>a) Mục tiêu : phát huy tinh thần tình nguyện, tinh thần xung kích sáng tạo, sức
trẻ và lòng khát khao cống hiến của thanh niên, tổ chức thành phong trào thanh
niên tình nguyện tham gia thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, phát triển, bảo vệ
thành phố và đất nước ; góp phần rèn luyện bản lĩnh chính trị, tinh thần “lên
rừng xuống biển”, ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng, tổ quốc.<br>
<br>
b) Nội dung và các giải pháp chủ yếu :<br>
<i> Vận động thanh niên sáng tạo xung kích trong các lĩnh vực mới của nền sản xuất
và đời sống xã hội :</i><br>
Tổ chức và động viên thanh niên tình nguyện đi đầu trong phát huy sáng kiến cải
tiến kỹ thuật, sáng tạo mẫu mã mặt hàng mới, mạnh dạn tiếp nhận, áp dụng tiến bộ
khoa học - công nghệ mới, nghiên cứu sản xuất các thiết bị thay thế nhập khẩu
với chi phí thấp... thông qua phương thức công trình thanh niên, phần việc thanh
niên.<br>
<br>
Tích cực tham gia cải cách hành chánh, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hiệu
quả điều hành sản xuất kinh doanh... thông qua động viên đoàn viên, thanh niên
tích cực học tập, rèn luyện vươn lên, sử dụng công cụ lao động hiện đại để đáp
ứng yêu cầu của các phương pháp điều hành quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế ; tham
gia cuộc vận động rèn luyện trở thành cán bộ, công chức trẻ giỏi.<br>
<br>
Vận động tổ chức các đội hình thanh niên trực tiếp tham gia hoặc ủng hộ vật chất
cho các công trình trọng điểm quốc gia, trước mắt là công trình xây dựng đường
Hồ Chí Minh, xóa cầu khỉ ở đồng bằng sông Cửu Long, vận động trí thức trẻ tham
gia phát triển nông thôn.<br>
<br>
Động viên thanh niên, trí thức trẻ tham gia học tập, nghiên cứu trong các lĩnh
vực mới, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu phát triển bền
vững của thành phố và đất nước : trật tự đô thị, công nghệ phần mềm, chế biến
bảo quản hàng nông sản. Khuyến khích đoàn viên, thanh niên nông thôn mạnh dạn áp
dụng cây con giống mới.<br>
<br>
<i> Tổ chức phong trào lao động tình nguyện, thực hiện các công trình chăm lo đời
sống nhân dân và thanh niên :</i><br>
Duy trì và phát triển các chiến dịch tình nguyện, ngày thứ bảy tình nguyện nhằm
tập hợp phát huy khả năng của thanh niên thực hiện các nội dung thiết thực góp
phần chăm lo đời sống nhân dân như: vì trẻ em, vì người nghèo. Tổ chức các đội
hình thanh niên tình nguyện giúp các phường xã nghèo, tham gia giải quyết các
vấn đề bức xúc của địa phương đơn vị : bảo vệ môi trường, công tác thiếu nhi, vệ
sinh phòng dịch, y tế cộng đồng... <br>
<br>
Khai thác các nguồn lực xã hội và thanh niên, xây dựng các công trình công ích
phục vụ nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân và thanh thiếu nhi: tụ điểm
sinh hoạt thiếu nhi, vận động sách giáo khoa cho trẻ em nghèo, trung tâm hoạt
động dã ngoại thanh thiếu niên, các chương trình văn nghệ phục vụ lưu động...<br>
<br>
Tích cực tham gia nâng cao dân trí thông qua duy trì các lớp học tình thương,
lớp xóa mù chữ, phổ cập tiểu học và trung học cơ sở ; tích cực thực hiện cuộc
vận động duy trì sĩ số lớp học, ngăn chận trẻ em lưu ban, bỏ học.<br>
<br>
<i> Xung kích bảo vệ tổ quốc, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội :</i><br>
Vận động thanh niên tích cực tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân và lực
lượng vũ trang nhân dân vững mạnh... thông qua làm tốt công tác tuyên truyền
luật nghĩa vụ quân sự chuẩn bị cho thanh niên nhập ngũ, góp phần xây dựng và
củng cố lực lượng dân quân tự vệ, vận động thanh niên chọn lựa binh nghiệp. Đối
với thanh niên lực lượng vũ trang tăng cường các hoạt động học tập văn hóa, làm
chủ khí tài quân sự, nâng chất phong trào “Xứng danh anh bộ đội cụ Hồ”, “giành 3
đỉnh cao quyết thắng”, phong trào thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân
dân...<br>
<br>
Giáo dục nâng cao ý thức quốc phòng, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chống "âm mưu
diễn biến hòa bình" cho thanh niên trên cơ sở tổ chức tốt các hội thao quân sự
phổ thông, tham gia thực hiện chính sách hậu phương quân đội, nghĩa tình biên
giới hải đảo, làm tốt các hoạt động tuyên dương điển hình trong phong trào bảo
vệ an ninh tổ quốc. Khuyến khích và tạo điều kiện để các đơn vị quận huyện,
trường học, công nhân lao động giao lưu kết nghĩa với các đơn vị lực lượng vũ
trang.<br>
<br>
Tổ chức tốt cuộc vận động xây dựng khu phố, ấp “An toàn - sạch đẹp - văn minh -
nghĩa tình”, tham gia giữ gìn trật tự, an toàn giao thông đô thị ; tích cực thực
hiện chương trình 3 giảm thông qua phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm
và đẩy lùi các tệ nạn xã hội mà đặc biệt là tệ nạn ma túy, mại dâm. Thành lập
các đội thanh niên xung kích, làm nòng cốt trong công tác dân phòng, dân quân,
tự vệ trường học, tự vệ xí nghiệp. <br>
<br>
<b>3.- Chương trình “Vì đàn em” :</b><br>
a) Mục tiêu : Phát huy nguồn lực xã hội và tổ chức Đoàn trong công tác bảo vệ,
chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng, tạo điều kiện để thiếu nhi được học
tập, vui chơi giải trí, hưởng thụ các phúc lợi xã hội, phát triển thể chất và
trí tuệ góp phần hình thành lớp thiếu nhi thành phố lễ phép, siêng học, chăm
làm, trong sáng về đạo đức, chuẩn bị tốt lực lượng dự bị cho Đoàn.<br>
<br>
b) Nội dung và giải pháp chủ yếu :<br>
Mỗi cấp bộ Đoàn phải tổ chức thực hiện tốt nghị quyết của Ban chấp hành Trung
ương Đoàn về “Tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng và xây
dựng đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giai đoạn 2000 – 2005”. Chú trọng vào
các nội dung sau :<br>
<br>
<i> Tổ chức tốt các phong trào thiếu nhi trong trường học, thu hút đông đảo thiếu
nhi tham gia :<br>
</i>Tiếp tục duy trì và phát triển các phong trào hiện có: vượt khó - giúp bạn, em
yêu khoa học, về nguồn... với chất mới góp phần hình thành thói quen tìm hiểu,
tự học ; xây dựng ý thức giữ gìn vệ sinh, nhân ái giúp bạn, học tập và làm theo
gương các anh hùng, danh nhân. Phát hiện và nhân rộng những điển hình thiếu nhi
trong học tập, thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy, động viên các em luôn phấn đấu dạt
danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ.<br>
<br>
Chú ý nâng cao chất lượng đội viên thông qua triển khai thực hiện chương trình
rèn luyện đội viên, phân công đội viên phụ trách các sao nhi đồng...<br>
<br>
<i> Đẩy mạnh công tác chăm lo thiếu nhi trên địa bàn dân cư :<br>
</i>Phối hợp tốt với các ngành trong chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ thiếu nhi có hoàn
cảnh đặc biệt khó khăn, tổ chức cho các em được theo học các lớp học tình
thương...<br>
<br>
Xây dựng lực lượng giáo dục viên đường phố để tham gia quản lý, giáo dục trẻ
lang thang, trẻ vào đời sớm, tích cực ngăn chặn tình trạng bạo hành trong gia
đình, khai thác lao động trẻ em, lạm dụng tình dục trẻ em.<br>
<br>
Đẩy mạnh việc hình thành các chi đội, liên đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh
trên địa bàn dân cư với đối tượng chủ yếu là thiếu nhi ngoài nhà trường.<br>
<br>
<i> Tích cực khai thác các nguồn lực chăm lo cho thiếu nhi :<br>
</i>Phối hợp với chính quyền, công đoàn định kỳ tổ chức các chương trình chăm lo
thiếu nhi tại địa phương, đơn vị, thông qua tuyên dương các em học giỏi, tổ chức
vui chơi nhân dịp trung thu, 1/6…<br>
<br>
Duy trì và phát triển các chương trình hỗ trợ học cụ, tặng sách giáo khoa, thành
lập tủ sách thiếu nhi, hỗ trợ học bổng cho thiếu nhi ở ngoại thành và các vùng
nông thôn khó khăn.<br>
<br>
Đầu tư xây dựng các tụ điểm sinh hoạt, vui chơi cho thiếu nhi ở các địa phương
khó khăn, nâng chất nội dung sinh hoạt và đội ngũ tổ chức sinh hoạt thiếu nhi
tại các tụ điểm, nhà thiếu nhi sẵn có.<br>
<br>
Phát huy tốt hệ thống các cơ quan công cụ của Đoàn phục vụ cho công tác thiếu
nhi thông qua đầu tư, mở rộng các chương trình tặng sách giáo khoa cho trẻ em
vùng sâu của báo Tuổi Trẻ ; các cuộc thi trên báo Khăn Quàng Đỏ ; Nhà xuất bản
Trẻ, Hãng phim trẻ phải tăng cường xuất bản và sản xuất các ấn phẩm sách, phim,
nhạc ngày càng hấp dẫn hơn nhằm phục vụ nhu cầu giáo dục và giải trí của thiếu
nhi... Phát huy vai trò các Nhà Thiếu nhi trong tổ chức các phong trào thiếu
nhi, chăm lo nhu cầu vui chơi giải trí cho các em.<br>
<br>
<i> Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ phụ trách Đội :</i><br>
Thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ phụ trách Đội thông qua tập huấn,
tổ chức giao lưu trao đổi kinh nghiệm công tác. Tổ chức có chọn lọc các cuộc thi
để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ. Đổi mới công tác huấn luyện, hoàn chỉnh
hệ thống giáo trình cho phù hợp với công tác thiếu nhi ở từng điều kiện nhất
định.<br>
<br>
<font color="#00CC00"><b><u><a name="phan thu ba"></a>Phần thứ ba</u><br>
XÂY DỰNG ĐOÀN VỮNG MẠNH VỀ TƯ TƯỞNG VÀ TỔ CHỨC,
THỰC HIỆN TỐT VAI TRÒ NÒNG CỐT CHÍNH TRỊ TRONG PHONG TRÀO
THANH NIÊN THÀNH PHỐ, XỨNG ĐÁNG ĐỘI DỰ BỊ TIN CẬY CỦA ĐẢNG<br>
</b></font>
<br>
<b><font color="#008080">I.- XÂY DỰNG ĐOÀN VỮNG MẠNH VỀ TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ.<br>
</font></b>
<br>
1.- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, sinh hoạt chính trị tạo sự thống nhất tư
tưởng trong toàn hệ thống, nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị cho cán bộ,
đoàn viên :<br>
Truyền thụ lý tưởng cộng sản, nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đoàn viên
là vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài. Do đó, phải tăng cường và nâng cao chất
lượng công tác bồi dưỡng, học tập lý luận chính trị của cán bộ, đoàn viên. Đặc
biệt coi trọng việc giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương
lĩnh đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ; nhận thức đầy đủ 4 nguy cơ và
những vấn đề về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta, về tình hình và
nhiệm vụ kinh tế xã hội trong thời kỳ mới, tình hình chính trị, thời sự thông
qua học tập 5 bài chính trị cơ bản, các sinh hoạt chính trị chuyên đề, phối hợp
với các Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị tổ chức các lớp học định kỳ, thường xuyên.<br>
<br>
Coi trọng việc tổ chức phổ biến, quán triệt các chương trình, nghị quyết của
Đoàn cấp trên cho cán bộ đoàn viên theo hàng năm, đợt chỉ đạo tập trung … để tạo
sự thống nhất tư tưởng trong Đoàn. Từng cấp phải đầu tư xây dựng đội ngũ tuyên
truyền viên, báo cáo viên đảm đương được yêu cầu trên.<br>
<br>
Phát huy tính chủ động sáng tạo của cán bộ đoàn viên trong tham gia, xây dựng
Đoàn vững mạnh về tư tưởng chính trị. Ngoài việc tích cực học tập, tìm hiểu,
tuyên truyền chủ trương chính sách… còn lắng nghe phát hiện cùng trao đổi thảo
luận và tham gia giải quyết hoặc phản ánh kịp thời những vướng mắc tại cơ sở khi
thực hiện nghị quyết, các chương trình công tác của Đoàn.<br>
<br>
Làm tốt công tác tư tưởng để đoàn viên thấm nhuần quan điểm “đoàn viên - người
bạn thanh niên”, nhận thức được trách nhiệm quan trọng của người đoàn viên là
tích cực thực hiện việc chăm lo lợi ích thanh thiếu niên, góp phần thúc đẩy
phong trào phát triển. Đẩy mạnh việc khắc phục những biểu hiện quan liêu, hành
chánh trong đội ngũ cán bộ, đoàn viên.<br>
<br>
2.- Từng bước nâng cao trình độ lý luận thanh vận cho đội ngũ cán bộ và góp phần
hoàn thiện, phát triển lý luận thanh vận trong tình hình mới :<br>
Đây là vấn đề có ý nghĩa rất lớn đối với tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí
Minh của một thành phố có thực tiễn sôi động và đa dạng. Đoàn phải chú trọng
việc nghiên cứu thực tiễn, tổng kết kinh nghiệm, chủ động dự báo những yếu tố
tác động và sự vận động của phong trào, xác lập những cơ sở mang tính khoa học
thực tiễn của các chương trình, nội dung hoạt động… góp phần phát triển lý luận
thanh vận trong giai đoạn mới.<br>
<br>
Chủ động vận dụng các tài liệu của Đảng, của Trung ương Đoàn để biên soạn và
phát hành các tài liệu sinh hoạt chính trị định kỳ. Xuất bản tủ sách lý luận
nghiệp vụ của Đoàn để bổ sung tủ sách thanh niên ở các cơ sở Đoàn. <br>
<br>
Tăng cường sinh hoạt lý luận chính trị trong đội ngũ cán bộ Đoàn thông qua tọa
đàm, hội thảo, sinh hoạt câu lạc bộ lý luận, xây dựng các chuyên đề lý luận để
cán bộ Đoàn tham gia nghiên cứu, trao đổi. <br>
<br>
Khuyến khích và hỗ trợ các đề tài nghiên cứu khoa học về thanh niên và công tác
thanh niên. Trước mắt ưu tiên nghiên cứu các lĩnh vực như vấn đề tập hợp thanh
niên lao động ngoài quốc doanh, tập hợp thanh niên có đạo, giáo dục chủ nghĩa
Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.<br>
<br>
<font color="#008080"><b>II.- CÔNG TÁC VẬN ĐỘNG, MỞ RỘNG MẶT TRẬN ĐOÀN KẾT TẬP HỢP THANH NIÊN.<br>
</b></font>
<br>
1.- Mở rộng diện và nâng chất các loại hình tập hợp thanh niên :<br>
Mở rộng diện đối tượng tập hợp và phạm vi tác động của tổ chức Đoàn với thanh
niên. Phấn đấu nâng tỉ lệ thanh niên tham gia vào các loại hình tập hợp của Đoàn
lên 45 % vào cuối nhiệm kỳ. Phát triển mạnh các chương trình hành động trên cơ
sở tích cực chăm lo những nhu cầu lợi ích hợp pháp, chính đáng của mọi đối tượng
thanh niên ; đồng thời tạo điều kiện để tập hợp đông đảo thanh niên được tham
gia phát huy năng khiếu, sở thích và tính tích cực xã hội… trên cơ sở củng cố,
nâng chất các đội hình sẵn có, phát triển các đội hình mới.<br>
<br>
Tổ chức các hoạt động theo lĩnh vực nghề nghiệp, ở phạm vi cụm hoặc toàn thành
để thu hút thanh niên ở những đơn vị, cơ quan khác nhau có cùng sở thích, tương
đồng nghề nghiệp - chuyên môn tham gia như các hội thi thư ký giỏi, phiên dịch
viên giỏi, chuyên viên giỏi… để hoạt động Đoàn tác động đến thanh niên ở những
nơi chưa có tổ chức Đoàn.<br>
<br>
Xác định thanh niên, sinh viên thành phố đang định cư, lao động học tập ở nước
ngoài là một bộ phận của thanh niên thành phố, từ đó có kế hoạch trao đổi thông
tin, tổ chức gặp gỡ nhân dịp Tết cổ truyền góp phần động viên bộ phận thanh niên
này lao động, học tập, tích lũy kinh nghiệm, tiếp thu công nghệ phục vụ đất
nước. Chủ động nắm nguồn thanh niên, sinh viên đi lao động, học tập nước ngoài
hàng năm để xác lập và giữ mối quan hệ với các nhóm, ban liên lạc thanh niên
sinh viên ở nước ngoài, tạo điều kiện hỗ trợ.<br>
<br>
Đẩy mạnh xây dựng và phát triển các loại hình tập hợp thanh niên của Đoàn. Coi
trọng tổ chức hình thành các câu lạc bộ đội nhóm, đội hình thanh niên theo môi
trường lao động, học tập, hoạt động xã hội của thanh niên và theo các chương
trình, lĩnh vực hoạt động của Đoàn để thu hút thanh niên tham gia. Bên cạnh việc
củng cố, phát triển, nâng chất các loại hình câu lạc bộ đội nhóm sẵn có, nghiên
cứu xây dựng các đội hình, câu lạc bộ với nội dung hoạt động thích hợp để tập
hợp thanh niên trí thức, văn nghệ sĩ và vận động viên trẻ… Tích cực vận động
thanh niên dân tộc ít người, thanh niên có đạo tham gia hoạt động trong các câu
lạc bộ, đội nhóm của Đoàn.<br>
<br>
Tập trung nhiều giải pháp cho công tác vận động, tập hợp thanh niên lao động
ngoài quốc doanh. Xác định rõ trách nhiệm và phạm vi cụ thể của từng cấp bộ
Đoàn, trong đó cấp thành tập trung thực hiện tại các khu công nghiệp, khu chế
xuất, đơn vị 100 % vốn nước ngoài ; cấp quận huyện và tương đương tập trung thực
hiện tại các đơn vị do ngành, địa phương quản lý.<br>
<br>
Tổ chức tốt công tác tạo nguồn, chú trọng công tác huấn luyện, bồi dưỡng lực
lượng nòng cốt làm công tác này. Xây dựng mối quan hệ phối hợp tốt với các cơ
quan quản lý đơn vị, xí nghiệp, xác định việc vận động tập hợp thanh niên lao
động ngoài quốc doanh không chỉ dừng lại ở chỗ bảo vệ quyền lợi người lao động
trẻ mà còn góp phần phát triển doanh nghiệp, vì lợi ích chung của doanh nghiệp.<br>
<br>
2.- Thực hiện vai trò nòng cốt chính trị của tổ chức Đoàn trong xây dựng và phát
triển Hội Liên hiệp Thanh niên và Hội sinh viên (gọi tắt là Hội) :<br>
- Toàn Đoàn làm công tác Hội : xây dựng, phát triển Hội là trách nhiệm của mọi
cán bộ đoàn viên. Các cấp bộ Đoàn phải có kế hoạch phân công đoàn viên tham gia
sinh hoạt và giữ vai trò nòng cốt trong các hoạt động của Hội ; thường xuyên tổ
chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Hội, cử cán bộ Đoàn giỏi, có uy
tín tham gia ứng cử vào cơ quan lãnh đạo các cấp của Hội, làm tốt công tác xây
dựng hạt nhân nòng cốt trong các đối tượng thanh niên, tạo tiền đề về mặt con
người để hình thành các hội nghề nghiệp.<br>
<br>
- Tăng cường định hướng chính trị trong các hoạt động Hội : xây dựng cơ chế phối
hợp hoạt động chặt chẽ giữa Đoàn - Hội các cấp, định kỳ trao đổi, tham gia góp ý
chương trình công tác Hội, chú trọng các chương trình quan hệ giao lưu phối hợp
với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Việt Nam…<br>
<br>
- Tạo điều kiện cơ sở vật chất, cơ chế để Hội phát triển tổ chức và hoạt động :
hỗ trợ để Hội đầu tư, củng cố và phát triển các cơ quan công cụ, cơ sở vật chất,
phương tiện tuyên truyền của Hội. Ở những nơi có đông thanh niên mà chưa có Hội,
Đoàn phải làm tốt việc hỗ trợ xây dựng hình thành tổ chức cơ sở Hội. Sự hình
thành, phát triển và lớn mạnh của Hội là thước đo hiệu quả công tác vận động
quần chúng, tập hợp thanh niên của Đoàn.<br>
<br>
- Khuyến khích và tạo điều kiện để Hội mở rộng các loại hình tổ chức mới để tập
hợp thanh niên trên cơ sở tuân thủ nguyên tắc : tự nguyện, lành mạnh, phù hợp
với sở thích, yêu cầu nghề nghiệp… không vi phạm pháp luật. Phát triển mạnh các
câu lạc bộ, đội nhóm trong học sinh phổ thông trung học, phối hợp chặt chẽ với
Hội Liên hiệp Thanh niên trên địa bàn trong tổ chức hoạt động.<br>
<br>
<font color="#008080"><b>III.- XÂY DỰNG ĐOÀN VỮNG MẠNH VỀ TỔ CHỨC.</b></font><br>
<br>
1.- Trọng tâm là nâng cao chất lượng đoàn viên trên cơ sở tổ chức cho đoàn viên
tham gia các phong trào hành động cách mạng :<br>
Nâng cao chất lượng đầu vào, chú trọng công tác phát triển đoàn viên mới ở tất
cả các đối tượng thanh niên. Làm tốt công tác bồi dưỡng thanh niên kết nạp Đoàn,
chú trọng hơn nữa việc xem xét kết nạp thanh niên có tinh thần tự rèn luyện, có
ý chí lập nghiệp, ham thích học tập, lao động, trưởng thành từ phong trào của
Đoàn - Hội - Đội. Tập trung phát triển Đoàn trong thanh niên lao động tự do,
thanh niên trong các cơ sở sản xuất nhỏ, thanh niên trong các đội nhóm ngành
nghề, đội hình thanh niên, hội viên Hội Liên hiệp Thanh niên, hội viên Hội Sinh
viên ; sinh viên, học sinh tình nguyện ; công nhân lao động trực tiếp sản xuất.<br>
<br>
Hoàn chỉnh qui trình quản lý đoàn viên, triển khai thực hiện đồng bộ giữa các
cấp bộ Đoàn nhằm khắc phục tình trạng thất thoát đoàn số khi đoàn viên chuyển
môi trường công tác ; trong đó xem công tác tuyên truyền, hướng dẫn để xây dựng
ý thức tự giác của người đoàn viên là yêu cầu quan trọng trong thực hiện qui
trình. Hướng dẫn thực hiện thống nhất hồ sơ đoàn viên, thường xuyên cập nhật
những thông tin cần thiết của quá trình phấn đấu của đoàn viên…<br>
<br>
Tập trung đẩy mạnh thực hiện chương trình rèn luyện đoàn viên, trên cơ sở phát
huy kết quả cuộc vận động rèn luyện nâng cao chất lượng đoàn viên, chú trọng cả
2 mặt rèn luyện về nhận thức và rèn luyện về hành động. Từng bước nâng cao bản
lĩnh chính trị, khả năng công tác quần chúng, tinh thần tình nguyện và tính
gương mẫu trong mọi hoạt động của đoàn viên. Đoàn viên phải là chủ thể của việc
rèn luyện và tổ chức các hoạt động tại chi đoàn. Do đó, các cấp bộ Đoàn phải tạo
điều kiện, phát huy tối đa tính năng động sáng tạo, áp dụng các sáng kiến của
đoàn viên.<br>
<br>
Làm tốt công tác phân tích chất lượng đoàn viên theo đúng qui trình, phát huy
vai trò của chi đoàn, đưa công tác phân tích chất lượng đoàn viên vào nề nếp và
trở thành động lực cho đoàn viên phấn đấu.<br>
<br>
2.- Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn cơ sở và chi đoàn với trọng tâm
là nâng cao tính chủ động trong các nội dung hoạt động :<br>
Đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng chi đoàn mạnh gắn liền với việc thực hiện công
trình thanh niên và xây dựng các đội hình thanh niên, duy trì nề nếp sinh hoạt,
chú ý nâng cao tính tư tưởng trong hoạt động, cải tiến nội dung sinh hoạt theo
hướng thiết thực, sinh động, xuất phát từ những vấn đề thực tiễn tại đơn vị và
nhu cầu của đoàn viên, chi đoàn phải thật sự là môi trường để đoàn viên rèn
luyện, cống hiến và trưởng thành. Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn chi đoàn
trong quá trình thực hiện, tổ chức các cuộc liên hoan, gặp gỡ những chi đoàn
mạnh để học tập và nhân rộng điển hình.<br>
<br>
Hướng dẫn tổ chức và hoạt động của chi đoàn ở từng khu vực, nhằm thống nhất
trong đội ngũ cán bộ Đoàn thành phố Hồ Chí Minh về chức năng, nhiệm vụ, vị trí
và các mối quan hệ của chi đoàn. Qua đó xây dựng cơ chế tổ chức và hoạt động phù
hợp với điều kiện mới, vừa đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, vừa gắn liền với nhiệm
vụ chính trị ở địa phương, đơn vị đồng thời phát huy tốt nhất vai trò nòng cốt
của đoàn viên trong các phong trào hành động cách mạng của thanh niên.<br>
<br>
Tập trung xây dựng tổ chức Đoàn ở những lĩnh vực mới như ; chi đoàn trong đội
hình thanh niên tình nguyện, chi đoàn trong các trường cấp 2, 3 dân lập, chi
đoàn trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ
phần, các liên doanh và doanh nghiệp 100 % vốn nước ngoài, khu công nghiệp và
khu chế xuất.<br>
<br>
Phát huy tính chủ động, sáng tạo của Đoàn cơ sở. Tập trung hỗ trợ để Đoàn cơ sở
phát huy tính sáng tạo, chủ động tổ chức hoạt động, đặc biệt là hỗ trợ, phương
pháp công tác, hướng dẫn nội dung, cơ chế cộng tác viên cho Đoàn phường xã. Xây
dựng mối quan hệ công tác giữa Đoàn ở các công trình xa với Đoàn tại các địa
phương đơn vị.<br>
<br>
3.- Xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn có trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị, khả
năng tổ chức hoạt động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới :<br>
Tăng cường đổi mới nội dung, phương thức đào tạo, huấn luyện và bồi dưỡng cán bộ
theo hướng gắn liền với tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ ; đào tạo theo chức danh,
đào tạo cán bộ đặc thù (đội ngũ cán bộ tư tưởng văn hóa, cán bộ làm công tác xây
dựng và phát triển lực lượng ở khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, dân tộc, tôn
giáo…). Đa dạng hóa hình thức đào tạo để đội ngũ cán bộ Đoàn có điều kiện học
tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, đại bộ phận cán bộ
Đoàn từ Bí thư Đoàn cơ sở trở lên đều đạt trung cấp lý luận chính trị và nghiệp
vụ thanh vận. Chú trọng việc qui hoạch, đào tạo cán bộ Đoàn từ cán bộ Hội, cán
bộ Đội.<br>
<br>
Tăng cường công tác quản lý cán bộ, nghiên cứu cơ chế phối hợp giữa các cấp bộ
Đoàn trong bàn giao, tiếp nhận cán bộ nhằm phát huy tốt nhất nguồn lực cán bộ
Đoàn trưởng thành từ hoạt động thực tiễn, khuyến khích các cơ sở Đoàn phân công
cán bộ có năng lực về công tác ở những chi đoàn trung bình hoặc yếu kém để củng
cố và kiện toàn. Thường xuyên thực hiện công tác phê bình và tự phê bình, khắc
phục và đẩy lùi những biểu hiện hành chánh hóa của cán bộ Đoàn.<br>
<br>
Duy trì thường xuyên hội thi Bí thư chi đoàn giỏi, kiểm tra công nhận cán bộ
Đoàn giỏi hàng năm ở quận huyện và tương đương, xây dựng và tổ chức xét trao
“Giải thưởng Hồ Hảo Hớn” cho cán bộ Đoàn giỏi hàng năm.<br>
<br>
Tham mưu tốt với cấp ủy đơn vị trong việc xây dựng, đào tạo bồi dưỡng, sử dụng
nguồn cán bộ trẻ ; chủ động trong điều động bố trí cán bộ Đoàn, tham mưu đưa
công tác cán bộ của Đoàn vào công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ của cấp ủy ;
nghiên cứu ban hành quy chế cán bộ Đoàn thành phố nhằm từng bước tiêu chuẩn hóa
các chức danh, xác định nghĩa vụ và quyền lợi của đội ngũ cán bộ, các mối quan
hệ khi xử lý cán bộ, chế độ chính sách đối với cán bộ… tạo động lực để cán bộ an
tâm công tác và đóng góp nhiều hơn cho tổ chức Đoàn.<br>
<br>
<font color="#008080"><b>IV.- XÂY DỰNG ĐOÀN TỪ XÂY DỰNG ĐỘI THIẾU NIÊN TIỀN PHONG HỒ CHÍ MINH.<br>
</b></font>
<br>
1.- Tiếp tục quán triệt quan điểm xây dựng Đoàn từ xây dựng Đội, nhằm nâng cao ý
thức trách nhiệm của các cán bộ đoàn viên trong bồi dưỡng đào tạo lực lượng dự
bị của Đoàn. Các cấp bộ Đoàn cần hỗ trợ tạo điều kiện mọi mặt để đẩy mạnh phong
trào thiếu nhi, xây dựng Đội, tạo môi trường cho thiếu nhi rèn luyện, nâng cao
hiểu biết, trưởng thành trong học tập và hoạt động.<br>
<br>
2.- Đầu tư xây dựng chương trình bồi dưỡng, huấn luyện đội ngũ chỉ huy Đội, chú
trọng kỹ năng sinh hoạt, năng lực tự quản, theo dõi chặt chẽ quá trình hoạt
động, trưởng thành, làm tốt công tác chuyển giao cho trường trung học cơ sở,
trung học phổ thông và công tác giới thiệu vào Đoàn.<br>
<br>
Tiếp tục triển khai chương trình rèn luyện đội viên, tổ chức các hoạt động giúp
các em trang bị những hiểu biết về xã hội, về Đoàn, đặc biệt coi trọng giáo dục
các phẩm chất đạo đức cần thiết đối với học sinh : hiếu học, kính thầy, hiếu
thảo…<br>
<br>
3.- Phát huy hiệu quả hoạt động của Hội đồng Đội các cấp trong việc phối hợp với
các lực lượng xã hội nhằm chăm lo cho đội viên, chỉ huy Đội, phụ trách Đội ;
nâng cao năng lực hoạt động và bồi dưỡng lòng yêu nghề cho đội ngũ tổng phụ
trách Đội, đẩy mạnh đội ngũ hóa phụ trách Đội.<br>
<br>
4.- Khẩn trương chuẩn bị điều kiện để tổ chức thành công Đại hội Phụ trách Đội.<br>
<br>
<font color="#008080"><b>V.- ĐOÀN THAM GIA XÂY DỰNG ĐẢNG VÀ CHÍNH QUYỀN.<br>
</b></font>
<br>
1.- Tích cực tham gia thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, cơ quan đơn vị ,
định kỳ tổ chức góp ý với Đảng trong xây dựng những chủ trương, nghị quyết có
liên quan đến thanh niên. Tham gia tốt công tác đấu tranh chống tiêu cực, tham
nhũng, bảo vệ chính quyền cơ sở.<br>
<br>
2.- Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng thực hiện cuộc vận động “Người cộng
sản trẻ” thông qua việc tổ chức rộng rãi các hình thức tuyên truyền giáo dục về
Đảng, Đoàn ; tổ chức cho đoàn viên thanh niên chủ động tham gia vào các sinh
hoạt chính trị lớn ; thực hiện tốt quy trình giới thiệu đoàn viên ưu tú cho
Đảng, trong đó đặc biệt coi trọng chất lượng chính trị của đoàn viên ưu tú, phát
triển các tổ nhóm trung kiên để đoàn viên ưu tú rèn luyện.<br>
<br>
3.- Giới thiệu cho Đảng, chính quyền những cán bộ đoàn viên ưu tú tham gia ứng
cử vào các cơ quan đại diện tại địa phương, đơn vị, khu phố, tổ dân phố. Tích
cực thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị. <br>
<br>
<font color="#008080"><b>VI.- CÔNG TÁC KIỂM TRA.<br>
</b></font>
<br>
1.- Tập trung kiểm tra thực hiện điều lệ Đoàn và các vấn đề có tính nguyên tắc
của Đoàn. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện qui chế hoạt động của Ban chấp
hành các cấp, nề nếp sinh hoạt chi đoàn, thực hiện các qui trình kết nạp đoàn
viên, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân
chủ trong ra quyết nghị chương trình công tác… nhằm chấn chỉnh kịp thời các sai
sót tăng cường tính nguyên tắc trong công tác tổ chức của Đoàn.<br>
<br>
2.- Định kỳ và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các chương trình, nghị quyết
của Đoàn cấp trên. Đây là công tác cần thiết nhằm tăng cường tính kỷ cương trong
Đoàn, vì vậy việc kiểm tra sẽ tổ chức chặt chẽ hơn, khoa học hơn, hiệu quả hơn
nhằm phát hiện và tháo gỡ kịp thời các khó khăn phát sinh.<br>
<br>
3.- Nâng cao năng lực hoạt động Ủy ban Kiểm tra của Đoàn : bố trí nhân sự, điều
kiện công tác hợp lý cho Ủy ban Kiểm tra. Kiện toàn và bổ sung kịp thời nhằm đảm
bảo thực hiện tốt chương trình công tác. Thường xuyên bồi dưỡng, hướng dẫn
nghiệp vụ kiểm tra cho cán bộ làm công tác này.<br>
<br>
<font color="#008080"><b>VII.- CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO.<br>
</b></font>
<br>
1.- Khai thác tốt mọi nguồn lực tinh thần, vật chất của gia đình, nhà trường,
các tổ chức kinh tế xã hội và từ chính thanh niên để đẩy mạnh các chương trình
hành động. Gắn chặt các phong trào hành động cách mạng của Đoàn với lợi ích
thanh thiếu niên, với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội thành phố và đất nước.
Bên cạnh củng cố mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, đoàn thể,
Đoàn mạnh dạn đề xuất, đăng ký thực hiện các chương trình, dự án xây dựng và
phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đơn vị. Thông qua đó vừa tạo điều kiện
cho thanh niên tham gia cống hiến, trưởng thành vừa thực hiện vai trò xung kích
của Đoàn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương đơn vị.<br>
<br>
2.- Kế thừa và phát huy phương thức chỉ đạo theo hướng kết hợp hài hòa giữa
chuyển trọng tâm hoạt động về cơ sở với việc tổ chức hoạt động tập trung theo
chiến dịch, đợt hoạt động cao điểm trong đó ưu tiên cho cơ sở… đảm bảo sự phát
triển của phong trào trên diện rộng, chú trọng chiều sâu, đồng thời phải đạt đến
đỉnh cao để lại dấu ấn tích cực trong đời sống kinh tế xã hội, nhân dân và thanh
thiếu niên thành phố. Tập trung chỉ đạo hoạt động tại chi đoàn và Đoàn cơ sở -
cấp cơ sở, tạo điều kiện khơi sức sáng tạo của cơ sở và nâng cao hiệu quả phong
trào. Nâng cao hiệu quả đi cơ sở của đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp với yêu cầu
cùng cơ sở tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, tổng kết thực tiễn, nhân rộng mô hình
và phát triển phong trào.<br>
<br>
3.- Đẩy mạnh tính liên kết khu vực trong tổ chức các chương trình hoạt động của
Đoàn. Cấp thành đẩy mạnh các hoạt động phối hợp với các tỉnh, thành đoàn bạn
trong cụm miền Đông, Tây Nam bộ và cả nước ; Ban Thanh niên Quân khu 7 và Đoàn
các đơn vị lực lượng vũ trang ở các vùng lân cận. Khuyến khích liên kết giữa các
đơn vị trực thuộc hoặc giữa các đơn vị trực thuộc với các đơn vị khác để tổ chức
hoạt động, trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hợp tác vì lợi ích xã hội, thanh
niên và sự lớn mạnh của tổ chức Đoàn.<br>
<br>
4.- Tăng cường kỷ cương, ý thức tổ chức kỷ luật trong hệ thống Đoàn Thanh niên
Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố ; đảm bảo chế độ thông tin đầy đủ, kịp thời, công
khai ; làm tốt công tác phát động thi đua, kiểm tra, biểu dương, khen thưởng,
phê bình và uốn nắn kịp thời để tạo động lực phấn đấu cho cá nhân, đơn vị.<br>
<br>
5.- Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp doanh nghiệp
của Đoàn. Mọi hoạt động các đơn vị phải bám sát những định hướng của Ban chấp
hành Đoàn và mục tiêu của đơn vị. Các cấp bộ Đoàn phải chủ động và tích cực tham
mưu với cấp ủy, chính quyền hình thành những đơn vị sự nghiệp mới nhằm tăng
cường nguồn lực của tổ chức Đoàn trong quá trình tổ chức phong trào thanh thiếu
niên tại đơn vị (ví dụ : Văn phòng giới thiệu việc làm, tụ điểm sinh hoạt, Văn
phòng tư vấn phòng chống HIV/AIDS, phòng chống ma túy…).<br>
<br>
<font color="#008080"><b>VIII.- CÁC CÔNG TRÌNH - DỰ ÁN - CHỈ TIÊU :<br>
</b></font>
<br>
<b>1.- Công trình (2 công trình) :</b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Xây dựng Khu sinh hoạt thiếu nhi (thuộc Trung tâm hoạt động dã ngoại thanh
thiếu niên thành phố tại Cần Giờ).<br>
<br>
- Phổ cập trung học cơ sở cho thanh niên (chỉ tiêu vận động 100.000 thanh niên
đi học và 10.000 tốt nghiệp phổ thông cơ sở). <br>
<br>
<b>2.- Các dự án (4 dự án) :</b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">2.1.- Dự án Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh "Tham gia
thực hiện chương trình 3 giảm" (giảm ma túy, giảm mại dâm, giảm tội phạm).<br>
<br>
2.2.- Dự án Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh "Tham gia
hỗ trợ 18 phường xã nghèo".<br>
<br>
2.3.- Dự án Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh "Chăm sóc
và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn".<br>
<br>
2.4.- Dự án Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh "Tham gia
thực hiện trật tự văn minh đô thị".<br>
<br>
<b>3.- Chỉ tiêu (10 chỉ tiêu) :</b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">1) Tìm 200.000 việc làm cho thanh niên.<br>
<br>
2) Khai thác các nguồn quỹ giúp vốn cho thanh niên vay 50 tỷ đồng.<br>
<br>
3) Duy trì và phát triển tốt 1.500 đội hình thanh niên tình nguyện (tập trung
các đội hình công tác xã hội, phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, ánh sáng
văn hóa, thanh niên xung kích, hiến máu dự bị…).<br>
<br>
4) Phấn đấu thực hiện 21.000 công trình thanh niên đạt hiệu quả ở cấp chi đoàn
và Đoàn cơ sở.<br>
<br>
5) Phát triển 250.000 đoàn viên mới.<br>
<br>
6) Bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng kết nạp ít nhất 5.000 đoàn viên ưu tú. <br>
<br>
7) Xây dựng mới 200 chi đoàn, 400 chi hội trong khu vực kinh tế ngoài quốc
doanh.<br>
<br>
8) Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ có 50 % chi đoàn mạnh, dưới 2 % chi đoàn yếu.<br>
<br>
9) 1.000 cán bộ Đoàn cơ sở hoàn thành chương trình trung cấp thanh vận.<br>
<br>
10) 90 % phường xã có tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (ít nhất 1
chi đội trở lên) trên địa bàn dân cư. </font></p>
<p align="center">
--------------------------------------------------------------------</p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#FF0000">
<a name="bao cao kiem diem"></a>BÁO CÁO KIỂM ĐIỂM<br>
BAN CHẤP HÀNH THÀNH ĐOÀN KHÓA VI <br>
NHIỆM KỲ 1996 - 2000<br>
-----oOo-----<br>
</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"> Ban chấp hành Thành Đoàn khóa VI được đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản
Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 6 bầu ra với số lượng 51 đồng chí. Hội
nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Thành Đoàn đã bầu ra Ban Thường vụ Thành Đoàn
gồm 15 đồng chí. Trong quá trình lãnh đạo hoạt động Đoàn thanh niên thành phố,
một số đồng chí Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên thường vụ đã được điều động sang
nhận nhiệm vụ mới. Đồng thời một số đồng chí cán bộ trẻ có năng lực đã được bổ
sung vào Ban chấp hành, Ban thường vụ để đảm bảo năng lực lãnh đạo chung của Ban
chấp hành Thành Đoàn trong suốt nhiệm kỳ.<br>
<br>
Đến nay đã có 16 đồng chí chuyển công tác và thôi giữ nhiệm vụ Ủy viên Ban chấp
hành Thành Đoàn, bổ sung 12 đồng chí vào Ban chấp hành. Hiện nay Ban chấp hành
Thành Đoàn còn 47 đồng chí ủy viên Ban chấp hành, trong đó có 13 đồng chí ủy
viên Thường vụ.<br>
<br>
Ban chấp hành Thành Đoàn khóa VI xin nghiêm túc kiểm điểm trước đại hội Đoàn
thành phố lần 7 trên một số mặt chủ yếu như sau :<br>
<br>
<font color="#008080"><b>I.- SỰ LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐOÀN LẦN VI CỦA BAN CHẤP HÀNH, BAN
THƯỜNG VỤ THÀNH ĐOÀN.<br>
</b></font>
<br>
<b>1.- Ưu điểm :</b><br>
- Ban chấp hành Thành Đoàn luôn kiên định với lập trường chính trị, trung thành
với mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và của tổ chức Đoàn Thanh niên
Cộng sản Hồ Chí Minh, tích cực thực hiện những quan điểm chỉ đạo của Đảng, nhất
là những quan điểm về công tác thanh niên trong thời kỳ mới, vận dụng sáng tạo
một cách phù hợp với nhiệm vụ kinh tế xã hội của thành phố.<br>
<br>
- Ban chấp hành Thành Đoàn luôn kiên trì tổ chức thực hiện 2 mục tiêu và 7
chương trình hành động của Đoàn do Đại hội VI đề ra, chủ động thực hiện các giải
pháp chỉ đạo lớn phù hợp với sự phát triển của phong trào trong từng thời điểm.
Luôn xem trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với đoàn viên thanh
niên. Đẩy mạnh thực hiện các phong trào hành động cách mạng sâu rộng, nội dung
phong trào luôn gắn với nhu cầu thiết thân của thanh niên, qua đó, Đoàn ngày
càng khẳng định vị trí của mình trong thanh niên và xã hội. Thường xuyên quan
tâm đến việc mở rộng mặt trận tập hợp thanh niên, xây dựng và phát triển lực
lượng nòng cốt, đầu tư cho đối tượng thanh niên ở khu vực kinh tế ngoài quốc
doanh. Tập trung các giải pháp xây dựng Đoàn nâng cao chất lượng đội ngũ đoàn
viên và chất lượng hoạt động chi đoàn để Đoàn thực sự phát huy vai trò nòng cốt
của Đoàn trong phong trào thanh niên thành phố.<br>
<br>
- Kiên trì thực hiện quan điểm chuyển trọng tâm hoạt động về cơ sở, xác định nội
dung và đối tượng trọng tâm trong thiết kế và tổ chức phong trào, tạo sự chuyển
biến tích cực từ cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy thế mạnh của Đoàn
trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại từng đơn vị, tiếp tục giữ vững và
phát huy vai trò mạch nối giữa tổ chức Đoàn với thanh niên.<br>
<br>
- Tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ về công tác xây dựng Đoàn thông qua
việc ban hành 3 nghị quyết chuyên đề : Nghị quyết về việc nâng cao chất lượng
đoàn viên và xây dựng chi đoàn mạnh, Nghị quyết về công tác tư tưởng văn hóa của
Đoàn, Nghị quyết về công tác tập hợp thanh niên. Từng bước củng cố tổ chức cơ
sở, nâng cao chất lượng đội ngũ đoàn viên. Xác định đối tượng trọng tâm và trách
nhiệm của từng cấp bộ Đoàn, luôn luôn nhận thức đoàn viên là chủ thể trong hành
động, chi đoàn là môi trường, đoàn cấp trên tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở.
Kiên trì thực hiện các giải pháp căn cơ và đồng bộ giữa các lĩnh vực công tác,
giữa các cấp bộ Đoàn để làm nền tảng cho sự phát triển phong trào, từ đó xây
dựng mục tiêu và giải pháp thực hiện phù hợp với từng giai đoạn.<br>
<br>
- Ban chấp hành Thành Đoàn thường xuyên đổi mới phương pháp chỉ đạo cho phù hợp
với yêu cầu của từng giai đoạn. Việc xác định chủ đề hằng năm của Ban chấp hành
Thành Đoàn đã thống nhất tư tưởng và định hướng hành động trong toàn Đoàn, xây
dựng hệ thống chỉ tiêu để tạo động lực phấn đấu cho từng cơ sở Đoàn. Bên cạnh
đó, việc đẩy mạnh phong trào thông qua các đợt hoạt động tập trung, các chiến
dịch tình nguyện, các ngày chi đoàn cùng hành động, các đội hình thanh niên ...
đã phát huy thế mạnh của từng cơ sở Đoàn, đưa đoàn viên vào hành động bằng những
việc làm thiết thực cụ thể, tác động đến ý thức tự giác và tinh thần tình nguyện
của đoàn viên thanh niên. Việc thiết kế công tác giáo dục thành nội dung riêng
đã định hướng cho cơ sở tăng cường đầu tư cho công tác giáo dục đối với đông đảo
các đối tượng thanh niên bên cạnh việc nâng cao hiệu quả công tác chính trị tư
tưởng trong Đoàn.<br>
<br>
- Về kết quả chỉ đạo : công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bước đầu đã tạo ra
được nhận thức đúng đắn trong đội ngũ đoàn viên về việc học tập lý luận chính
trị, đẩy mạnh giáo dục nêu gương để phát huy các giá trị tốt đẹp trong thanh
niên, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của thanh niên. Công tác tập
hợp thanh niên đã có sự chuyển biến tích cực về số lượng, đối tượng tập hợp, các
đội hình thanh niên được duy trì và tiếp tục phát triển. Chất lượng đoàn viên
được nâng lên, khẳng định được vai trò hạt nhân nòng cốt trong phong trào thanh
niên; nâng cao tính chủ động của chi đoàn trong thiết kế và tổ chức hoạt động,
nội dung và phương thức hoạt động được cải tiến một bước. <br>
<br>
<b>2.- Hạn chế :</b><br>
- Ban chấp hành Thành Đoàn tuy có định hướng nội dung và hình thức nhằm tăng
cường công tác chính trị tư tưởng của Đoàn. Tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở những
nội dung mang tính bề nổi, chưa đi vào chiều sâu. Tính chính trị trong sinh hoạt
Đoàn vẫn còn hạn chế. Các cơ sở Đoàn chưa chủ động sáng tạo đề ra những giải
pháp cho việc học tập lý luận chính trị trong Đoàn phù hợp với điều kiện đặc thù
của đơn vị mình.<br>
<br>
- Việc tổ chức thực hiện 8 chương trình hành động chưa khơi gợi được tính chủ
động sáng tạo của cơ sở. Ban chấp hành Thành Đoàn thiếu đeo bám kiên trì trong
một số nội dung chỉ đạo, chưa chú trọng đúng mức đến việc kiểm tra, đôn đốc cơ
sở. Kết quả thực hiện 2 công trình thanh niên do đại hội VI đề ra, tuy có nhiều
nỗ lực nhưng chưa đạt được những yêu cầu đặt ra, các giải pháp thực hiện chưa đa
dạng, chưa tận dụng hết các nguồn lực xã hội cho việc thực hiện 2 công trình.<br>
<br>
- Ban chấp hành Thành Đoàn chưa tham mưu tốt công tác cán bộ của Đoàn, do vậy
công tác cán bộ chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay,
đội ngũ cán bộ đoàn còn hạn chế về trình độ chính trị và kỹ năng thanh vận, công
tác quy hoạch và đào tạo cán bộ còn thụ động, ở một số nơi chưa xây dựng được
nguồn cán bộ dự bị dẫn đến tình trạng hụt hẫng khi có sự thay đổi cán bộ. Lực
lượng nòng cốt chính trị tuy có đầu tư xây dựng nhưng vẫn còn yếu, một số cơ sở
Đoàn chưa quan tâm đúng mức cho công tác xây dựng lực lượng chính trị trong các
đơn vị kinh tế ngoài quốc doanh, trong thanh niên dân tộc, thanh niên tôn giáo.<br>
<br>
- Ban chấp hành Thành Đoàn tuy có đổi mới phương thức chỉ đạo nhưng phương pháp
thực hiện chưa được cải tiến một cách đồng bộ, chỉ đạo đôi lúc còn dàn trẻi,
thiếu tập trung, chưa chú ý nguồn lực cơ sở trong quá trình chỉ đạo phong trào.<br>
<br>
<b><font color="#008080">II.- VỀ VIỆC THỰC HIỆN QUY CHẾ BAN CHẤP HÀNH THÀNH ĐOÀN KHÓA VI.<br>
</font></b>
<br>
<b>1.- Đối với Ban chấp hành Thành Đoàn :<br>
1.1.- Ưu điểm :</b><br>
- Ban chấp hành Thành Đoàn xây dựng quy chế làm việc ngay từ đầu nhiệm kỳ và
phân công, phân nhiệm cụ thể theo hướng phát huy vai trò lãnh đạo của tập thể
song song với việc làm rõ trách nhiệm của từng ủy viên ban chấp hành. Những chủ
trương, nghị quyết của Ban chấp hành đều được bàn bạc để đi đến thống nhất theo
nguyên tắc tập trung dân chủ. Tập thể ban chấp hành Thành Đoàn phát huy tinh
thần đoàn kết trong xây dựng nội dung và thiết kế thực hiện, góp phần quan trọng
cho sự thành công của phong trào.<br>
<br>
- Thường xuyên duy trì chế độ làm việc định kỳ của Ban chấp hành Thành Đoàn, tập
trung giải quyết những vấn đề trọng tâm và đề ra các giải pháp trong chỉ đạo cơ
sở. Có chú trọng đến công tác sơ tổng kết, rút kinh nghiệm đối với những nội
dung chỉ đạo trọng tâm<br>
<br>
<b>1.2.- Hạn chế :</b><br>
- Chưa thực hiện tốt cơ chế phát huy vai trò của Ủy viên Ban chấp hành trong
việc triển khai thực hiện nghị quyết của ban chấp hành theo từng chuyên đề, nhất
là những chuyên đề về công tác xây dựng Đoàn. Một bộ phận Ủy viên Ban chấp hành
chưa thực hiện tốt nề nếp sinh hoạt, đôi lúc ảnh hưởng đến túc số họp ban chấp
hành khi cần quyết định những nội dung quan trọng.<br>
<br>
- Việc chỉ đạo phong trào chưa theo kịp với sự thay đổi quá nhanh của cơ chế
quản lý kinh tế - xã hội, của diễn biến trong đời sống xã hội thanh niên, một số
chương trình thiếu nội dung, giải pháp còn mang tính gán ghép, chủ quan.<br>
<br>
<b>2.- Đối với Ban Thường vụ Thành Đoàn :<br>
2.1.- Ưu điểm :<br>
</b>- Ban Thường vụ Thành Đoàn lãnh đạo cơ quan chuyên trách Thành Đoàn cơ bản thực
hiện tốt các chủ trương, nghị quyết và chương trình hành động do Ban chấp hành
quyết định. Chủ động tham mưu Ban chấp hành trong việc xác định mục tiêu, nội
dung trọng tâm và phương thức chỉ đạo phù hợp.<br>
<br>
- Cơ quan chuyên trách Thành Đoàn thành lập các nhóm công tác cơ sở do các đồng
chí Ủy viên Thường vụ phụ trách để bám sát cơ sở trong chỉ đạo, tăng cường thông
tin, định hướng nội dung hoạt động cho cơ sở và cùng cơ sở tháo gỡ khó khăn khi
cần thiết.<br>
<br>
<b>2.2.- Hạn chế :<br>
</b>- Phương pháp chỉ đạo theo chuyên đề chưa được chú trọng phát huy, việc lắng
nghe và khơi gợi những ý tưởng sáng tạo từ cơ sở đôi khi ít được chú ý, có một
số chủ trương, nội dung chỉ đạo của Ban Thường vụ còn chủ quan, mang tính áp đặt
đối với cơ sở, chưa phát huy được tính chủ động, sáng tạo của cơ sở.<br>
<br>
- Đã có những biểu hiện hành chính, cụ thể là có một số chủ trương, nghị quyết,
chương trình công tác đề ra nhưng thiếu sự quan tâm theo dõi, kiểm tra để điều
chỉnh kịp thời. Việc đi thực tế thường chỉ dừng lại ở cấp quận huyện, tương
đương và đoàn cơ sở, nghe thông tin báo cáo chứ chưa trực tiếp tiếp cận chi
đoàn, cán bộ, đoàn viên. <br>
<br>
- Ban Thường vụ Thành Đoàn chưa phát huy có hiệu quả tổng lực hệ thống công cụ
của Đoàn mà mới chỉ phát huy thế mạnh của từng đơn vị, chưa tạo được sự phối hợp
trong hoạt động giữa các đơn vị công cụ với các cơ sở Đoàn. <br>
<br>
<font color="#008080"><b>III.- NGUYÊN NHÂN VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM.<br>
</b></font>
<br>
<b>1.- Nguyên nhân của những hạn chế :</b><br>
- Ban thường vụ, Ban chấp hành Thành Đoàn còn lúng túng về cơ sở lý luận thanh
vận và công tác xây dựng Đoàn trong thời kỳ mới, phương pháp thiết kế phong trào
có sự sáng tạo nhưng trình độ thiết kế vẫn chưa theo kịp với đòi hỏi của thực
tiễn.<br>
<br>
- Công tác nghiên cứu trong Đoàn, đặc biệt là đối với cơ quan chuyên trách chưa
được Ban chấp hành, Ban Thường vụ quan tâm đúng mức, chưa thấy hết được công tác
thanh vận thật sự là công tác đòi hỏi tính khoa học ngày càng cao trong quá
trình vận động và phát triển nhu cầu của thanh niên. Thiếu những hoạt động
nghiên cứu về lý tưởng, nhu cầu, đạo đức lối sống của thanh niên trong giai đoạn
mới.<br>
<br>
- Chưa thường xuyên kiểm tra đánh giá việc thực hiện quy chế của ban chấp hành,
chưa mạnh dạn phê bình đối với những đồng chí chưa thật sự thực hiện một cách
nghiêm túc.<br>
<br>
- Chưa kịp thời củng cố cán bộ chủ chốt của cơ quan chuyên trách Thành Đoàn,
chưa tham mưu kịp thời với Ban thường vụ Thành ủy về công tác cán bộ của Đoàn.<br>
<br>
<b>2.- Bài học kinh nghiệm :</b><br>
- Tăng cường kiểm tra và sinh hoạt quy chế hoạt động của Ban chấp hành, thiết kế
các tổ công tác của Ban chấp hành theo lĩnh vực và chương trình công tác làm cơ
sở cho việc thảo luận, nghiên cứu, đề xuất và theo dõi tổ chức thực hiện có
chiều sâu hơn. Thiết lập cơ chế làm việc của Ban Thường vụ với các tổ Ban chấp
hành.<br>
<br>
- Khuyến khích việc tự trang bị lý luận chính trị, tăng cường chế độ nghe thông
tin báo cáo chuyên đề hằng quý 1lần cho các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành, qua
đó trang bị kiến thức mới và những vấn đề thời sự có liên quan đến thanh thiếu
niên.<br>
<br>
- Trong thiết kế những nội dung cụ thể hóa nghị quyết đại hội cần bám sát các
mục tiêu, chương trình mà Đại hội đã đề ra, đồng thời trong quá trình chỉ đạo
phải đảm bảo tính đồng bộ giữa nội dung phong trào và nội dung công tác xây dựng
Đoàn.</font></p>
<p align="right"><b><i><font face="Arial" size="2">BAN CHẤP HÀNH THÀNH ĐOÀN KHÓA VI<br>
(NHIỆM KỲ 1996 - 2000)</font></i></b></p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2">
------------------------------------------------------------------------------------------------</font></p>
<p align="left"><b><font face="Arial" size="2" color="#FF0000">ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH<br>
BCH. TP. HỒ CHÍ MINH</font></b></p>
<p align="right"><i><font face="Arial" size="2">TP. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 10 năm 2000</font></i></p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#FF0000">
<a name="phu luc"></a>PHỤ LỤC<br>
CÁC HOẠT ĐỘNG NỔI BẬT <br>
TRONG NHIỆM KỲ VI (1996 - 2000)<br>
-------oOo-------</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">1.- Các chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh thu hút hàng năm từ 3000 - 20.000
đoàn viên thanh niên, sinh viên học sinh tham gia thực hiện công tác xóa mù chữ,
ôn tập văn hóa, sinh hoạt thiếu nhi, tuyên truyền pháp luật, vệ sinh phòng dịch
- sức khỏe - môi trường, phòng chống ma túy, thực hiện các công trình phúc lợi
xã hội… tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa.<br>
<br>
2.- Các ngày Chủ nhật xanh với hơn 4000 công trình sạch đẹp được thực hiện tại
cơ sở và cuộc vận động không xả rác trên kênh rạch được thực hiện kiên trì, tạo
được tác động tích cực trong xã hội.<br>
<br>
3.- Những đêm lễ hội văn hóa thanh niên trên đường phố đã tạo nên một nét sinh
hoạt văn hóa mới trong thanh thiếu niên và nhân dân thành phố vào các dịp lễ lớn
hàng năm.<br>
<br>
4.- Hành trình đến với bảo tàng thu hút 362.000 lượt người tham gia, góp phần
khai thác có hiệu quả hệ thống bảo tàng - nhà truyền thống - khu di tích lịch
sử, di tích cách mạng trong công tác giáo dục truyền thống cho đoàn viên - thanh
thiếu niên thành phố.<br>
<br>
5.- Giải thưởng “Học trò giỏi - hiếu thảo” (Báo Tuổi Trẻ) đã góp phần hỗ trợ và
tuyên dương gần 2.000 học trò giỏi - hiếu thảo của 61 tỉnh thành trong cả nước.<br>
<br>
6.- Cuộc bình chọn - tuyên dương điển hình thanh niên tiên tiến, gương mặt trẻ
tiêu biểu trên các lĩnh vực từ cơ sở đến thành phố nhiệm kỳ qua đã giới thiệu,
tuyên dương hàng trăm ngàn lượt điển hình.<br>
<br>
7.- Hội thi Bí thư chi đoàn giỏi toàn thành với gần 6.000 đồng chí Bí thư chi
đoàn tham gia, là một cuộc ra quân khẳng định năng lực, trình độ và vai trò của
đội ngũ Bí thư chi đoàn. Tổng số đoàn viên của thành phố hiên nay đạt số cao
nhất trong 25 năm qua. <br>
<br>
8.- Phong trào kế hoạch nhỏ của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh thành phố
với công trình trường Trần Văn Chẩm (Củ Chi) và trường An Thạnh (Thạnh Phú - Bến
Tre) trị giá gần 1,5 tỉ đồng.<br>
<br>
9.- Sự ra đời và hoạt động của Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên đã hỗ trợ tích cực đời
sống và học tập cho sinh viên với hơn 200 học bổng trị giá 312 triệu đồng, giới
thiệu 24.800 chỗ trọ, hàng chục ngàn việc làm thêm cho sinh viên…<br>
<br>
10.- Sự ra đời và hoạt động của Văn phòng Hỗ trợ đám cưới cho thanh niên với
việc tổ chức đám cưới tập thể cho thanh niên.</font></p>
<p align="right"><b><i><font face="Arial" size="2">BAN CHẤP HÀNH THÀNH ĐOÀN
</font></i></b></p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2">
------------------------------------------------------------------------<br>
<br>
<b><font color="#FF0000"><a name="dien van khai mac"></a>DIỄN VĂN KHAI MẠC<br>
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH <br>
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH LẦN VII NHIỆM KỲ 2001 - 2005</font></b><br>
<font color="#FF0000">-------oOo-------<br>
</font>(Do đồng chí Phạm Đức Hải - Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn
trình bày)</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b><i>Kính thưa các vị khách quý,<br>
Kính thưa các đồng chí đại biểu,</i></b><br>
<br>
Chúng ta đã bước vào thế kỷ 21 được 4 tháng 16 ngày. Trong những ngày bình minh
của thế kỷ mới, ai trong chúng ta đều ước mơ về một tương lai tốt đẹp và ai
trong chúng ta đều nỗ lực để biến những ước mơ đó trở thành hiện thực.<br>
<br>
Hôm nay, giữa những ngày tháng Năm lịch sử, trong không khí hân hoan của nhân
dân cả nước chào mừng thành công rực rỡ của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần IX
Đảng Cộng sản Việt Nam và kỷ niệm lần thứ 111 Ngày sinh Bác Hồ vĩ đại - Người
sáng lập tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, chúng ta tiến hành trọng
thể Đại hội Đại biểu lần thứ 7 nhiệm kỳ 2001 - 2005 Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ
Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh.<br>
<br>
Đại hội chúng ta hãy dành một tràng pháo tay thật dài để nhiệt liệt chào mừng
các vị khách quý, chào mừng 600 đại biểu chính thức đại diện cho gần 250.000
đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố về tham dự đại hội hôm nay.<br>
<br>
Kính thưa các đồng chí, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và tuổi trẻ thành
phố Hồ Chí Minh nhiều năm qua vẫn luôn luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ, cộng
đồng trách nhiệm của các tổ chức, các đơn vị, các ban ngành - đoàn thể thành
phố, các cấp ủy Đảng cơ sở trong việc tổ chức và phát triển phong trào thanh
thiếu niên thành phố. Tuổi trẻ thành phố trân trọng cảm ơn các đơn vị, các tổ
chức, các cá nhân về sự hỗ trợ nhiệt tình và trách nhiệm trong thời gian qua và
đã gởi tặng Đại hội những lẵng hoa tươi thắm, những món quà nặng nghĩa tình.<br>
<br>
Kính thưa Đại hội,<br>
Theo nhịp bước thời gian, 5 năm cuối cùng của thế kỷ 20 cũng là 5 năm Đoàn Thanh
niên Cộng sản thành phố cố gắng thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đoàn
thành phố lần thứ 6. 5 năm qua, kiên trì thực hiện mục tiêu “Hội đông hơn - Đoàn
chất lượng hơn”, chúng ta đã gặt hái được những thành tích rất khả quan. Đó là
các chương trình hành động cách mạng của Đoàn đã lan rộng tới nhiều tầng lớp
thanh niên, đã khơi sức thanh niên cùng hăng hái thực hiện các mục tiêu, các lợi
ích của cộng đồng. Đó là, nội dung, hình thức trong công tác giáo dục chính trị
tư tưởng đã phong phú hơn, thiết thực hơn, và đã góp phần nâng cao nhận thức
chính trị cho người thanh niên. Đó là, từng bước đã nâng cao chất lượng sinh
hoạt chi đoàn; số lượng thanh niên tham gia vào tổ chức của Hội, của Đoàn tăng
khá nhanh hàng năm.<br>
<br>
Bên cạnh những thành tích nêu trên, vẫn còn những hạn chế mà Đại hội chúng ta
cần phân tích đầy đủ để đề ra những giải pháp khắc phục. Một là, phong trào có
lan rộng hơn nhưng cũng mới chỉ tạo được men, chưa thực sự tạo ra những dấu ấn
mạnh mẽ. Hai là, còn khá nhiều đoàn viên, thanh niên cho rằng công tác giáo dục
của Đoàn còn hình thức, hiệu quả không cao. Và ba là, sinh hoạt chi đoàn cần
phải tiếp tục cải tiến mạnh mẽ và triệt để hơn.<br>
<br>
Từ thực tiễn hết sức sinh động của hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên của
thành phố trong những năm qua, đòi hỏi Đại hội chúng ta phải tập trung trí tuệ,
tập trung sức lực để tìm kiếm những giải pháp nhằm giải quyết có hiệu quả 4 vấn
đề lớn.<br>
<br>
<b>Vấn đề thứ nhất là,</b> phải tìm kiếm những giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa các phong
trào hành động cách mạng; đồng thời phát động những phong trào mới hơn, thiết
thực hơn nhằm vừa phát huy tinh thần tình nguyện của đông đảo thanh niên cùng
tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị – xã hội, vừa thể
hiện trách nhiệm của tổ chức Đoàn trong việc chăm lo lợi ích chính đáng của
thanh thiếu niên. Mục đích cuối cùng – hay có thể nói vào cuối nhiệm kỳ 7, năm
2005, chúng ta phải tạo ra những phong trào thi đua thật sự sôi nổi, thật sự trẻ
trung trong đông đảo đoàn viên, thanh niên. Phải tạo thành những đợt sóng mạnh
mẽ và liên tục nhằm tác động để đưa phong trào tiến lên nhiều bậc cao hơn.<br>
<br>
<b>Vấn đề thứ hai là,</b> phải rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác giáo dục
của Đoàn. Từ đó, đề xuất những nội dung giáo dục phù hợp, những phương thức giáo
dục phong phú, hấp dẫn, phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Phải gợi ra những
giải pháp để khai thác tốt hơn những chất liệu từ thực tế cuộc sống, đồng thời
phải tìm kiếm những giải pháp nhằm tạo được thế chủ động trong công tác giáo
dục. Thước đo cuối cùng của công tác giáo dục của Đoàn chính là góp phần hình
thành lớp thanh niên có trách nhiệm công dân, có tri thức, có sức khỏe và lao
động giỏi, sống có văn hóa và tình nghĩa, giàu lòng yêu nước và tinh thần quốc
tế chân chính.<br>
<br>
<b>
Vấn đề thứ ba là,</b> phải tổng kết một cách toàn diện về công tác xây dựng Đoàn. Cụ
thể là phải đánh giá sự thành công và mặt hạn chế trong quá trình 5 năm qua thực
hiện 3 Nghị quyết về xây dựng Đoàn của Ban chấp hành Thành Đoàn khóa 6. Đó là
Nghị quyết 01 về nâng cao chất lượng đoàn viên và xây dựng chi đoàn mạnh; Nghị
quyết 02 về công tác tập hợp thanh niên và Nghị quyết 03 về công tác tư tưởng
văn hóa. Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đoàn của
nhiệm kỳ 6, Đại hội 7 của chúng ta phải phác thảo cho một bước đi dài - một bước
đi 5 năm và những bước đi ngắn - những bước đi của từng năm. Hay có thể nói,
trách nhiệm của Đại hội chúng ta chính là hình dung được những giải pháp cụ thể
để đổi mới nội dung, đổi mới hình thức sinh hoạt chi đoàn; phải hình dung được
những giải pháp để nâng cao chất lượng đoàn viên và phải hình dung được những
giải pháp để bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch đội ngũ cán bộ Đoàn.<br>
<br>
<b>Và cuối cùng, vấn đề thứ tư là,</b> đại hội chúng ta có nhiệm vụ nghiên cứu, thảo
luận, thông qua bản kiểm điểm của Ban chấp hành Thành Đoàn khóa 6; và có trách
nhiệm bầu Ban chấp hành Thành Đoàn khóa 7 với phương châm “Trẻ trung hơn, năng
động hơn và trí tuệ hơn” để gánh vác trọng trách lãnh đạo phong trào thanh thiếu
niên và công tác Đoàn thành phố trong 5 năm đầu tiên của thế kỷ 21. <br>
<br>
Kính thưa các đồng chí,<br>
Đại hội Đại biểu lần thứ 7 của Đoàn Thanh niên cộng sản thành phố khai mạc hôm
nay, chính là kết quả của sự đóng góp thẳng thắn và trách nhiệm của đông đảo
đoàn viên, thanh niên, là kết quả của một quá trình chuẩn bị khẩn trương, nghiêm
túc của tất cả đội ngũ cán bộ Đoàn, là kết quả của sự quan tâm đóng góp và chỉ
đạo của các đồng chí cán bộ cách mạng lão thành, các đồng chí lãnh đạo Đảng,
Chính quyền, các Sở ban ngành, đoàn thể, sự đóng góp của các nhà khoa học, các
nhà doanh nghiệp trẻ, các phóng viên và các đồng chí cựu cán bộ Đoàn.<br>
<br>
Đại hội chúng ta xin trân trọng cám ơn những đóng góp tâm huyết, trí tuệ cho sự
thành công của Đại hội và xin nhiệt liệt biểu dương những thành tích xuất sắc
của đông đảo đoàn viên, thanh niên và các cơ sở Đoàn đã tổ chức các phong trào
thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội hôm nay.<br>
<br>
Phát huy truyền thống tuổi trẻ Việt Nam, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước
Đảng bộ, nhân dân và đoàn viên, thanh thiếu niên thành phố, Đại hội Đại biểu lần
thứ 7 Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh thể hiện ý chí
“Thanh niên thành phố rèn luyện nhân cách, trau dồi lý tưởng, năng động, sáng
tạo, xung kích trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.<br>
<br>
Với ý nghĩa đó, cho phép tôi thay mặt Đoàn chủ tịch tuyên bố khai mạc Đại hội
Đại biểu lần thứ 7 Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh.<br>
<br>
Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.<br>
Xin trân trọng cám ơn.</font></p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2">
-------------------------------------------------------------------</font></p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#FF0000">
<a name="tom tat bao cao"></a>TÓM TẮT BÁO CÁO <br>
CỦA BAN CHẤP HÀNH THÀNH ĐOÀN KHÓA VI<br>
TRÌNH ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH<br>
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH LẦN VII (2001 - 2005)<br>
-------oOo-------<br>
(Do đồng chí Nguyễn Thành Phong - Bí thư Thành đoàn khóa VI
trình bày)</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
Kính thưa đại hội,<br><br>
Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố mang tên Bác
kính yêu diễn ra vào thời điểm hết sức có ý nghĩa. Đại hội lần IX của Đảng Cộng
sản Việt Nam, Đại hội lần VII của Đảng bộ thành phố vừa tổ chức thành công -
khẳng định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dân giàu nước mạnh, xã
hội công bằng dân chủ, văn minh, khẳng định việc chăm lo giáo dục, bồi dưỡng,
đào tạo phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng đạo đức, lối sống, văn hóa,
nghề nghiệp, tạo việc làm và phát triển tài năng đối với thế hệ trẻ.
<br><br>
Đại hội của chúng ta cũng được tổ chức trong những khoảnh khắc bình minh của
thiên niên kỷ mới, trong bối cảnh thanh niên cả nước đang tổ chức kỷ niệm 111
năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập, rèn luyện Đoàn Thanh niên
Cộng sản Hồ Chí Minh.<br><br>
Đại hội lần này có nhiệm vụ đánh giá những thành công và hạn chế thời gian qua,
đề ra nhiệm vụ cho giai đoạn mới, phấn đấu nâng cao chất lượng tổ chức Đoàn, mở
rộng mặt trận tập hợp đoàn kết thanh niên nhằm tiếp bước truyền thống, khơi sức
sáng tạo, phát huy tinh thần tình nguyện ; xung kích thực hiện nhiệm vụ xây
dựng, phát triển, bảo vệ thành phố và đất nước ; xứng đáng đội dự bị tin cậy của
Đảng.<br><br>
Nhìn lại tình hình thanh niên 5 năm qua, dưới tác động đa dạng của đời sống kinh
tế xã hội, tình hình thanh niên thành phố nói chung, tình hình các đối tượng
thanh niên nói riêng cũng có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, thái độ
chính trị, trong các nhu cầu cơ bản, trong khả năng thích ứng và nhập cuộc với
thực tiễn xây dựng, phát triển, bảo vệ thành phố và đất nước. Đại bộ phận thanh
niên thành phố giữ vững và phát huy tốt truyền thống đấu tranh cách mạng, yêu
nước và hiếu học, luôn năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, sống có nghĩa
tình, vượt khó vươn lên. Đây cũng là bộ phận thể hiện rõ nét lòng trung thành,
tin tưởng và ủng hộ tích cực công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo ;
tự nguyện, tự giác tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển, kinh tế xã hội
thông qua các chương trình hành động cách mạng của Đoàn ; bộc lộ thẳng thắn thái
độ ủng hộ cái đúng, đấu tranh chống những hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã
hội. Một bộ phận thanh niên thiếu ý thức rèn luyện, nhận thức chính trị kém,
chưa nhận được sự quan tâm chăm sóc đúng mức của gia đình ; sự hỗ trợ động viên
của Đoàn, của Hội nên dễ bị tác động và lôi kéo vào các hoạt động không lành
mạnh, có nguy cơ cao dẫn đến tệ nạn xã hội và phạm pháp. Bên cạnh đó, các nhu
cầu cơ bản của thanh niên như : rèn luyện, cống hiến và tự khẳng định, học tập
và phát triển tài năng, ổn định việc làm và nâng cao thu nhập, hoạt động văn hóa
và nâng cao đời sống tinh thần cũng phát triển mạnh mẽ, đa dạng với yêu cầu ngày
càng cao. Trong đó luôn diễn ra sự đấu tranh, giằng co để khẳng định những nhu
cầu lành mạnh và cao thượng phù hợp với lợi ích chính đáng của thanh niên ; hạn
chế những nhu cầu của lối sống cá nhân vị kỷ và thực dụng.<br>
<br>
5 năm đầu của thế kỷ mới cùng với những chuyển động của tình hình kinh tế - xã
hội của thành phố và đất nước, sự tác động đan xen của các yếu tố tích cực và
tiêu cực, tình hình thanh niên và những nhu cầu cơ bản của thanh niên cũng không
ngừng vận động và bộc lộ nhiều vấn đề mà Đoàn phải quan tâm giải quyết. Đó là sự
biến đổi mạnh mẽ về cơ cấu xã hội nghề nghiệp của thanh niên ; là nhu cầu ổn
định việc học, việc làm và nâng cao thu nhập, trong điều kiện thị trường lao
động ngày càng cạnh tranh gay gắt ; đó là nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần
trong khi điều kiện đáp ứng còn nhiều khó khăn ; là nhu cầu mở rộng quan hệ giao
lưu quốc tế trong khi chưa được chuẩn bị đầy đủ một bản lĩnh văn hóa cần thiết.
Khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách về điều kiện học tập, hưởng thụ các hoạt
động văn hóa trong thanh niên cũng có sự gia tăng dẫn đến sự khác nhau trong
nhận thức những vấn đề chính trị - xã hội, trong lối sống, trong quan niệm về
các giá trị xã hội.<br><br>
Trong quá trình vận động phát triển để giải quyết các vấn đề có tính 2 mặt đó,
ưu thế thuộc về các đối tượng thanh niên có điều kiện về học vấn, có sức khỏe,
thích ứng nhanh nhạy với cơ chế mới… sẽ hình thành một bộ phận thanh niên năng
động, tích cực, tự tin trong học tập, lao động giữ vai trò nòng cốt trong thực
hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương đơn vị, trong tổ chức các phong trào hoạt
động của Đoàn, của Hội. Bên cạnh đó một bộ phận không nhỏ thanh niên do hạn chế
về học vấn, không thích ứng kịp với cơ chế mới… phải chấp nhận tình trạng thất
nghiệp, lao động không đúng ngành nghề hoặc việc làm bấp bênh, dễ chán nản với
cuộc sống, có nguy cơ sa vào các tệ nạn xã hội. Vì vậy vấn đề quan trọng đặt ra
cho Đoàn Thanh niên Cộng sản thành phố Hồ Chí Minh là phải nhận thức đầy đủ sự
phát triển của 2 xu hướng đó. Một mặt phải có biện pháp phát huy tối đa lực
lượng thanh niên tích cực đồng thời phải có biện pháp để hỗ trợ, chia sẻ bộ phận
thanh niên còn lại, từng bước vận động tập hợp bộ phận thanh niên này vào các
hoạt động của Đoàn.<br><br>
Trên con đường làm bạn với thanh niên những năm 1996 - 2000, tổ chức Đoàn Thanh
niên Cộng sản thành phố đã gặt hái được những kết quả quan trọng và nhiều bài
học kinh nghiệm quí giá trong tổ chức phong trào thanh thiếu niên.
<br><br>
Nghị quyết Đại hội Đoàn thành phố lần VI xác định 7 chương trình hành động : mưu
sinh lập nghiệp, khuyến học tài năng, tuổi trẻ về nguồn, tuổi trẻ giữ nước, công
tác xã hội, khỏe vì nước và vì đàn em. Đến năm 1999 các hoạt động mang tính sáng
tạo, nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được tách
thành chương trình thứ 8 là chương trình khoa học công nghệ. Trong tổ chức thực
hiện hàng năm đều có bổ sung những nội dung - giải pháp mới, tên gọi một số
chương trình cũng đã có sự điều chỉnh cho phù hợp. Các chương trình đều nhằm góp
phần đáp ứng nhu cầu lợi ích chính đáng của thanh niên, tạo môi trường hành động
hữu ích cho thanh thiếu niên, tham gia ngày càng tích cực và hiệu quả hơn vào sự
nghiệp xây dựng và phát triển thành phố.<br><br>
Trong 5 năm qua, Đoàn đã tập trung làm tốt hơn công tác vận động thanh niên giúp
nhau học nghề tự tạo việc làm, tích cực tham gia xóa đói giảm nghèo, khai thác
tốt hơn nguồn lực trong thanh niên để chăm lo cho sự phát triển thanh niên.
Thông qua phong trào 3 giúp (giúp vốn, giúp giống, giúp nghề), phong trào "mỗi
chi đoàn giúp 1 hộ thanh niên nghèo", phong trào VKT, giới thiệu việc làm… đã
góp phần trợ vốn cho trên 26.000 lượt thanh niên với tổng số vốn trên 54 tỉ
đồng, giải quyết việc làm cho trên 160.000 lao động. Các hoạt động góp phần nâng
cao trình độ học vấn trong thanh niên, khuyến khích thanh niên học tập rèn luyện
nâng cao trình độ, vận động thanh niên công chức, viên chức rèn luyện đạt danh
hiệu công chức trẻ giỏi, hoạt động văn hóa thể thao… được đầu tư nâng chất,
không chỉ dừng lại góp phần chăm lo cho lợi ích chính đáng của thanh niên mà còn
có giá trị tích cực trong góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ. Vì
chính các hoạt động đó đã tạo động lực phát triển phong trào thi đua học tập,
rèn luyện, lao động, hoàn thành nhiệm vụ trong từng địa phương đơn vị.<br>
<br>
Trong lĩnh vực tập hợp, phát huy tinh thần tình nguyện, tính xung kích của thanh
niên góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội của thành phố,
Đoàn cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Phong trào CKT được phát triển
và nâng chất, các công trình thanh niên tại cơ sở cũng được tổ chức tăng hơn
nhiệm kỳ trước cả về số lượng lẫn giá trị làm lợi, đã góp phần tạo môi trường
thuận lợi cho thanh niên phát triển khả năng sáng tạo, tay nghề và trình độ quản
lý sản xuất, tham gia điều hành, quản lý kinh tế trong các đơn vị sản xuất kinh
doanh. Các hoạt động công tác xã hội cũng có sự phát triển đa dạng về hình thức,
nâng chất về nội dung, bám sát với yêu cầu thực tế, tham gia giải quyết những
vấn đề bức xúc ở từng địa phương đơn vị như : công tác tuyên truyền phòng chống
ma túy, vận động thanh niên đi cai nghiện, chăm sóc người già, trẻ em có hoàn
cảnh đặc biệt khó khăn, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.<br>
<br>
Trong công tác chăm sóc, bồi dưỡng và giáo dục thiếu niên nhi đồng, Đoàn đã phát
huy được nguồn lực của cả hệ thống tổ chức Đoàn và xã hội nhằm chăm lo về vật
chất lẫn tinh thần cho thiếu nhi, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn,
trẻ em ở vùng sâu vùng xa. Phát triển lực lượng thanh niên tình nguyện phụ trách
thiếu nhi trên địa bàn dân cư cả về số lượng và chất lượng, tăng cường công tác
đào tạo huấn luyện và chú trọng đội ngũ hóa phụ trách thiếu nhi, từng bước hình
thành lực lượng giáo dục viên trẻ em đường phố. Phát triển sâu rộng phong trào
thiếu nhi trong trường học, trên địa bàn dân cư bằng nhiều hoạt động đa dạng và
bổ ích như : "vượt khó và giúp bạn vượt khó", "em yêu khoa học", "kế hoạch nhỏ"…
đã tạo môi trường tốt cho các em từng bước làm quen với đời sống cộng đồng, rèn
luyện tinh thần lao động, học tập, sáng tạo và lối sống tiết kiệm vì bản thân,
gia đình và xã hội.<br><br>
Trong tổ chức thực hiện 2 công trình thanh niên thành phố, Ban chấp hành Thành
đoàn đã triển khai đồng loạt hệ thống các giải pháp từ cấp chi đoàn đến cấp
thành để thực hiện công trình thanh niên xây dựng 1000 phòng học và phổ cập
trung học cơ sở cho thanh niên công nhân. Sau 4 năm thực hiện Đoàn đã vận động
được trên 16 tỉ đồng (tương đương với 235 phòng, trị giá 70 triệu đồng/phòng),
tổ chức được 343 lớp học, vận động 41.869 lượt thanh niên công nhân, lao động
trẻ đi học lớp phổ cập trung học cơ sở, đã có 3.400 thanh niên hoàn thành chương
trình trung học cơ sở.<br><br>
2 công trình thanh niên tuy chưa đạt chỉ tiêu đặt ra nhưng đã có tính lan tỏa xã
hội rộng lớn, thu hút được sự ủng hộ tích cực trong toàn Đoàn và xã hội, tác
động mạnh mẽ đến phát triển phong trào học tập trong thanh thiếu niên, khẳng
định rõ nét tính xung kích của Đoàn Thanh niên Cộng sản thành phố Hồ Chí Minh
trong khơi sức thanh niên tham gia thực hiện các chương trình xã hội, góp phần
khẳng định uy tín của Đoàn.<br>
<br>
Từ kết quả hoạt động trong các lĩnh vực, trên cơ sở kiểm điểm nghị quyết của Đại
hội Đoàn thành phố lần VI, có thể đánh giá một cách tổng quát về công tác Đoàn
và phong trào hành động cách mạng của thanh niên thành phố như sau :<br>
<br>
Trong 5 năm qua, công tác Đoàn và phong trào thanh niên thành phố Hồ Chí Minh đã
có sự phát triển khá vững chắc, đạt được một số kết quả quan trọng. Đoàn Thanh
niên Cộng sản thành phố đã không ngừng củng cố tổ chức, mở rộng mặt trận tập hợp
đoàn kết thanh niên, nâng cao chất lượng của đội ngũ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày
càng phát triển của phong trào. Các chương trình hành động của Đoàn có sự phát
triển về chất, đa dạng và phong phú hơn. Các phong trào, chương trình hành động
không chỉ dừng lại ở việc chăm lo lợi ích chính đáng của thanh thiếu niên mà
quan trọng hơn là đã hướng đến việc động viên, khơi dậy tinh thần tình nguyện
của đông đảo thanh niên tham gia thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển
kinh tế - xã hội, tham gia giữ vững an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã
hội. Tổ chức Đoàn đã tạo ra môi trường thuận lợi để đoàn viên thanh niên được
rèn luyện, cống hiến, bồi dưỡng và nâng cao giác ngộ về sự nghiệp xây dựng chủ
nghĩa xã hội ở nước ta. Các hoạt động đó đã chinh phục thêm được nhiều đối tượng
thanh niên và các tầng lớp nhân dân, tiếp tục khẳng định uy tín của Đoàn với xã
hội trong thời kỳ mới. <br><br>
Dù vậy, hạn chế lớn nhất của Đoàn là tác động của các phong trào hành động, các
nội dung giáo dục do Đoàn thực hiện chưa lan tỏa và thu hút đông đảo tất cả các
đối tượng thanh niên mà chủ yếu mới dừng lại ở đại bộ phận sinh viên - học sinh
và thanh niên có việc làm ổn định, thanh niên tích cực trong học tập, lao động
và rèn luyện. Có nơi, có lúc quá đề cao vấn đề lợi ích trong tổ chức hoạt động
mà không chú ý đúng mức chất chính trị, tính giáo dục trong các hoạt động của
Đoàn. <br><br>
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do chúng ta chưa chú ý đến tính đặc thù
của từng đối tượng trong thiết kế các nội dung hoạt động. Chất lượng tổ chức
Đoàn cơ sở chưa cao nhưng lại ôm đồm nhiều việc, trong đánh giá hiệu quả hoạt
động có khi quá chú trọng đến kết quả chăm lo lợi ích, xem nhẹ hiệu quả tập hợp
giáo dục thanh niên. Nhiều đơn vị không nắm chắc tình hình thanh niên tại chỗ,
chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm tập hợp thanh niên trong phạm vi liên quan.
Trong công tác chỉ đạo, có lúc còn nôn nóng đề ra những giải pháp thiếu khả thi,
không kịp thời rút kinh nghiệm để điều chỉnh. Mặt khác, một số yếu tố khách quan
như sự phát triển nhanh của các doanh nghiệp, sự chuyển đổi loại hình sở hữu các
doanh nghiệp nhà nước, tốc độ đô thị hóa cao dẫn đến sự biến đổi mạnh trong cơ
cấu nghề nghiệp của thanh niên ; sự đa dạng về độ tuổi, về học vấn, về trình độ
nhận thức của thanh niên trong cùng một đơn vị ; một số cấp ủy Đảng chưa có
chương trình hành động cụ thể nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII)
và Nghị quyết 7 Thành ủy (khóa V) về công tác thanh niên. Việc chưa quan tâm tạo
điều kiện hoạt động hay việc khoán trắng công tác thanh niên cho Đoàn ở một số
đơn vị cũng có những tác động nhất định.<br>
<br>
Quá trình đổi mới công tác tổ chức, hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản thành
phố Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ qua theo tinh thần Nghị quyết IV của Ban chấp
hành Trung ương và Nghị quyết VII Thành ủy đã cho chúng ta nhiều bài học quan
trọng. <br><br> <b>Một là </b>công tác giáo dục thanh niên trong tình hình mới chỉ đạt hiệu quả khi có
nội dung, phương thức phù hợp với từng đối tượng cụ thể và phải được thực hiện
thường xuyên, liên tục, có nội dung riêng, trong đó đặc biệt chú trọng công tác
giáo dục chính trị tư tưởng, đồng thời lồng ghép trong các nội dung hoạt động
khác. Các cấp bộ Đoàn cần phải chú ý tính đối tượng khi thiết kế nội dung, khai
thác chất liệu từ thực tế cuộc sống, vận động các lực lượng xã hội khác cùng
tham gia, tạo sự cộng hưởng nhằm đạt hiệu quả giáo dục cao.<br>
<br><b>
Hai là </b>kết hợp hài hòa giữa tổ chức các hoạt động chăm lo lợi ích chính đáng với
việc phát huy tính tích cực xã hội của thanh niên là động lực phát triển phong
trào thanh niên. Đời sống kinh tế - xã hội ngày càng phát triển đòi hỏi tổ chức
Đoàn phải đầu tư nhiều hơn nữa cho việc phát huy dân chủ, tổ chức các phong trào
hành động, tập hợp và phát huy tinh thần tình nguyện, tính xung kích của thanh
niên, chủ động tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.<br>
<br> <b>Ba là</b> yếu tố quan trọng nhất làm cho phong trào phát triển mạnh chính là đội ngũ
cán bộ giàu nhiệt tình, có trí tuệ, am hiểu và đồng cảm với đối tượng thanh niên
trong phạm vi phụ trách. Vì vậy cần phải đầu tư nhiều hơn cho công tác tuyển
chọn, đào tạo cán bộ, xây dựng cơ chế khuyến khích động viên phù hợp tạo động
lực cho cán bộ Đoàn rèn luyện, phấn đấu.<br>
<br> <b>Bốn là</b> mở rộng các loại hình tập hợp thanh niên, phát triển không ngừng tỉ lệ
thanh niên tham gia vào các hoạt động, các loại hình tập hợp của Đoàn là thước
đo hiệu quả chất lượng tổ chức Đoàn. Vì vậy trong hoạt động phải luôn chú ý đến
việc tập hợp lực lượng, xem đây là trách nhiệm của toàn Đoàn, phải phát huy tính
chủ động của từng cấp bộ, cán bộ, đoàn viên trong công tác tập hợp thanh niên. Ở
những nơi có tổ chức Hội cần xây dựng tốt mối quan hệ Đoàn - Hội trên cơ sở đảm
bảo vai trò nòng cốt chính trị của Đoàn đồng thời phát huy tối đa tính chủ động,
sáng tạo của Hội.<br><br> <b>Năm là</b> kết hợp chặt chẽ giữa chuyển trọng tâm hoạt động về cơ sở với tổ chức các
hoạt động tập trung, trong đó ưu tiên cho cơ sở là yếu tố để phong trào phát
triển đa dạng và đồng bộ, Cần duy trì phương thức chỉ đạo bằng các chiến dịch
tình nguyện, các cuộc vận động, các đợt công tác xã hội tập trung… Vì nó phù hợp
với cuộc sống năng động của một thành phố công nghiệp. Phải kịp thời đúc kết các
phong trào xuất phát từ cơ sở để chỉ đạo nhân rộng nhằm phát triển sâu rộng
phong trào tại cơ sở.<br><br>
Kính thưa các đồng chí,<br><br>
Tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố đang đứng trước những
thời cơ và thách thức mới trong 5 năm đầu của thế kỷ 21. Để tận dụng được thời
cơ và vượt qua thách thức, đòi hỏi tổ chức Đoàn phải nhận thức đúng, đầy đủ
những vấn đề của thanh niên và những vấn đề của tổ chức Đoàn. Chính vì lẽ đó mục
tiêu của Đoàn trong giai đoạn 2001 - 2005 là "giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cộng
sản, đạo đức cách mạng, góp phần hình thành một lớp thanh niên vừa hồng vừa
chuyên, kế thừa và phát huy xuất sắc truyền thống của Đảng bộ và nhân dân thành
phố ; xây dựng Đoàn vững mạnh đảm bảo vai trò hạt nhân chính trị trong mặt trận
đoàn kết tập hợp thanh niên ; đẩy mạnh các phong trào hành động cách mạng, động
viên thanh niên tình nguyện xung kích trong xây dựng, phát triển, bảo vệ thành
phố và đất nước.<br><br>
Tiếp tục khẳng định lý tưởng của Đoàn và công tác giáo dục lý tưởng cộng sản cho
thanh niên trong tình hình mới là một nội dung quan trọng của công tác Đoàn giai
đoạn 2001 - 2005.<br><br>
Đại hội lần IX của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định "Quyết tâm xây dựng đất
nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác -
Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh". Vì vậy, phấn đấu cho mục tiêu độc lập dân tộc
gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ
văn minh là mục tiêu của toàn dân tộc và cũng là mục tiêu lý tưởng của Đoàn
Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Việc khẳng định lý tưởng đó cũng đồng thời đặt
ra cho chúng ta một nhiệm vụ vô cùng quan trọng là làm thế nào để lý tưởng của
Đảng, của Đoàn được tuyên truyền rộng rãi, ăn sâu, bám rễ trong đời sống tinh
thần của thanh niên, trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy thanh niên hành động vì
mục tiêu chung của toàn dân tộc.<br><br>
5 năm qua chúng ta có nhiều cố gắng trong công tác giáo dục thanh niên, đặc biệt
là công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức
lối sống, giáo dục pháp luật thông qua các nội dung, hình thức đa dạng như : tổ
chức các diễn đàn chính trị - xã hội, hội thi lý luận chính trị, thi Olympic các
môn khoa học Mác - Lênin, hành trình đến với bảo tàng, phát hiện và tuyên dương
các điển hình tiên tiến… Đoàn đã góp phần tích cực trong nâng cao nhận thức
chính trị, bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự
cường, lòng tin vào chế độ vào tương lai của đất nước, khẳng định những giá trị
xã hội tốt đẹp mà thanh niên phải phấn đấu vươn lên… Từ đó động viên thanh niên
tích cực học tập, lao động, rèn luyện, hành động vì sự nghiệp xây dựng, phát
triển, bảo vệ thành phố và đất nước. Tuy nhiên so với yêu cầu nhiệm vụ của thời
kỳ mới, công tác giáo dục thanh niên của Đoàn vẫn còn nhiều hạn chế : việc xây
dựng các nội dung giáo dục chưa thật sự hoàn chỉnh, các nội dung giáo dục về chủ
nghĩa Mác Lênin - tư tưởng Hồ Chí Minh chưa có hệ thống, giáo dục ý thức giai
cấp công nhân, ý thức cảnh giác cách mạng trước những âm mưu "diễn biến hòa
bình" của các thế lực thù địch chưa được thực hiện thường xuyên liên tục, đội
ngũ cán bộ - tuyên truyền viên của Đoàn chưa được đào tạo kịp thời, có nơi có
lúc chưa quan tâm đúng mức đến công tác giáo dục.<br>
<br>
Nhìn nhận rõ những yếu kém sẽ giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn nhiệm vụ mà
Đảng, Bác Hồ giao cho tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản là giáo dục, bồi dưỡng
thanh niên trở thành người kế tục trung thành cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa
xã hội. Do vậy, trong 5 năm tới công tác giáo dục thanh niên sẽ là một phần quan
trọng trong các nội dung công tác của chúng ta. Công tác giáo dục phải góp phần
thực hiện cho được mục tiêu vừa cơ bản vừa cấp bách của Đoàn trong giai đoạn
mới, đó là "hình thành một lớp thanh niên vừa hồng vừa chuyên, kế thừa và phát
huy xuất sắc truyền thống của Đảng bộ và nhân dân thành phố". Các cấp bộ Đoàn
cần phải tập trung nhiều hơn cho công tác giáo dục chính trị tư tưởng mà trọng
tâm là tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh,
đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, làm cho thanh niên nhận thức đầy đủ
và tin tưởng vững chắc vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhận
thức được xu thế phát triển của đất nước trong xu thế phát triển của khu vực và
thế giới, nhận diện rõ âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch.
Trên cơ sở đó củng cố niềm tin vào chế độ, hình thành lý tưởng, xây dựng ý thức
trách nhiệm và tình cảm cách mạng để thanh niên có hành động đúng đắn, tích cực
với sự nghiệp xây dựng, phát triển, bảo vệ thành phố và đất nước. Tăng cường
công tác giáo dục truyền thống thông qua tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu
nước, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc gia đình liệt sĩ… làm cho chủ
nghĩa yêu nước Việt Nam giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần của thanh
niên thành phố mà biểu hiện cụ thể là tự hào về truyền thống dân tộc, truyền
thống đấu tranh cách mạng của Đảng, của Đoàn, của Đảng bộ và nhân dân thành phố,
của Thành đoàn anh hùng ; biết giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa của dân
tộc. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức - lối sống, kết hợp chặt chẽ với giáo dục pháp
luật thông qua vận động thanh niên rèn luyện 8 phẩm chất, tuyên dương và nhân
rộng các điển hình tiên tiến, phổ biến và tuyên truyền pháp luật thường thức,
xây dựng gia đình trẻ văn hóa…, góp phần giáo dục đạo đức cách mạng, xây dựng
nếp sống, lối sống văn minh trong thanh thiếu niên và xã hội, nâng cao ý thức
chấp hành pháp luật trong thanh thiếu niên, làm cho mỗi thanh thiếu niên nhận
thức đầy đủ trách nhiệm công dân, sống và làm việc theo pháp luật.<br>
<br>
Công tác giáo dục phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và phải đặc biệt
coi trọng giáo dục thông qua hành động thực tiễn. Trong tổ chức, phải có loại
hình phù hợp cho từng đối tượng, có những nội dung giáo dục riêng biệt nhưng
đồng thời phải biết lồng ghép trong nhiều hoạt động khác, phải coi hiệu quả giáo
dục là tiêu chuẩn quan trọng trong đánh giá các nội dung hoạt động. Chỉ như vậy
Đoàn mới thể hiện đầy đủ chức năng trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên,
thể hiện vai trò người hướng dẫn và tổ chức cho thanh niên tham gia các phong
trào hành động cách mạng.<br><br>
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh các
phong trào hành động cách mạng vì thành phố "đi trước và về đích trước".<br>
<br>
Thực tiễn của quá trình đổi mới hoạt động Đoàn từ những năm cuối thập kỷ 80 và
đặc biệt là kết quả của tổ chức thực hiện các phong trào hành động cách mạng của
nhiệm kỳ qua giúp cho chúng ta nhận thức đầy đủ hơn về động lực để phát triển
phong trào thanh niên trong giai đoạn mới, giai đoạn mà thành phố mang tên Bác
kính yêu của chúng ta vì yêu cầu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội phải đi
trước, về đích trước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Động lực đó
chính là sự kết hợp hài hòa giữa chăm lo lợi ích chính đáng của thanh niên với
việc khơi sức sáng tạo, tập hợp và phát huy tinh thần tình nguyện, xung kích,
lòng khao khát cống hiến của tuổi trẻ. Trong 5 năm tới cần phát huy tối đa sự
chủ động của tất cả các cấp bộ Đoàn, tập trung tổ chức đạt hiệu quả 3 chương
trình hành động : vì sự phát triển của thanh niên, xung kích vì Tổ quốc, vì cộng
đồng, vì đàn em nhằm góp phần hiệu quả cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành
phố chăm lo cho sự phát triển của thanh niên toàn diện về mọi mặt ; góp phần làm
tốt công tác chăm sóc, bồi dưỡng, giáo dục thiếu niên nhi đồng ; thực hiện thắng
lợi các nhiệm vụ xây dựng, phát triển và bảo vệ thành phố mà Nghị quyết Đại hội
VII - Đảng bộ thành phố đề ra. <br><br>
Kính thưa đại hội, <br><br> <b>Mục tiêu của chương trình
"Vì sự phát triển của thanh niên"</b> là hướng tới phát huy
mọi nguồn lực xã hội, đồng thời khơi sức thanh niên tổ chức các hoạt động nhằm
đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng, hợp pháp ngày càng đa dạng của thanh niên,
góp phần tạo điều kiện, môi trường để thanh niên rèn luyện, cùng vươn lên, phát
triển toàn diện về mọi mặt. Vì vậy phải tập trung làm tốt việc tổ chức các hoạt
động nhằm tạo cơ hội để thanh niên rèn luyện tay nghề, nâng cao nghiệp vụ, ổn
định việc làm, cải thiện điều kiện sống thông qua phát triển mạnh phong trào 3
giúp, phong trào CKT, phong trào VKT… Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động
của các đội hình dịch vụ phục vụ đời sống trên địa bàn, khai thác hiệu quả các
nguồn vốn cho thanh niên vay, tăng cường tư vấn, hướng nghiệp, giúp thanh niên
có thông tin về công việc, chọn lựa ngành nghề phù hợp với khả năng bản thân và
nhu cầu lao động của xã hội. Bên cạnh đó, phát triển mạnh các hoạt động hỗ trợ
thanh niên học tập, nâng cao trình độ, vươn lên làm chủ khoa học và công nghệ,
mở rộng qui mô và diện tác động của các quỹ khuyến học ; kiên trì bồi dưỡng văn
hóa, thực hiện phổ cập trung học cơ sở cho thanh niên, khuyến khích thanh niên
phát huy tính năng động, sáng tạo trong lĩnh hội tri thức, ứng dụng, chuyển giao
và làm chủ công nghệ mới, áp dụng công cụ hiện đại trong học tập và lao động.
Đặc biệt coi trọng việc tạo điều kiện để thanh niên hoạt động văn hóa - thể
thao, góp phần đáp ứng và định hướng nhu cầu vui chơi giải trí, xây dựng đời
sống tinh thần lành mạnh, tổ chức tốt hơn các loại hình lễ hội đường phố, các
cuộc vận động sáng tác văn học và âm nhạc cho giới trẻ, các loại hình nghệ thuật
truyền thống tại các trung tâm hoạt động thanh thiếu niên, các giải thể thao có
tính quần chúng cao… nhằm thu hút thanh niên. Từng bước đẩy mạnh công tác quốc
tế của Đoàn, tạo cơ hội cho thanh niên được chủ động tham gia các hoạt động giao
lưu quốc tế, đồng thời tích cực giáo dục cho thanh niên những vấn đề cơ bản về
đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn mới, góp phần thực hiện
hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân của Đảng và Nhà nước.<br>
<br> <b>Mục tiêu của chương trình "Xung kích vì tổ quốc, vì cộng đồng"</b> là phát huy tinh
thần tình nguyện, xung kích của thanh niên trong tham gia thực hiện nhiệm vụ
chính trị của thành phố, của từng địa phương, đơn vị đồng thời góp phần rèn
luyện bản lĩnh chính trị, tinh thần "lên rừng xuống biển", ý thức trách nhiệm
đối với cộng đồng, tổ quốc. Vì vậy trong 5 năm tới cần tập trung làm tốt công
tác động viên thanh niên sáng tạo, xung kích trong các lĩnh vực mới của nền sản
xuất và đời sống xã hội. Trọng tâm là thực hiện các phong trào phát huy sáng
kiến cải tiến kỹ thuật, sáng tạo mẫu mã mặt hàng mới, sản xuất các thiết bị công
nghệ thay thế nhập khẩu với chi phí thấp, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa
học, các công trình góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc của thành phố như :
cải cách hành chánh, chấn chỉnh trật tự đô thị, đào tạo nhân lực cho công nghệ
phần mềm… Tổ chức chu đáo, thường xuyên các phong trào lao động tình nguyện, các
công trình chăm lo đời sống nhân dân và thanh niên thông qua các chiến dịch tình
nguyện, các cuộc vận động hỗ trợ người nghèo, hỗ trợ thanh thiếu niên có hoàn
cảnh đặc biệt khó khăn. Vận động thanh niên tích cực tham gia xây dựng nền quốc
phòng toàn dân và lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, làm tốt công tác tuyên
truyền luật nghĩa vụ quân sự, nâng chất các phong trào "Xứng danh anh bộ đội cụ
Hồ", "thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân" trong thanh niên lực lượng
vũ trang, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Từng cấp bộ Đoàn phải có
chương trình công tác tham gia xây dựng khu phố - ấp, đơn vị văn hóa, tham gia
thực hiện chương trình 3 giảm (ma túy - mại dâm - tội phạm) tham gia hỗ trợ và
giúp đỡ thanh niên vượt nghèo, tích cực thực hiện các nhiệm vụ chính trị của
từng địa phương, đơn vị.<br><br>
<b>Trong thực hiện chương trình "Vì đàn em"</b> phải hướng đến việc phát huy các nguồn
lực của Đoàn và xã hội, tích cực chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng, tạo
điều kiện để thiếu nhi được học tập, vui chơi giải trí, hưởng thụ các phúc lợi
xã hội, phát triển thể chất và trí tuệ góp phần hình thành lớp thiếu nhi thành
phố lễ phép, siêng học, chăm làm, trong sáng về tâm hồn và đạo đức. Trên cơ sở
thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đoàn về "tăng cường công tác
chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng và xây dựng Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ
Chí Minh giai đoạn 2000 - 2005", trong 5 năm tới sẽ đầu tư tổ chức tốt các phong
trào thiếu nhi trong trường học,… góp phần hình thành thói quen tìm hiểu, ý thức
giữ gìn vệ sinh, lòng nhân ái, học tập và làm theo gương người tốt, việc tốt.
Đẩy mạnh công tác chăm lo thiếu nhi trên địa bàn dân cư, xây dựng lực lượng giáo
dục viên đường phố để tham gia quản lý giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó
khăn, tích cực ngăn chặn tình trạng bạo hành trong gia đình, tình trạng lạm dụng
lao động, lạm dụng tình dục trẻ em. Phát huy tốt các hệ thống công cụ của Đoàn,
các nguồn lực xã hội trong chăm lo và nâng chất các nội dung sinh hoạt cho thiếu
nhi. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ phụ trách Đội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của
công tác thiếu nhi trong giai đoạn mới.<br><br>
Kính thưa đại hội, <br><br>
Để thực hiện đạt hiệu quả 3 chương trình hành động của Đoàn trong giai đoạn mới,
một yêu cầu có tính nguyên tắc là từng đơn vị phải nhận thức đầy đủ yêu cầu mà
nhiệm vụ chính trị tại chỗ đặt ra cho Đoàn, cũng như phải nhận thức đầy đủ những
thế mạnh của thanh niên để có thể phát huy, những hạn chế của thanh niên để hỗ
trợ, những nhu cầu bức xúc để tham gia giải quyết. Mọi sự giáo điều, rập khuôn
đều dẫn tới sự hạn chế phát triển của phong trào.
<br><br>
Trong 5 năm tới, bên cạnh những nội dung giải pháp của từng chương trình, Ban
chấp hành Thành đoàn khóa VI trình Đại hội 2 công trình thanh niên để Đại biểu
thảo luận và quyết định.<br><br>
Công trình thứ nhất là xây dựng khu sinh hoạt thiếu nhi thuộc Trung tâm Hoạt
động Dã ngoại Thanh thiếu niên thành phố tại Cần Giờ. Việc xây dựng Trung tâm
Hoạt động Dã ngoại Thanh thiếu niên tại Cần Giờ có một ý nghĩa rất quan trọng
đối với sự phát triển của bản thân thanh thiếu niên và phong trào thanh thiếu
niên thành phố trong giai đoạn mới. Nó không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt dã
ngoại, vui chơi giải trí của thanh thiếu niên thành phố trong điều kiện hệ thống
nhà văn hóa, các điểm sinh hoạt vui chơi lành mạnh ngày càng quá tải ; mà còn
góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ đoàn kết tập hợp, giáo dục, huấn
luyện kỹ năng, giúp cho thanh thiếu niên có điều kiện để phát triển thể chất,
tính sáng tạo, làm giàu kiến thức về môi trường sinh thái. Quỹ đất và những điều
kiện địa lý, kinh tế, sự đồng tình ủng hộ của các ngành cũng rất lý tưởng cho
việc thực hiện. Tuy nhiên để có một trung tâm hoạt động dã ngoại hoàn chỉnh đáp
ứng các yêu cầu vừa nêu đòi hỏi một quá trình thực hiện cơ bản, lâu dài. Vì vậy
trong nhiệm kỳ này của Đoàn Thanh niên Cộng sản thành phố, công trình thanh niên
mà chúng ta xác định nằm trong giới hạn là "Xây dựng khu sinh hoạt thiếu nhi"
thuộc Trung tâm Hoạt động Dã ngoại Thanh thiếu niên với vốn đầu tư khoảng 10 tỉ
đồng.<br><br>
Công trình thứ hai là thực hiện phổ cập trung học cơ sở cho thanh niên. Việc xác
định công trình thanh niên phổ cập trung học cơ sở cho thanh niên với chỉ tiêu
vận động 100.000 thanh niên đi học, 10.000 thanh niên hoàn thành trung học cơ sở
có ý nghĩa cấp bách đối với thanh niên trong tình hình thị trường lao động có
nhiều cạnh tranh gay gắt và đối với việc tham gia thực hiện chương trình phổ cập
trung học cơ sở của thành phố. Việc tổ chức thực hiện công trình đòi hỏi sự kiên
trì, nỗ lực và nhiều giải pháp đồng bộ, tuân thủ đúng qui định của ngành. Vì vậy
trong tổng số hơn 600.000 thanh niên ở độ tuổi 16 - 30 chưa hoàn thành trung học
cơ sở, chúng ta chỉ phấn đấu 10.000 thanh niên hoàn thành trung học cơ sở. Con
số này tuy ít so với thực tế nhưng là sự nỗ lực và quyết tâm của Đoàn.
<br><br>
Song song với 2 công trình thanh niên, Đoàn Thanh niên thành phố sẽ triển khai
thực hiện 4 dự án : tham gia thực hiện chương trình 3 giảm, tham gia hỗ trợ 18
phường xã nghèo, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn,
tham gia thực hiện trật tự văn minh đô thị ; phấn đấu đạt 10 chỉ tiêu cơ bản về
giới thiệu việc làm, vốn cho thanh niên, xây dựng tổ chức cơ sở, tập hợp thanh
niên và phát triển lực lượng chính trị của Đoàn. Bởi vì các công trình, dự án,
chỉ tiêu chính là biểu hiện tập trung, cụ thể và sinh động mục tiêu mà hoạt động
của Đoàn hướng đến trong 5 năm tới.<br>
<br>
Kính thưa đại hội,<br><br>
Giai đoạn 1996 - 2000 đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công tác xây dựng
Đoàn của Đoàn Thanh niên Cộng sản thành phố. Việc chọn năm 1997 là năm xây dựng
Đoàn với một hệ thống các giải pháp đồng bộ và việc ban hành các nghị quyết về :
"Nâng cao chất lượng đoàn viên và xây dựng chi đoàn mạnh", "Công tác tập hợp
thanh niên", "Công tác tư tưởng văn hóa" ngay sau đó đã có tác động làm cho công
tác xây dựng Đoàn chuyển động tích cực về chất và lượng. Hoạt động chi đoàn ở
các khu vực nhìn chung đã có sự tiến bộ đáng kể, số chi đoàn mạnh có tăng, giảm
hơn 50 % số chi đoàn trung bình yếu. Công tác đoàn viên được coi trọng trên cơ
sở kiên trì thực hiện chương trình rèn luyện đoàn viên mà nổi bật là cuộc vận
động rèn luyện nâng cao chất lượng đoàn viên với nhiều yêu cầu cụ thể đã nâng
dần tỉ lệ đoàn viên xuất sắc, giảm tỉ lệ đoàn viên trung bình yếu. Mặt trận đoàn
kết, tập hợp thanh niên của Đoàn từng bước được mở rộng, không chỉ dừng lại ở
những nơi, đối tượng dễ tập hợp mà còn hướng đến những nơi, đối tượng cần tập
hợp, chính vì vậy mà số lượng các chi đoàn xây dựng được đội hình thanh niên, số
lượng các câu lạc bộ, đội nhóm, số lượng các Ủy ban Hội phường xã tăng gần gấp 3
lần so với nhiệm kỳ trước.<br><br>
Tỉ lệ thanh niên được tập hợp trong các loại hình tập hợp của Đoàn từ 11 % ở đầu
nhiệm kỳ lên 23 % vào cuối nhiệm kỳ, tỉ lệ Đoàn viên mới được kết nạp hàng năm
tăng bình quân 18 % trong đó tỉ lệ đoàn viên được kết nạp từ Hội và từ đội Thiếu
niên Tiền phong tăng mạnh. Công tác xây dựng Đoàn về tư tưởng chính trị có
chuyển biến tích cực, chất chính trị trong hoạt động Đoàn cơ sở được nâng dần
lên, các sinh hoạt chủ điểm, các hội thi “Tôi - người đoàn viên thanh niên cộng
sản”, các lớp học 5 bài học chính trị cơ bản được duy trì thường xuyên, công tác
thông tin dư luận và tài liệu phục vụ cho công tác tư tưởng của Đoàn từng bước
được cải tiến. Công tác bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ được chú trọng, cuộc vận
động Người cộng sản trẻ được duy trì và nâng chất, tỉ lệ Đoàn viên ưu tú được
giới thiệu cho Đảng vượt chỉ tiêu đề ra (4.581/4.000).<br>
<br>
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng đoàn cũng còn nhiều
bất cập, hạn chế. Tỉ lệ thanh niên được thu hút vào các loại hình tập hợp thanh
niên của Đoàn còn ít, kết quả tập hợp thanh niên lao động ngoài quốc doanh chưa
cao, chất lượng hoạt động của Đoàn cơ sở mà đặc biệt là chi đoàn còn hạn chế,
chưa thật sự chủ động, còn ỉ lại vào sự chỉ đạo của Đoàn cấp trên. Một bộ phận
đoàn viên chưa tự giác trong rèn luyện và tham gia các hoạt động của Đoàn. Công
tác bồi dưỡng huấn luyện, đào tạo cán bộ Đoàn chậm cải tiến về nội dung và
phương pháp, chưa có hiệu quả thật sự trong công tác đào tạo theo chức danh,
chưa tập trung huấn luyện cán bộ làm công tác thanh niên đặc thù. Một bộ phận
nhỏ cán bộ Đoàn có biểu hiện quan liêu hành chính trong quá trình công tác.<br>
<br>
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới toàn Đoàn cần phải tích cực mở
rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên, xây dựng đoàn vững mạnh đáp ứng yêu
cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, xứng đáng đội dự bị tin cậy của Đảng. Tập
trung làm tốt các công tác chủ yếu sau đây :<br><br>
<b>Một là</b> mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên, phấn đấu nâng tỉ lệ thanh
niên tham gia vào các loại hình tập hợp của Đoàn lên 45 % vào cuối nhiệm kỳ.<br>
<br>
Phát triển mạnh mẽ các chương trình hành động của Đoàn, tích cực chăm lo những
nhu cầu lợi ích chính đáng của thanh niên, tạo điều kiện để tập hợp thanh niên,
tham gia phát huy năng khiếu sở thích và tính tích cực xã hội… trên cơ sở phát
triển các đội hình thanh niên, các hoạt động mang tính nghề nghiệp rộng rãi. Tập
trung nhiều giải pháp cho công tác vận động, tập hợp thanh niên lao động ngoài
quốc doanh. Cụ thể là xác định rõ trách nhiệm và phạm vi của từng cấp bộ Đoàn
đối với từng đơn vị, đối tượng cụ thể tránh tình trạng đùn đẩy nhau. chú trọng
công tác huấn luyện, bồi dưỡng lực lượng nòng cốt từ trong sinh viên học sinh để
phục vụ cho công tác này.<br><br>
Làm tốt vai trò nòng cốt chính trị của tổ chức Đoàn trong xây dựng và phát triển
Hội Liên hiệp thanh niên, Hội sinh viên trên cơ sở phát huy trách nhiệm của từng
cấp bộ, của cán bộ, đoàn viên trong tham gia xây dựng và tổ chức hoạt động các
cơ sở Hội ; xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ ; tạo điều kiện cơ sở vật
chất để Hội hoạt động và phát triển ; khuyến khích để Hội mở rộng các loại hình
tổ chức mới nhằm tập hợp thanh niên trên cơ sở tự nguyện, lành mạnh, phù hợp với
yêu cầu nghề nghiệp ; phát triển mạnh các câu lạc bộ đội nhóm trong học sinh phổ
thông trung học, phối hợp chặt chẽ với tổ chức Hội Liên hiệp thanh niên trên địa
bàn trong tổ chức hoạt động.<br><br>
<b>Hai là</b> không ngừng xây dựng Đoàn vững mạnh về tư tưởng chính trị trên cơ sở làm
tốt công tác tuyên truyền, sinh hoạt chính trị tạo sự thống nhất tư tưởng trong
toàn hệ thống, từng bước nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đoàn viên :<br>
<br>
Xác định công tác truyền thụ lý tưởng cộng sản, nâng cao bản lĩnh chính trị cho
cán bộ, đoàn viên là vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài. Vì vậy phải từng bước nâng
cao chất lượng công tác bồi dưỡng, học tập lý luận chính trị cho cán bộ đoàn
viên. Đặc biệt coi trọng việc giáo dục chủ nghĩa Mac - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, cương lĩnh đường lối nghị quyết của Đảng, làm cho đoàn viên nhận thức đầy
đủ 4 nguy cơ của nước ta trong quá trình phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội. Đầu
tư xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng văn hóa của Đoàn ngang tầm
nhiệm vụ mới : am hiểu đường lối chủ trương, có khả năng tổng kết thực tiễn, dự
báo và phát hiện kịp thời các vấn đề nảy sinh trong quá trình tổ chức và hoạt
động. Xây dựng tủ sách lý luận và nghiệp vụ thanh vận của Đoàn ở các cấp, khuyến
khích cán bộ đoàn các cấp đi học lý luận chính trị ở mọi trình độ, hỗ trợ nghiên
cứu và triển khai ứng dụng các đề tài khoa học về thanh niên và công tác giáo
dục thanh niên.<br><br> <b>Ba là </b>phát huy kết quả đạt được trong công tác xây dựng Đoàn, tiếp tục thực hiện
đồng bộ các giải pháp củng cố tổ chức, xây dựng đoàn vững mạnh.<br>
<br>
Trong 5 năm tới tập trung cho công tác nâng cao chất lượng đoàn viên và hoạt
động đoàn cơ sở, thông qua kiên trì thực hiện chương trình rèn luyện đoàn viên
và cuộc vận động xây dựng chi đoàn mạnh. Từng bước nâng cao bản lĩnh chính trị,
khả năng công tác quần chúng, tinh thần tình nguyện và tính gương mẫu trong mọi
hoạt động của đoàn viên.<br><br>
Kết hợp hoạt động chi đoàn với thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương qua
thực hiện công trình thanh niên. Cải tiến nội dung sinh hoạt theo hướng thiết
thực, sinh động, xuất phát từ những vấn đề thực tiễn tại đơn vị và nhu cầu của
đoàn viên, để chi đoàn thật sự trở thành môi trường cho đoàn viên rèn luyện,
cống hiến và trưởng thành. Thực hiện các giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ
Đoàn có trình độ lý luận, bản lĩnh chính trị, khả năng tổ chức hoạt động đáp ứng
yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới như : tăng cường đổi mới nội dung, phương
thức đào tạo, huấn luyện và bồi dưỡng cán bộ theo hướng gắn liền với tiêu chuẩn
hóa đội ngũ, coi trọng việc quy hoạch, đào tạo cán bộ Đoàn từ cán bộ Hội, cán bộ
Đội Thiếu niên Tiền phong ; làm tốt công tác quản lý cán bộ, công tác bàn giao,
tiếp nhận cán bộ khi chu chuyển môi trường hoạt động; thường xuyên thực hiện
công tác phê bình và tự phê bình, khắc phục và đẩy lùi những biểu hiện hành
chánh hóa của Đoàn; duy trì thường xuyên Hội thi Bí thư chi đoàn và các hình
thức kiểm tra năng lực cán bộ Đoàn ; tổ chức xét trao “Giải thưởng Hồ Hảo Hớn”
cho cán bộ Đoàn giỏi hàng năm.<br><br>
<b>Bốn là</b> tích cực tham gia xây dựng Đảng và chính quyền cơ sở mà trọng tâm là tham
gia thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, cơ quan đơn vị, định kỳ tổ chức góp ý
với Đảng trong xây dựng các Nghị quyết liên quan đến thanh niên, tham gia tốt
công tác đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng chất
cuộc vận động “Người cộng sản trẻ”, thực hiện tốt quy trình giới thiệu Đoàn viên
ưu tú cho Đảng, trong đó đặc biệt coi trọng chất lượng chính trị của đoàn viên
ưu tú, phát triển các tổ nhóm Trung kiên để đoàn viên ưu tú rèn luyện. Giới
thiệu cho Đảng, chính quyền những cán bộ Đoàn ưu tú tham gia ứng cử vào các cơ
quan đại diện tại địa phương, đơn vị, khu phố ; tích cực trong thực hiện nhiệm
vụ chính trị của từng đơn vị.<br><br>
Kính thưa các đồng chí đại biểu,<br>
Thưa đại hội,<br><br>
Với tất cả tình cảm và trách nhiệm đối với công tác Đoàn và phong trào thanh
thiếu niên thành phố, Đại hội của chúng ta cần tập trung thảo luận để đánh giá
đúng, khách quan quá trình vận động của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu
niên thành phố, khai thác tốt các yếu tố thuận lợi, đẩy lùi những khó khăn hạn
chế, đề ra những giải pháp phù hợp, phát triển phong trào thanh niên trong giai
đoạn mới nhằm đạt kết quả cao về mọi mặt, tích cực chăm lo lợi ích chính đáng
của thanh thiếu niên, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội mà
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra, không ngừng củng cố tổ chức xây dựng
và phát triển tổ chức Đoàn xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ, chính quyền
và nhân dân thành phố, xứng đáng với truyền thống anh hùng lực lượng vũ trang
nhân dân, xứng đáng với truyền thống năng động sáng tạo của một thành phố trẻ -
thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu của chúng ta.</font></p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2">
---------------------------------------------------------------------</font></p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#FF0000">
<a name="phat bieu d/c Hoang Binh Quan"></a>Phát biểu
<br>CỦA ĐỒNG CHÍ HOÀNG BÌNH QUÂN - ỦY VIÊN BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, QUYỀN BÍ
THƯ THỨ NHẤT BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐOÀN
<br>THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH.<br>-------oOo-------</font></b></p>
<p><font face="Arial" size="2">Kính thưa các đồng chí đại biểu,<br>Thưa các đồng chí và các bạn,<br>
<br>
Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh lần thứ VII
diễn ra trong không khí toàn Đảng, toàn dân và tuổi trẻ cả nước phấn khởi, tự
hào và tin tưởng triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ
IX kỷ niệm ngày sinh của Bác. Đây là cơ hội và điều kiện mới để tuổi trẻ thành
phố mang tên Bác vững tin, ra sức rèn đức luyện tài, đoàn kết, sáng tạo, xung
kích tình nguyện đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước nói chung và
thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh
niên cộng sản Hồ Chí Minh, tôi xin nhệt liệt chào mừng 585 đại biểu - những cán
bộ, đoàn viên thanh niên ưu tú và qua các đồng chí xin gửi đến tuổi trẻ thành
phố những tình cảm và sự tin tưởng sâu sắc nhất; xin cảm ơn và chào mừng các
đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể của thành phố, các đồng
chí đại biểu khách quý đã đến dự đại hội.<br>
<br>Kính thưa các đồng chí đại biểu, <br>Thưa các đồng chí và các bạn,<br>
<br>
Thành phố Hồ Chí Minh là quê hương của nhiều phong trào hành động cách mạng ghi
dấu ấn sâu đậm trong phong trào thanh niên cả nước. Tiếp nối truyền thống vẻ
vang của các thế hệ đi trước, 5 năm qua, cùng với những thành tựu to lớn về kinh
tế - văn hóa - xã hội của Đảng bộ và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, công tác
Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi thành phố đã có bước phát triển mới, với
nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo và hiệu quả. Điều đáng ghi nhận là tính chủ
động và khả năng cụ thể hóa các chủ trương công tác, đưa 2 phong trào đến với
thanh niên bằng các chương trình hành động cụ thể, hợp lý và thiết thực. Nét đặc
trưng của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi thành phố là sự năng động,
sáng tạo, nhạy bén và đa dạng trong việc tổ chức các hình thức hoạt động cho
thanh thiếu nhi. Vì vậy đã thu hút đông đảo các đối tượng thanh niên tham gia,
các phong trào thanh niên không những phát triển trên bình diện rộng lớn mà còn
có chiều sâu. Nhiều phương thức, mô hình hoạt động của Đoàn và phong trào thanh
thiếu nhi thành phố đã được nhân rộng trong cả nước, được nhiều địa phương, đơn
vị học tập. Ấn tượng sâu sắc và có sức thuyết phục cao là phong trào thanh niên
tình nguyện, đây chính là yếu tố mới, một phương thức tập hợp thanh niên rất
hiệu quả trong giai đoạn mới; đồng thời đã tạo động lực, môi trường để thanh
thiếu niên rèn luyện, cống hiến và trưởng thành, đem lại hình ảnh rất đẹp của
tuổi trẻ thành phố trong thời kỳ cách mạng mới. Cùng với phong trào thanh niên
tình nguyện, các công trình thanh niên nở rộ trên khắp địa bàn thành phố đã tạo
dựng được môi trường chính trị - xã hội sống động và rộng lớn cho tuổi trẻ rèn
luyện và đóng góp sức lực, trí tuệ của mình vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã
hội của thành phố, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng. Thông qua các chương trình
hành động, Đoàn Thanh niên thành phố đã, đang thực sự là người tổ chức, hướng
dẫn, hỗ trợ và cổ vũ thanh niên trong quá trình mưu sinh lập nghiệp, đang trở
thành người bạn tin cậy của thanh niên, đem đến cho thanh niên cơ hội để rèn
luyện, cống hiến.<br><br>
Năm năm qua cũng là giai đoạn Đoàn Thanh niên thành phố tích cực đổi mới giáo
dục chính trị và công tác tư tưởng cho thanh niên với nhiều nội dung, hình thức
phong phú và sát hợp, hướng mạnh về cơ sở, các yếu tố chính trị, tư tưởng tác
động trực tiếp hơn, đến được nhiều đối tượng thanh thiếu niên. Vì vậy, tính
chính trị, tư tưởng trong giáo dục được nâng cao rõ nét. Cùng với sự phát triển
của phong trào, công tác xây dựng, phát triển tổ chức Đoàn được chú trọng, hướng
mạnh vào địa bàn dân cư. Đây là hướng chỉ đạo đúng đắn, do đó chất lượng chi
đoàn có chuyển biến, chất lượng đoàn viên được nâng cao một bước. Vai trò nòng
cốt chính trị của tổ chức đoàn, của đoàn viên trong thanh niên ngày càng được
khẳng định và phát huy. Công tác chăm sóc, giáo dục thiếu nhi có nhiều tiến bộ
đã xuất hiện một số mô hình, điển hình, nhân tố mới trong lĩnh vực hoạt động
Đội, tạo môi trường thuận lợi cho thiếu nhi học tập, rèn luyện, từng bước quan
tâm và đáp ứng tốt hơn quyền được học tập, vui chơi của thiếu nhi, đặc biệt đối
với các em có hoàn cảnh khó khăn.<br><br>
Với những thành tích đã đạt được, những năm qua, Đoàn thanh niên thành phố luôn
liên tục dành được danh hiệu đơn vị dẫn đầu toàn quốc về công tác Đoàn và phong
trào thanh thiếu niên. Thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, tôi xin nhiệt
liệt biểu dương sự nỗ lực của cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu nhi thành phố Hồ
Chí Minh đã có nhiều cống hiến xuất sắc trên mọi lĩnh vực hoạt động và địa bàn
công tác.<br><br>Kính thưa các đồng chí đại biểu,<br>Thưa các đồng chí và các bạn,<br>
<br>
Ban Thường vụ Trung ương Đoàn hoan nghênh và tán thành thái độ nghiêm túc, thẳng
thắn kiểm điểm những mặt còn tồn tại, hạn chế trong công tác Đoàn và phong trào
thanh thiếu niên thành phố được nêu ra trong dự thảo báo cáo. Thiết nghĩ rằng,
điều đáng quan tâm trước tiên là hoạt động và sức sống của cơ sở, nhất là chi
đoàn vẫn là vấn đề cần phải đầu tư, suy nghĩ, tìm biện pháp nâng cao chất lượng
tổ chức và hoạt động để chi đoàn thực sự là hạt nhân tế bào của tổ chức Đoàn.
Công tác xây dựng, phát triển tổ chức Đoàn và mặt trận đoàn kết tập hợp thanh
thiếu niên tuy có những chuyển biến nhất định, nhưng vẫn chưa ngang tầm với
phong trào thanh thiếu niên thành phố. Tỷ lệ tập hợp thanh niên vào tổ chức
Đoàn, Hội chưa cao, tỷ lệ đoàn viên trong khối đại học - cao đẳng còn quá thấp;
một bộ phận không nhỏ thanh niên chưa tham gia sinh hoạt Đoàn - Hội. Việc phát
triển tổ chức cơ sở của Hội sinh viên còn chậm so với yêu cầu và khả năng của
phong trào sinh viên thành phố. Bên cạnh đó, trước yêu cầu cấp thiết về việc
nâng cao chất lượng chính trị, tư tưởng của tổ chức Đoàn, lực lượng làm công tác
chính trị, tư tưởng còn thiếu, năng lực và trình độ còn hạn chế, bất cập. Tính
tiền phong gương mẫu, khả năng vận động, tập hợp và ảnh hưởng của người đoàn
viên trong thanh thiếu niên còn hạn chế. Bên cạnh lớp thanh niên có chí tiến thủ
được xã hội yêu mến, tin cậy, hiện còn một bộ phận thanh niên thiếu ý thức,
trách nhiệm công dân, có lối sống thực dụng, bị tác động lôi kéo vào các hoạt
động không lành mạnh, có nguy cơ sa vào các tệ nạn xã hội và cao hơn là phạm
pháp.<br><br>Kính thưa các đồng chí đại biểu,<br>Thưa các đồng chí và các bạn,<br>
<br>
Thế hệ trẻ chúng ta ngày nay may mắn được sống trong môi trường xã hội đổi mới
và phát triển, nhiều cơ hội đang mở ra, song trước mắt sẽ phải vượt qua không ít
khó khăn, thách thức. Những thách thức đối với tuổi trẻ chúng ta chính là sự
cạnh tranh quyết liệt về trí tuệ để đạt tới những đỉnh cao của khoa học kỹ thuật
và công nghệ - chìa khóa của sự phát triển trong thế kỷ 21. Đồng thời, nội dung
đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và nhiệm vụ phát triển thành
phố đặt ra những yêu cầu lớn lao với lớp trẻ thành phố. Thành phố sẽ đi nhanh
trong hội nhập kinh tế, đi vào kinh tế tri thức với vị trí là trung tâm kinh tế,
văn hóa, khoa học, kỹ thuật lớn của cả nước. Thành phố có một môi trường thông
tin, một đời sống văn hóa, văn nghệ đa dạng. Đây là yếu tố thuận lợi, nhưng cũng
không ít thách đố, đòi hỏi bản lĩnh của tổ chức, của đoàn viên, thanh niên trong
định hướng tư tưởng, văn hóa; sự nỗ lực của tổ chức Đoàn - Hội, của mỗi đoàn
viên, thanh niên để xứng đáng là nguồn nhân lực trẻ, lực lượng tiên phong trong
phát triển kinh tế - xã hội của thành phố giai đoạn mới. Vì vậy, không có con
đường nào khác, không có sự lựan chọn nào khác là cùng với tuổi trẻ cả nước,
tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh phải ra sức thi đua học tập, rèn luyện, lao động
sáng tạo, phát huy những truyền thống vẻ vang của dân tộc, của thành phố, nêu
cao tinh thần phấn đấu kiên cường, xung kích đi đầu đưa khoa học, công nghệ tiên
tiến vào sản xuất và đời sống. Hình thành thế hệ thanh niên thành phố "hồng
thắm, chuyên sâu" nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước và thành phố. Một mặt tiếp tục chú trọng việc bồi đắp nhân cách, lẽ
sống cho thanh niên thành phố; củng cố các giá trị truyền thống, định hướng các
giá trị mới cho giới trẻ.<br><br>
Ban Thường vụ Trung ương Đoàn hoan nghênh và đồng tình với phương hướng nhiệm vụ
mà Ban chấp hành Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh khóa VI trình Đại hội lần này.
Tôi xin nhấn mạnh thêm một số vấn đề để chúng ta cùng trao đổi, thảo luận và
tiếp tục chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới nhằm góp phần thực hiện việc:
"Chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo thế hệ trẻ phát triển toàn diện về chính
trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa, sức khỏe, nghề nghiệp; tạo việc làm,
phát triển tài năng và sức sáng tạo, phát huy vai trò xung kích trong sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" mà nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX đã đề ra.<br>
<br>- Chúng ta đang sống trong một thế giới đang phát triển nhưng chứa đựng nhiều
mâu thuẫn sâu săc và nhiều yếu tố khó lường; các thế lực thù địch đang thực hiện
âm mưu "diễn biến hòa bình" với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhằm phá hoại
và chia rẻ thanh niên. Thế hệ trẻ luôn phải đối mặt với hàng loạt vấn đề đang
đặt ra từ cuộc sống. Vì vậy, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải tăng cường bồi
dưỡng, giác ngộ lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, hun đúc ước mơ, hoài bão lớn
cho thế hệ trẻ. Lòng yêu nước của thanh niên ngày nay phải thể hiện ở tin thần
tự tôn dân tộc, tự cường dân tộc, ý chí quyết tâm tình nguyện chiến thắng nghèo
nàn và lạc hậu, thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa thành phố và đất nước.
Do đó, Đoàn Thanh niên thành phố cần thường xuyên đổi mới nội dun công tác giáo
dục, tập trung giáo dục cơ bản để nâng cao mặt bằng nhận thức chính trị cho
thanh niên, trên cơ sở đó tạo giác ngộ cao, niềm tin vững chắc trong thanh niên.
Cần làm cho tinh thần Đại hội IX của Đảng, nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh thấm
đượm trong suy nghĩ, hành động của thanh niên; giúp thanh niên nắm vững cơ sở
của mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, những yếu tố mới mà Đại hội IX
của Đảng đã quyết định. Tích cực đổi mới phương thức giáo dục chính trị, tư
tưởng cho phù hợp với điều kiện và mặt bằng thông tin hiện nay, chuyển mạnh theo
phương châm đề cao và phát huy vai trò tự rèn luyện, tự tu dưỡng, khả năng độc
lập sáng tạo của thanh niên trên cơ sở định hướng, hỗ trợ tốt nhất của tổ chức
Đoàn. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển lực lượng làm công tác tư tưởng của Đoàn,
tăng cường cộng tác viên và đội ngũ hóa lực lượng báo cáo viên của Đoàn Thanh
niên Cộng sản.<br><br>- Tiếp tục đổi mới hoạt động của Đoàn Thanh niên thành phố theo hướng thiết
thực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, lợi ích của thanh niên. Các phong trào, các
cuộc vận động phải xuất phát từ thanh niên, của thanh niên, vì thanh niên và gắn
chặt với quá trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố. Đồng
thời phải thực sự là môi trường để thanh niên rèn luyện, cống hiến và trưởng
thành. Phát huy vai trò đi đầu của Đoàn Thanh niên thành phố trong cuộc vận động
xây dựng xã hội học tập, khuyến khích thanh niên tự học tập, phấn đấu từng bước
tri thức hóa đội ngũ lao động trong thanh niên công nhân, thanh niên nông thôn.
Tăng cường khả năng và các hình thức hỗ trợ thanh niên, quan tâm tới thanh niên
có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên gia đình chíh sách. Đa dạng hóa các hình thức
hỗ trợ, cổ vũ, tôn vinh, nêu gương các tài năng trẻ trên tất cả các lĩnh vực,
tạo dựng một lớp thanh niên tiên tiến đi đầu để hiệu triệu, lôi cuốn đông đảo
thanh niên noi theo. Đặc biệt, coi trọng các phát minh, các sáng kiến, cải tiến
khoa học kỹ thuật trong thanh niên; Đoàn thanh niên thành phố phải là đơn vị đi
đầu trong việc cổ vũ thanh niên tham gia chương trình ứng dụng công nghệ tin
học, sinh học vào sản xuất và đời sống. Tiếp tục phát triển mạnh các hình thức
dạy nghề, hướng nghiệp, tư vấn việc làm cho thanh niên, tăng cường các thông tin
kinh tế, giúp thanh niên có những nhận thức mới, đầy đủ hơn, thích ứng hơn với
cơ chế thị trường trong một thành phố sôi động. Phấn đấu mỗi cơ sở Đoàn phải là
một "Trung tâm tư vấn" cho thanh niên trong mưu sinh, lập nghiệp; mở rộng quy
mô, áp dụng các giải pháp có hiệu quả để hỗ trợ đội ngũ lao động trẻ vươn lên
lập thân, lập nghiệp. Đây là biện pháp rất quan trọng đáp ứng lợi ích trực tiếp
của thanh niên và là "chất keo" kết dính họ với Đoàn, với Hội. Tiếp tục đẩy mạnh
phong trào "Thanh niên tình nguyện" trên các lĩnh vực, động lực của phong trào
tình nguyện phải thấm đượm đến chi đoàn, đến từng đoàn viên, thanh niên, cổ vũ
mọi người đều thi đua tình nguyện, các tập thể chi đoàn, Đoàn cơ sở xung kích
tình nguyện đảm nhận các việc mới, việc khó.<br>
<br>
Bên cạnh đó, chúng ta cần đẩy mạnh phong trào "Tuổi trẻ giữ nước", làm chuyển
biến nhận thức của thanh niên về nhiệm vụ quốc phòng an ninh trong thời kỳ mới
là bảo vệ Tổ quốc đi liền với bảo vệ chế độ, bảo vệ tư tưởng, cương lĩnh, bảo vệ
Đảng. Tiếp tục tăng cường, thường xuyên giáo dục quốc phòng an ninh cho thanh
niên. Là một địa bàn nhạy cảm, do vậy hơn ai hết thanh niên thành phố phải hiểu
thời cuộc, nắm rõ nhiệm vụ của mình. Đồng thời, các cấp bộ Đoàn và mỗi đoàn
viên, thanh niên thực hiện tốt cuộc vận động "Vì đàn em thân yêu"; có nhiều việc
làm thiết thực cho các em, chú trọng việc bảo vệ trẻ em, làm nòng cốt trong cuộc
vận động xã hội tình nguyện vì trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; phấn đấu mỗi cơ sở
Đoàn có ít nhất một công trình vì đàn em, mỗi đoàn viên thanh niên là một tấm
gương cho thiếu nhi noi theo.<br><br>- Một trong những yếu tố nội lực của đoàn để đảm bảo thực hiện thắng lợi các
nhiệm vụ chính trị của thành phố là xây dựng Đoàn vững mạnh, đặc biệt Đoàn cơ sở
và chi đoàn. Chất lượng chi đoàn phản ánh và khẳng định chất lượng đích thực của
tổ chức Đoàn. Vì vậy, đại hội cần thảo luận và đề xuất các biện pháp tiếp tục
đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 07 của Ban chấp hành Trung ương Đoàn về "Nâng
cao chất lượng tổ chức cơ sở Đoàn". Tôi thiết nghĩ rằng, thời gian tới cần tập
trung giải quyết tốt vấn đề cán bộ, nhất là việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ ngay từ đầu nhiệm kỳ; duy trì bồi dưỡng thường xuyên về nghiệp vụ và kỹ
năng công tác cho cán bộ Đoàn cơ sở; tập trung các biện pháp giải quyết những
yếu tố cho việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của cơ sở Đoàn, nhất là
chi đoàn, như: tài liệu, sách báo, cơ sở vật chất...; đồng thời phải thực sự coi
trọng chất lượng đoàn viên, nhất là bản lĩnh chính trị, tính tiên phong gương
mẫu, ý thức tình nguyện, tinh thần dân chủ và tính chiến đấu cao; đặc biệt coi
trọng nâng cao chất lượng và số lượng đoàn viên ưu tú giới thiệu cho Đảng xem
xét kết nạp hàng năm để bổ sung nguồn sinh lực mới cho Đảng.<br>
<br>
Mở rộng các hình thức và mở rộng diện tập hợp thanh niên, chú trọng các vùng,
các đối tượng khó khăn. Đẩy mạnh công tác phát triển tổ chức Hội Liên hiệp thanh
niên Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam. Đồng thời phải tiến hành xây dựng tổ
chức tốt các hoạt động của Hội để tập hợp thanh niên vào tổ chức và kết nạp đoàn
viên mới từ những thanh niên tiên tiến. Coi trọng việc xây dựng Đoàn từ xây dựng
Đội, chú ý bồi dưỡng lớp đội viên lớn, đó là đội hậu bị hùng hậu của Đoàn.<br>
<br>Kính thưa các đồng chí đại biểu,<br>Thưa các đồng chí và các bạn,<br>
<br>
Là diễn đàn chính trị của tuổi trẻ, là nơi thể hiện những khát vọng của thanh
niên thành phố Hồ Chí Minh, Đại hội Đoàn Thanh niên thành phố đánh dấu sự phát
triển của tổ chức đoàn và phong trào thanh thiếu niên thành phố trong thời kỳ
mới. Tôi tin tưởng cán bộ, đoàn viên, thanh niên thành phố chúng ta sẽ tình n
guyện không ngừng, vươn lên nắm lấy thời cơ và vận hội mới, vượt qua mọi khó
khăn, thách thức góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mục tiêu của thành phố.
<br><br>
Từ diễn đàn trọng thể này, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn xin chân thành cảm ơn
các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể của thành phố; cảm ơn các đồng chí cán bộ
Đoàn các thời kỳ đã ủng hộ, giúp đỡ cho sự phát triển của phong trào thanh thiếu
niên thành phố và xin trân trọng đề nghị các đồng chí tiếp tục quan tâm, chăm lo
hơn nữa đến công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên, giúp cho thanh niên có
cơ hội, điều kiện tốt nhất để phấn đấu và trưởng thành.<br>
<br>Xin chúc đại hội thành công tốt đẹp.<br>Chúc sức khỏe các đồng chí và các bạn.</font></p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2">
-----------------------------------------------------------------------------</font></p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#FF0000">
<a name="phat bieu d/c Vo Van Cuong"></a>PHÁT BIỂU<br>CỦA ĐỒNG CHÍ VÕ VĂN CƯƠNG - PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC THÀNH ỦY<br>-------oOo-------</font></b></p>
<p><font face="Arial" size="2">Kính thưa các đồng chí đại biểu,<br>Thưa Đại hội,<br>
<br>
Trước hết, thay mặt Thành ủy, tôi thân ái gởi đến 585 đại biểu của tuổi trẻ
thành phố và qua các đồng chí gởi đến toàn thể đoàn viên, thanh niên những tình
cảm thân thương, niềm tin yêu, sự kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân
đối với thế hệ trẻ thành phố. Chúc các đồng chí vuim khỏe làm việc với tinh thần
trách nhiệm cao, góp phần cho Đại hội của tuổi trẻ thành phố thành công tốt đẹp.<br>
<br>
Các đồng chí đoàn viên, thanh niên thân mến,<br>
Đại hội đại biểu lần thứ VII Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hồ
Chí Minh diễn ra vào thời điểm có nhiều ý nghĩa trọng đại : Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ IX của Đảng và Đại hội đại biểu lần thứ VII Đảng bộ thành phố
thành công tốt đẹp, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước và thành phố
trong những năm đầu của thế kỷ 21 ; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh kỷ niệm
70 năm ngày thành lập với nhiều hoạt động, phong trào sôi nổi, thiết thực, khẳng
định vai trò, sự trưởng thành của tổ chức Đoàn và phong trào thanh niên thành
phố.<br><br>
Trong bối cảnh có ý nghĩa lịch sử đó, Đại hội Đoàn lần này phải là đại hội đánh
dấu sự kế tục xuất sắc truyền thống cách mạng vẻ vang của các thế hệ đi trước ;
đánh dấu một chặng đường mới của tổ chức Đoàn, đưa phong trào thanh niên thành
phố tiến lên chinh phục những đỉnh cao, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, sức sáng tạo
của thế hệ trẻ Việt Nam, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân thành phố thực hiện
thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.<br>
<br>
Chắc các đồng chí còn nhớ những năm kháng chiến, trên những con đường của thành
phố thân yêu và ngay tại nơi này, các thế hệ đoàn viên thanh niên lớp trước đã
bất chấp sự đàn áp dã man của quân thù, vẫn xuống đường chống Mỹ. Các thế hệ đi
trước đã có "những đêm không ngủ", "hát cho đồng bào tôi nghe", bất khuất trong
ngục tù Mỹ ngụy. Hòa bình lập lại, một thế hệ thanh niên đã xung phong rời thành
phố đi khai hoang, phục hóa, sẵn sàng lên đường phục vụ chiến đấu khi chiến
tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Và hôm nay, hình ảnh hàng vạn đoàn viên, thanh
niên ra quân tham gia giữ gìn trật tự giao thông, tình nguyện đến vùng sâu, vùng
xa, lao động giúp dân, nâng cao những thành tích của tuổi trẻ thành phố trên các
đấu trường quốc tế đã gây biết bao xúc động, biến thành nguồn lực, động viên cổ
vũ tuổi trẻ và các tầng lớp nhân dân thành phố phấn khởi, hăng hái thi đua lao
động, học tập.<br><br>
Những hình ảnh đó, những kết quả bước đầu đó đã chứng minh rằng các bạn, tuổi
trẻ thành phố luôn luôn là lực lượng xung kích cách mạng, là niềm tự hào của
Đảng bộ và nhân dân thành phố trong những năm kháng chiến và trong công cuộc bảo
vệ, xây dựng và phát triển thành phố.<br><br>
Năm năm qua, công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên thành phố đã có những
bước phát triển mới. Đoàn đã có nhiều hoạt động, nhiều phong trào mang tính đột
phá, sáng tạo, chủ động, tạo được những dấu ấn tốt đẹp trong lòng thanh niên và
trong đời sống xã hội. Với 8 chương trình hành động, Đoàn đã khơi dậy ngọn lửa
nhiệt tình, tinh thần tiến công và mong muốn được cống hiến vì những lý tưởng,
mục đích cao đẹp, trong sáng của tuổi trẻ thành phố. Những chương trình thiết
thực : Mùa hè xanh, xây dựng Côn Đảo, giúp dân vùng lũ, hiến máu nhân đạo, xóa
mù chữ cho đồng bào, trẻ em vùng sâu, vùng xa, vận động thanh niên cai nghiện ma
túy, đến với người bị nhiễm HIV, tham gia cùng lực lượng Công an nhân dân giữ
gìn trật tự giao thông… đã thôi thúc hàng vạn đoàn viên, thanh niên, trí thức
trẻ tình nguyện tham gia. Phong trào khuyến học được Đoàn phát động sâu rộng
trong thanh niên, có nhiều sáng kiến giúp đoàn viên thanh niên có hoàn cảnh khó
khăn được tiếp tục học tập.<br><br>
Thông qua các phong trào hành động cách mạng, Đoàn đã cùng xã hội giáo dục, rèn
luyện, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho thanh niên, xây dựng lớp thanh
niên có ý thức công dân, giàu nghĩa tình và sống có văn hóa. Nhiều đoàn viên,
thanh niên trưởng thành có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kiến thức, năng lực
là nguồn bổ sung cán bộ cho Đảng bộ cho Đảng bộ, chính quyền các cấp ở thành
phố.<br><br>
Thay mặt Thành ủy, tôi nhiệt liệt biểu dương tinh thần xung kích, sáng tạo, dám
nghĩ, dám làm và những thành quả trong lao động, học tập, công tác của Đoàn
Thanh niên và tuổi trẻ thành phố.<br><br>
Thưa các đồng chí,<br>
Các bạn thanh niên thân mến,<br><br>
Tôi rất đồng tình với đánh giá của các đồng chí đã nêu trong văn kiện đại hội về
những mặt mạnh, những mặt còn hạn chế của tổ chức Đoàn và phong trào thanh niên
thành phố những năm qua. Tôi luôn theo dõi và quan tâm đến những mặt còn nhiều
hạn chế trong hoạt động của Đoàn, để tìm biện pháp cùng các đồng chí tháo gỡ.
Theo tôi, với sự cống hiến của đoàn viên, thanh niên thì việc tỷ lệ đoàn viên ưu
tú được kết nạp Đảng, số đảng viên trẻ hiện nay ở các Chi, Đảng bộ cơ sở là quá
ít. Vừa qua, một vài cơ sở Đảng trường đại học đã kết nạp sinh viên vào Đảng,
tuy chưa nhiều nhưng là dấu hiệu tốt, cần quan tâm nhân rộng. Chúng ta vẫn còn
không ít băn khoan, trăn trở về những mặt tiêu cực trong sinh hoạt, đời sống của
thanh niên. Nạn hút chích ma túy, mại dâm, đua xe trái phép, phạm pháp hình sự ;
lối sống hưởng thụ, đua đòi, ăn chơi sa đọa… đang làm băng hoại tương lai của
một bộ phận thanh niên, có nguy cơ lan truyền nhanh chóng trong giới trẻ, ảnh
hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là những nỗi bức xúc, lo
lắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.<br>
<br>
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VII đã xác định những mục tiêu -
nhiệm vụ cho 5 năm năm tới. Đây là giai đoạn phát triển quan trọng, nhằm tạo
tiền đề về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhân lực, môi trường xã hội để thành phố
"đi trước và về đích trước" trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước. Đó là nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vinh quang mà Đảng và nhân dân cả nước
tin tưởng, kỳ vọng vào Đảng bộ và nhân dân thành phố. Đây là cơ hội và thách
thức đối với thành phố Hồ Chí Minh, thành phố trẻ đã từng chiến đấu anh dũng
trong hai cuộc kháng chiến. Vậy tuổi trẻ thành phố sẽ làm gì để xứng đáng với
truyền thống xung kích, cách mạng của thanh niên trước những đòi hỏi của lịch
sử, trước những thách thức của thời đại.<br>
<br>
Tôi hoàn toàn nhất trí với những định hướng của Đại hội về mục tiêu nhiệm vụ 5
năm tới, tại Đại hội này, tôi đề nghị các đồng chí suy nghĩ và thẳng thắn trao
đổi một số vấn đề sau :<br><br><b>
Một là,</b> phải không ngừng nâng cao giác ngộ lý tưởng cách mạng cho đoàn viên,
thanh niên. Đây là điều mà nhiều đồng chí cách mạng lão thành, các thế hệ đảng
viên đi trước hết sức quan tâm. Các đồng chí ấy tin thanh niên thành phố có đủ
trình độ, kiến thức, năng lực tiếp thu những thành tựu khoa học kỹ thuật của thế
giới ; tin thanh niên Việt Nam, thanh niên thành phố có khả năng dời non, lấp
biển ; trong tương lai không xa trí tuệ, tài năng của tuổi trẻ Việt Nam sẽ sánh
vai cùng bè bạn năn châu. Song nhiều đồng chí không khỏi băn khăn, lo lắng liệu
thế hệ trẻ có kiên trì với mục tiêu, lý tưởng mà các thế hệ đi trước đã hy sinh
xương máu để dành lấy không ? Có vì dân, vì nước, vì chủ nghĩa xã hội, vì lý
tưởng của Bác Hồ không ? Đó là những trăn trở đầy tâm huyết và đầy trách nhiệm.
Tôi mong là các bạn sẽ có lời giải đáp để chứng minh rằng Đoàn Thanh niên luôn
là trường học cộng sản của thanh niên, luôn trung thành với mục tiêu, lý tưởng
của Đảng, là người kế túc xuất sắc truyền thống vẻ vang của Đảng.<br>
<br> <b>Hai là, </b>dấy lên một phong trào học tập, lao động nghiêm túc, hiệu quả trong đoàn
viên, thanh niên. Thành phố Hồ Chí Minh là một trung tâm của cả nước về nhiều
mặt, nhưng mặt bằng học vấn hiện nay thấp hơn một số tỉnh, thành phố khác và còn
cách xa với một số nước trong khu vực. Trình độ học vấn như vậy thì làm sao tiếp
thu khoa học kỹ thuật, làm sao công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố. Do vậy,
không có cách nào khác là thanh niên, các bạn phải học và tổ chức Đoàn phải có
nhiều cách để khuyến khích, tạo điều kiện cho mọi người được đi học, nhất là
thanh thiếu niên. Phải học một cách tự giác, hăng say và bền bĩ thì mới có thể
thắng nổi đói, nghèo. Năm 1945, khi vừa khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng
hòa, Bác Hồ đã phát động ngay chiến dịch xóa mù chữ, chống giặc dốt. Hơn ai hết,
Bác là người hiểu rằng dốt nát là nguyên nhân của đói nghèo và nô lệ. Ngày nay,
chỉ có học tập nghiêm túc, lao động cần cù và sáng tạo và hành động thiết thực
nhất để thanh niên khẳng định vai trò xung kích trong sự nghiệp xây dựng thành
phố và tự tạo cho mình một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.<br>
<br><b>
Ba là,</b> đẩy mạnh cuộc vận động tự rèn luyện trong thanh niên, xung kích đẩy lùi
các tệ nạn xã hội. Thành ủy hoan nghênh Đại hội đã kịp thời thảo luận 4 dự án
của Đoàn tham gia thực hiện các chương trình trọng điểm nêu trong Nghị quyết Đại
hội VII Đảng bộ thành phố. Trong đó, đáng lưu ý nhất là chương trình 3 giảm.
Trước tình hình sa sút đạo đức của một bộ phận thanh niên, tôi đề nghị sắp tới
Đoàn cần cụ thể hơn nữa, sâu sát hơn nữa đối với các đối tượng thanh niên có
hoàn cảnh đặc biệt ; đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu kỹ tâm trạng của các đối tượng
thanh niên xem họ nghĩ gì ? Đang làm gì ? Và cần gì ? Nguyên nhân của sự suy
thoái đó ? Cái gì do thanh niên thiếu rèn luyện, cái gì do gia đình, do tác động
xã hội. Để từ đó, Đoàn có đề xuất với Đảng, chính quyền những biện pháp giải
quyết, ngăn chặn. Số đông đoàn viên thanh niên là tốt. Đoàn không nên kêu gọi
chung chung, lãnh đạo chung chung mà cần xác định rõ đối tượng cụ thể để giáo
dục, đưa ra tiêu chí rèn luyện. Tôi nghĩ rằng chỉ cần mỗi đoàn viên kiềm cặp
giúp đỡ một thanh niên chậm tiến tốt lên là giúp được một cuộc đời, một con
người. Theo tôi đó là hạnh phúc của người cộng sản, là cả một công trình.<br>
<br> <b> Bốn là,</b> chú trọng củng cố, kiện toàn tổ chức Đoàn vững mạnh, tăng cường phát
triển lực lượng chính trị trong các đối tượng thanh niên. Đây là nhiệm vụ thiết
yếu, cơ bản. Đoàn phải thường xuyên thực hiện nhiệm vụ này gắn liền với mỗi
phong trào, mỗi chiến dịch. Thông qua phong trào mà kiện toàn tổ chức Đoàn, phát
hiện những cán bộ, đoàn viên, thanh niên nhiệt tình, tích cực để phát triển
Đảng, củng cố và bổ sung đội ngũ cán bộ Đoàn, mở rộng diện tập hợp thanh niên.
Đoàn cần quan tâm hơn nữa công tác xây dựng nòng cốt chính trị trong thanh niên,
nhất là trong thanh niên công nhân, sinh viên, thanh niên có đạo và ở địa bàn
khu phố, xóm ấp.<br><br>
Đoàn cần thường xuyên cải tiến phương thức chỉ đạo, nên tập trung nhiều cho cơ
sở ; đồng thời, có mũi đột phá, biến một vài phong trào lớn thành cao trào hành
động cách mạng trong giới trẻ, cuốn hút mọi người cùng hành động. Muốn làm được
điều đó, đòi hỏi đội ngũ cán bộ Đoàn phải chủ động, sáng tạo trong tổ chức hoạt
động và chỉ đạo phong trào. Tổ chức Đoàn, cán bộ Đoàn phải là người bạn chân
thành, gần gũi của thanh niên, biết thanh niên nghĩ gì, cần gì. Tổ chức Đoàn
phải là cầu nối giữa thanh niên với Đảng. Đoàn đòi hỏi thanh niên hành động, rèn
luyện và cống hiến tốt nhất năng lực, trí tuệ cho sự phát triển, phồn vinh của
xã hội. Đoàn cũng phải là người đại biểu cho tiếng nói, chăm lo quyền lợi chính
đáng của thanh niên thông qua việc chủ động đề xuất với Đảng, chính quyền những
chính sách xã hội, sự quan tâm dành cho thanh niên.<br><br><b>
Năm là, </b>tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Nhiều năm qua,
Đoàn Thanh niên đã tích cực tham gia xây dựng Đảng, nhưng tham gia xây dựng
chính quyền và thực hiện qui chế dân chủ cơ sở còn mờ nhạt. Đoàn cần phải tăng
cường phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể khác thực hiện tốt việc giám
sát chính quyền, giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà
nước, việc thực thi dân chủ trong cơ quan, doanh nghiệp và địa bàn dân cư. Vận
động đoàn viên, thanh niên mạnh dạn góp ý xây dựng cán bộ, đảng viên, góp ý xây
dựng chính quyền, tích cực đấu tranh bảo vệ công bằng, lẽ phải trong cuộc sống.
Tích cực phát hiện, bồi dưỡng đoàn viên ưu tú giới thiệu cho Đảng xem xét kết
nạp.<br><br>
Kính thưa các đồng chí đại biểu,<br>
Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từng căn dặn : "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho
đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết". Thanh niên là hiện tại, là
tương lai của đất nước. Chăm lo, giáo dục, rèn luyện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ
Chí Minh và thanh thiếu niên chính là chăm lo cho tương lai của mỗi gia đình,
của cả dân tộc chúng ta. Đó là nghĩa vụ, là trách nhiệm của mỗi người, của toàn
xã hội và của cả hệ thống chính trị. Nhân Đại hội Đoàn thành phố, Thành ủy yêu
cầu cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể các cấp cần thật sự quan
tâm, dành thời gian lãnh đạo công tác thanh niên theo tinh thần Nghị quyết Trung
ương 4 (khóa VII), tạo điều kiện tốt nhất về vật chất, tinh thần để Đoàn Thanh
niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố tổ chức các hoạt động, phong trào hành động
thiết thực, cụ thể trong thanh thiếu niên. Quan tâm kết nạp đảng viên trẻ, đoàn
viên ưu tú vào Đảng ; quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ Đoàn, tạo nguồn cán bộ
trẻ bổ sung cho bộ máy Đảng, chính quyền, các ngành, các cấp.<br>
<br>
Tôi tin tưởng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tuổi trẻ thành phố sẽ tiếp
bước truyền thống, phát huy tinh thần xung kích, tự tin, sáng tạo, thực hiện tốt
những nhiệm vụ, mục tiêu Đại hội nhiệm kỳ VII đề ra, xứng đáng là đội dự bị tin
cậy của Đảng bộ thành phố.<br><br>Chúc sức khỏe các đồng chí đại biểu,<br>Chúc Đại hội của tuổi trẻ thành phố thành công tốt đẹp.<br>Xin cảm ơn các đồng chí.</font></p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2">
-----------------------------------------------------------------</font></p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#FF0000">
<a name="phat bieu TS Dao Van Luong"></a>NUÔI HOÀI BÃO LỚN, CHẤP NHẬN THÁCH THỨC, TẬN DỤNG
<br>CƠ HỘI, TUỔI TRẺ THÀNH PHỐ DŨNG CẢM BƯỚC VÀO THẾ KỶ 21<br>-------oOo-------<br>PGS. TS. ĐÀO VĂN LƯỢNG
<br>Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường</font></b></p>
<p><font face="Arial" size="2">Kính thưa các vị đại biểu và các đồng chí,
<br>Các bạn thanh niên, những khuôn mặt đại diện xứng đáng cho thế hệ trẻ thành phố
thân mến, <br><br>Tôi rất hân hạnh được tham dự Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản thành phố Hồ Chí
Minh lần thứ 7, một đại hội mang tính lịch sử của các bạn. Cho phép tôi được
tham luận với đại hội về những cơ hội và thách thức đối với thế hệ trẻ thành phố
khi bước vào thế kỷ 21. <br><br><b>I.- TIỀM NĂNG CỦA ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC TRẺ :<br>
</b><br>
Trong lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, các thế hệ thanh niên Việt Nam
luôn luôn là lực lượng xung kích dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Trong
đó, phong trào thanh niên học sinh, sinh viên Sài Gòn đã để lại những biểu tượng
tốt đẹp trong lòng người dân thành phố. Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải
phóng, chặng đường vẻ vang ấy vẫn được tiếp bước qua hơn một phần tư thế kỷ, lực
lượng trẻ Thành phố vẫn tiếp tục cống hiến và trưởng thành trong mọi hoạt động
kinh tế, xã hội, khoa học, và đã góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc. <br><br>
Tuổi trẻ có những đặc trưng quý : luôn có hoài bão, lòng nhiệt tình, không ngại
khó, dám xả thân, có sức vươn lên và muốn cống hiến; hơn nữa, đội ngũ học sinh,
sinh viên và trí thức trẻ còn có những đức tính tốt đẹp là ham học hỏi, cầu
tiến, thích tìm tòi khám phá cái mới, có óc sáng tạo và muốn tự khẳng định…
<br><br>
Nhiều hình thức hoạt động để phát huy những đức tính tốt đẹp ấy đã được tổ chức
và tổng kết. Trong học tập, có các cuộc thi đua học giỏi được tổ chức từ nhà
trường đến các quận, huyện, thành phố, quốc gia và xa hơn là quốc tế. Để hỗ trợ
cho phong trào học tập đã có các qũy, học bổng, chương trình vì ngày mai phát
triển, hoạt động giúp bạn vượt khó… <br>
<br>
Trong nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ có các hình thức như chương trình
Euréka, hội nghị khoa học của tuổi trẻ ở một số trường đại học, ở các ngành, các
câu lạc bộ sáng tạo. Đặc biệt, Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường đã phối hợp
Thành đoàn tổ chức “Chương trình Vườn ươm” từ 5 năm nay, nó đã trở thành một
trong số các chương trình nghiên cứu khoa học chính thức của thành phố, nhằm
giúp các bạn trẻ có cơ hội phát triển các ý tưởng sáng tạo, hình thành các đề
tài nghiên cứu, đây còn là một cách “tập dượt” để chuẩn bị trở thành các nhà
khoa học thực thụ, bổ sung cho lực lượng khoa học thành phố.
<br>Qua những hoạt động đa dạng trên đã cho thấy tiềm năng của đội ngũ trí thức trẻ
của Thành phố là vô cùng to lớn và cần được phát huy đúng mức.
<br><br><b>II.- CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC : <br></b><br>
Có thể nói : chưa bao giờ tuổi trẻ cả nước nói chung và tuổi trẻ thành phố nói
riêng lại đứng trước những cơ hội to lớn và những thách thức đầy cam go trong
việc tự khẳng định vai trò của mình khi bước vào nền kinh tế tri thức và bước
vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
<br><br><b> Những cơ hội lớn đang mời gọi và thách thức sức khai phá của tuổi trẻ :
<br></b>Để triển khai các chương trình mục tiêu phát triển các ngành kinh tế chủ lực cần
một đội ngũ chuyên gia kỹ thuật chuyên ngành và chuyên gia quản trị kinh doanh
giỏi. Khu công nghệ cao cần đội ngũ chuyên gia kỹ thuật công nghệ, giỏi ngoại
ngữ, giao tiếp tốt với nước ngoài, tập trung ở các ngành điện tử viễn thông, cơ
khí tự động, sinh học, vật liệu… <br><br>
Muốn phát triển công nghệ thông tin và công nghệ phần mềm, thành phố cần có
6.000 - 7.000 chuyên viên công nghệ thông tin vào năm 2003, cần 10.000 -12.000
chuyên viên vào năm 2005 ; Công viên Phần mềm Quang Trung là một trong các địa
chỉ đầy hứa hẹn của các bạn.<br><br>
Chưa bao giờ kho tàng tri thức khổng lồ và vô cùng quý giá của nhân loại lại có
thể được khai thác một cách dễ dàng ở mọi nơi, mọi lúc, thông qua các phương
tiện khai thac thông tin hiện đại Internet như hiện nay. Nền kinh tế tri thức
đòi hỏi phải nâng cao mặt bằng dân trí nói chung và yêu cầu cao hơn đối với đội
ngũ trí thức trẻ về khả năng tiếp thu nhanh thành tựu khoa học công nghệ tiên
tiến. Thành phố rất cần có những nhà khoa học công nghệ trẻ giỏi để hoàn thành
công nghiệp hóa - hiện đại hóa trong vòng 1, 2 thập kỷ tới, đồng thời có đủ năng
lực và tự tin khi hội nhập quốc tế. Chương trình đào tạo 300 Tiến sĩ, Thạc sĩ
trẻ xuất sắc cho thành phố qua du học nhằm tạo nguồn bổ sung các chuyên gia đầu
đàn, các nhà khoa học và nhà quản lý tương lai của thành phố đang chờ các bạn.<br>
<br><b> Song, những thách thức cũng đang ở trước mặt :
<br> </b>Muốn khai thác, tận dung được kho tàng tri thức của nhân loại và có nghĩa vụ
đóng góp phần tri thức của các thế hệ Việt Nam vào kho tàng tri thức đó, chúng
ta phải có đủ trình độ. Không có con đường nào khác là phải học tập, nghiên cứu.
Song, trong giáo dục đào tạo, chúng ta còn có khoảng cách khá xa so với khu vực
và thế giới ; điều kiện học tập, nghiên cứu còn nhiều khó khăn và lạc hậu, từ đó
nguồn nhân lực cho sản xuất và phát triển xã hội chưa được cung ứng đủ về số
lượng và đúng về chất lượng. <br><br>
Chúng ta phải tiến hành công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước từ điểm xuất
phát rất thấp của nền kinh tế và trình độ dân trí chưa cao so với khu vực. Nền
kinh tế chưa đủ tích lũy để đầu tư thích đáng cho nghiên cứu khoa học, công
nghệ. <br><br><br>
Muốn vận hành có hiệu quả nền kinh tế nói chung hoặc một dây chuyền công nghệ
nói riêng, cần phải có đủ năng lực và trình độ quản lý. Song, năng lực và trình
độ quản lý của chúng ta còn rất thấp so với yêu cầu phát triển.
<br><br><b>III.- NHỮNG GIẢI PHÁP : <br></b><br>
Trước hết, tuổi trẻ là tuổi của những hoài bão lớn. Hoài bão không phải là những
ham muốn thấp hèn trong những sàn nhảy ngột ngạt hay những phút say tốc độ trên
các đường đua điên loạn, mà là những đam mê học tập, nghiên cứu, những cuốn hút
vào dòng thác chuyển mình của Thành phố và của đất nước.
<br> <br>
Theo thống kê cho thấy : thành phố ta hiện có trên 230.000 cán bộ có trình độ từ
cao đẳng trở lên. Trong đó có khoảng 3,5 % có trình độ trên đại học; tuổi trung
bình của số cán bộ trên đại học là 45, của số Tiến sĩ, Phó Giáo sư, Giáo sư
tương ứng là 54. Như vậy, đội ngũ khoa học của chúng ta, lực lượng nòng cốt
trong công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đã không đủ về số lượng, lại yếu về trình
độ và bị “lão hóa” nghiêm trọng. <br><br>
Để chấp nhận thách thức và tận dụng những cơ hội nêu trên, giải pháp ưu tiên
hàng đầu chính là đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ trẻ. Song, học tập
và nghiên cứu khoa học trong trong điều kiện khó khăn của đất nước và của thành
phố, đòi hỏi ở tuổi trẻ một ý chí và nghị lực rất lớn. Nhưng, chúng ta không có
con đường nào khác, chỉ có bằng khoa học công nghệ mới tạo được một tốc độ phát
triển nhảy vọt của nền kinh tế, của tiến bộ xã hội, đưa đất nước ra khỏi nghèo
nàn và lạc hậu. Con đường học tập, nghiên cứu còn cần lòng đam mê và sự khổ
luyện; kinh nghiệm cho thấy, nhân tài có được chỉ do 1, 2 phần trăm là năng
khiếu bẩm sinh, phần lớn tri thức họ có là nhờ vào sự khổ luyện bền bỉ, tính
kiên nhẫn và lòng say mê khoa học. Hơn nữa không ít các phát minh, sáng chế, các
giải pháp hữu ích đã được ra đời từ sự không thành công trước đó.
<br><br>
Để khắc phục tình trạng yếu kém trong quản lý, hơn ai hết, tuổi trẻ phải khiêm
tốn học tập các mô hình quản lý hữu hiệu, tiên tiến của các nước bạn, nhất là
các nước trong khu vực có hoàn cảnh tương tự như nước ta, và họ vừa đột phá làm
nên những điều thần kỳ của đất nước chỉ trong vài thập niên gần đây.
<br><br>
Tuổi trẻ thành phố hôm nay tự hào với những kỳ tích trong quá khứ của cha anh,
song cũng không thể hổ thẹn với tình trạng nghèo nàn, lạc hậu của đất nước, tình
trạng thiếu văn hóa, thiếu ý thức công dân của một bộ phận trong thế hệ trẻ.
Tuổi trẻ, những người chủ tương lai của đất nước, cần phải ý thức hết trách
nhiệm công dân của mình và đi đầu trong các cuộc vận động lớn của Thành phố, như
việc thực hiện “12 chương trình, công trình trọng điểm” và “Năm trật tự đô thị”
mà Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 7 đã đề ra.
<br><br>
Đoàn Thanh niên thành phố đã có nhiều hoạt động về thi đua học giỏi, hỗ trợ phát
triển tài năng trẻ, cần tổng kết những kinh nghiệm trưởng thành của tập thể và
cá nhân đã có đóng góp cho sự nghiệp phát triển thành phố. Cần xây dựng và phát
triển mô hình vượt khó, gắn học tập với nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ ở
các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu, các đơn vị sản xuất.
<br><br>
Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường sẽ tiếp tục cùng Thành đoàn tổng kết và
định hướng cho các Chương trình vườn ươm và hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố,
đồng thời phối hợp hỗ trợ thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học công nghệ các
trường đại học, các Viện nghiên cứu, các cơ sở sản xuất, qua đó góp phần đào tạo
nguồn nhân lực trẻ cung ứng cho sự phát triển của thành phố.<br>
<br><b>IV.- KẾT LUẬN : <br></b><br>
Trước những cơ hội to lớn và những thách thức của thời đại, tuổi trẻ thành phố
cần có hoài bão lớn, có khát vọng và có đủ dũng khí tự hoàn thiện, tự khẳng định
bản thân, đem sức trẻ cống hiến cao nhất cho quê hương, đất nước.
<br><br>
Xin tặng các bạn những câu thơ đã một thời thôi thúc thế hệ chúng tôi :
</font></p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2">Lứa tuổi đôi mươi khi hướng đời đã thấy
<br>Thì gian nguy biết mấy cũng lên đường, <br>Sống ở thành đô mà dạ để mười phương,
<br>Nghìn khát vọng chất chồng mơ ước lớn.
</font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Chúc Đại hội thành công, chúc các bạn trẻ thực hiện được những ước mơ và hoài
bão lớn. <br><br>Xin cám ơn và chúc sức khỏe các vị đại biểu, các đồng chí và các bạn.
</font></p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2">
--------------------------------------------------------------------------------</font></p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2"><b><font color="#FF0000">
<a name="phat bieu d/c Nguyen Hoang Nang"></a>PHÁT BIỂU<br>CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN HOÀNG NĂNG, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ LAO ĐỘNG -
<br>THƯƠNG BINH XÃ HỘI THÀNH PHỐ<br>VỀ VẤN ĐỀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO THANH NIÊN<br>-------oOo-------</font></b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
Trong những năm qua thành phố luôn chú trọng đến giải quyết việc làm cho nhân
dân lao động. Nghị quyết của Thành ủy, Nghị quyết Hội đồng nhân dân và Kế hoạch
của Ủy ban nhân dân thành phố hàng năm đều đặt mục tiêu thúc đẩy kinh tế phát
triển, tạo khả năng tăng thêm chỗ làm việc, tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi
để mọi tổ chức kinh tế, mọi đoàn thể xã hội, mọi người lao động nhất là tầng lớp
thanh niên tự tạo việc làm cho mình và thu hút thêm lao động xã hội.<br>
<br>
Năm 2001 tổng số người trong độ tuổi thanh niên (15 đến 35 tuổi) thường trú tại
thành phố có 2,28 triệu người chiếm tỷ lệ 43,69 % dân số thành phố và chiếm tỷ
lệ 73,75 % tổng số lao động thành phố, trong tổng số thanh niên :<br>
<br> Đang làm việc chiếm tỷ lệ 68,28 %<br> Đang đi học chiếm tỷ lệ 14,52 %.<br> Làm nội trợ (đa số là nữ) chiếm tỷ lệ 10,29 %<br>
<br> Chưa có việc làm chiếm tỷ lệ 6,91 % (160.000 người), số thanh niên chưa có
việc làm chiếm tỷ lệ 68 % tổng số lao động chưa có việc làm của thành phố
(160.000/238.000 người).<br><br> Có việc làm (khu vực nội thành 18,05 %, khu vực ngoại thành 3,58 %) có nghề
chuyên môn chiếm tỷ lệ 14,45 %, trong khi thị trường lao động thành phố về nhu
cầu, cần tuyển trên 50 % lao động có trình độ chuyên môn, trong đó công nhân
lành nghề và bậc cao là 20 %, vì vậy bố trí việc làm cho lực lượng thanh niên
thành phố luôn gặp nhiều khó khăn.<br><br>
Trong các năm từ năm 1996 - 2000 thành phố đã đào tạo nghề 120.000 người/năm,
đồng thời đã bố trí, giải quyết việc làm được 904.538 người. Tỷ lệ thất nghiệp
của thành phố từ 10 % - 12 % thời kỳ 1991 - 1995 giảm còn 6,5 % thời kỳ 1996 -
2000. Trong tổng số người được giải quyết việc làm hàng năm của thành phố ; số
thanh niên chiếm tỷ lệ 65 % - 70 %, do đó thực chất vấn đề giải quyết việc làm
của thành phố trọng tâm là giải quyết việc làm cho thanh niên.<br>
<br>
Một số biện pháp chính giải quyết việc làm trong thời gian qua là :<br>- Thu hút lao động vào các doanh nghiệp, các khu chế xuất, khu công nghiệp bình
quân 80.000 người/năm, trong đó trên 605 là thanh niên.<br>
<br>- Thu hút lao động vào các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ngành nghề truyền
thống, kinh tế hộ gia đình, việc làm tại chỗ bằng các chương trình vay vốn từ
quỹ Quốc gia Giải quyết việc làm kết hợp với các quỹ hỗ trợ việc làm của các
đoàn thể, các quận, huyện của thành phố đã giải quyết cho 70.000 người/năm,
trong đó trên 50 % là thanh niên.<br><br>- Tạo việc làm thông qua chương trình xóa đói giảm nghèo, chú trọng diện chính
sách có công cách mạng, lao động gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn, đã giải
quyết việc làm 10.000 người/năm.<br><br>- Tổ chức cho lao động trong đó đa số là thanh niên đi lao động ở nước ngoài từ
năm 1996 - 2000 được 3.000 thanh niên/năm làm việc các nước Hàn Quốc, Nhật Bản,
Đài Loan và một số nước khác.<br><br>- Chương trình giải quyết việc làm cho bộ đội xuất ngũ, con em gia đình chính
sách có công cách mạng, tổ chức quỹ bảo trợ học nghề cho thanh niên nghèo; nguồn
vốn vận động bảo trợ mỗi năm khoảng 01 tỷ đồng, giải quyết việc làm 15.000
người/năm.<br><br>
Trong thời kỳ 2001 - 2005, mục tiêu chung của chương trình việc làm của thành
phố tập trung mở mang kinh tế, thu hút thêm nhiều lao động tích cực phấn đấu để
tốc độ thu hút lao động trên 4% với các ngành chủ lực : thực phẩm chế biến, cơ
khí, hóa chất, nhựa - cao su, điện tử, dệt, may, giày da, thương mại, du lịch,
vận tải, bưu chính - viễn thông, xây dựng, tài chính - ngân hàng và công nghệ
phần mềm.<br><br>
Mục tiêu cụ thể là phấn đấu giải quyết việc làm và ổn định việc làm thời kỳ 2001
- 2005 cho 01 triệu người (bình quân mỗi năm là 200.000 người) giảm tỷ lệ thất
nghiệp của toàn thành phố hiện nay là 6.86% xuống còn 6% năm 2005, nâng tỷ lệ sử
dụng thời gian lao động nhàn rỗi ở nông thôn từ 82 % năm 2000 lên 95% năm 2005.
Kế hoạch bố trí cụ thể như sau :<br>- Thu hút lao động vào các doanh nghiệp nhà nước 30.000 người/năm doanh nghiệp
cổ phần hóa.<br><br>- Thu hút lao động vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư : 30.000 người/năm nước
ngoài.<br><br>- Thu hút lao động vào các khu chế xuất, khu công nghiệp : 25.000 người/năm.<br>
<br>- Thu hút lao động vào các doanh nghiệp ngoài quốc : 50.000 người/năm doanh
nghiệp trong nước.<br><br>- Thu hút lao động vào các cơ sở sản xuất nhỏ, cơ sở kinh doanh : 40.000
người/năm kinh tế gia đình, kinh tế trang trại, kinh tế phi chính qui, tự tạo
việc làm.<br><br>- Xuất khẩu lao động đi làm việc ở nước ngoài : 15.000 người/năm.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">- Thu hút lao động đi làm việc các tỉnh : 10.000 người/năm.<br>
<br>
Thành phố mỗi năm đào tạo được 30.000 người có trình độ đại học, 5.000 người có
trình độ trung cấp chuyên môn kỹ thuật, 60.000 công nhân kỹ thuật trong đó công
nhân kỹ thuật lành nghề từ bậc 3 trở lên có 12.000 người, đây là nguồn nhân lực
quan trọng bổ sung cho các nhu cầu việc làm có yêu cầu chuyên môn kỹ thuật của
thành phố.<br><br>
Kết quả khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về nhu cầu tuyển dụng
lao động cho thấy cơ cấu việc làm thời kỳ 2001 - 2005 cần tuyển lao động.<br>
<br>- Công nhân kỹ thuật từ bậc 3 trở xuống : 38 %<br>- Lao động phổ thông : 36 %<br>- Có trình độ đại học : 10 %<br>- Công nhân kỹ thuật bậc 4 trở lên : 10 %<br>- Trung cấp : 6 %<br>
<br>
Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lao động như nghề cơ khí (tiện, nguội, phay
bào, lắp ráp, sửa chữa, …) chiếm tỷ lệ 4 %, nghề dệt may thêu đan, giày da chiếm
tỷ lệ 35 %, nghề xây dựng 6 %, điện, điện tử chiếm tỷ lệ 4 % và một số nghề khác
từ 3- 5 % như : tiếp thị, trình dược viên, nhân viên bán hàng, in, mộc mỹ nghệ,
chế biến thực phẩm, chế biến nông sản, giao thông, cầu đường, bưu điện …<br>
<br><b>SO SÁNH TRÌNH ĐỘ CHUYÊN MÔN KỸ THUẬT GIỮA CƠ CẤU THANH NIÊN CẦN CÓ VIỆC LÀM VÀ
CƠ CẤU NHU CẦU TUYỂN DỤNG LAO ĐỘNG 2001 - 2005.<br>
</b>(Tính bình quân hàng năm cần tuyển mới 160.000 lao động vào các doanh nghiệp cơ
sở sản xuất kinh doanh)<br>Đơn vị tính : tỷ lệ %.</font></p>
<table border="0" width="79%" id="table1">
<tr>
<td style="border-style: solid; border-width: 1px">
<p align="center"> </td>
<td style="border-style: solid; border-width: 1px">
<p align="center">Trình độ chuyên môn</td>
<td style="border-style: solid; border-width: 1px">
<p align="center">Kỹ thuật</td>
<td style="border-style: solid; border-width: 1px">
<p align="center">Tổng số người cần có việc làm, nhu cầu tuyển dụng thừa
thiếu</td>
</tr>
<tr>
<td style="border-style: solid; border-width: 1px">
<font face="Arial" size="2">Đại học, cao đẳng</font></td>
<td style="border-style: solid; border-width: 1px" align="center">15</td>
<td style="border-style: solid; border-width: 1px" align="center">10</td>
<td style="border-style: solid; border-width: 1px" align="center">5</td>
</tr>
<tr>
<td style="border-style: solid; border-width: 1px">
<font face="Arial" size="2">Trung cấp chuyên môn kỹ thuật </font></td>
<td style="border-style: solid; border-width: 1px" align="center">2,5</td>
<td style="border-style: solid; border-width: 1px" align="center">6</td>
<td style="border-style: solid; border-width: 1px" align="center">3,5</td>
</tr>
<tr>
<td style="border-style: solid; border-width: 1px">
<font face="Arial" size="2">CNKT bậc 4 trở lên</font></td>
<td style="border-style: solid; border-width: 1px" align="center">2</td>
<td style="border-style: solid; border-width: 1px" align="center">10</td>
<td style="border-style: solid; border-width: 1px" align="center">8</td>
</tr>
<tr>
<td style="border-style: solid; border-width: 1px">
<font face="Arial" size="2">CNKT từ bậc 3</font></td>
<td style="border-style: solid; border-width: 1px" align="center">4</td>
<td style="border-style: solid; border-width: 1px" align="center">18</td>
<td style="border-style: solid; border-width: 1px" align="center">14</td>
</tr>
<tr>
<td style="border-style: solid; border-width: 1px">
<font face="Arial" size="2">CNKT bậc 2, sơ cấp</font></td>
<td style="border-style: solid; border-width: 1px" align="center">30</td>
<td style="border-style: solid; border-width: 1px" align="center">20</td>
<td style="border-style: solid; border-width: 1px" align="center">10,3</td>
</tr>
<tr>
<td style="border-style: solid; border-width: 1px">
<font face="Arial" size="2">Lao động phổ thông</font></td>
<td style="border-style: solid; border-width: 1px" align="center">46,5</td>
<td style="border-style: solid; border-width: 1px" align="center">36</td>
<td style="border-style: solid; border-width: 1px" align="center">10,5</td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
Nếu chỉ tính nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ đại học bằng 10% tổng số
chỗ làm việc tương đương cần thu hút 160.000 người/năm và số người tốt nghiệp
đại học hàng năm bằng 15 % tổng số lao động tương đương 25.000 người/năm thì số
lao động tốt nghiệp đại học có nhu cầu làm việc hàng năm còn chưa bố trí được
việc làm từ 6.000 - 8.000 người, đó là chưa kể cơ cấu đào tạo và cơ cấu việc làm
giữa các ngành nghề vẫn còn chênh lệch lớn, có nghề thì vẫn thiếu, có nghề thì
vẫn thừa, trong khi đó nhu cầu việc làm về lao động có trình độ chuyên môn trung
cấp và CNKT lành nghề còn thiếu, bình quân 18 – 20%/năm (khoảng 30.000 người).<br>
<br>
Để thực hiện các mục tiêu giải quyết việc làm thành phố cần tiến hành nhiều giải
pháp, trong đó chú trọng các hoạt động hỗ trợ việc làm và đào tạo nghề cho thanh
niên bằng một số biện pháp cụ thể như sau :<br>
<br>1.- Tổ chức “THÔNG TIN DỰ BÁO THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ”, xây dựng hệ thống
thông tin về việc làm, những ngành nghề và địa bàn có khả năng thu hút lao động
mới, thông tin về giá cả và điều kiện lao động, thông tin về các cơ sở dạy nghề
và giới thiệu việc làm, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ lao động khu
vực kinh tế phi chính qui, kinh tế cá thể, kinh tế trang trại về thông tin kỹ
thuật, thông tin thị trường lao động…<br><br>2.- Phát triển các hoạt động dịch vụ việc làm cho thanh niên :<br>- Tổ chức các mô hình tư vấn về nghề nghiệp và việc làm tại quận ven và khu vực
ngoại thành, các dịch vụ hỗ trợ sinh viên học sinh, dịch vụ phục vụ gia đình các
đội dịch vụ lao động phục vụ khu công cộng, trung tâm đô thị, vệ sinh công
nghiệp tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.<br>
<br>- Tổ chức các câu lạc bộ việc làm thanh niên tại phường, xã gắn hoạt động dịch
vụ lao động và bố trí việc làm theo các nhu cầu địa bàn dân cư (mô hình này Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội và Thành Đoàn Thanh niên cộng sản thành phố đã
tổ chức thí điểm tại quận 12, Hóc Môn, Gò Vấp, huyện Cần Giờ.<br>
<br>3.- Tổ chức đào tạo nghề cho người lao động tập trung lực lượng thanh niên<br>- Phát triển hệ thống đào tạo nghề trên địa bàn thành phố, xã hội hóa các hình
thức đào tạo nghề, mở rộng hoạt động các Trung tâm dạy nghề quận, huyện và xây
dựng trung tâm dạy nghề các đoàn thể xã hội và tư thục, dân lập, tích cực thực
hiện các giải pháp để đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần VII
đề ra "Đến năm 2005 đạt mức 40 % lao động qua đào tạo dạy nghề, trong đó 20 % có
tay nghề bậc 3/7".<br><br>- Vận động các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề và khuyến khích mở các cơ sở
đào tạo bên cạnh công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất gắn giải quyết việc làm.<br>
<br>4.- Tổ chức đưa thanh niên đi làm việc tại nước ngoài, phát triển các hình thức
tự túc xuất khẩu lao động đơn lẻ hoặc nhóm, xây dựng quỹ khuyến khích xuất khẩu
lao động để hỗ trợ các thanh niên gia đình nghèo và đối tượng chính sách xuất
khẩu đi lao động.<br><br><br>5.- Quản lý và sử dụng có hiệu quả quỹ hỗ trợ việc làm thành phố gắn với quỹ xóa
đói giảm nghèo và các nguồn quỹ hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề của các đoàn thể,
xã hội, các quận - huyện; ưu tiên chương trình hỗ trợ vốn cho thanh niên tự tạo
việc làm mới hoặc tự tạo thêm việc làm gắn với chuyển giao công nghệ, ngành nghề
tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống.<br>
<br>6.- Thực hiện đồng bộ chương trình giải quyết việc làm cho thanh niên gắn với
chương trình phòng chống tệ nạn xã hội, tăng cường các biện pháp tích cực hạn
chế phát triển các hoạt động kinh tế - việc làm ảnh hưởng đến phát triển tệ nạn
xã hội đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ - văn hóa.</font></p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2"><br>
------------------------------------------------------------------------------</font></p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#FF0000">
<a name="phat bieu d/c Nguyen Tuan Viet"></a>ĐẨY MẠNH CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA TRONG THANH THIẾU NIÊN
<br>VÀ GÓP PHẦN NÂNG CAO ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CHO
<br>THANH THIẾU NIÊN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH<br>-------oOo-------<br>(Phát biểu của Đ/c Nguyễn Tuấn Việt -
<br>Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin)</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực thúc đẩy sự phát triển
kinh tế xã hội, đồng thời là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Hoạt động văn hóa
nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc Xây
dựng con người Việt Nam về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống môi
trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển xã hội.<br>
<br>
Thế hệ trẻ là lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,
đồng thời là một trong những lực lượng nòng cốt tham gia sáng tạo và hưởng thự
các hoạt động văn hóa sản phẩm, văn hóa tinh thần. Công tác thanh niên nhằm phát
huy vai trò làm chủ và tiềm năng to lớn của thế hệ trẻ để thanh niên thực hiện
được sứ mệnh lịch sử, đi đầu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước giàu
mạnh văn minh, ấm no, hạnh phúc.<br><br>
Những năm qua Sở Văn hóa và Thông tin thành phố Hồ Chí Minh và Đoàn Thanh niên
Cộng sản Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động phối hợp trong từng thời điểm mà
trọng tâm là giáo dục, bồi dưỡng những thế hệ trẻ về lý tưởng, đạo đức, kiến
thức văn hóa, thẩm mỹ, nghệ thuật … đồng thời đáp ứng được một phần các yêu cầu
về học tập, sinh hoạt văn hóa tinh thần, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ sáng tạo
và hưởng thụ các hoạt động và sản phẩm văn hóa nghệ thuật …<br>
<br>
Trong sự nghiệp đổi mới, trong tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất
nước và thành phố hiện nay, nhiệm vụ của ngành văn hóa thông tin và của tổ chức
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ngày càng nặng nề, đòi hỏi phải có sự phối
hợp thường xuyên và đồng bộ hơn. Nhằm góp phần thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần
thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền
văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết ội nghị lần thứ
11 của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố khóa VI về Chương trình hành động của
Thành ủy nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5. Ngày 27/11/1998 Sở Văn hóa -
Thông tin và Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức ký kết liên tịch, sau
03 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch thông qua cơ chế phối hợp hoạt động đã góp
phần đẩy mạnh hơn các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thông tư phục vụ các đối
tượng thanh thiếu niên ở các khu vực và địa bàn. Đưa các hoạt động này thành nề
nếp nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục về mặt nhân cách, lối sống, thẩm mỹ cho thế
hệ trẻ. Đồng thời kết hợp các hoạt động giáo dục truyền thống, nhằm phát huy
truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa dân tộc
trong thanh thiếu niên. Đẩy lùi và ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại, các
tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên, xây dựng và giữ gìn lành mạnh môi trường
dân cư, môi trường gia đình, môi trường học đường, môi trường công tác.<br>
<br>
Các hoạt động nổi bật của quá trình liên tịch giữa Sở Văn hóa – Thông tin với
Thành Đoàn, đó là các hoạt động giáo dục truyền thống, về nguồn thông qua một
cuộc vận động sâu rộng đến các cơ sở Đoàn và đoàn viên, thanh niên thông qua
cuộc vận động “Hành trình đến với bảo tàng”, đã thu hút hơn 300.000 lượt đoàn
viên, thanh niên thành phố đến với 12 bảo tàng, các khu di tích lịch sử, địa đạo
Củ Chi, Nhà truyền thống các quận, huyện bằng các bài ghi chép, thu hoạch thể
hiện những điều tâm đắc, sâu sắc về các nhân vật anh hùng, sự kiện lịch sử, địa
danh và hiện vật khó quên, được thể hiện thành thơ, tùy bút, viết ngắn bằng ghi
chép của mỗi đoàn viên, thanh niên. Việc các cơ sở Đoàn phối hợp với các bảo
tàng tổ chức cho đoàn viên và thanh niên thi thuyết trình về một nhân vật hoặc
sự kiện lịch sử mà mình tâm đắc, đã có giá trị giáo dục truyền thống, giáo dục
lòng yêu nước cho thanh niên ngày nay.<br><br>
Ngành văn hóa thông tin thông qua Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
đã tổ chức cuộc bình chọn ca khúc “Một thời tuổi trẻ” đã thu hút khá đông thanh
thiếu niên tham gia bình chọn ca khúc, viết bài cảm nhận về ca khúc cách mạng,
tổ chức tập hát và tuyên truyền về các ca khúc cách mạng. Qua đó khẳng định nhu
cầu thưởng thức ca nhạc truyền thống cách mạng trong đời sống văn hóa tinh thần
của thanh niên, đồng thời qua đó định hướng giáo dục thẩm mỹ về âm nhạc, nhu cầu
văn hóa – văn nghệ của thanh thiếu niên thành phố.<br>
<br>
Việc định hướng chính trị trong các hoạt động văn hóa văn nghệ ở cơ cơ sở được
thể hiện rõ nét qua các hoạt động phối hợp như xây dựg các nhóm văn nghệ xung
kích, tuyên truyền ca khúc cách mạng (gọi tắt là TKC) hay phối hợp tổ chức Liên
hoan các đội, nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng chào mừng Đại hội Đảng toàn
quốc lần IX, Đại hội Đoàn thành phố lần VII và kỷ niệm 111 năm Ngày sinh Bác Hồ
kính yêu. Thông qua các hoạt động đó, Thành Đoàn đã góp phần cùng ngành văn hóa
thông tin xây dựng phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở, bằng các hoạt động
hội diễn văn nghệ, các cuộc liên hoan văn nghệ ở các cấp, tại các quận huyện,
phường xã, khu vực trường học, khu vực công nhân lao động, đã giúp phong trào
văn hóa văn nghệ lan rộng trong mọi tầng lớp thanh thiếu niên.<br>
<br>
Thời gian qua Thành Đoàn thành phố Hồ Chí Minh đã cùng ngành văn hóa thông tin
thành phố góp phần định hướng đời sống văn hóa – tinh thần của thanh thiếu niên
thành phố, thông qua việc kiên trì chỉ đạo phát triển phong trào “Hát cho nhau
nghe”, “Hát cùng bạn bè tôi”, tổ chức các hoạt động ca múa nhạc dân tộc tại cơ
sở, đưa loại hình tuồng cổ, cải lương vào thể nghiệm ở trường học. Tổ chức các
cuộc thi sáng tác và biểu diễn ca múa nhạc, thời trang của thanh niên thành phố.
Xây dựng và phát triển sân khấu kịch nói, cải lương, hát bội tại Nhà Văn hóa
thanh niên. Hình thành các câu lạc bộ, đội nhóm tập hát dân ca, sưu tầm dân ca
và biểu diễn các tiết mục dân ca tại các Trung tâm văn hóa, Trung tâm hoạt động
thanh thiếu niên các quận huyện. <br><br>
Thông qua cơ chế liên tịch Thành Đoàn cùng ngành văn hóa thông tin đã chăm lo và
nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của thanh niên, nhất là thanh niên nông
thôn, thanh niên lao động nghèo, sinh viên ký túc xá, lực lượng vũ trang. Việc
tổ chức các loại hình đêm hội văn hóa trên đường phố đã khẳng định và hình thành
thành nét sinh hoạt văn hóa của tuổi trẻ thành phố trong những ngày lễ lớn. Các
chương trình văn nghệ xung kích, chiếu phim, xe sách lưu động đã được tăng cường
đưa về các xã ngoại thành, vùng sâu, vùng xa, ký túc xá, công trình xa, doanh
trại bộ đội.<br><br>
Thông qua Nghị quyết liên tịch giữa hai đơn vị đã góp phần đẩy mạnh công tác vận
động xây dựng nếp sống văn hóa trong thanh thiếu niên, qua đó phát huy vai trò
của chi đoàn, chi hội, cùng các tổ chức đoàn thể và ngành văn hóa thực hiện
phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tham gia xây dựng gia
đình văn hóa, xây dựng ấp văn hóa, khu phố văn hóa, xây dựng công sở văn minh,
sạch đẹp, ký túc xá sinh viên văn hóa … gắn với việc bài trừ tệ nạn xã hội, bài
trừ hủ tục, góp phần hình thành lối sống đẹp, tạo môi trường văn hóa lành mạnh
trong thanh thiếu niên, thông qua xây dựng các tủ sách, các sân chơi tụ điểm cho
thanh thiếu niên ở các ấp, khu phố, xây dựng các điểm sáng văn hóa, xây dựng các
quán cà phê thanh niên, tiệm hớt tóc văn hóa. Tuyên truyền vận động thanh niên
thực hiện Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị về “Xây dựng nếp sống văn minh trong việc
cưới, việc tang và lễ hội”. Vận động thanh niên trong việc cưới đảm bảo vui
tươi, tiết kiệm, lành mạnh, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Xây dựng
các mô hình lễ cưới tập thể, tiết kiệm nhưng trang trọng và có ý nghĩa. Hệ thống
các Trung tâm văn hóa và các Trung tâm hoạt động thanh thiếu niên của các quận
huyện đã hình thành nhiều loại hình hỗ trợ đám cưới cho thanh niên, nhất là
thanh niên nghèo, từng bước định hướng nếp sống văn hóa lành mạnh, tiết kiệm
trong việc cưới trong thanh niên.<br><br>
Với những kết quả đạt được bước đầu của cơ chế liên tịch từ nhiệm kỳ VI vừa qua,
sẽ tạo tiền dề cho cơ chế phối hợp đồng bộ giữa Thành Đoàn với Sở Văn hóa –
Thông tin thành phố trong nhiệm kỳ VII sắp tới phát triển ở tầm mức cao hơn. Sở
Văn hóa – Thông tin thành phố xác định rằng : tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản
Hồ Chí Minh sẽ là lực lượng xung kích trên lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa ở
cơ sở và vai trò của đoàn viên, thanh niên đi đầu trong thực hiện.<br>
<br>
Sở Văn hóa – Thông tin thành phố sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động văn hóa – văn
nghệ – nghệ thuật của thanh niên, sinh viên, học sinh, thanh niên công nhân, lực
lượng vũ trang.<br><br>- Phối hợp xây dựng các địa điểm sinh hoạt văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí
phục vụ cho thanh niên nghèp. Ngành văn hóa và các Trung tâm văn hóa, Nhà văn
hóa, các Công viên du lịch có chế độ miễn giảm vé vào cửa cho đối tượng thanh
thiếu niên, sinh viên học sinh (theo lịch hoạt động). Thông qua tổ chức Đoàn -
Hội, Ngành văn hóa thông tin phối hợp tạo ra nhiều sân chơi đa đạng, phong phú
về nhiều loại hình văn hóa, nghệ thuật để phục vụ thanh thiếu niên.<br>- Tăng cường cơ sở vật chất về văn hóa và nâng cao dân trí của thanh niên ngoại
thành : xây dựng sân khấu ngoài trời, trang bị âm thanh ánh sáng, xây dựng tủ
sách, trợ giá sách báo …<br><br>- Thông qua các câu lạc bộ, đội nhóm, chi đoàn, chi hội, đưa các loại hình nghệ
thuật truyền thống vào đời sống văn hóa, tinh thần của sinh viên, học sinh.<br>
<br>- Ngành văn hóa thông tin cùng với tổ chức Đoàn, Hội thể nghiệm xem xét các loại
hình nhạc trẻ, các loại hình âm nhạc đậm đà bản sắc dân tộc, thể nghiệm chọn có
định hướng trong nhu cầu hưởng thụ âm nhạc của thanh thiếu niên. Tiến tới hình
thành một Trung tâm nghiên cứu thị hiếu, nhu cầu hưởng thu văn hóa trong thanh
thiếu niên, để có giải pháp phối hợp đồng bộ nhằm định hướng rõ nét nhu cầu
hưởng thụ văn hóa lành mạnh trong thanh niên, hạn chế tình trạng lạm phát các ca
khúc não tình. Sở Văn hóa – Thông tin cùng với Thành Đoàn tăng cường tổ chức các
buổi tọa đàm về thẩm mỹ, về văn hóa cho thế hệ trẻ, góp phần định hướng và xây
dựng thị hiếu văn hóa lành mạnh trong thanh niên.<br>
<br>- Thực hiện nghiêm chỉnh Quyết định 21/TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách
đối với việc phát hành sách báo, phim ảnh cho thiếu niên.<br>
<br>- Phối hợp tổ chức các cuộc thi sáng tác (hoặc trại sáng tác) các khúc về thanh
niên, các tác phẩm văn hóa, sân khấu, điện ảnh, ca múa nhạc, hội họa, … chủ đề
về thanh thiếu niên. Các đơn vị nghệ thuật sân khấu, ca múa nhạc, các xưởng
phim, hãng sản xuất băng từ, các nhà xuất bản, trong kế hoạch hàng năm đều phải
có danh mục sản phẩm phục vụ thanh thiếu niên, tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa
lành mạnh cho thanh thiếu niên.<br><br>- Phối hợp tổ chức các hoạt động lễ hội dân gian, ca múa nhạc dân tộc, trò chơi
dân gian, truyền thống văn hóa của địa phương. Gìn giữ tôn tạo các di tích lực
sử văn hóa, các hoạt động hành trình đến với bảo tàng. Tài trợ và khuyến khích
thanh niên học tập, nghiên cứu về văn hóa dân tộc.<br>
<br>- Ngành văn hóa thông tin tạo điều kiện xem xét, đề xuất khen thưởng Huy chương
“Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng” cho đội ngũ cán bộ Đoàn làm công tác văn hóa
quần chúng nhiều năm liền ở cơ sở Đoàn.<br>
<br>- Đặc biệt trong nhiệm kỳ VII ngành văn hóa thông tin thành phố cùng với Thành
Đoàn sẽ đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn
hóa” thông qua xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa, khu phố văn hóa (phấn đấu
60 % khu phố, ấp được công nhận ấp văn hóa, khu phố văn hóa, 90 % gia đình văn
hóa). Tăng cường xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở như : tủ sách, điểm sinh
hoạt văn hóa, các câu lạc bộ đội nhóm văn hóa văn nghệ ở khu phố, ấp. Xây dựng
các điểm sáng văn hóa, các ký túc xá văn hóa, công sở văn minh sạch đẹp. Xây
dựng các đơn vị văn hóa : hàng, siêu thị, chợ, khu vui chơi giải trí, bến xe,
nhà ga, nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, chung cư, nhà tập thể, ký túc xá, ký túc
xá sinh viên văn hóa, trường học có đời sống văn hóa.<br>
<br>- Phối hợp chăm lo và nâng cao đời sống văn hóa cho 15 xã nghèo (do thành phố
công nhận). Chú ý chăm lo, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho thanh niên
lao động nghèo, thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên nông thôn ngoại
thành, thanh niên vùng sâu, thanh niên công nhân ở công trình xa, lực lượng vũ
trang và sinh viên học sinh.<br><br>Với cơ chế liên tịch và các giải pháp phối hợp đồng bộ giữa Thành Đoàn với Sở
Văn hóa - Thông tin thành phố, chúng tôi tin tưởng rằng việc đẩy mạnh các hoạt
động văn hóa trong thanh thiếu niên và góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh
thần trong thanh thiếu niên thành phố tại nhiệm kỳ VII của Đại hội Đại biểu Đoàn
Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố sẽ thành công tốt đẹp.<br>
<br>Kính chúc sức khỏe các đồng chí đại biểu và toàn thể đại hội.<br>Chúc đại hội thành công tốt đẹp.<br>
<br>Chúc cho Nghị quyết liên tịch giữa Thành Đoàn với Sở Văn hóa - Thông tin
thành phố mãi đi vào đời sống văn hóa của thanh niên thành phố.</font></p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2"><br>
---------------------------------------------------------------------------</font></p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#FF0000">
<a name="phat bieu d/c Nguyen Chi Dung"></a>PHÁT BIỂU THAM LUẬN CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN CHÍ DŨNG -<br>THÀNH ỦY VIÊN, PHÓ GIÁM ĐỐC CÔNG AN THÀNH PHỐ<br>-------
oOo-------</font></b></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Kính thưa các đồng chí lãnh đạo,<br>Thưa các đồng chí đại biểu,<br>Thưa đại hội,<br>
<br>
Hôm nay, tôi rất phấn khởi được dự Đại hội Đại biểu Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ
Chí Minh lần thứ 7 (nhiệm kỳ 2001 – 2005) và được các bạn mời phát biểu tham
luận. Thay mặt Đảng ủy - Ban Giám đốc và toàn thể cán bộ chiến sĩ Công can thành
phố tôi xin nhiệt liệt chào mừng Đại hội của tuổi trẻ thành phố, xin cảm ơn tuổi
trẻ thành phố đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc
trong thời gian qua, xin gửi tới các đại biểu và toàn thể Đại hội lời chúc sức
khỏe, chúc Đại hội Đại biểu Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố lần
VII thành công tốt đẹp<br><br>Thưa đại hội,<br>
<br>
Chúng tôi luôn xác định lực lượng thanh niên là người chủ tương lai của đất
nước, là lực lượng xung kích trong các lĩnh vực đời sống, xã hội và có vị trí
quan trọng trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Thời gian qua,
Công an thành phố và Thành Đoàn đã có nhiều kế hoạch phối hợp nhằm huy động lực
lượng công an và đoàn viên, thanh niên tham gia phòng chống tội phạm, giải quyết
tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự giao thông đô thị. Có thể khẳng định các Nghị
quyết liên tịch giữa Công an và Thành Đoàn về “Phòng ngừa ngăn chặn tội phạm
trong thanh thiếu niên; Nghị quyết “Phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy trong
học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên”; và các phong trào “Thanh niên xung
kích”, “Thanh niên tự quản về an ninh trật tự”, “Thanh niên tích cực tham gia
phát hiện, truy bắt tội phạm”, “Thanh niên tham gia giáo dục các đối tượng vi
phạm pháp luật” đã trở thành hiện thực vô cùng sinh động, thể hiện rõ bản chất
cách mạng và vai trò xung kích của đoàn viên, thanh niên chúng ta, góp phần đặc
biệt quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự ở thành phố. Mới đây, tháng
4 vừa qua, trong đợt ra quân tháng cao điểm lập lại trật tự giao thông trên địa
bàn thành phố, lực lượng Công an thành phố và Thành Đoàn đã phối hợp chặt chẽ
trong công tác tuyên truyền và hướng dẫn điều hòa giao thông trên các tuyến
trọng điểm, bước đầu đã đạt được kết quả đáng kích lệ, được dư luận nhân dân
ngợi khen. Đó cũng là tiền đề tốt đẹp cho sự phối hợp tới của 2 lực lượng chúng
ta.<br><br><br>Thưa đại hội,<br><br>
Tình hình an ninh trật tự ở thành phố Hồ Chí Minh từ trước đến nay luôn luôn
được giữ vững và củng cố ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên trước những tác động ảnh
hưởng của tình hình chung trên thế giới, trước sự khủng hoảng của chủ nghĩa xã
hội và trước hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, tình hình an ninh trật
tự ở thành phố cũng có những khó khăn phức tạp mới. Các thế lực thù địch đang
ráo riết thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” để phá hoại Nhà nước Xã hội Chủ
nghĩa Việt Nam với nhiều thủ đoạn mưu mô xảo quyệt, trên tất cả các lĩnh vực
kinh tế – văn hóa – xã hội. Ý đồ của chún là bằng mọi cách xây dựng được lực
lượng chống đối ở bên trong và lợi dụng khoét sâu những vấn đề phức tạp về dân
tộc, tôn giáo, “dân chủ, nhân quyền”, tham nhũng, tiêu cực và những khó khăn
phức tạp về kinh tế, xã hội, những tranh chấp, bất bình trong nhân dân để kích
độnd các tầng lớp nhân dân mítting, biểu tình, gây rối, gây bạo loạn nhằm phá
hoại và đi đến xóa bỏ chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trong khi đó tình hình phạm
pháp hình sự, ma túy, mại dâm, trật tự đô thị còn nhiều phức tạp gây nhức nhối
trong xã hội. Nếu giải quyết không tốt tình hình trật tự xã hội sẽ ảnh hưởng xấu
đến nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và kẻ địch sẽ lợi dụng khai thác chống phá
ta.<br><br>
Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố luôn xác định
bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, giữ gìn tốt trật tự an toàn xã hội là nhiệm
vụ có tầm quan trọng đặc biệt. Đi đôi với tập trung lãnh đạo nhiệm vụ bảo vệ an
ninh chính trị, đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình” của địch,
Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố luôn luôn coi trọng chỉ đạo nhiệm vụ giữ
gìn trật tự xã hội. Vừa qua Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố đã đề ra
chương trình 3 giảm “Phạm pháp hình sự, ma túy, mại dâm” với mục tiêu kéo giảm
15 % tội phạm hình sự, ma túy, mại dâm; và đề ra chương trình trật tự đô thị năm
2001 với mục tiêu đảm bảo trật tự đô thị thành phố đi vào nề nếp.<br>
<br>
Để thực hiện thắng lợi hai chương trình trên của Thành ủy đòi hỏi phải phát huy
sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, các đoàn thể và toàn thể nhân dân,
trong đó sự đóng góp của tuổi trẻ thành phố có ý nghĩa vô cùng quan trọng . Do
vậy, Công an thành phố và Thành Đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình
hành động số 03 của Ban Thường vụ Thành Đoàn và Ban Giám đốc Công an thành phố
về phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm, tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên đến
đoàn viên, thanh niên và công an cơ sở; và sẽ triển khai tháng tình nguyện thực
hiện chương trình mục tiêu 3 giảm. Công an các quận, huyện, phường, xã sẽ trao
đổi với các quận Đoàn, huyện Đoàn và các chi đoàn ở cơ sở danh sách các tụ điểm
ma túy, mại dâm và tụ điểm phức tạp về hình sự nhằm phát huy tính năng động xung
kích của Đoàn cơ sở phối hợp cùng công an chuyển hóa các “tụ điểm” phức tạp này.
Để thực hiện chủ trương này, mỗi chi đoàn công an cần có kế hoạch phân công đoàn
viên đảm nhận chuyển hóa một tụ điểm phức tạp.<br>
<br>
Các chi đoàn khu phố và công an các phường, xã cần tiếp tục phối kết hợp chặt
chẽ trong việc xây dựng các khu phố “5 không” (không ma túy và tệ nạn xã hội,
không có buôn lậu, hàng gian hàng giả; không còn tụ điểm cờ bạc, nhậu nhẹt gây
mất trật tự công cộng; không còn trẻ thất học; không còn hộ đói). Trước hết cần
sơ kết rút kinh nghiệm phát hiện những nơi làm tốt, xây dựng thành điển hình để
nhân rộng sang khác các khu phố khác. Đồng thời Đoàn Thanh niên và công an các
quận, huyện cần phối hợp làm thí điểm xây dựng các khu phố không có người vi
phạm pháp luật về an ninh trật tự để từng bước mở rộng.<br>
<br>
Công an phường xã và các chi đoàn thanh niên cần tiếp tục phối hợp tốt trong
việc quản lý giáo dục cảm hóa các loại đối tượng, thanh thiếu niên phạm pháp, sử
dụng ma túy và mại dâm tại cộng đồng dân cư. Chúng tôi tin rằng nếu mỗi một đoàn
viên thanh niên trong toàn thành phố trực tiếp kèm cặp giúp được 01 đối tượng vi
phạm pháp luật về an ninh trật tự trở thành người tốt thì chắc chắn phạm pháp
hình sự và tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn thành phố sẽ giảm rõ rệt và chúng
ta sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu 3 giảm của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành
phố đề ra.<br><br>
Một vấn đề nữa có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh trật tự ở
thành phố là kịp thời phát hiện hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội
để ngăn chặn ngay từ đầu. Vì vậy lực lượng Công an và Đoàn Thanh niên ở các cấp
cần phối hợp phát động thành phong trào sâu rộng của thanh thiếu niên tham gia
phát hiện, cung cấp cho công an khám phá, bắt giữ bọn tội phạm. Đồng thời tiếp
tục huy động thanh niên tham gia lực lượng dân phòng tuần tra canh gác giữ gìn
an ninh trật tự ở phường, xã, nhân rộng các cá nhân mưu trí dũng cảm truy bắt
tội phạm.<br><br>
Để phát huy thắng lợi ra quân huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên tình
nguyện tham gia giữ gìn trật tự giao thông, trật tự đô thị vừa qua. Công an
thành phố và Thành Đoàn sẽ tiếp tục có chương trình kế hoạch động viên đoàn
viên, thanh niên tích cực tham gia công tác này bằng nhiều hình thức ở cơ sở và
giáo dục động viên thanh niên tự giác chấp hành luật lệ giao thông và tích cực
tham gia phòng chống tệ đua xe trái phép, tiến tới bài trừ tệ nạn này.<br>
<br>
Đồng thời với các công tác trên để giúp đoàn viên, thanh niên nắm chắc pháp luật
và trực tiếp giáo dục rèn luyện bản thân mình không vi phạm, thời gian tới lực
lượng Công an thành phố và đoàn viên, thanh niên ở các cấp sẽ phối hợp mở rộng
tuyên truyền giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên. Trước hết là luật hình sự,
các luật lệ về xử lý vi phạm hành chính khác và luật lệ về giao thông trật tự.
Công an và Đoàn Thanh niên ở các quận, huyện, phường, xã cần nghiên cứu hình
thành các câu lạc bộ pháp luật để giúp đoàn viên, thanh niên tìm hiểu nắm các
quy định của pháp luật và làm nòng cốt tuyên truyền pháp luật cho nhân dân ở cơ
sở, trong các trường học, nhà máy, xí nghiệp, … nhằm khơi dậy ý thức trách
nhiệm, ý thức xung kích của mỗi đoàn viên, thanh niên, tự giác và tự nguyện tham
gia tích cực công tác giữ gìn trật tự giao thông, trật tự đô thị ở thành phố.
<br><br>Thưa đại hội,<br><br>
Để củng cố hơn nữa mối quan hệ giữa Công an – Đoàn Thanh niên, sắp tới chúng ta
cần tăng cường hình thức kết nghĩa giữa các chi đoàn trong lực lượng công an và
các chi đoàn thanh niên ở các phường, xã, trường học để giúp đỡ nhau trong hoạt
động Đoàn và vận động thanh thiếu niên tham gia bảo vệ an ninh trật tự, phòng
chống tội phạm đạt hiệu quả cao. Với trách nhiệm của mình, Ban Giám đốc Công an
thành phố sẽ chỉ đạo lực lượng công an các cấp hỗ trợ hết sức mình phát huy mạnh
mẽ vai trò xung kích của đoàn viên, thanh niên trong công tác giữ gìn an ninh
trật tự.<br><br>
Một lần nữa tôi xin kính chúc sức khỏe các đồng chí lãnh đạo, chúc sức khỏe các
đồng chí đại biểu và toàn thể đại hội.<br>
<br>Xin cảm ơn.</font></p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2">
------------------------------------------------------------------------------</font></p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2"><b><font color="#FF0000">
<a name="phat bieu d/c Nguyen Van Quang"></a>PHÁT BIỂU
<br>CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN VĂN QUẢNG - ỦY VIÊN BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
<br>HỘI CỰU CHIẾN BINH VIỆT NAM, PHÓ CHỦ TỊCH HỘI CỰU CHIẾN BINH
<br>THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH<br>-------oOo-------</font></b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
Thay mặt Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh Việt Nam - thành phố Hồ Chí Minh, xin
trân trọng chào mừng đại hội lần thứ VII của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí
Minh - thành phố. Chúng tôi nhất trí và hoàn toàn tin tưởng sau đại hội này,
Đoàn Thanh niên thành phố ta sẽ có bước sáng tạo và phát triển mới, nhằm góp
phần thực hiện thắng lợi huy hoàng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần VII,
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần IX cùng các Nghị quyết của Đại hội Đoàn
lần này. Tin tưởng Đại hội sẽ đánh giá và giải đáp trúng các vấn đề của thanh
niên ta trong thành phố.<br><br>
Trải qua bảy lần đại hội, các phong trào hoạt động của Đoàn Thanh niên ta ngày
càng đi sâu vào cuộc sống, góp phần tích cực và thiết thực vào xây dựng phát
triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc - bảo vệ thành phố.<br>
<br>
Từ "xây dựng Đoàn vững mạnh, nối vòng tay lớn, thanh niên lập nghiệp giữ nước,
câu lạc bộ trẻ sáng tạo, thanh niên xung phong, Mùa hè xanh, thành phố trật tự,
an ninh, sạch đẹp"... đến 1.000 phòng học cho các em, mở đường xóm ấp, xóa cầu
khỉ vùng sâu vùng xa... tích cực tham gia các phong trào của thành phố: xóa đói
giảm nghèo, xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, giúp quỹ học bổng, trợ giúp
người khốn khó vượt các thiên tai... đâu đâu cũng có mặt thanh niên với vai trò
xung kích. Các công trình trên đây là đồ sộ và không phải dễ khi khởi đầu. Đúng
như lời Bác Hồ dạy : "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và
lấp biển, quyết chí ắt làm nên". Thanh niên ta đã sống học tập và làm việc theo
gương Bác, xứng đáng với người xưa và trong đùm bọc của nhân dân.<br>
<br>
Đối với chúng ta, chiến tranh đã đi qua rồi hơn một phần tư thế kỷ. Sự toàn
thắng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của đảng, dùng chiến tranh cách mạng chống
chiến tranh phản động của đế quốc Mỹ, như một sự kiện hiếm thấy trong lịch sử
quân sự thế giới. Chúng ta tự hào. Trong sức mạnh của chiến thắng có sức mạnh
xung kích và đột phá của thanh niên. Khi Tổ quốc đứng trước hiểm nghèo, nơi tiền
tuyến có "tay không cướp đồn giặc" với lời thề "còn cái lai quần cũng quyết đánh
thắng Mỹ". Ở hậu phương thanh niên ta "ba sẵn sàng" và... "Ta sẽ đến nơi đâu còn
giặc, ta chưa về, khi Tổ quốc chưa yên"... Cả nước đồng lòng. Có Đảng vạch
đường, vạch thời đại. Trên con đường đầy máu lửa và hiểm nguy ấy thanh niên ta
chấp nhận hy sinh lớn, vừa cất cao tiếng hát "xuống đường, dậy mà đi, nguyện,
hát cho đồng bào tôi nghe" tự cổ vũ mình và góp thúc giục khi thế toàn dân xốc
tới và cũng đã nhìn thấy phía trước cái đích sẽ đến : độc lập dân tộc và chủ
nghĩa xã hội. Rõ ràng : "Nếu con người hoàn toàn không còn khả năng mơ ước, nếu
con người không có lúc nào đó thả tâm hồn mình ra khỏi hiện tại để tưởng tượng
ra và ngắm nghía cái công trình tuyệt mỹ do con người bắt tay xây dựng hôm nay,
thì chúng ta không thể nào hiểu nổi được rằng "động cơ" nào đã đưa con người lao
vào những công việc to lớn đầy hy sinh gian khổ như thế".<br>
<br>
Người xưa đã nói về sức mạnh của lý tưởng, hoài bão và ước mơ như vậy. Đế quốc
Mỹ và phản động cố tình không hiểu điều đó. Ta đều nhớ, khi xua quân xâm lược Tổ
quốc ta, chúng huyênh hoang rằng: "Ở Việt Nam không có một từ nào thay thế được
chữ chiến thắn của người Mỹ". Khi "sa lầy" chúng hò hét rằng "hoặc phải đưa Việt
Nam trở lại thời kỳ đồ đá, hoặc là người Mỹ sẽ bị hất hết ra biển đông" !! Đến
khi ta toàn thắng chúng lại ấm ức rằng : "Trong chiến tranh này, kẻ không đáng
chiến thắng nhưng lại đã chiến thắng". Và dọa luôn rằng: "Nếu Việt Nam có một
biến động nào đó, thì họ tin rằng 95% cựu binh Mỹ sẽ trở qua đánh Việt Nam" !!
Một rõ ràng nữa : Bản chất đế quốc không hề thay đổi là vậy. Ta phải rất tỉnh
táo, cảnh giác. Trận địa tư tưởng ta phải luôn vững chắc. Và tin tưởng luôn luôn
rằng người quyết định trong cuộc đấu tranh chống "diễn biến hòa bình, bạo loạn
lật đổ, xóa Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa chủ nghĩa xã hội Việt Nam không là bọn
đế quốc - dù hiện chúng đang rất manh tâm nhen nhóm quấy phá như ta đã biết.
Chính chúng ta mới là người quyết định như từng quyết định chiến thắng trong hai
cuộc kháng chiến vĩ đại". Tuổi trẻ "mưu sinh lập nghiệp", "tuổi trẻ giữ nước"
tôi nghĩ phải luôn luôn cảnh giác là vậy.<br><br>
Ngày nay đường ta đi tới đã được Đại hội IX soi sáng. Dù nó không hề phẳng phiu,
ít gian nan cũng như chưa thể lường trước đầy đủ mọi gai chông, nhưng 20 năm sau
nhất định Việt Nam ta sẽ là một nước công nghiệp, hiện đại sánh vai cùng các
nước tiên tiến. Có những chặng đường từ kinh nghiệm bầu bạn có thể ta vượt lên,
đón đầu bằng tất cả tri thức Việt Nam. Tuổi trẻ mãi mãi vẫn là lực lượng xung
kích, xắn tay vào trận... Trước hết và trên hết tôi nghĩ thanh niên ta cần xây
dựng từ mỗi người, cho đến cả Đoàn luôn trong sáng vững mạnh, góp công sức đắc
lực cho sự nghiệp dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh. Trước
thực trạng đang nóng lòng và nhức nhối trong xã hội, cần tỉnh táo phân rõ đúng
sai, ra sức bảo vệ chân lý, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền và thành quả cách
mạng. Trước mắt đoàn kết trong Đoàn thật keo sơn, nòng cốt huy động mọi lực
lượng thanh niên vào Hội Liên hiệp thanh niên tham gia tích cực các phong trào
cách mạng quần chúng, làm giảm dần khoảng cách giàu nghèo trong cộng đồng nhất
là vùng ngoại thành, thực hiện chương trình "ba giảm", tiếp tục phát huy và sáng
tạo thêm các phong trào sẵn có, góp phần đổi mới và tiếp tục đổi mới trong suốt
quá trình xây dựng và phát triển thành phố ta. Tiếp tục góp tiếng nói, tham gia
cùng các đoàn thể khác giám sát và cùng góp hành động một cách hiệu quả chống
các tệ nạn đang cộm nổi như: quan liêu, cửa quyền, tham nhũng - cái đang làm
giảm sút lòng tin trong nhân dân. Cần tự trọng tự giác gạt ra ngoài mọi ý tưởng
sống thực dụng, thấp kém, đua đòi để góp sức một cách chủ động chống chủ nghĩa
cá nhân, bè nhóm. "Hãy để cho niềm tin tưởng vào sự nghiệp cao cả của giai cấp,
của dân tộc chiếm lĩnh toàn bộ tư tưởng chúng ta, tỏa ra tất cả ánh sáng và sức
nóng, thiêu cháy mọi ích kỷ nhỏ nhen tính quẩn lo quanh của chủ nghĩa cá nhân,
để càng sáng tạo ra những cái có ích cho giai cấp, cho dân tộc và nhân loại".
Một vị cách mạng lão thành đã răn dạy ta như thế. Trong sự nghiệp kể trên nhất
định thanh niên ta cần đi đầu, rất đủ yếu tố và điều kiện để đi đầu mà tôi nghĩ
có thể nôm na với thanh niên ta trong bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, phát huy
truyền thống cách mạng dân tộc và truyền thụ lý tưởng truyền thống ấy cho Đội
Thiếu niên tiền phong là:<br><br>"Vai mang truyền thống chủ trương<br>Đầu đội "lý tưởng" vững đường tương lai"<br>
<br>Chúc đại hội thành công tốt đẹp. Xin cám ơn.</font></p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2">
-----------------------------------------------------------------------</font></p>
<p align="center"><font color="#FF0000" face="Arial" size="2"><b>
<a name="dien van be mac"></a>DIỄN VĂN BẾ MẠC
<br>ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU LẦN THỨ VII
<br>ĐOÀN THANH NIÊN CỘNG SẢN HỒ CHÍ MINH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
<br>-------oOo-------<br>(do Đồng chí Nguyễn Thành Phong - Bí thư Thành Đoàn khóa VI
trình bày)</b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Kính thưa các đồng chí đại biểu, thưa toàn thể Đại hội !<br>
<br>
Sau ba ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm
cao và dân chủ, Đại hội đại biểu Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố
Hồ Chí Minh lần thứ 7 đã hoàn thành toàn bộ chương trình làm việc của Đại hội.<br>
<br>
Đại hội đã thảo luận và nhất trí thông qua Báo cáo của Ban chấp hành Thành Đoàn
khóa VI, biểu quyết thông qua mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và chương trình
hành động của Đoàn và phong trào thanh thiếu niên thành phố nhiệm kỳ 2001 –
2005.<br><br>
Đại hội cũng đã bầu ra Ban chấp hành Thành Đoàn khóa VII gồm 51 đồng chí có đủ
tiêu chuẩn, phẩm chất và năng lực, tiêu biểu cho gần 250.000 đoàn viên của thành
phố. Trong phiên họp lần thứ nhất, Ban chấp hành đã bầu Ban thường vụ Thành Đoàn
gồm 15 đồng chí. Đại hội mong muốn và tin tưởng mỗi đồng chí ủy viên Ban chấp
hành Thành Đoàn và tập thể Ban chấp hành Thành Đoàn khoá 7 hãy phát huy trí tuệ,
năng lực, đoàn kết, lãnh đạo thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ 7
Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh.
<br><br>
Với những kết quả trên, chúng ta có thể báo cáo với Đảng bộ, chính quyền thành
phố, với đoàn viên, thanh thiếu niên thành phố : Đại hội đại biểu Đoàn Thanh
niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 7 đã thành công tốt đẹp.
<br><br>
Thành công của Đại hội càng có ý nghĩa hơn khi đúng vào dịp nhân dân cả nước và
tuổi trẻ thành phố kính mừng sinh nhật lần thứ 111 ngày sinh của Bác Hồ kính
yêu. Trong giờ phút trọng thể và lịch sữ này, Đại hội chúng ta bồi hồi xúc động
tưởng nhớ đến Bác Hồ – vị lãnh tụ vĩ đại muôn vàn kính yêu của Đảng và của dân
tộc Việt Nam, người chiến sĩ cách mạng lỗi lạc, danh nhân văn hoá thế giới, suốt
cả cuộc đời của mình, Người luôn dành trọn tình thương yêu cho thế hệ trẻ. Khắc
ghi lời dạy của Bác Hồ kính yêu, tuổi trẻ thành phố nguyện sống, chiến đấu, lao
động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại.<br>
<br>
Kính thưa Đại hội,<br><br>
Đại hội đại biểu lần thứ 7 Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí
Minh diễn ra trong một thời điểm rất có ý nghĩa : Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ 9 Đảng cộng sản Việt Nam thành công tốt đẹp. Thời điểm mà tuổi trẻ đang ra
sức rèn luyện, học tập tốt, lao động tốt góp phần cùng nhân dân thành phố thực
hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần VII. Thời
điểm bước vào thế kỷ mới với nhiều thời cơ và thách thức mới. Thời điểm mà công
tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên thành phố phải luôn đổi mới, sáng tạo và
biết phát huy trí tuệ, tinh thần tình nguyện của đoàn viên thanh niên thành phố
nhằm triển khai thực hiện có kết quả Nghị quyết do Đại hội đề ra.
<br><br>
Đại hội chúng ta rất vinh dự được đón tiếp đồng chí Hoàng Bình Quân, uỷ viên Ban
chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Quyền Bí thư thứ nhất Ban chấp hành
Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, đồng chí Võ Văn Cương, Phó Bí
thư Thường trực Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh, đến tham dự và phát biểu chỉ đạo
Đại hội. Các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đoàn, lãnh đạo Thành ủy đã khẳng định
vai trò của tuổi trẻ thành phố trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ thành phố, góp
phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời,
các đồng chí cũng đã chỉ ra định hướng lớn và nhiệm vụ trọng yếu của công tác
Đoàn và phong trào thanh thiếu niên thành phố trong giai đoạn mới. Dưới sự lãnh
đạo của Đảng bộ thành phố, tuổi trẻ cùng với nhân dân thành phố quyết tâm giành
nhiều thắng lợi trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá thành phố và đất
nước.<br><br>
Thành công nổi bật của Đại hội là sự nhất trí, tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao
với mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu
niên thành phố nhiệm kỳ 2001 – 2005. Năm năm tới, công tác Đoàn và phong trào
thanh thiếu niên thành phố phải nhằm đến mục tiêu là giáo dục, bồi dưỡng lý
tưởng cộng sản, đạo đức cách mạng, góp phần hình thành một lớp thanh niên vừa
hồng vừa chuyên, kế thừa và phát huy xuất sắc truyền thống của Đảng bộ và nhân
dân thành phố; xây dựng Đoàn vững mạnh đảm bảo vai trò hạt nhân chính trị trong
mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên; đẩy mạnh các phong trào hành động cách
mạng động viên thanh niên tình nguyện xung kích trong xây dựng, phát triển, bảo
vệ thành phố và đất nước. Để thực hiện được mục tiêu đó, yêu cầu vừa cơ bản vừa
cấp bách đối với Đoàn thanh niên cộng sản thành phố Hồ Chí Minh là :<br>
<br>1.- Tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện nội dung công tác giáo dục của Đoàn, trong
đó chú trọng nâng cao giác ngộ lý tưởng cách mạng “Độc lập dân tộc và chủ nghĩa
xã hội”, giáo dục chính trị tư tưởng, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, giáo dục về truyền thống cách mạng, đạo đức lối sống, góp phần hoàn thiện
nhân cách cho thanh thiếu niên, hình thành một lớp thanh thiếu niên vừa hồng,
vừa chuyên, phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân
chủ, văn minh”.<br><br>2.- Thông qua 3 chương trình hành động : vì sự phát triển của thanh niên, xung
kích vì Tổ quốc, vì cộng đồng và vì đàn em. Đoàn sẽ chú trọng phát huy tinh thần
tình nguyện, đưa người đoàn viên trở thành nhân vật trung tâm trong mọi phong
trào hành động cách mạng của Đoàn. Bên cạnh đó, Đoàn sẽ thúc đẩy phong trào học
tập, lao động, sáng tạo trong thanh thiếu niên, khơi dậy trong thanh thiếu niên
thành phố tinh thần và thái độ học tập theo lời Bác Hồ dạy “Ở nơi nào cũng phải
học, làm việc gì cũng phải học … học để làm người, học để phụng sự Tổ quốc,
phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu nước mạnh”, góp phần nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực trẻ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.<br>
<br>3.- Tiếp tục quan điểm chỉ đạo chuyển trọng tâm hoạt động về cơ sở, đầu tư nhiều
giải pháp nhằm khơi dậy tính chủ động của chi đoàn, phát huy vai trò đội ngũ Bí
thư chi đoàn, xây dựng chi đoàn vững mạnh, chủ động trong mọi hoạt động của
Đoàn. Song song đó, phát triển đa dạng các hình thức tổ chức đoàn kết tập hợp
rộng rãi các tầng lớp thanh thiếu niên thông qua Hội liên hiệp thanh niên, Hội
sinh viên và các phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ. Tăng cường chăm lo
xây dựng Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh vững mạnh, để Đội thật sự là hạt
nhân nòng cốt trong phong trào thiếu nhi thành phố, là đội dự bị và bổ sung
thường xuyên lực lượng cho Đoàn.<br><br>4.- Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện chương trình đoàn viên, củng cố tổ
chức cơ sở Đoàn, đặc biệt là xây dựng chi đoàn vững mạnh về tư tưởng và tổ chức,
mỗi cán bộ Đoàn luôn luôn giữ vững phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực lãnh đạo
và sức chiến đấu của cán bộ đoàn viên.
<br><br>5.- Nâng cao trách nhiệm của thanh thiếu niên tham gia thực hiện các chương
trình phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Đặc biệt tham gia thực hiện tốt
4 dự án và 2 công trình thanh niên, đó là : <br>- Dự án Đoàn thanh niên cộng sản thành phố “tham gia thực hiện chương trình 3
giảm : giảm ma tuý, giảm mại dâm, giảm tội phạm.”<br>
<br>- Dự án Đoàn thanh niên cộng sản thành phố “tham gia hỗ trợ 18 phường xã nghèo”<br>
<br>- Dự án Đoàn thanh niên cộng sản thành phố “chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn
cảnh đặc biệt khó khăn”<br><br>- Dự án Đoàn thanh niên cộng sản thành phố “tham gia thực hiện trật tự văn minh
đô thị”<br><br>- Và 2 công trình thanh niên là Xây dựng khu vui chơi thiếu nhi thuộc Trung tâm
hoạt động dã ngoại thanh thiếu niên tại Cần Giờ và phổ cập trung học cơ sở cho
thanh niên thành phố, cùng với hệ thống các chỉ tiêu thiết thực nhằm chăm lo lợi
ích chính đáng cho thanh thiếu niên thành phố trong 5 năm tới. Đó chính là những
nội dung cần tập trung trong nhiệm kỳ VII đã được Đại hội nhất trí thông qua.<br>Kính thưa Đại hội,
<br><br>
Đại hội chúng ta chân thành cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Đảng và chính quyền
thành phố, các ban, ngành và các cấp uỷ cơ sở, các đồng chí lão thành cách mạng,
các Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, các Ba Má phong trào, các nhà khoa học, nhà lý
luận, quản lý, các cán bộ Thành Đoàn các thời kỳ cùng đông đảo đoàn viên thanh
thiếu niên thành phố đã đóng góp nhiều ý kiến quí báu xây dựng văn kiện Đại hội,
để văn kiện Đại hội trở thành sản phẩm trí tuệ, niềm tin tưởng của đoàn viên
thanh niên thành phố. Đại hội ghi nhận và đánh giá cao sự cống hiến của các đồng
chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban chấp hành Thành Đoàn khóa VI đã chuyển
công tác hoặc không tham gia tái ứng cử vào Ban chấp hành khóa VII, tạo điều
kiện trẻ hoá đội ngũ và thể hiện tinh thần trách nhiệm xây dựng một đội ngũ kế
thừa. Chúng ta bày tỏ sự cảm ơn vì những đóng góp và tình cảm của các đồng chí
trong suốt thời gian qua và tin tưởng rằng, mỗi đồng chí ở những cương vị công
tác mới, với sự quan tâm chân thành, trí tuệ và kinh nghiệm của các đồng chí sẽ
tiếp tục hỗ trợ và góp ý để công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên thành
phố không ngừng phát triển mạnh, xứng đáng với lịch sử truyền thống của Thành
Đoàn, với những danh hiệu cao quí mà Đảng và Nhà nước trao tặng cho Đoàn thanh
niên thành phố : Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Độc lập hạng
nhất.<br><br>
Đại hội chúng ta chân thành cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh,
truyền hình thành phố và trung ương đã đến dự và đưa tin về Đại hội. Đại hội
chúng ta biểu dương và chân thành cảm ơn các tiểu ban phục vụ Đại hội, cảm ơn
các đồng chí cán bộ cơ quan chuyên trách Thành Đoàn, cán bộ công nhân viên Nhà
Văn hóa Thanh niên, Hội trường thành phố Hồ Chí Minh đã làm việc hết lòng và tận
tụy phục vụ Đại hội, góp phần tích cực vào thành công Đại hội. Chúng ta cũng
trân trọng cảm ơn các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp trẻ đã nhiệt tình ủng hộ cơ
sở vật chất góp phần tạo điều kiện tốt nhất để đại biểu làm việc đạt hiệu quả
cao.<br><br>
Kính thưa Đại hội,<br><br>
"Tiếp bước truyền thống, khơi sức sáng tạo, phát huy tinh thần tình nguyện, đoàn
viên thanh niên thành phố xung kích thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển, bảo
vệ thành phố và đất nước, xứng đáng đội dự bị tin cậy của Đảng". Đại hội kêu gọi
mỗi đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh dù ở cương
vị công tác nào, hãy ra sức rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, trí tuệ và
năng lực lãnh đạo, xung kích trong mọi hoạt động của Đoàn, tăng cường tinh thần
đoàn kết, phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo trong thời kỳ mới,
ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đoàn thành phố lần thứ
VII với khẩu hiệu hành động :” Thanh niên thành phố rèn luyện nhân cách, trau
dồi lý tưởng, nâng cao kiến thức, xung kích trong sự nghiệp công nghiệp hóa,
hiện đại hóa”<br><br>
Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh lần
thứ 7 là Đại hội của trí tuệ, dân chủ, đoàn kết, đổi mới, thể hiện ý chí của hơn
2 triệu thanh thiếu niên thành phố, là niềm kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và
nhân dân thành phố. Được đại hội giao trọng trách, Ban chấp hành Thành Đoàn khóa
VII nguyện đem hết sức mình, đoàn kết, gương mẫu trong hoạt động, phát huy
truyền thống, phấn đấu vượt qua mọi thử thách, ra sức cống hiến, sáng tạo để góp
phần giành thắng lợi mới trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu niên
thành phố trong thời gian tới.<br><br>
Với niềm phấn khởi và tin tưởng vào thắng lợi, tôi long trọng tuyên bố bế mạc
Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hồ Chí Minh lần
thứ 7.<br><br>
Kính chúc các đồng chí mạnh khoẻ và hạnh phúc.<br> </font></p>
<p align="center"><font face="Arial" size="2"><br><font color="#FF0000"><b>
<a name="danh sach"></a>DANH SÁCH
<br>BAN CHẤP HÀNH THÀNH ĐOÀN KHÓA VII<br>-------oOo-------</b></font></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>1. Nguyễn Thành Phong</b> Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội LHTN TP<br>
<b>2. Phạm Đức Hải </b>Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn<br>
<b>3. Võ Văn Thưởng </b>Phó Bí thư Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên TP, Trưởng ban
Mặt trận<br><b>4. Võ Ngọc Quốc Thuận</b> Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức<br>
<b>5. Trần Trọng Tuấn</b> Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa<br>
<b>6. Nguyễn Hữu Hiệp</b> Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Kiểm tra<br>
<b>7. Tạ Vạng Đức</b> Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban CNLĐ<br>
<b>8. Nguyễn Hồng Hà</b> Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Thiếu nhi Trường học, Chủ tịch
Hội đồng Đội<br><b>9. Nguyễn Phước Lộc</b> Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban ANQP-ĐBDC<br>
<b>10. Tất Thành Cang</b> Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban ĐHCN<br>
<b>11. Dương Thành Truyền</b> Ủy viên Thường vụ, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ<br>
<b>12. Nguyễn Tương Minh</b> Ủy viên Thường vụ, Bí thư Đoàn khối Bộ Công nghiệp<br>
<b>13. Nguyễn Minh Nhựt</b> Ủy viên Thường vụ, Bí thư Đoàn trường Đại học KHTN<br>1<b>4. Nguyễn Thị Thu</b> Ủy viên Thường vụ, Bí thư Quận đoàn 5<br>
<b>15. Văn Thị Bạch Tuyết</b> Ủy viên Thường vụ, Bí thư Huyện đoàn Hóc Môn<br>
<b>16. Nguyễn Ngọc Hạnh </b>Ủy viên BCH, Trưởng ban Quốc tế<br>
<b>17. Nguyễn Như Anh</b> Ủy viên BCH, Phó ban Tư tưởng Văn hóa<br>
<b>18. Dương Vân Nhung </b>Ủy viên BCH, Phó Văn phòng Thành đoàn<br>
<b>19. Bùi Thanh Liêm</b> Ủy viên BCH, Phó ban ANQP-ĐBDC<br><b>20. Vũ Anh Tuấn</b> Ủy viên BCH, Phó ban Thiếu nhi - Trường học<br>
<b>21. Tăng Hữu Phong</b> Ủy viên BCH, Phó ban Đại học Chuyên nghiệp<br>
<b>22. Huỳnh Siêng</b> Ủy viên BCH, Phó ban Đại học Chuyên nghiệp<br>
<b>23. Trần Ngọc Nga</b> Ủy viên BCH, Phó ban Công nhân Lao động<br>
<b>24. Vũ Thị Hương Giang</b> Ủy viên BCH, cán bộ Ban Tổ chức<br>
<b>25. Trần Hoàng Danh</b> Ủy viên BCH, Hiệu trưởng Trường Đoàn Lý Tự Trọng<br>
<b>26. Phạm Ngọc Tuyền</b> Ủy viên BCH, Phó Giám đốc Nhà Thiếu nhi thành phố<br>
<b>27. Vũ Thị Tường Vy</b> Ủy viên BCH, Phó Bí thư - Chủ tịch HĐĐ quận 3<br>
<b>28. Ma Xuân Việt</b> Ủy viên BCH, Bí thư Quận đoàn 4<br>
<b>29. Ngô Thanh Sơn</b> Ủy viên BCH, Bí thư Quận đoàn 6<br>
<b>30. Nguyễn Chiến Chinh</b> Ủy viên BCH, Bí thư Quận đoàn 9<br>
<b>31. Nguyễn Thị Thắm</b> Ủy viên BCH, Bí thư Quận đoàn 10<br>
<b>32. Nguyễn Thị Mỹ Duyên</b> Ủy viên BCH, Bí thư Quận đoàn Phú Nhuận
<br><b>33. Nguyễn Văn Dũng</b> Ủy viên BCH, Bí thư Quận đoàn Tân Bình<br>
<b>34. Nguyễn Văn Chí Ủy</b> viên BCH, Bí thư Huyện đoàn Bình Chánh<br>
<b>35. Bùi Hòa An</b> Ủy viên BCH, Bí thư Huyện đoàn Nhà Bè<br>
<b>36. Nguyễn Hồ Thiện Nhân </b>Ủy viên BCH, Bí thư Đoàn Sở Công nghiệp<br>
<b>37. Trần Anh Thái Lan</b> Ủy viên BCH, Bí thư Đoàn Tổng Công ty NN Saigon<br>
<b>38. Lê Hải Hòa </b>Ủy viên BCH, Bí thư Đoàn Khối Bưu điện TP<br>
<b>39. Lư Quang Thứ </b>Ủy viên BCH, Bí thư Đoàn Tổng Công ty CTGT 6<br>
<b>40. Ngô Anh Tuấn </b>Ủy viên BCH, Bí thư Đoàn Khu chế xuất - KCN<br>
<b>41. Nguyễn Văn Hồng </b>Ủy viên BCH, Bí thư Đoàn Sở Văn hóa Thông tin<br>
<b>42. Nguyễn Thị Yến Nam </b>Ủy viên BCH, Bí thư Đoàn trường Đại học Sư phạm<br>
<b>43. Nguyễn Thiện Duy</b> Ủy viên BCH, Bí thư Đoàn trường Đại học Kinh tế<br>
<b>44. Bạch Thanh Sơn</b> Ủy viên BCH, Bí thư Đoàn trường DL Văn Lang<br>
<b>45. Nhâm Chí Bửu</b> Ủy viên BCH, Phó Bí thư Đoàn trường THKT Cao Thắng<br>
<b>46. Trần Mạnh Linh </b>Ủy viên BCH, Bí thư Đoàn trường Trung học Hàng hải<br>
<b>47. Trần Thanh Hậu</b> Ủy viên BCH, Bí thư Đoàn Sở Giáo dục - Đào tạo<br>
<b>48. Nguyễn Thị Minh</b> Châu Ủy viên BCH, UV.BCH Đoàn trường PTTH Bùi Thị Xuân<br>
<b>49. Mai Liên Phương</b> Ủy viên BCH, Phó Bí thư Đoàn trường PTTH Nguyễn Thị Minh
Khai<br><b>50. Phạm Văn Cư</b> Ủy viên BCH, Trưởng ban công tác TN Công an TP<br>
<b>51. Phạm Văn Đẳng </b>Ủy viên BCH, Trợ lý TN Bộ chỉ huy Quân sự TP<br>
<br><br><br><br> </font></p>
</body>
</html>