<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div>
<meta content="text/html; charset=utf-8" http-equiv="Content-Type">
<title></title>
<div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Chạy theo...hitek</span></span></strong></span><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Nhiều bạn thích dùng laptop, điện thoại, máy tính bảng xịn, trong khi chẳng bao giờ sử dụng hết chức năng của nó? <br />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><img width="381" height="336" src="Chay%20theo%20hiteck(1).jpg" alt="" /><br />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Nếu đang sở hữu một chiếc điện thoại đẹp, đắt tiền, đa chức năng, mà bạn vẫn tặc lưỡi tiếc nuối khi một chiếc điện thoại khác vừa ra mắt, thì có lẽ bạn đã “mắc bệnh”…chạy theo công nghệ - trào lưu của những người trẻ hiện đại <br />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><strong><br />
Có mới nới cũ </strong><br />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Mới mua một chiếc điện thoại bàn phím qwerty chưa đầy một năm, B.P (lớp 12 trường VTT) đã bán ngay và xin ba mẹ thêm tiền để mua…iPhone4. Lý giải cho điều này, B.P nói: “Đó là chiếc điện thoại nhiều người mơ ước mà. Hơn nữa lại có nhiều tiện ích, ứng dụng cực hay, chứ điện thoại mình thì…chán lắm”. Khi được hỏi rằng đã biết hết mọi chức năng của điện thoại cũ chưa, B.P tỉnh bơ: “Mình chỉ dùng điện thoại để chụp ảnh, nhắn tin, gọi điện, lướt web và chat thôi”. “Thế thì tại sao lại phải mua iPhone4?” – “Vì kiểu dáng đẹp và nó là chiếc điện thoại được nhiều người săn lùng nhất, ít mắc lỗi kĩ thuật nhất”, B.P tự tin nói <br />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
T.A (sinh viên năm 1 ĐH RMIT) dùng chiếc điện thoại đời mới nhất của hãng S sau khi đã đổi 8 chiếc điện thoại trong gần 3 tháng. Mỗi lần bán đi rồi mua lại, tất nhiên T.A phải chịu một phần lỗ, nhưng anh chàng chấp nhận. “Với mình, dùng đồ hi-tech cũng giống như mua quần áo, nếu cảm thấy nó lỗi thời rồi thì lại mua cái khác mới hơn. Những lúc được cầm trên tay một chiếc điện thoại với những tính năng mới nhất, hay nhất, mình cảm thấy rất dễ chịu. Và khi chiếc điện thoại đời mới khác ra đời, mình lại chán cái mình đang dùng và tiếp tục đi mua cái điện thoại mới nhất để xem nó tiện ích như thế nào” – T.A cho biết <br />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
T.V (lớp 12 trường MC) đã có laptop và máy vi tính để bàn nhưng vẫn nằng nặc đòi ba mẹ mua cho iPad. Lý do cô nàng đưa ra là: “Laptop bây giờ đã…xưa lắm rồi. Bây giờ phải dùng cái gì càng nhỏ gọn tiện ích càng tốt. Giữa việc ngồi trước màn hình laptop và vừa nằm vừa lướt web bằng iPad thì cái thứ 2 thích hơn chứ!”. Được gia đình đáp ứng điều kiện, nhưng sử dụng iPad được vài ngày thì cô nàng lại…chán, vì: “Mình chỉ lướt web và chơi game chứ có làm gì nữa đâu, mà chơi game thì chơi trên máy vi tính thích hơn” <br />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><strong><br />
Vẫn “đua” dù không đủ “lực” </strong><br />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đối với những bạn có điều kiện kinh tế khá giả, việc “đua theo công nghệ” không ảnh hưởng nhiều đến họ. Nhưng với số đông còn lại, dù họ không giàu, nhưng cũng nhất định phải sở hữu một em hi-tech đời mới, chất lượng, để “trải nghiệm công nghệ” và cũng để chứng tỏ khả năng “am hiểu” của mình <br />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
N.T (sinh viên năm 2 ĐH BK) sau một thời gian tích cóp, anh chàng đã mua một chiếc iPod cho mình với giá xấp xỉ bằng một chiếc điện thoại di động hàng trung cấp. N.T giải thích: “Những máy nghe nhạc bình thường nghe không đã tai, chất lượng âm thanh không bằng. Dù sao dùng hàng hiệu vẫn cảm thấy thích hơn, có cảm giác như bản thân sở hữu một cái gì đó có giá trị” <br />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
V.D (sinh viên năm 2 ĐH CNTT) luôn trong tình trạng “thiếu trước hụt sau” dù mỗi tháng được gia đình chu cấp 3 triệu, kèm theo gần 2 triệu tiền làm thêm. Hỏi ra mới biết, tháng nào anh chàng cũng đầu tư tiền để “nâng cấp” dàn máy vi tính của mình. Khi thì thanh RAM, card màn hình, lúc là loa ngoài, chuột xịn, miếng chắn màn hình tốt… Bất kì sinh viên IT nào cũng phải ganh tị với V.D vì dàn máy quá tuyệt vời của anh chàng, nhưng không ai biết được rằng, để có tiền đầu tư trọn vẹn như thế, V.D đã phải cắt giảm chi tiêu đến tối thiểu, thậm chí đã bỏ bớt một số môn học chỉ vì…để dành tiền mua đồ công nghệ. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
H.K (sinh viên năm 1 ĐH NT) thì lại dốc hết số tiền ba mẹ cho để mua một chiếc máy ảnh gần 15 triệu. H.K nói, nhiếp ảnh là đam mê số 1 của anh chàng. Nhưng ba mẹ H.K thì không hiểu điều đó. Họ đã rất giận khi H.K không dùng tiền để mua xe máy theo yêu cầu, mà lại tự ý mua theo sở thích cá nhân. “Ba mẹ mình nói sắm máy ảnh cần 1, 2 triệu là được rồi, nhưng dù sao thì một chiếc máy ảnh chuyên dụng vẫn hơn. Từ nay mình sẽ ráng tiết kiệm tiền để mua xe máy sau, nhưng có vẻ…còn lâu lắm” – H.K giãi bày </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
<strong>Lợi thì có lợi, nhưng… </strong></span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đối với những ai đam mê công nghệ thật sự, việc “chạy đua” theo công nghệ dù sao cũng là một sở thích lành mạnh, vì họ nắm bắt sự hiện đại rất kịp thời và luôn dẫn đầu phong trào, luôn tự mày mò tìm hiểu các sản phẩm công nghệ cao. Điều này có lợi cho họ rất nhiều nếu biết áp dụng vào học tập, đời sống và các mục đích giải trí khác. Nhưng nếu phụ thuộc quá nhiều vào nó, chẳng những lãng phí tiền bạc, thời gian, công sức, mà còn bỏ quên đi những sở thích khác bổ ích hơn, lành mạnh hơn. Đam mê cũng cần có một khả năng tài chính nhất định, hãy cố gắng tận dụng hết mọi tiện ích công nghệ trước khi nghĩ đến việc “thử sức” với món hi-tech khác. Hãy là một tín đồ hitek thông minh, bạn nhé! </span></span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
<strong>Demi Twinkle<br />
Theo MTO<br />
</strong><br />
<br />
</span></span></div>
</meta>
</div> </html>