<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=utf-8">
<title></title>
<div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Côn Đảo và bước chân xanh</span></span></strong></span><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Cùng các bạn thí sinh đạt giải trong hội thi “Biển đảo quê hương”, tôi đến Côn Đảo trong sự háo hức của một người trẻ lần đầu tiên đặt chân đến miền hải đảo của tổ quốc, cũng là chuyến đi về nguồn ý nghĩa và đầy dấu ấn. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><strong><span style="font-family: Arial;">Chuyến xe lịch sử</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Hai chữ “Côn Đảo” xuất hiện trong từ điển địa lý của tôi lần đầu tiên qua câu chuyện ba tôi kể về bà nội và những năm tháng tù đày nơi đây. Lớn lên, nhờ sách báo, tôi hiểu hơn vì sao nhắc đến Côn Đảo, người ta nghĩ ngay đến những nhà tù dưới thời kháng chiến chống Pháp – Mỹ. Và những gì hôm nay nhìn thấy, nghe thấy một lần nữa đưa chúng tôi trở về với những năm tháng đau thương mà anh hùng của người tù Côn Đảo – những con người dũng cảm can trường không chịu khuất phục trước đòn tra tấn dã man của kẻ thù qua 53 đời chúa đảo từ năm 1862 đến 1975. Những hàng rào thép gai chằng chịt, những phòng gian chật chội ẩm thấp, những chuồng cọp, chuồng bò ghê rợn… ấy đã một thời không ngăn được trái tim yêu nước và quyết tâm đấu tranh vì tự do của người tù. Tham quan hệ thống di tích lịch sử ở Côn Đảo là dịp để những người trẻ chưa một lần sống qua chiến tranh như tôi hiểu hơn về quá khứ của dân tộc và suy ngẫm về trách nhiệm của thanh niên ngày nay.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Trong cái thời khắc giao nhau giữa ngày và đêm, chúng tôi có dịp đến viếng nghĩa trang Hàng Dương – nơi chôn cất 1919 trong số hơn 20.000 liệt sĩ đã hy sinh ở Côn Đảo. Giữa cái tĩnh lặng của không gian và thiêng liêng của thời gian, trong làn khói nghĩa trang hòa với gió đêm, chúng tôi dành phút mặc niệm cho những người đã nằm lại nơi đây. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><img height="336" width="448" alt="" src="DSC07924%20-%20Copy.JPG" /></span></span></div>
<div style="text-align: center;"><em><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Nguyễn Thị Mỹ Hà - thí sinh đạt giải nhất chung cuộc hội thi trực tuyến Biển đảo quê hương (thứ ba từ phải sang) trong chuyến hành trình về Côn Đảo</span></span></em></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đoàn chúng tôi cũng có dịp dâng hương tại phần mộ cô Võ Thị Sáu – nữ tù bị xử bắn đầu tiên tại Côn Đảo – cũng là một trong hai người được xem như Thánh nữ hộ mạng cho hòn đảo cùng với bà Hoàng Phi Yến vợ chúa Nguyễn Ánh. Khi tôi còn là cô học sinh tiểu học thi kể chuyện về anh hùng chi đội mình mang tên, tôi đã chọn kể câu chuyện về nữ anh hùng “hoa lêkima” với tất cả sự yêu mến và cảm phục, để rồi hôm nay xúc động khi được tự tay thắp nén hương cho cô. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><strong><span style="font-family: Arial;">Rừng và Biển</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Nếu ngày thứ nhất là chuyến xe trở về với lịch sử thì ngày thứ hai là lúc chúng tôi khám phá thiên nhiên Côn Đảo khi trải nghiệm chuyến đi xuyên vườn quốc gia Sở Rẫy đến bãi Ông Đụng – một trong những bãi biển san hô của Côn Đảo. Anh Lê Bá Lộc, một cán bộ kiểm lâm dẫn đoàn đi, đã giới thiệu cho chúng tôi về những loài thực vật sinh sống trong rừng và những nét đặc sắc của rừng nguyên sinh này. Nếu như vừa đặt chân xuống Côn Đảo, tôi đã bị hấp dẫn bởi cái vẻ hoang sơ nhưng giàu sức sống của nơi đây thì chuyến đi xuyên rừng này là dịp để khám phá kĩ hơn những vẻ đẹp đó. Khu rừng xanh quanh năm này là ngôi nhà chung của nhiều loài cây đặc biệt là những cây cổ thụ và cây dây leo. Một điều thú vị nữa là trên đường đi, chúng tôi có dịp thư giãn khi làm quen với những chú khỉ đuôi dài đáng yêu tinh nghịch – là một trong ba loài động vật đặc trưng của Sở Rẫy cùng với Thạch sùng và sóc. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Ra khỏi rừng, bãi biển ông Đụng hiện ra trước mắt với bờ cát phẳng lì và những làn sóng bọt trắng xóa vỗ về ghềnh đá. Xa kia những hòn đảo to nhỏ khác nhau vẽ lên nền trời tựa như những vị khách đang tham dự một cuộc họp bàn giữa biển khơi. Tham quan bãi biển kì thú này, chúng tôi còn được quan sát một số loài sinh vật biển như tảo biển, hải sâm, trai, ốc,… đặc biệt là ngắm các loài san hô, tìm hiểu đặc điểm sinh học cũng như biết thêm về câu chuyện bảo vệ san hô, rùa biển.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><strong><span style="font-family: Arial;">Tiếp lửa – Gieo tình</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Cảnh Côn Đảo hoang sơ, người Côn Đảo chan hòa. Cuộc gặp gỡ giữa các thành viên đoàn chúng tôi với hai cựu cán bộ Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh đang sinh sống và làm việc tại Côn Đảo có lẽ là một buổi tối ấm áp và rộn ràng. Chú Lê Minh Chương mà chúng tôi gọi thân mật là chú Sáu cũng là cựu tù Côn Đảo. Những câu chuyện về năm tháng tù đày trên Côn Đảo được được chú kể đan xen với về những phong trào thanh niên thời đó và cả những đổi thay của Côn Đảo hôm nay. Khi tôi chia sẻ rằng bà nội tôi cũng từng bị đày ra Côn Đảo, chú đã kể cho chúng tôi về những nữ tù Côn Đảo bằng cái lối hóm hỉnh của người lính mà ẩn dưới là những chân tình: “Các bà ấy dữ lắm, gan lắm, tuyệt vời lắm cháu à!”. Tôi cảm nhận ở chú không chỉ cái chất cứng cỏi anh người lính năm xưa mà còn là cái dí dỏm của một con người lạc quan và yêu mến tuổi trẻ. Chú Bùi Lương Rân trò chuyện nhiều với chúng tôi về vùng đất mà chú đã chọn sống và một số điều thú vị ở những nơi chú đi qua. Tôi thích nhất hình ảnh “chim bay dưới nước, cá lội trong mây” khi chú dùng để nói về vẻ đẹp của Côn Đảo. Có lẽ với những người sống nhiều, yêu nhiều vùng đất nơi đây như các chú, Côn Đảo đã là những lớp sóng nối đuôi không bao giờ dứt, gửi yêu thương vào những miền sâu thẳm.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span><strong><span style="font-family: Arial;">Côn Đảo xanh</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Với riêng tôi, Côn Đảo xanh bởi nhiều lẽ. Đó là:</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Màu xanh bạt ngàn trù phú của rừng và màu xanh hiền hòa của biển khoác lên Côn Đảo vẻ đẹp của một nơi đất trời giao hòa, gặp gỡ trong sự sống sinh sôi cả trên bầu trời, dưới mặt đất và trong lòng biển.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Màu xanh của thời gian trên những nấm mộ của người nằm xuống kể câu chuyện của ngày hôm qua để chúng tôi thêm tự hào và khâm phục những người con kiên trung của tổ quốc và tự nhủ mình thật cố gắng để xứng đáng với những gì chúng tôi nhận được hôm nay. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Xanh chiếc áo anh bộ đội biên phòng, anh cán bộ kiểm lâm, anh công nhân, cô hướng dẫn viên du lịch, anh lái xe… với niềm vui giản dị của công việc mình đang làm, tình yêu, sự hiểu biết về vùng đất mình đang sinh sống, công tác cùng với lòng nhiệt tình, sự hiếu khách đáng mến.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Màu xanh của cuộc sống mới đang ngày ngày đổi thay trên hòn đảo: những công trình đang được xây dựng, những con đường còn mới màu vạch sơn, những khu dân cư mọc lên và cả những khu resort hiện đại hiền hòa giữa thiên nhiên, những chuyến tàu, chuyến bay chở khách đưa du khách gần hơn với Côn Đảo…</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Và bước chân xanh của người trẻ để thêm yêu mến, tự hào và trách nhiệm với quê hương…</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Tạm biệt Côn Đảo, tạm biệt những miền xanh với bao yêu thương cho ngày trở lại! </span></span></div>
<div style="text-align: right;"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
NGUYỄN THỊ MỸ HÀ</span></span></strong></div>
<div style="text-align: right;"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
ĐH Ngoại Ngữ - Huế<br />
</span></span></strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
<br />
</span></span></div>
</meta>
</div> </html>