<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=utf-8">
<title></title>
<div>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=utf-8">
<title></title>
<div>
<meta content="text/html; charset=utf-8" http-equiv="Content-Type">
<title></title>
<div>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=utf-8">
<title></title>
<div style="text-align: center; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "><strong><span style="color: rgb(0, 0, 255); "> Học tập và làm theo tác phong của Bác Hồ</span></strong></span></span></div>
<div style="text-align: center; "> </div>
<div style="text-align: center; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "> </span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14 tháng 5 năm 2011 của Bộ Chính trị, Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã đề ra Kế hoạch 13-KH/TU tiếp tục tổ chức học tập và làm theo tư tưởng tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Như vậy so với Cuộc vận động chúng ta vừa thực hiện từ 3-2-2007 đến Đại hội XI (2011), thì lần này có nhấn mạnh thêm nội dung học tập phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực ra đã từ lâu chúng ta vẫn thường nói đến học tập tư tưởng, đạo đức và tác phong của Bác Hồ. Văn kiện Đại hội V Đảng Cộng sản Việt Nam (1982) đã ghi “Đảng phải đặc biệt coi trọng việc học tập một cách có hệ thống tư tưởng, đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Nhưng lâu nay, trong thực tế phần tác phong chưa được coi trọng đúng mức.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div style="text-align: center; "><img width="500" height="352" alt="" src="22.jpg" /></div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "> </span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Tư tưởng, đạo đức, tác phong là một chỉnh thể, tạo nên nhân cách mẫu mực Hồ Chí Minh, là ba mặt có liên quan chặt chẽ với nhau. Tư tưởng chi phối đạo đức, tác phong; đạo đức, tác phong là hiện thực hóa, cụ thể hóa tư tưởng. Bác Hồ đều chú trọng thể hiện sinh động 3 mặt đó và luôn giáo dục cán bộ 3 nội dung đó. Về tác phong, Bác thường chú ý các mặt: công tác, lãnh đạo và sinh hoạt hàng ngày trong ba mối quan hệ cơ bản: đối với công việc, đối với người khác và đối với bản thân mình. Tác phong cũng y như tư tưởng, đạo đức không phải chỉ qua lời nói mà quan trọng là hành động, “nói đi đôi với làm”, “làm nhiều hơn nói”, “nói những điều đã làm, sẽ làm và làm được”; không nói suông, nói dối lòng mình. Chính vì hiện nay tình trạng “nói một đàng làm một nẻo”, nói không thật lòng nên tính thuyết phục không cao, dần dần tạo nên mất lòng tin rồi “chủ nghĩa mackeno” xuất hiện, ai nói người ấy nghe, thật là nguy hiểm. Do vậy mà cần đầy mạnh việc học tập tác phong Bác Hồ cùng với tư tưởng và đạo đức của Bác. Tác phong của Bác Hồ mang tính mẫu mực, hoàn chỉnh, bao gồm nhiều nội dung phong phú, trong đó cần đặc biệt học tập về:</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "> </span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">- <strong>Tác phong quần chúng</strong>: đó là tác phong sâu sát, tin yêu, tôn trọng quần chúng bởi Đảng là từ quần chúng mà ra như Bác nói “từ nơi quần chúng ra, trở lại quần chúng”, vừa lãnh đạo vừa giáo dục lại vừa thường xuyên học hỏi quần chúng. Lắng nghe ý kiến quần chúng nhưng không theo đuôi, mị dân. Bác thường xuyên phê phán tệ quan liêu, xa rời quần chúng, lên mặt “quan cách mạng”, thường xuyên dạy “cán bộ là người đầy tớ, người học trò của nhân dân”. Mệnh lệnh, cửa quyền, cưỡng bức quần chúng, không lắng nghe dân mà chỉ nghe quan trên, bỏ mặc không xem xét khiếu nại của dân là hoàn toàn xa lạ với phong cách Bác Hồ. Bác thường dạy “có yêu dân thì dân mới yêu ta, kính ta”; làm cho dân kính, dân yêu, dân phục thì mới được dân tin. Lòng người bao giờ cũng quan trọng nhất. Uy quyền chỉ có thể làm cho người ta sợ, chứ không thể được người ta tin yêu, kính phục. Nhân dân chỉ tin yêu, kính phục cán bộ, đảng viên khi thấy ở người cán bộ, đảng viên có tấm lòng trọn vẹn với dân, với nước. Mấy năm rồi, chúng ta đã học tập tư tưởng đạo đức của Bác Hồ, thấy tấm lòng của Bác đối với nước, với dân mênh mông vô bờ bến, “ôm cả non sông, mọi kiếp người”.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "> </span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Tác phong quần chúng của Bác còn thể hiện ở sự giản dị, không nghi thức thừa thải; màu mè, hình thức. Bác đến với mọi người dân như đến với những người thân thích, ruột thịt, tạo nên không khí ấm cúng, tin tưởng, khích lệ tấm lòng thành của mọi người…</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "> </span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">-<strong> Tác phong dân chủ, tập thể</strong>. Xuất phát từ nguyên tắc cơ bản về xây dựng Đảng là tập trung dân chủ, Bác luôn giáo dục cán bộ, đảng viên phải làm theo tác phong tập thể, dân chủ trong mọi công tác, mọi cương vị. Tôn trọng tập thể, phát huy sức mạnh của tập thể phải luôn thường trực trong tư duy và hành động của cán bộ, đảng viên, của mọi người. Bác Hồ dạy: “Đem so với công việc của cả loài người trong thế giới, thì những người đại anh hùng xưa nay cũng chẳng qua làm tròn một bộ phận mà thôi”. Người lãnh đạo phải biết tổng hợp và phát huy được những tư duy, ý kiến thông minh, sâu sắc của mọi người, của tập thể.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "> </span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Muốn thực hiện được tác phong tập thể phải có tác phong dân chủ, thường xuyên mở rộng dân chủ nội bộ, trước hết là dân chủ trong đảng; dân chủ với quần chúng. Có như thế mọi người mới tự do sáng tạo, mới hăng hái, hoạt bát, phấn khởi cống hiến. Tình trạng hiện nay, nguyên tắc phê bình và tự phê bình kém phát huy tác dụng cũng vì chưa thật sự dân chủ. Người có ý kiến không dám nói, người muốn phê bình không dám phê bình, trong lúc đó thì những kẻ cơ hội hoặc có đầu óc không bình thường lại hay nói, ton hót… nên cấp trên với cấp dưới “xa” nhau, không hiểu nhau, quần chúng xa Đảng; trong công việc ít sáng kiến, không hăng hái; tâm trạng chán nản, bực tức, bất mãn xảy ra.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "> </span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Tác phong dân chủ, tập thể có tác dụng chống lại chủ nghĩa cá nhân, một thứ tệ nạn mà Bác thường xuyên giáo dục mọi người phải chống, phải “quét sạch”.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "> </span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">- <strong>Tác phong khoa học</strong>, vừa thể hiện trí tuệ vừa tôn trọng mọi người vừa đạt được hiệu quả cao trong công việc. Nó trái với những thói quen do xã hội tiểu nông gây nên từ xưa như tùy tiện, gặp chăng hay chớ, thiếu kế hoạch, thiếu điều tra nghiên cứu, thiếu trật tự, luộm thuộm, lề mề, không coi trọng thời gian, không cụ thể, không coi trọng tập thể, điều hành theo ý cá nhân…. Do vậy tác phong khoa học đòi hỏi mọi người, trước hết là người lãnh đạo khi làm việc phải có kế hoạch rõ ràng, có chương trình, có giờ giấc, giờ nào việc đó, làm việc đúng giờ giải quyết công việc một cách cương quyết, khẩn trương, làm đến nơi đến chốn…. Tác phong khoa học đỏi hỏi phải có sự am hiểu sâu sắc, có đầu óc khái quát nhưng lại cụ thể. Muốn vậy phải “chân đi, mắt thấy, tai nghe, miệng nói, tay làm, óc nghĩ…”, không chung chung, cà kê dê ngỗng. Tác phong khoa học còn được thể hiện trong cách nói, cách viết, vừa khúc triết, ngắn gọn rõ ràng, vừa cụ thể vừa súc tích, phải phù hợp với từng đối tượng để đạt được mục đích, yêu cầu. Cho nên Bác Hồ thường dạy: nói, viết cho ai nghe, ai đọc; nói, viết để làm gì? Nói, viết như thế nào? Nói, viết làm sao phải cho quần chúng hiểu được, nhớ được, làm được. Bác nhắc nhở cán bộ lãnh đạo: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”. Phải tránh tình trạng cầu kỳ, hình thức, dùng nhiều danh từ cho kêu, cho oai mà lại rỗng tuyếch. Phải làm sao cho “mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”. Muốn vậy, theo Bác “Phải học cách nói của quần chúng”, vừa đơn giản, thật lòng vừa đầy đủ, đa dạng. Như chúng ta đã biết, lời nói, những bài viết của Bác luôn ngắn, vừa gần gũi, xúc động, vừa sâu sắc, thấm sâu vào lòng người, khơi gợi tính thánh thiện và kêu gọi mọi người hành động.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "> </span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">-<strong> Tác phong sinh hoạt giản dị, lành mạnh trong sạch</strong>. Tác phong là biểu hiện sinh động, cụ thể hóa tư tưởng, đạo đức. Những tư tưởng, đạo đức cách mạng cao đẹp của Bác được thể hiện thành những thói quen trong cuộc sống của Người. Nói đến Bác, ai cũng hình dung được đó là một con người có cuộc sống giản dị, lành mạnh, trong sạch và chính điều đó đã nâng tầm vĩ đại của Người “Mong manh áo vải hồn muôn tượng”. Khi đã trở thành Chủ tịch nước, Bác vẫn phảng phất dáng dấp Già Thu hồi mới trở về Pắc Pó; khi sống trong Phủ Chủ tịch giữa thủ đô Hà Nội, Bác vẫn gần gũi mọi người như Ông Ké hồi ở chiến khu Việt Bắc. Dù bộn bề trăm công nghìn việc, Bác vẫn thường xuyên đến với các anh bộ đội, anh chị em công nhân, bà con nông dân, các cụ phụ lão, các cháu thiếu niên nhi đồng, sinh viên cho đến các cháu mẫu giáo, mọi miền đất nước, từ miền núi đến đồng bằng, từ biên cương đến hải đảo, đâu dâu cũng in dâu chân của Người. Bác đến đâu cũng như người nhà, người trong cuộc, gần gũi, thân thích, khác với những hình ảnh mà hiện nay ta vẫn nhìn thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng, tham gia khởi công, động thổ hay trồng cây đều mang găng tay, nhìn thấy hơi xa lạ, gây cảm nhận không được thật lắm…, nghĩa là chưa đúng như tác phong Bác Hồ.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "> </span></span></div>
<div style="text-align: justify; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; ">Cũng như tư tưởng, đạo đức, tác phong của Bác Hồ là kết quả của sự chắt lọc tất cả những gì tốt đẹp nhất của truyền thống Việt Nam, của trí tuệ hiện đại của nhân loại, góp phần tạo nên tầm vóc vĩ đại, nhân cách cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong quá trình thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị hiện nay, nếu chúng ta tìm hiểu, học tập và xây dựng được một tác phong, phong cách theo như Bác Hồ trong đông đảo cán bộ, đảng viên, chắc chắn sẽ góp phần thực hiện thắng lợi những vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay mà Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ IV vừa qua nêu ra.</span></span></div>
<div style="text-align: justify; "> </div>
<div><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "> </span></span></div>
<div style="text-align: right; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "><strong>PGS.TS. PHAN XUÂN BIÊN - Nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy </strong></span></span></div>
<div style="text-align: right; "><span style="font-size: small; "><span style="font-family: Arial; "><em>(Nguồn: Website Đảng bộ TP)</em></span></span></div>
<div> </div>
</meta>
</div>
</meta>
</div>
</meta>
</div>
<div> </div>
</meta>
</div> </html>