<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Ươm trồng hi vọng ngân hạnh</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Ươm trồng hi vọng ngân hạnh</font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table1">
<tr>
<td>
<img border="0" src="uom%20trong%20hy%20vong%20ngan%20hanh.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#008000">Nụ cười
tình nguyện bên vườn ươm ngân hạnh</font></i></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">Tại Sơn La, những ngày này nắng, mưa, gió bão...
diễn ra thất thường. Tuy nhiên tất cả những điều đó không ngăn được dấu chân
tình nguyện của những SV, giảng viên, bác sĩ trẻ đến từ Hà Nội. </font>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Anh Bùi Đặng Dũng - bí thư Trung
ương Đoàn - cho biết: đội hình tình nguyện lần này rất đặc biệt, bên cạnh việc
khám, chữa bệnh miễn phí cho 3.000 bà con dân tộc Thái, thăm hỏi các gia đình
khó khăn, phối hợp cùng trung đoàn 293 xây dựng, làm mới 4km đường giao thông ở
bản Muống (xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu), những SV tình nguyện Trường ĐH Nông
nghiệp I Hà Nội lên Tây Bắc lần này còn trồng và chăm sóc cây ngân hạnh - một
loại cây mới lần đầu tiên trồng thử nghiệm tại VN.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Anh Lê Đức Việt, phó giám đốc Trung
tâm Phát triển nông - lâm nghiệp (Tổng đội Thanh niên xung phong Vạn Xuân), nói:
ngân hạnh có xuất xứ từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản; có nhiều tác dụng: lá
cây dùng chế biến dược liệu, gỗ làm đồ thủ công mỹ nghệ; đặc biệt loại cây này
rất tốt cho môi trường, có thể hấp thụ 5-6 lần khí thải công nghiệp so với các
loại cây trồng khác.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Có diện tích thử nghiệm 7.000m2,
những con đập đất, xây những bể nước tưới hiện đại, chăm sóc và tỉa cây ngân
hạnh... “Vườn ươm sẽ là cơ sở chính để tháng mười tới Trung tâm Phát triển nông
- lâm nghiệp lập một đề án trình Trung ương Đoàn cho thành lập làng kinh tế tại
bản Muống. Cơ hội làm việc tại làng kinh tế này cho các đoàn viên thanh niên là
rất lớn” - phó giám đốc Việt cho biết.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Dưới ánh nắng chói chang đổ xuống
đầu những chiến sĩ áo xanh tình nguyện, Nguyễn Thị Hân, Thiều Thị Phong Thu,
Nguyễn Minh Nguyệt (SV K48, 49 khoa nông học) nói trong nụ cười tươi rói: vất vả
nhưng nhiều ý nghĩa lắm. Đây là một loài cây mới tại VN không phải ai cũng có cơ
hội học hỏi và tiếp xúc. 10 thành viên trong đội đã phải vượt qua hàng trăm “đối
thủ” khác để được lên Sơn La lần này. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Giữa trưa, nhiệt độ tại vườn ươm
lên đến gần 400C. Những giọt mồ hôi lăn dài trên má SV tình nguyện, có lẽ từ
những hi vọng về tiềm năng một loài cây. “Bà con quê mình ở Thanh Hóa có thể sẽ
có cơ hội chuyển đổi giống cây trồng” - Hân nói.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Những trái tim trẻ của trung tâm và
Trường ĐH Nông nghiệp I đang cố gắng hướng đến một mục tiêu chung (sẽ đưa thử
nghiệm tại một số tỉnh và thành phố: Bắc Giang, Điện Biên, Hòa Bình...). Nhưng
trước mắt họ phải thực hiện việc khảo sát, điều tra tình hình cây trồng vật nuôi
của bà con các bản: Xồm Lồm, Suối Khem, Phiêng Tiến, Pa Hốc... để xây dựng những
đề án về phương thức luân canh, với hi vọng có thể đưa mô hình mới này đến nhiều
địa phương khác. </font></p>
<p class="pBody" align="right"><b><i><font face="Arial" size="2">Theo Tuổi Trẻ</font></i></b></p>
</body>
</html>