<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><em><span style="font-family: Arial;"><strong>Cuộc thi viết Thư gửi Đại hội Đoàn:</strong></span></em><br />
</span></div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><br />
</span></div>
<div style="text-align: center;"><span style="font-size: small;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong>Cần chú trọng đúc kết và nhân rộng phong trào tình nguyện</strong></span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><br />
Dưới đây là một vài ý kiến nhỏ gửi tới đại hội, mong là nó thiết thực, và nếu được ứng dụng thì hi vọng sẽ giúp được cho thanh niên…<br />
<br />
1. Phong trào tình nguyện Mùa hè xanh theo tôi biết nó khởi phát tại TP.HCM với chương trình “Ánh sáng văn hoá hè” (năm 1994). Sau đó, được nhân rộng thành một phong trào tình nguyện hè thu hút học sinh, sinh viên trong cả nước và ngày càng phát triển đa dạng, bằng nhiều chương trình, hình thức phong phú. Từ việc chỉ là chương trình xoá mù chữ, dạy chữ cho trẻ em nghèo, phổ cập văn hoá cho học sinh vùng sâu vùng xa thì chương trình tình nguyện Mùa hè xanh đã được phát triển và có sự tham gia của xã hội, được sự hỗ trợ về mặt tài chính cũng như tạo thuận lợi cho phong trào phát triển của các địa phương.<br />
<br />
Những cây cầu “made in sinh viên Bách khoa” trị giá hàng trăm triệu đồng thậm chí cả tỉ đồng đã được xây dựng trong mỗi mùa hè tình nguyện. Sinh viên có cơ hội thực tập, cống hiến và người dân thì được lợi về mặt hạ tầng giao thông… Các đoàn bác sĩ, sinh viên, thanh niên tình nguyện thậm chí còn dấn thân tham gia tình nguyện quốc tế, sang Lào, Campuchia để khám bệnh, phát thuốc, phổ cập tin học. <br />
<br />
Các bạn trẻ ở các nước cũng nhân phong trào tình nguyện hè đã đến Việt Nam cùng tham gia các công tác cộng đồng, sẻ chia… Đồng thời, hoạt động tình nguyện quốc tế cũng giúp thắt chặt hơn tình hữu nghị giữa thanh niên Việt Nam với bạn bè các nước thông qua việc hiểu hơn văn hoá, từ đó làm cho cộng đồng quốc tế có cái nhìn thân thiện, hiểu biết hơn với nước ta.<br />
<br />
Những thành quả và sự phát triển thì đã rõ, nhưng trong 10 năm qua, kể từ khi phong trào tình nguyện được phát động trong phạm vi cả nước thì chỉ có một số nơi xã hội hoá được phong trào, nâng chất lượng tình nguyện bằng các chương trình thiết thực, các đội hình chuyên… Còn lại, nhiều địa phương khác thì cũng chỉ lặp đi lặp lại vài hoạt động cho có để xem như có phong trào như quét rác, dọn vệ sinh, tuyên truyền, văn nghệ… <br />
<br />
Do vậy, để phong trào tình nguyện thực sự có chất và có hiệu quả trong khắp các địa phương thì Đoàn thanh niên tất nhiên phải có điều phối và cần tổ chức để cán bộ Đoàn các địa phương đi học tập mô hình mới, cách làm hiệu quả của các địa phương. Đồng thời, cần khuyến khích các đoàn viên - trí thức trẻ nhiệt tâm với phong trào tình nguyện đến những vùng sâu, xa chia sẻ kinh nghiệm và đưa mô hình mới triển khai cho tình nguyện viên-đoàn viên các tỉnh vùng xa đó. Có như thế hoạt động tình nguyện – một hoạt động vừa giúp thanh niên bồi bổ tâm hồn, tinh thần cống hiến, vừa giúp các địa phương có điều kiện khó khăn, mới thật sự hiệu quả và trở thành một gạch đầu dòng quan trọng trong các phong trào Đoàn.<br />
<br />
2. Bên cạnh việc nâng chất hoạt động tình nguyện thì việc chú tâm đến thanh niên khuyết tật, mở ra những mô hình sinh hoạt để họ cống hiến và có cơ hội phát triển bản thân, giúp các bạn cùng hoàn cảnh hoà nhập cuộc sống cũng là điều đáng quan tâm. Làm sao để những nhóm thanh niên khuyết tật hình thành và “xốc” lên trong họ ý chí, niềm tin và truyền những kiến thức cần thiết, phù hợp với sức khoẻ và nguyện vọng của họ là điều mà Đoàn phải chung tay với các tổ chức khác như Hội Phụ nữ, hội chữ thập đỏ… cùng làm.<br />
<br />
3. Các bạn thanh niên lỡ sa vào con đường nghiện ngập, từng có tiền án tiền sự cũng đáng quan tâm. Chúng ta chưa có thật nhiều chương trình giúp các bạn ấy hội nhập và nhiều khi cán bộ Đoàn cơ sở còn thiếu quan tâm sâu sắc đến họ nên nguy cơ tái nghiện hoặc phạm tội nhiều lần của họ còn cao. Cán bộ Đoàn nói riêng và tổ chức Đoàn nói chung đừng nghĩ rằng chỉ có công an hoặc những người thi hành pháp luật mới là đơn vị làm công tác tái hoà nhập cộng đồng cho thanh niên nghiện và người từng phạm tội. Đừng quên, họ cần vòng tay sẻ chia, sự hỗ trợ của cộng đồng, trong đó tổ chức Thanh niên là tổ chức rất gần gũi để họ nương tựa, là sợi dây kéo họ về phía chính nghĩa, lương thiện…<br />
</span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: right;"><strong><span style="font-size: small;"><br />
LƯU ĐÌNH LONG (Quận 3)</span></strong><span style="font-size: small;"><br />
<br />
</span></div> </html>