<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong>Con đường tái hiện lịch sử Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh </strong></span><br />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
<br />
</span></span></div>
<table border="0" align="left" width="200" cellspacing="1" cellpadding="1">
<tbody>
<tr>
<td><img width="289" height="168" alt="" src="%C4%90%E1%BA%A1i%20l%E1%BB%99%20V%C3%B5%20V%C4%83n%20Ki%E1%BB%87t.jpg" /></td>
</tr>
</tbody>
</table>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><strong><span style="font-size: small;">Ðại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ (Ðại lộ Ðông - Tây trước đây) đang thay đổi từng ngày. Con đường này trở nên có ý nghĩa hơn khi được chọn là nơi tái hiện Lịch sử hơn 300 năm cuộc sống và con người của Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh.</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><strong><span style="font-size: small;">Ðổi thay và phát triển</span></strong></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Ðại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ là con đường huyết mạch đi qua tám quận, huyện của thành phố với hầm dìm vượt sông Sài Gòn hiện đại. Dọc theo đại lộ này, chúng ta có thể nhận thấy sự vươn mình của khu vực từ đông bắc - tây nam của thành phố. Sau bảy năm xây dựng, vấn đề giao thông, môi trường và bộ mặt đô thị đang dần được giải quyết. Hàng nghìn căn nhà lụp xụp, cũ nát trước đây đã không còn. Những công trình khang trang, cao ốc hiện đại đang đua nhau mọc lên. Ông Trần Văn Ân, 63 tuổi ngụ quận 5 bày tỏ: "Trước đây khu vực này tập trung nhiều khu nhà ổ chuột, kéo theo nhiều tệ nạn xã hội. Giờ thấy con đường được mở rộng thênh thang đẹp như thế này, chúng tôi vui lắm! Có con đường này, việc đi lại cũng thuận lợi hơn".</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Dọc theo Ðại lộ Võ Văn Kiệt, nhiều cây cầu như: Cầu Chà Và, Chữ Y... bắc ngang kênh Tàu Hũ - Bến Nghé được xây mới hiện đại. Tuyến kênh Tàu Hũ - Bến Nghé với bến Bình Ðông tấp nập ghe thuyền mang số hiệu từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ chất đầy dưa hấu, thơm, đu đủ... đang tấp nập đổ hàng. Những bông hoa rực một dải từ những chợ hoa trên Bến Bình Ðông (quận 8) như ước vọng muôn đời về mấy chữ phúc - lộc - thọ của một đời người. Như thành một thói quen, những ngày lễ lớn, bà Sáu Tảo, một người bán nước ven đường Bến Bình Ðông, phường 14, quận 8 lại ra ngắm con kênh, ngắm những chiếc thuyền nặng trĩu hàng hóa, lòng dậy lên nỗi niềm khó tả. Ðó là niềm vui vô bờ khi được thoải mái nói chuyện với bà con chòm xóm mà không lo giặc xét nét, tra hỏi. Là được tự do làm ăn buôn bán, tự do đi lại mà không sợ cảnh bom rơi, đạn lạc, khói lửa đao binh mà theo như bà nói "Ngày lễ quốc khánh là một trong những ngày tôi cảm nhận trọn vẹn hạnh phúc nhất". Bà tâm sự: "Tôi gắn bó với khúc kênh này đã 35 năm, từ cái ngày chạy loạn Tết Mậu Thân, trôi dạt từ Cần Giuộc (Long An) lên rồi chọn nơi này là nhà. Nơi này cỏ cao gần đầu gối. Người dân bày ra trồng chuối, khoai mì, ghe chở hàng hóa ngày đêm tấp nập, rộn rã một khúc sông. 10 năm trở lại đây, đường Ðại lộ Ðông - Tây và kênh Tàu Hũ - Bến Nghé đã được thay đổi, tôi mừng lắm! Ngày giáp Tết là ghe bán bông kiểng kéo về Bến Bình Ðông nườm nượp, hoa lá sắc mầu đủ hết nhìn đẹp và vui mắt lắm". </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Tái hiện lịch sử Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh hơn 300 năm</span></span></strong></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
UBND thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị và quy định quản lý không gian kiến trúc cảnh quan trục đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ (đại lộ Ðông Tây cũ) do Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố đề xuất. Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP Hồ Chí Minh Hồ Quang Toàn cho biết, nhiệm vụ thiết kế kiến trúc đô thị dọc đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ sẽ tôn trọng và kế thừa những nét văn hóa ấy với việc đưa ra ý tưởng kiến trúc: khu trung tâm tài chính, văn phòng quận 1 sẽ lưu giữ lại một số kiến trúc của Pháp tiêu biểu cho Sài Gòn xưa. Các kiến trúc hiện đại sẽ phải được nghiên cứu hài hòa với không gian chung. Khu vực quận 5 sẽ giữ lại các đặc trưng hoạt động thương mại nhộn nhịp của người Hoa. Ðặc biệt, khu vực quận 6, 8, dự kiến sẽ hình thành một khu chợ nổi mang đặc trưng văn hóa Nam Bộ để vừa phục vụ nhu cầu kinh doanh hiện tại, vừa tái hiện lại không gian của những ngày đầu hình thành đô thị Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh ngày nay. Riêng khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ có những kiến trúc hiện đại, xứng tầm là một trung tâm tài chính, thương mại lớn không chỉ của TP Hồ Chí Minh mà còn cả khu vực.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Hiện nay, dọc kênh Tàu Hũ - Bến Nghé đã có một dự án phát triển du lịch đường sông và ngay trên trục đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ cũng đang có một dự án. Một khi các tuyến vận tải này hình thành, sẽ tạo nên một khu vực sầm uất, nhộn nhịp và đẹp bậc nhất thành phố.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
Theo Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP Hồ Chí Minh Khương Văn Mười, tuyến du lịch kết hợp giữa đường bộ và đường sông nên kết hợp đầy đủ ba yếu tố: đô thị của sông nước, của giao lưu văn hóa và hiện đại. Cần tái hiện cảnh sinh hoạt xưa của con sông Tàu Hũ - Bến Nghé như cảnh khuân vác gạo từ ghe bầu lên bến, cảnh người dân mua bán trao đổi trên bến dưới thuyền, cảnh người già câu cá đánh cờ tại những điểm du lịch ven sông. Về mặt kiến trúc cảnh quan dọc tuyến đường, chúng ta nên giới hạn những công trình nhỏ, ưu tiên phát triển những công trình công cộng và công trình có khối tích lớn với hình dáng kiến trúc và nghệ thuật chiếu sáng cho công trình, và hai bên bờ sông để tạo một sức hút cho khách du lịch về đêm. "Còn đối với những công trình mang giá trị ký ức như những kho gạo, những khu nhà cũ có giá trị ký ức thì chúng ta có thể tái tạo bằng những mô hình để có thể giới thiệu cho du khách. Những công trình nào mang kiến trúc cổ thì nên giữ lại mặt tiền để tái tạo lại những hình ảnh của những con phố cổ", ông Mười nói.</span></span></div>
<div style="text-align: right;"><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
HÀ NGỌC <br />
</span></span></strong><em><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Theo nhandan.com.vn</span></span></em><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
<br />
</span></span></div> </html>