<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Ánh sáng dưới chân đỉnh Ngọc Lin</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Ánh sáng dưới chân đỉnh Ngọc Linh</font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table5">
<tr>
<td>
<img border="0" src="duoi%20chan%20dinh%20Ngoc%20Linh.JPG" width="150" height="200"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Trần
Minh Châu (trái) và Giang Thành Tấn đang kéo điện về nhà anh A Bế Làng
Đung, xã Mường Hoong, huyện Đắc Glei </font></i></td>
</tr>
</table>
<p class="pHead"><font face="Arial" size="2">Đã quá 17g, trời mưa lâm thâm,
nhưng nhóm chiến sĩ tình nguyện thuộc Trường ĐHDL Kỹ thuật công nghệ TP.HCM với
bóng đèn, bảng điện, dây điện... lỉnh kỉnh trên vai vẫn thoăn thoắt trên con
đường mòn chênh vênh trên sườn núi Ngọc Linh - đỉnh núi cao nhất phía Nam.
</font></p>
<p class="pHead"><font face="Arial" size="2">Từ nhiều ngày qua, họ phải chạy đua
với thời gian để mang ánh điện đến xã heo hút nhất của núi rừng Kontum.</font></p>
<p class="pInterTitle"><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">“Tại nghèo
nên cái điện không chịu vào nhà…”</font></b></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Sau gần một tiếng đồng hồ băng
rừng, lội bộ hơn chục cây số theo những lối mòn, suối khe, dốc đá cao đến chóng
mặt, nhóm SV tình nguyện đã có mặt trước căn nhà sàn của A Bế nằm heo hút ở cuối
làng Đung, xã Mường Hoong, huyện Đắc Glei, tỉnh Kontum. Dù đã được cán bộ xã báo
trước có SV đến mắc điện cho nhà mình nhưng A Bế vẫn bất ngờ. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Quẳng gùi ở góc nhà, A Bế mừng lắm,
vác rựa chạy thẳng lên ngọn đồi sau nhà chặt cây về làm cột điện. Cô vợ trẻ Y
Thành cũng nhanh tay cùng SV vác đá về chôn cột... Chỉ trụ điện hạ thế cuối cùng
của làng nằm sau nhà, Y Thành nói: “Đã thấy cái điện về gần nhà lắm rồi nhưng nó
không chịu vào nhà mình, tại nghèo thôi...”.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Trong căn nhà vẫn trống rỗng còn
thơm mùi gỗ mới từ vốn của chương trình 135 của Chính phủ, Y Thành cười ngượng
nghịu: “Từ nay có điện rồi, mình không phải đốt xà nu trong nhà nữa”. Căn nhà
nhỏ xíu của vợ chồng A Bế chiều tối hôm ấy thật nhộn nhịp. Bà con trong làng nhỏ
này kéo đến để xem SV mắc điện và chia vui cùng đôi vợ chồng trẻ...</font></p>
<table style="border-collapse: separate" borderColor="#ecf2fe" height="250" cellSpacing="5" borderColorDark="#456ae1" cellPadding="4" width="200" align="right" borderColorLight="#4792d9" border="0" id="table6">
<tr>
<td vAlign="center" bgColor="#cfe6f9">
<p class="pBody"><font color="#fafafa" face="Arial" size="2"><strong> </strong><font color="#030303">Xã
Đăc Choong và Mường Hoong (huyện Đắc Glei) là hai trong số những xã
nghèo nhất tỉnh Kontum. Mùa hè xanh năm nay có 50 hộ nghèo, gia đình
chính sách, neo đơn khó khăn nhất đã được kéo điện. Toàn bộ dây điện,
bảng điện, cầu dao, bóng đèn compact đều hoàn toàn miễn phí. Công trình
được thực hiện với tổng giá trị 20 triệu đồng, do bạn đọc báo Tuổi Trẻ
đóng góp. </font></font></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">Nhóm chiến sĩ Châu, Giang, Thành, Tấn, Sơn, Việt...
thao tác không khác những công nhân điện chuyên nghiệp. Đây là hộ thứ tư trong
ngày được nhóm bạn trẻ này kéo điện. Ở xã Mường Hoong xa xôi này, từ điểm ở của
chiến sĩ đến các hộ dân khá xa, đường đi lại rất khó khăn, nếu làm theo kế hoạch
sẽ không kịp tiến độ, nhiều chiến sĩ được tăng cường vào đội hình điện và phải
tranh thủ làm đến tối mịt... </font>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">SV Nguyễn Minh Châu cho biết: “Tụi
mình phải tính toán rất kỹ để kéo dây sao cho tiết kiệm, an toàn nhất vì còn
nhiều hộ quá xa trụ điện, có hộ cần đến gần 1.000m dây điện...”. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Còn ở xã Đắc Choong, chuyện đi lại
của chiến sĩ đỡ vất vả hơn nhưng lại gặp khó khăn khác do mùa này bà con đi rẫy
đến tận tối mịt mới về, nhà cửa bỏ trống, đành ngồi ngoài chờ tới tối mịt. Nhưng
đó là buổi đầu, ngay hôm sau các đội trưởng chủ động gặp già làng, trưởng thôn
để thông báo cho các hộ dân. Thanh niên trai tráng địa phương thấy việc làm hay
quá nên cũng nhập cuộc khá đông.</font></p>
<p class="pInterTitle"><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">Vui như
hội làng</font></b></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Những buổi mắc điện, các làng thuộc
xã Đăc Choong nhộn nhịp như hội làng. Ai cũng tíu tít, người chặt cây làm cột
điện, người nướng bắp tặng chiến sĩ... Không gì xúc động hơn cảnh khi nhóm SV
tình nguyện đến mắc điện nhà nào cũng có già làng, trưởng thôn đi theo cùng.
</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Sáng sớm, trời mưa rả rích vào làng
La Lua đã thấy nhóm chiến sĩ cùng ba bạn gái trẻ Y Hà, Y Đuôm, Y Múa đi kéo điện
cho bà con. Nhiều hộ neo đơn, những cụ già không biết tiếng Kinh, Y Múa làm
phiên dịch cho SV. Còn A Điền, trưởng thôn Đắc Glei, bỏ cả công việc nhà để theo
suốt nhóm SV đi mắc điện, vì “SV giúp bà con nhiều, mình phải phụ SV.” </font>
</p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Ngồi trong căn nhà sàn thấp lè tè
nằm chênh vênh trên sườn núi, già Y Bía chợt thấy nhóm SV đi qua liền gọi lại
mời vào uống rượu. Y Bía phấn chấn: “SV về mắc cho cái bóng điện, đứa nào làm
cũng ngon lành lắm, lũ làng sướng cái bụng, vui như hội làng”. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Y Viên, ở làng Mô Mam, khi sáng địu
con đi rẫy; chiều về đã thấy trong nhà có bóng điện rồi; xúc động rơi nước mắt:
“Mình mơ trong nhà có cái bóng điện lâu lắm rồi, nhưng còn nghèo khổ lắm, làm
buổi sáng để lo cho bữa trưa... Giờ nhà mình có điện rồi”. Khi vợ chồng A Lem về
đến căn nhà vách đất bé xíu của mình là lúc nhóm SV lắp đặt xong điện. </font>
</p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">A Lem cứ gãi đầu, cười cười: “Có
điện thì sướng nhưng lo lắm, vài trăm ngàn đồng lấy đâu ra...”. Già làng A Nhom
vỗ vai anh cười khề khà, giải thích: “Của SV cho đấy, chúng nó không lấy tiền
đâu. Từ nay, nhà đứa nghèo nhất ở làng La Lua này cũng có điện rồi”. </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo Tuổi Trẻ</i></b></font></p>
</body>
</html>