<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">Căn cứ Đại Tây Dương (1961 - 1962)</span></span></strong></span><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đầu tháng 4 năm 1961, Ban cán sự phân công đồng chí Nguyễn Văn Ly (Tư Kết) cùng đồng chí Mười Tươi, ông Năm đi xây căn cứ trường Đoàn ở Kinh Ba Reng xã Bình Hòa Bắc huyện Đức Huệ, Long An. Căn cứ này giáp biên giới Campuchia, xa đồng bào và đồn bót giặc, xa bàn đạp ở Hiệp Hòa, Bàu Trai, nằm giữa cánh đồng bưng bao la có nhiều đìa cá và rắn. Tổ xây dựng cứ lúc đầu dựa vào công trường sản xuất vũ khí của Huyện Bình Tân để được tiếp tế thực phẩm và mua rựa, lưỡi hái cắt đưng, xin tre, trúc của đồng bào, đốn tràm ở vùng kế bên để xây dựng trường lớp, nhà ở học viên. Vùng kinh Ba Reng không có nước ngọt chỉ sử dụng nước mưa, nước kinh Ba Reng và các đìa gần kinh. Các đồng chí về đây xây cứ vào cuối mùa nắng, nước kinh cạn gần sát đáy có vị chua, nấu uống có người bị gắt tiểu. Đầu tháng 6 trời bắt đầu mưa, cơ quan Khu ủy do anh Ba Tôn phụ trách rần rộ về đây xây dựng trường lớp với quy mô cấp khu. Chỗ anh Ba Tô chỉ cách trường Đoàn độ 400m, Ban cán sự học sinh sinh viên cũng tăng cường cán bộ cho trường Đoàn để đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị mở lớp: đồng chí Nguyễn Thị Loan Anh (Năm Nga), đồng chí Đặng Quốc Hải (Chín Hải) làm cán bộ giảng huấn, đồng chí Tư Chánh phụ trách công tác quản lý, tiếp phẩm, đồng chí Nguyễn Thị Hiếu (Bảy Khẩn) nhiệm vụ y tá, đồng chí Út Thống giao liên bảo vệ. Cán bộ về làng có đồng chí Sáu Minh được phân công chép tin đọc chậm (đài Hà Nội). Cánh đồng chí Sáu Hội có hai cơ sở tình nghi nội gián của địch (Hai bánh Tét, tên Chín Tân) nhân dịp cũng đưa về căn cứ “xa xôi” này để an ninh Khu ủy điều tra xác minh. <br />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Đầu tháng 7, Khu ủy mở lớp cho cán bộ chủ chốt các cánh đô thị trước khi đi vào hội nghị công tác tổ chức. Đầu tháng 8 sau lớp của khu ủy, căn cứ Đoàn mở lớp với số lượng học viên rất đông. Lớp bắt đầu học được mấy hôm mưa lũ tràn về, nước dâng lên rất nhanh. Các nhà học viên, hội trường, nhà bếp đều ngập nước, có nơi ngập sâu đến 2m. Khu ủy chỉ đạo mua xuồng để đi lại và cho mua ván kê sàn cho học viên ngồi học, ăn, nghỉ tại chỗ. Rắn rít các loại không còn chỗ ở, tràn vào các nóc nhà của học viên để lánh nạn nên có học viên (đồng chí Bảy Tiến) bị rắn cắn tuy có thuốc chữa trị vẫn bị tháo một khớp ngón tay. Bên ngoài các căn nhà lớp học là trời nước mênh mông như biển cả. Tên “Đại Tây Dương” được các đồng chí học sinh sinh viên đặt cho căn cứ kinh Ba Reng nhiều kỷ niệm này. Sau hội nghị ở căn cứ Khu ủy kế bên, đồng chí Nguyễn Thái Sơn phó bí thư Khu ủy sang căn cứ lớp triển khai nghị quyết của Khu ủy cho cánh học sinh sinh viên. Các cán bộ chủ chốt như Ba Lam, Năm Trang, Lê Hồng Tư, Lê Đình Nguyên, Sáu Thanh, Tư Liên đều về Đại Tây Dương học nghị quyết. Nếu so với các căn cứ trước đây, chưa lần nào cán bộ Đoàn về cứ học tập, dự triển khai nghị quyết đông như lần này. Lúc nước rút, đêm đến anh chị em khăn che mặt đổ ra sân ca hát nhảy múa vui như ngày hội. <br />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Về mặt an ninh, căn cứ Đại Tây Dương do địa hình “biên giới” tạo được niềm tin an tâm cho cán bộ học viên nhưng vẫn có lần trước khi lũ dâng cao quân đội Campuchia tràn qua biên giới, làm cả bên trường lớp Khu ủy cũng được lệnh chuẩn bị rút sâu vào địa phận nước mình và chắc rằng nhà cửa sẽ bị đốt phá nhưng may quá, chúng tạt qua hướng sông Vàm Cỏ Tây nên không xảy ra sự cố nào. Mặt khác, có lẽ do khách về căn cứ dự hội nghị Khu ủy của các cánh đô thị và các đoàn học sinh sinh viên, tấp nập đi từ Hiệp Hòa Bầu Trai về cứ quá đông nên bị giặc phát hiện theo dõi. Khi nước lũ dâng lên, các lớp đang học, bọn gian trong đêm đi xuồng lẻn theo kinh Ba Reng cột chiếc bong bóng đỏ cạnh nhà bếp căn cứ học sinh sinh viên nhưng do bảo vệ cứ cảnh giới mỗi sáng sớm phát hiện quả bong bóng đem vào nhà và báo cho các đồng chí an ninh khu sang có ý kiến xử lý. Khi các đồng chí an ninh sang, nghiên cứu chỗ cột bong bóng, xem tờ giấy có mấy chữ cột dính dây treo bong bóng đại ý “Lâu quá không gặp em, anh tìm hoài khắp nơi”, thì cũng là lúc chiếc “đầm già” bay sát mái nhà, quần đảo nhiều vòng… các đồng chí an ninh kết luận “chiếc bong bóng đỏ” là của bọn thám báo lén cột ban đêm, mấy chữ viết trên tờ giấy để nghi trang đánh lạc hướng đề phòng khi bị bắt, nếu anh em bảo vệ không cảnh giới gỡ chiếc bong bóng thì chiếc đầm già sẽ phát hiện kêu không quân địch đến đánh phá, thiệt hại sẽ khó lường. <br />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
Sau hội nghị Khu ủy và các lớp học của học sinh sinh viên ở căn cứ Đại Tây Dương, địch bắt đầu sử dụng chiến thuật trực thăng chụp xuống căn cứ Vườn Thơm. Tuy không gây thiệt hại, nhưng Khu ủy chỉ đạo cho cánh học sinh sinh viên và trường lớp Khu ủy ở Đại Tây Dương phải nhanh chóng dời về căn cứ Miền Đông có địa đạo, rừng cây bảo toàn lực lượng. Vì thế suốt thời gian từ đầu 1962 đến khi chiến thuật trực thăng vận kết hợp thiết vận xa bị thảm hại ở Ấp Bắc, chiến thuật “tối tân” này của Mỹ đã không gây tổn thất cho các cánh đô thị của khu Sài Gòn - Gia Định. </span></span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><br />
<strong>NGUYỄN VĂN LY</strong><br />
<br />
<br />
</span></span></div> </html>