<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Chữa bệnh cho cá bằng bài thuốc</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
<span class="text16b" id="lbHeadline">Chữa bệnh cho cá bằng bài thuốc lá cây</span></font></b></p>
<div style="float: left; width: 182px; height: 46px">
<table border="0" width="100%" id="table1">
<tr>
<td>
<img border="0" src="chua%20benh%20cho%20ca%20bang%20thuoc%20la%20cay.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><font color="#808080">
<span id="AvatarDesc" style="font-size: 10pt; font-style: italic; font-family: Arial">
SVTN hướng dẫn bác Tỏa cho cá ăn đúng cách</span></font></td>
</tr>
</table>
</div>
<span class="indexstorytext">
<p><font size="2" face="Arial">Tây Nguyên mùa mưa, đất đỏ dính chặt, đôi dép
nhựa nặng thêm mấy ký lô, sinh viên tình nguyện (SVTN) họ "thủy" (Trường ĐH
Thủy sản Nha Trang) vẫn kiên trì leo đồi, hết ngọn này tới ngọn khác để đến tận
nhà tư vấn trực tiếp cho bà con xã Đắk Môl, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông kiến
thức, kỹ thuật nuôi cá nước ngọt ở ao hồ.</font></p>
</span><span class="indexstorytext" id="lbBody">
<p><font color="#008000" size="2" face="Arial"><strong>Thuyết phục những "bô
lão"</strong></font></p>
<p><font size="2" face="Arial">Suốt mấy ngày liền, 15 SVTN Trường ĐH Thủy sản
Nha Trang phải chia nhau ra làm nhiều tốp, cuốc bộ rã cả giò mới đến hết hơn 500
nhà để tiếp cận, khảo sát tình hình ao hồ và vận động bà con tham dự buổi tập
huấn nuôi trồng cá nước ngọt. Lúc thông báo, ai cũng gật gật, hứa sẽ đến, vậy mà
tại buổi tập huấn của ba thôn E 29 chỉ ngót nghét có 50 người tham dự. Ai cũng
chần chừ vì tiếc một ngày công lên rẫy chăm cà phê. Kết thúc buổi tập huấn có
người thở dài: "Cứ tưởng chúng nó mang về mô hình ao hồ làm giàu được ngay, chứ
dạy kỹ thuật thì làm được cái gì". Bác Trần Đông Hải, trưởng thôn E 29-1 lắc
đầu: "Nông dân là thế, không thấy được cái lợi trước mắt thì họ không làm theo
đâu". Tiếc cho nguồn tài nguyên bị lãng phí, Phùng Thế Trung, đội trưởng SVTN
khăng khăng: "Phải đi tư vấn đến khi nào bà con hiểu mới thôi". </font></p>
<p><font size="2" face="Arial">Mỗi lần nhận được "đơn đặt hàng" tư vấn, ai nấy
mừng ríu rít. Bác Phong Tỏa ở thôn E29-1 tâm đắc nhất là cách chữa bệnh cho cá
bằng bài thuốc lá cây sẵn có trong tự nhiên. Nhìn các bạn lấy chày giã nát lá
sầu đông, cúc quỳ, rồi lấy nước cốt đổ xuống ao để chữa bệnh nấm mang cho cá,
bác Tỏa gật gù: "Đơn giản thế mà lâu nay không biết". Còn chú Cát cứ thắc mắc:
"Sao cá nhà tôi đầu to hơn mình?". "Bác chỉ cần thả cá cùng thời điểm và cho cá
ăn đều đặn, đủ bữa thì sẽ tránh được tình trạng còi xương ngay". Kiến thức chắc
chắn từ giảng đường đã giúp các "chuyên gia ao hồ" thuyết phục được những "bô
lão" khó tính nhất.</font></p>
<p><font color="#008000" size="2" face="Arial"><strong>Ao cá tình nguyện</strong></font></p>
<p><font size="2" face="Arial">Nhắc đến nghề nuôi cá ở Đắk Song không ai không
biết đến Vượng "liều", Bí thư Đoàn thôn E29-3 - chàng triệu phú 24 tuổi của xã
Đắk Môl. Trần Văn Vượng "chết" với cái tên Vượng "liều" từ năm 2004, khi anh một
mình chạy đầu này đầu nọ vay mượn bạc triệu đứng ra đấu thầu hồ nuôi cá rộng hơn
4,5 hecta của địa phương. Ai cũng bảo Vượng "điếc không sợ súng". Trước giờ với
người dân Tây Nguyên, cà phê luôn là ưu tiên số một, có sống chết gì cũng gắn
với cây cà phê. Vượng thì khác, anh nhìn thấy được giá trị, tiềm năng của ao hồ
miền núi. Khí hậu ở đây ít biến động, nguồn thức ăn sẵn có phong phú, ao hồ tuy
không lớn nhưng mật độ thưa, cá ít mắc bệnh lây lan chết hàng loạt. Nuôi cá
không phải bỏ nhiều vốn, nhiều sức mà lại không rủi ro nhiều như trồng cà phê.
Song anh xác định "liều" không thôi vẫn chưa đủ. Phải trang bị khoa học kỹ thuật
thì mới chứng minh cho bà con thấy mình không liều một cách mù quáng. Mùa hè
2005, "ao cá tình nguyện" của SVTN Trường ĐH Thủy sản Nha Trang "đóng" đúng thôn
anh ở. Không một buổi tập huấn, hội thảo đầu bờ nào vắng mặt, anh nghiền ngẫm
đến "nát bấy" quyển sổ kỹ năng nuôi cá ao hồ của SVTN tặng. Như diều gặp gió,
chưa đầy một tháng, màu nước của hồ cá dần chuyển sang màu xanh chuối non, cá ít
nhiễm bệnh hơn, tỷ lệ thả ghép được điều chỉnh hợp lý hơn... Mới năm đầu, ao cá
đã đem về cho anh 170 triệu đồng, trừ mọi chi phí ban đầu còn lời khoảng 70
triệu đồng. Vượng khẳng định: "Thành công của mình có 50% nhờ máu liều và 50%
nhờ SVTN. Bây giờ mình nuôi cá nhàn hơn làm cà phê rất nhiều. Chỉ cần trang bị
chút kỹ thuật sẽ nâng thu nhập lên rất cao". </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo Thanh Niên</i></b></font></p>
</span>
</body>
</html>