<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Ấn tượng từ những phiên tòa giả</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Ấn tượng từ
những phiên tòa giả định</font></b></p>
<p><font face="Arial" size="2">Có hơi men trong người, Trần Minh Huy vì không
mượn được hộp quẹt của Trần Danh Thái và Phạm Đình Thảo - ngụ cùng ấp Phú Hòa,
xã Phú Túc (Châu Thành) gây xô xát. Huy chạy vào nhà chị Giàu gần đó lấy dao
chém vào sườn phải của Thái. Thảo can ngăn cũng bị Huy chém vào đùi. Huy bỏ
trốn, còn Thái và Thảo được người dân gần đó chở đi cấp cứu. Theo kết quả giám
định pháp y, tỉ lệ thương tật của Thái là 15% và Thảo là 11%. Thái và Thảo đã có
đơn trình báo với cơ quan điều tra, công an huyện Châu Thành. Sau thời gian
ngắn, Huy đã bị bắt cùng tang vật gây án. Ngày 31-7, Tòa án nhân dân huyện Châu
Thành đã đưa vụ án ra xét xử. Đó là nội dung chính của phiên tòa giả định diễn
ra vào ngày 31/7 vừa qua. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Ngay từ rất sớm, dù trời mưa râm râm nhưng các
bạn sinh viên tình nguyện Trường ĐH Luật vẫn hăm hở đến với phiên tòa. Những đạo
cụ đặc trưng của ngành Luật đã được mang đến trong vài phút. Bao gồm: chiếc quốc
huy, bàn ghế…. và vành móng ngựa. Nếu không nói, khó ai nhận ra đây chỉ là một
phiên tòa giả định, trong đó, chủ tọa, hội thẩm nhân dân, đại diện viện kiểm sát
nhân dân, thư ký, luật sư, công an, bị cáo, người bị hại, nhân chứng, những
người có liên quan… đều là các bạn sinh viên Trường ĐH Luật. Chủ tọa có vẻ mặt
rất lạnh lùng, đại diện viện kiểm sát nhân dân nói giọng rất nghiêm rành rọt
từng hành vi phạm tội của bị cáo. Luật sư chững chạc những lời lẽ thiết phục
nhằm giảm nhẹ cho thân chủ. Còn bị cáo, ăn năn hối hận về hành động của mình đã
biểu hiện qua gương mặt, cử chỉ cuối đầu. Và, lời khẩn cầu của thân nhân…. Tất
cả điều đó đã làm cho phiên tòa trở nên sinh động, giống như thật. Người xem bị
cuốn hút, hồi hộp theo dõi diễn biến. Mỗi người hấp dẫn một cao trào. Theo bạn
Ly, lúc đại diện viện kiểm sát nhân dân tranh luận với luật sư là hay nhất. Còn
với anh Hiếu, anh chỉ quan tâm tới tình tiết gây án và kết quả phán xét của
phiên tòa. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Trò chuyện với Thu Quyên, sinh viên năm II khoa
Luật Thương mại về việc tổ chức những phiên tòa giả định, mới biết: Mỗi bạn
trong đội hình chuyên này đều sẽ trải qua một lần thử vai. Quyên kể: Hôm trước,
trong phiên tòa xét xử vụ ly hôn, em đã làm chủ tọa. Hôm nay, tới lượt bạn
Nguyên. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Để tổ chức được một phiên tòa giả định như thế
này các bạn sinh viên phải làm việc tích cực. Thời gian chuẩn bị chỉ vỏn vẹn 3
ngày, cho cả viết kịch bản và tập dợt nên các bạn đã làm cả ban đêm. Soạn nội
dung và tham khảo các điều khoản pháp luật, tụi em được sự trợ giúp nhiệt tình
của thầy cô. Còn diễn sao cho hay, giống thật, tụi em tự mày mò. Sẽ không đạt
lắm nếu như tụi em không tới lui thường xuyên phòng xét xử tại các tòa án trong
thời gian học ở trường. Trong số 80 chiến sĩ đang đóng quân trên mặt trận Bến
Tre, có nhiều bạn là thành viên CLB Phiên tòa giả định của trường. Vì thế, ít
nhiều cũng có kinh nghiệm. Chủ tọa Nguyên cho biết, mỗi người một phong cách
khác nhau. Chủ tọa phải nghiêm từ gương mặt và giọng nói. Bị cáo đứng trước tòa
luôn luôn có nét mặt rất tội nghiệp ăn năn hối cải…. Phục trang cho một phiên
tòa cũng rất quan trọng, phải luôn chỉnh tề. Về nội dung bản án, đội trưởng
Nguyễn Hoài Nam, giảng viên Trường ĐH Luật cho biết: Trong những lần tiền trạm,
chúng tôi tìm hiểu loại án thường xảy ra trên địa bàn mình đóng quân là gì để
viết kịch bản. Mục đích chính của những phiên tòa giả định là tuyên truyền giáo
dục pháp luật cho người dân. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Đến nay, kể cả ở mặt trận tỉnh và TP. Hồ Chí Minh
đội hình chuyên Trường ĐH Luật đã tổ chức được gần 50 phiên tòa giả định. Mỗi
phiên tòa xét xử vụ án khác nhau. Sau mỗi phiên tòa kết thúc, điều đọng lại
trong lòng người xem chính là cảm giác sợ sợ và tiếc dùm những bị cáo. Nhiều cái
"giá như" thốt ra từ cửa miệng người dân. "Tóm lại, cảnh giác và thận trọng là
hơn!", "Từ nay, tôi sẽ quan tâm chăm sóc con mình hơn, không nên thường xuyên để
chúng ở nhà một mình". Cái hay của những phiên tòa giả định chính là lời tuyên
án hữu tình đạt lý của phiên tòa. Mức án dành cho những bị cáo đã góp phần đánh
động quần chúng nhân dân tránh xa những loại tội phạm. "Có hiểu biết về pháp
luật thì người dân tự chủ hơn hành vi của mình. Đó là mục đích chính của những
phiên tòa giả định mà sinh viên Trường ĐH Luật làm hết sức mình để đem đến cho
người dân trong mùa chiến dịch năm nay. </font></p>
<p align="right"><b><font face="Arial" size="2">HUỲNH THI</font></b></p>
</body>
</html>