Ra đồng gọi dân về khám bệnh

Ra đồng gọi dân về khám bệnh

Ra đồng gọi dân về khám bệnh

Các bác sĩ Hoài Phong và Quang Trung đang khám bệnh cho người dân bản Hạt Xay Sụng

Theo bước chân các bạn tình nguyện trẻ Việt Nam đang làm việc ở nước bạn Lào, chúng tôi đã có một số ghi chép về công việc của các bạn tại đây.

Bệnh nhân bị "chếp" toàn thân!

Theo chân đoàn bác sĩ tình nguyện Trường ĐH Y Dược TP.HCM, chúng tôi bắt đầu lộ trình từ thị xã Attapư về huyện Sa Nam Say (Lào). Đoạn đường chỉ dài 35km, nhưng đường trơn rất khó đi, phải mất gần 90 phút mới đến nơi nên đoàn tranh thủ đi sớm.

Mới 7h sáng ở trạm y tế huyện đã đông nghẹt người, những thanh niên cùng các bác sĩ tình nguyện Việt Nam nhanh chóng chuyển thuốc, đưa máy thử đường huyết, máy siêu âm, máy điện tim... vào phòng khám. Ngồi ở bàn tiếp nhận bệnh nhân, hai cô bác sĩ trẻ Xuân Linh và Thanh Phúc vừa đo huyết áp vừa phân loại bệnh nhưng làm vẫn không xuể, phải nhờ thêm hai cô y sĩ người Lào mới giải quyết được tình trạng tắc nghẽn người. Những câu hỏi: đau ở đâu? (chếp du sảy). Có đau bụng không? (chếp thọng bò). Đau đầu không? (chếp hủa bò). Đau lưng không? (chếp lắng bò)... được người thông dịch lặp đi lặp lại nên đến đầu giờ trưa các bác sĩ thuộc làu, có thể tự hỏi bệnh nhân mà không cần phiên dịch. Các bác sĩ nói vui với nhau là bệnh nhân bị... chếp toàn thân.

Anh Bun Thịt - Trưởng phòng Y tế huyện Sa Nam Say cho biết, cả huyện Sa Nam Say có 27 ngàn dân nhưng chỉ có một trạm y tế với 30 giường bệnh nên không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Một lý do khác là người dân ở các bản làng xa trung tâm, đường sá cách trở, khi có bệnh cũng chưa có thói quen đi bệnh viện mà họ tự xoay xở bằng cách vào rừng tìm những cây thuốc truyền thống rồi tự chữa lấy. Anh Bun Thịt nói: "Khi tổ chức chương trình này, chúng tôi sợ người dân không chịu đi khám bệnh vì thời điểm này đang là mùa làm lúa. Thấy các bác sĩ tình nguyện Việt Nam mang theo các thiết bị y tế hiện đại qua khám bệnh cho người dân, chúng tôi thật sự vui mừng vì vừa chữa bệnh cho dân mà chúng tôi có điều kiện học hỏi thêm".

Xuôi dòng Sekong đi khám bệnh

Bác sĩ Trần Văn Khanh - Bí thư Đoàn Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Trưởng đoàn cho biết, trong chuyến đi này đoàn có 36 y, bác sĩ, khám bệnh phát thuốc cho gần 4.000 người dân trong đó có hơn 200 Việt kiều. Tổ chức 6 lớp tập huấn cho cán bộ y tế về vệ sinh dịch tễ, phòng chống bệnh sốt rét, tiêu chảy. Mở 2 lớp tập huấn cho cán bộ nông nghiệp về sử dụng an toàn hiệu quả thuốc bảo vệ thực vật. Tổng chi phí của chuyến đi là hơn 200 triệu đồng do Công ty bảo vệ thực vật An Giang và Công ty Mekophar tài trợ.

Chúng tôi theo nhóm bác sĩ lên 2 chiếc thuyền độc mộc vào bản Hạt Xay Sụng, từ trung tâm huyện vào đến bản phải mất 45 phút xuôi dòng sông Sekong. 10h đến nơi, các thanh niên tình nguyện (TNTN) đang cắm chốt tại đây cho biết người dân bản đã đi ruộng từ trước đó một tuần, chỉ còn những thanh niên đang cùng TNTN làm nhà mà thôi. Ông Trưởng bản Bun Xôm lại tất bật ra ruộng gọi người dân về khám bệnh. Sau khi đi tham quan công trình thanh niên nhà rông văn hóa mà TNTN đang làm, tìm địa điểm khám bệnh, các bác sĩ Hoài Phong, Quang Trung, Duy Thanh cùng TNTN quây các tấm bạt, kê bàn ghế thành điểm khám bệnh. Bệnh nhân đầu tiên là anh Chăn Xúc (38 tuổi) bị bệnh sốt rét nhiều ngày, da mặt vàng úa. Bác sĩ Hoài Phong ghi toa thuốc, hướng dẫn cách phòng trị bệnh và những kiêng cữ. Lúc này người dân lần lượt về bản chờ khám, 3 bác sĩ và một dược sĩ không kịp khám và cho thuốc bệnh nhân.

Đến hơn 13h chiều, cơn mưa rừng trút xối xả xuống bản cũng là lúc các bác sĩ được nghỉ ăn cơm trưa. Bữa cơm trưa đầu tiên của nhóm ở rừng sao mà ngon đến thế dù chỉ có món thịt gà kho với rau muống luộc. Không kịp nghỉ ngơi, các bác sĩ lại tiếp tục khám bệnh cho người dân. Thuốc được các bác sĩ phân chia ra thành từng liều một, hướng dẫn cách sử dụng thật rõ ràng tránh tình trạng uống lộn thuốc. Chị Khay Thoong nói: "Tôi bị bệnh hơn một tháng rồi, người mệt lắm, không làm việc được, không có tiền đi bệnh viện, may mà có bác sĩ khám bệnh, cho thuốc tôi mới có cơ hội hết bệnh. Cám ơn bác sĩ tình nguyện Việt Nam nhiều lắm".

16h chiều, bệnh nhân cuối cùng cũng khám xong, bác sĩ Hoài Phong cho biết đa số người dân bị các bệnh ngoài da, giun sán, suy dinh dưỡng và sốt rét rừng... Trên đường về, con thuyền độc mộc dường như quá nhỏ đối với dòng nước chảy xiết từ thượng nguồn. Suýt chút nữa lật thuyền nếu như không có tài điều khiển khéo léo của anh lái thuyền và sự bình tĩnh của mọi người.

Một ngày làm việc vất vả đã qua, thay mặt những người dân, ông Khâm Bun - Chủ tịch huyện đã cám ơn đoàn bác sĩ tình nguyện và cột những sợi dây vải may mắn trên cổ tay cho từng người. Hẹn mùa hè sang năm sẽ tái ngộ...

Theo Thanh Niên

BÌNH LUẬN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tối ngày 23-3, Tại Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh, Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công Chương trình kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2025) và Trao Giải thưởng Hồ Hảo Hớn lần thứ 23, năm 2025. …

Agile Việt Nam
;