<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Dấu ấn Việt trên rừng triệu voi</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Dấu ấn Việt trên rừng triệu voi</font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table6">
<tr>
<td>
<img border="0" src="dau%20an%20viet%20tren%20rung%20trieu%20voi.bmp" width="200" height="140"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Chiến
sĩ giúp bà con địa phương thực hiện vườn rau mẫu tại Mường Mày (Attapư)</font></i></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">Với những dấu chân đi khắp núi rừng Lào, những chiến
sĩ áo xanh đất Việt đang góp phần làm đổi thay cách nghĩ, cái nhìn, từ những
điều tưởng như nhỏ nhặt nhất của không ít người dân quê vốn chất phác, thật thà
trên đất nước triệu voi...</font><p class="pBody"><font face="Arial" size="2">
Bước khỏi phòng siêu âm, anh Thongsam vẫn chưa hiểu mình vừa được các bác sĩ VN
“làm cái gì trên bụng”. Mãi đến khi người phiên dịch giải thích “bác sĩ VN làm
vậy để xem anh có bệnh gì không, nếu có thì biết mà chữa ngay” anh mới gật đầu,
mỉm cười và thôi không xoa bụng mình nữa. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Chị Xiemvong lắc đầu: “Mình chưa
thấy cái máy đó bao giờ, xoa xoa lên bụng nhột lắm”. Thongsam và Xiemvong cũng
như những người dân nghèo ở nơi núi rừng xa xôi này, với họ, chiếc máy siêu âm
là cái gì đó còn xa lạ, không như con trâu cày ruộng hay chiếc xửng hấp xôi vốn
thân quen trong cuộc sống hằng ngày...</font></p>
<table style="border-collapse: separate" borderColor="#ecf2fe" height="100" cellSpacing="5" borderColorDark="#456ae1" cellPadding="4" width="200" align="right" borderColorLight="#4792d9" border="0" id="table7">
<tr>
<td vAlign="center" bgColor="#cfe6f9">
<p class="pBody"><font color="#030303" face="Arial" size="2">Ngoài các
lớp tập huấn trồng rau, cây ăn trái, chăn nuôi và những vườn rau mẫu,
các giảng viên và chiến sĩ Trường ĐH Nông lâm TP.HCM còn thực hiện một
vườn cây ăn trái mẫu với nhiều loại cây giống được mang qua từ VN, cùng
một bản qui hoạch chi tiết khu đất trồng nhiều loại cây khác nhau rộng
4ha cho huyện Sanamsay, tỉnh Attapư (Lào).</font></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">Chỉ có 35 chiến sĩ nhưng chiếc xe 45 chỗ ngồi bỗng
trở nên chật chội vì những thiết bị máy móc và hàng trăm cơ số thuốc tặng bà
con. Không chỉ khám tổng quát, các bác sĩ, SV Trường ĐH Y dược TP.HCM còn đem cả
máy siêu âm, máy đo điện tim, đo huyết áp và cả... khám phụ khoa. </font>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Người dân sống gần đấy cho biết ít
khi nào Trung tâm Y tế huyện Sanamsay (Attapư, Lào) lại đông vui đến thế: bà con
từ các bản đưa nhau ra khám bệnh bằng xe cải tiến thành từng đoàn vui như đi
hội, nhiều bản xa quá người dân mang cả cơm nắm cá khô theo ăn. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Con số 3.000 bệnh nhân Lào và Việt
kiều dự kiến khám bệnh ban đầu tại hai tỉnh Attapư và Chămpasak đã tăng đến gần
4.000 sau bốn ngày làm việc và di chuyển đi về giữa hai nơi gần cả ngàn cây số.
</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">“Trước giờ nhà mình cũng trồng rau
nhưng ít người làm lắm vì không biết phải làm sao cho đúng cách”, anh Xumkhit
thật thà nói vậy khi chăm chú lắng nghe các giảng viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM
hướng dẫn làm vườn rau ngay tại nhà mình. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Người dân chỉ quen trồng vài bụi
hành lá, ít cây rau húng trong những khay đất tự tạo đóng thành giàn vì sợ gà
phá mà rất ít khi trồng rau xanh. “Đất nhiều lại tốt nữa mà bà con để không thì
phí lắm. Với lại người dân hình như chưa có thói quen trồng rau và sử dụng rau
xanh trong bữa ăn hằng ngày nên mình cố gắng thực hiện vài vườn rau mẫu cho bà
con làm theo để có rau xanh mà ăn” - thầy Hữu Trung tâm sự. </font></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table8">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img class="lImage" onclick="return showImage(this.src)" height="150" hspace="0" src="http://tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=146765" width="200" border="1" Hyperlink></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">"Ngồi
im để bác sĩ khám cho con nha"! </font></i></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">Vừa đổ quân, các chiến sĩ bắt tay ngay vào việc xây
dựng một vườn rau rộng gần 100m2 theo mô hình nhà lưới tại Mường Mày, hình thành
với các loại rau cải mà chỉ cần 25 ngày sau là đã có rau sạch ăn. </font>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Từ khâu dựng nhà lưới, xới đất, bón
phân rồi xuống giống bà con được hướng dẫn thực hành cẩn thận từng chút sau gần
một tuần trình bày lý thuyết cho họ. Được tận mắt thấy, tận tay làm, nhiều người
dân đã tỏ ra ngạc nhiên bảo xem ra làm vườn rau đâu có khó, nhưng từ trước đến
giờ chẳng có ai hướng dẫn nên đâu biết làm thế nào.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Tự tay xới đất, rắc phân và bỏ hạt
giống lên các liếp đất, cô bạn Vông cười rất tươi khoe: “Ở đây chưa dùng phân
hóa học bao giờ, chỉ xài phân chuồng thôi nên mấy hôm dự lớp tập huấn, giờ lại
được tận tay thực hành mình học được nhiều điều lắm. Bây giờ tự mình có thể làm
được rồi”. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Vông còn cho biết thêm từ trước đến
giờ người dân không gieo hạt trực tiếp trên luống mà gieo cho hạt nảy mầm rồi
sau đó mới đem trồng vào liếp như người ta cấy lúa. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Những dấu ấn Việt chắc hẳn sẽ còn
đọng lại nhiều năm trong lòng người dân nghèo ở những cánh rừng miền núi xa xôi
của đất nước triệu voi.</font></p>
<p class="pBody" align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo Tuổi Trẻ</i></b></font></p>
</body>
</html>