<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>CÔNG DÂN TRẺ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MI</title>
</head>
<body>
<p><b><font face="Arial" size="2">CÔNG DÂN TRẺ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH</font></b></p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Trần Thanh Sơn
và những người bạn giữa đời thường</font></b></p>
<div style="float: left; width: 174px; height: 24px">
<table border="0" width="100%" id="table1">
<tr>
<td>
<img border="0" src="nhung%20nguoi%20ban%20giua%20doi%20thuong.bmp" width="218" height="195"></td>
</tr>
</table>
</div>
<p><font face="Arial" size="2">Đã bao giờ bạn rơi vào tâm trạng buồn chán? Những
lúc như vậy bạn sẽ làm gì? Có lẽ mỗi người sẽ có cách giải quyết khác nhau. Còn
với riêng anh, anh lại nghĩ tới câu: "Biến đau thương thành sức mạnh" để tiếp
tục cố gắng. Đó chính là Trần Thanh Sơn - Sinh viên năm IV - khoa Công Nghệ
Thông Tin - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Thanh Sơn sinh ra và lớn lên ở thị xã Phan Rang,
Tháp Chàm - Tỉnh Ninh Thuận. Từ khi chào đời Sơn đã thiếu một chút may mắn: Đôi
chân bại liệt không thể giúp anh đi lại được. Cha là bộ đội Trường Sơn. Những
năm tháng cả nước sục sôi đánh Mỹ, cha anh cũng lên đường như bao thanh niên
khác. Nơi chiến trường ác liệt, chất độc hoá học đã ngấm vào ông. Vì lẽ đó, Sơn
cũng không tránh khỏi hậu quả nghiêm trọng của thứ chất độc quái ác đó. Tuy vậy,
Sơn luôn cho mình là người may mắn bởi: "Mình chỉ bị ảnh hưởng ít nên vẫn có thể
đến lớp như mọi người. Người ta không có học vấn thì làm việc bằng tay chân, còn
mình để nuôi sống bản thân thì chỉ duy nhất bằng con đường học tập mà thôi". Vì
vậy Sơn đã xác định phải vào Đại học ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế phổ
thông. Suốt những năm tháng đó, Sơn đã được đến trường trên đôi chân của cha
mình. Đôi chân của chàng trai trẻ năm xưa ra chiến trường bảo vệ Tổ Quốc giờ lại
đưa con tới lớp để xây dựng tương lai. Thời gian cứ lặng lẽ trôi qua... . Ngày
thi Đại học cũng là ngày Sơn nhận được tin chẳng lành: Cha bị ung thư. Sơn sẽ ra
sao đây? Làm thế nào? Bỏ thi chăng? Không! Không thể được. Phải "biến đau thương
thành sức mạnh" như chính cha và các chiến sỹ cách mạng năm xưa. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Với những ai ở hoàn cảnh của Sơn chắc không tránh
khỏi những mặc cảm, tự ti và buồn chán, nhưng Sơn đã vượt qua và còn đồng cảm,
chia sẻ với mọi người: "Nếu ai đó gặp hoàn cảnh như vậy, thì đừng nghĩ đã quá
bất hạnh và đừng buồn. Buồn cũng chẳng giải quyết được gì cả. Những lúc như vậy
chúng ta nên suy nghĩ lại. Thay vì buồn chán thì hãy ráng học để nuôi sống bản
thân, không làm ảnh hưởng đến gia đình, xã hội". Một cái nhìn lạc quan biết bao,
một cách nghĩ, một nghị lực mà không phải ai trong chúng ta cũng có được. Sơn
tâm sự: "Cuộc sống luôn đem lại cho ta nhiều cơ hội. Mình như vậy cũng chưa phải
là nặng, chưa phải là mất tất cả, nhiều người còn đau khổ, khó khăn hơn mà vẫn
phấn đấu giỏi hơn mình". Khi được hỏi về thành tích đạt được, Sơn đã khiêm tốn
dấu đi: "Bình thường thôi mà". Nhưng không bình thường chút nào: 12 năm liền là
học sinh giỏi, luôn duy trì học lực khá ở 4 năm Đại học cũng đủ làm chúng ta nể
phục chàng trai rất cởi mở, thân thiện và đầy nghị lực như Sơn. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Sơn luôn kể về những người bạn của mình với niềm
tự hào. "Đó là những người rất thương mình luôn giúp đỡ và coi mình như những
người bạn thân thiết". Trong số rất nhiều người bạn ấy phải kể đến Vũ Thái Ngọc,
một người bạn cùng lớp và rất thân thiết của Sơn. Tình bạn nảy nở từ học kỳ III,
sau một lần Sơn nhờ Ngọc cõng xuống những bậc thang khi tan học. Ngọc tâm sự:
"Việc giúp đỡ Sơn không có gì khó khăn, chỉ bỏ một chút sức lực mà lại có ích,
người ngồi trên xe không ngại thì sao mình ngại? ". Ngoài Ngọc ra còn có Dương
Thái Trung, Hoàng Thiện Hữu, Võ Đình Huy,.... Những người bạn cùng lớp, vừa đưa
Sơn đến giảng đường, vừa giúp đỡ Sơn rất nhiều trong học tập. Những lúc chưa
hiểu bài thì những người bạn ấy lại giúp Sơn tìm ra vấn đề. Mỗi khi nhắc đến
bạn, Sơn tự hào lắm: "Ngọc tuy không ở cùng, nhưng hàng ngày vẫn tới đưa Sơn đến
lớp". Còn nhớ những ngày học bên cơ sở Nguyễn Chí Thanh, Ngọc, Trung hàng ngày
chở Sơn đến lớp, rồi cõng Sơn lên tận lầu 5. Mặc cho lưng áo đẫm mồ hôi trên môi
họ vẫn không ngừng nở những nụ cười, vì họ hiểu rằng mỗi bậc thang là con đường
dẫn đến những cung bậc thành công của người bạn thân yêu của mình. Đẹp làm sao
những bông hoa luôn ngát hương cho đời. Họ chính là những câu chuyện đẹp giữa
đời thường không màu cổ tích. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Bốn năm học Đại học - một chặng đường không dài
nhưng đủ làm mỗi chúng ta hiểu và gắn bó với nhau hơn. Chúng ta cùng chúc cho
Trần Thanh Sơn sẽ tự tin bước tiếp con đường của mình và những người bạn tốt mãi
mãi bên Sơn. </font></p>
<p align="right"><b><font face="Arial" size="2">NGUYỄN THỊ PHƯƠNG (CLB Lý luận
Trẻ - trường ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM)</font></b></p>
</body>
</html>