<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - THÀNH PH</title>
</head>
<body>
<p><b><font face="Arial" size="2">THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH - THÀNH PHỐ ANH HÙNG</font></b></p>
<p><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">Thành phố Hồ Chí Minh với lịch
sử hơn 300 năm xây dựng và phát triển đã lưu giữ biết bao chứng tích lịch sử về
thời đấu tranh oai hùng của dân tộc. Kể từ số này, Thông tin trong Đoàn xin giới
thiệu với các bạn những di tích lịch sử, địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố Hồ
Chí Minh, để chúng ta càng thêm tự hào và yêu quý thành phố của chúng ta, thành
phố mang tên "Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố Anh hùng": </font></b></p>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Địa đạo Phú Thọ
Hòa</font></b></p>
<p><font face="Arial" size="2">Nhiều người đến thành phố Hồ Chí Minh được nghe
và biết nhiều về địa đạo Củ Chi của miền quê hương đất thép thành đồng, nhưng ít
ai biết đến một địa đạo thứ hai cũng được công nhận di tích lịch sử trên thành
phố mang tên Bác - đó là địa đạo Phú Thọ Hòa, nằm ở số 558, đường Phú Thọ Hòa,
phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú. </font></p>
<p align="center">
<img border="0" src="dia%20dao%20Phu%20Tho%20Hoa.bmp" width="330" height="144"></p>
<p><font face="Arial" size="2">Phú Thọ Hòa vốn là vùng đất do 2 thôn nhập lại:
Lộc Hòa và Phú Thọ thuộc địa phận tổng Tân Phong, huyện Tân Long - vùng đất chịu
ảnh hưởng của nhiều phong trào yêu nước tự phát như: Bề Đường (Nguyễn Văn
Bường), Thiên Địa Hội (Phan Phát Sanh), Hội kín Nguyễn An Ninh...</font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Đầu tiên, Phú Thọ Hòa chỉ có hầm cá nhân theo
dạng thông thường. Năm 1947, Chi bộ tại Phú Thọ Hòa chủ xướng đào địa đạo chống
giặc Pháp, thống nhất chọn ấp Lộc Hòa là vùng cao, nhiều cây rậm, địa hình phức
tạp. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Miệng hầm được tạo trong bụi rậm, sâu 3m - cao
0,8m - rộng 0,8m. Con đường kéo dài khoảng 4 - 5m dừng lại. Sau đó nhắm hướng
đào sâu tạo con đường thứ hai có độ dài 4 - 5m sao cho ráp mí với địa đạo thứ
nhất (gọi là lối đào "xây hầm xe lửa"). </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Miệng nắp hầm bằng bệ gỗ chữ nhật, chung quanh
đóng ngàm giữ mép đất cửa hầm, kích thước 0,4 x 0,25 x 0,1m, mặt phủ cỏ tươi.
Địa đạo lúc nông, lúc sâu nhưng vẫn giữ khoảng cách giữa nóc hầm và mặt đất tối
thiểu là 2,5m. Hầm âm trong địa đạo có sức chứa 5-7 người, bên trên bố trí nhiều
ụ chiến đấu rải rác. Địa đạo Phú Thọ Hoà chủ yếu là đường hầm, không bố trí mìn
bẫy, nút chặn, bếp... Suốt từ năm 1948 đến 1967, các chiến sĩ đã đánh địch tại
chỗ, sử dụng địa đạo làm nơi ém quân và xuất kích đánh sân bay Tân Sơn Nhất.
</font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Địa đạo Phú Thọ Hoà là một công trình đầy sáng
tạo trong cuộc chiến của quân dân Sài Gòn - Chợ Lớn. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Di tích địa đạo Phú Thọ Hoà được Bộ Văn hoá Thông
tin cấp bằng công nhận di tích cấp quốc gia năm 1996. </font></p>
<p align="right"><b><font face="Arial" size="2">(Theo Các bảo tàng, di tích tại
thành phố Hồ Chí Minh)</font></b></p>
</body>
</html>