<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div>
<meta content="text/html; charset=utf-8" http-equiv="Content-Type">
<title></title>
<div style="text-align: center;"> </div>
<span style="font-family: Arial;">
<div style="text-align: center;"><strong><span style="font-size: small;">Kỷ niệm ngày Quốc tế người khuyết tật năm 2013: </span></strong><span style="font-size: medium;"><strong><span style="color: rgb(0, 0, 255);">Chia yêu thương và nhân hạnh phúc</span></strong></span></div>
</span>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
“Một thế giới cho tất cả” là tên gọi của hội trại dành cho các bạn thanh niên khuyết tật trên địa bàn thành phố. Hội trại thu hút gần 1.000 bạn trẻ đến từ 10 trường Đại học, Cao đẳng và các bạn thanh niên khuyết tật cùng tham gia tại Nhà Văn hóa Thanh niên. Đây là hoạt động do Trung tâm khuyết tật và phát triển tổ chức nhân kỷ niệm ngày Quốc tế người khuyết tật năm 2013.<br />
<br />
<strong>Người khuyết tật khẳng định mình</strong><br />
<br />
Với chủ đề “Phá bỏ rào cản”, hội trại đã đưa mọi người đến gần nhau hơn, đặc biệt là các bạn thanh niên khuyết tật có điều kiện hòa nhập với xã hội, thể hiện khả năng của bản thân. Không dừng lại ở đó, các bạn thanh niên hiểu rõ hơn những khó khăn, bất hạnh mà các bạn khuyết tật đang gặp phải, sẽ có những bài học về giá trị của nghị lực, về niềm tin được bổ sung vào hành trang của các bạn thanh niên khi tham dự chương trình.<br />
<br />
Từ sáng sớm, bạn Nguyễn Thanh Ngọc (quận 11) đã mang đến cho hội trại một gian hàng bán sản phẩm hoa do chính tay các bạn làm. Ngọc chia sẻ: “Tôi rất vui khi được tham gia vào hội trại năm nay. Chúng tôi biết rằng mọi người luôn bên cạnh mình và chia sẻ những khó khăn với những người khuyết tật!”.<br />
<br />
Ngoài Ngọc, ngày hội cũng quy tụ 21 gian hàng của các trung tâm trên địa bàn thành phố. Đó là những sản phẩm thủ công do chính các bạn khuyết tật thực hiện, mỗi sản phẩm thể hiện sự tỉ mỉ, cần cù của chính bàn tay khéo léo của người làm. Đó cũng là công sức nỗ lực của những người không may mắn nhưng đã biết vượt qua số phận, làm việc để tự nuôi sống bản thân.<br />
<br />
Cũng trong hội trại này, một chương trình ca nhạc cũng đã diễn ra với nhiều tiết mục do chính người khuyết tật biểu diễn. Những tiết mục ấy tuy không hoàn chỉnh và trọn vẹn nhưng lại mang đến nhiều cảm xúc cho người xem. Cô Nguyễn Thị Tuyết (quận 1) tâm sự: “Thật cảm phục trước nghị lực của các bạn, mặc dù có rất nhiều khiếm khuyết về cơ thể nhưng các bạn đã mang đến một chương trình rất ý nghĩa”.<br />
<br />
<strong>Để hiểu các bạn hơn</strong><br />
<br />
Là một người bình thường chính là niềm hạnh phúc của mỗi người. Nhưng hiện nay, không ít bạn trẻ đã không biết quý trọng bản thân, sa chân vào những tệ nạn xã hội, đi lùi vào bóng tối. Nhưng, ở một nửa thế giới khác, các bạn khuyết tật từ khiếm khuyết của bản thân đã đi ra ngoài ánh sáng, khẳng định vị trí với xã hội. Hội trại không chỉ tôn vinh mà còn giúp cho các bạn thanh niên hiểu được những bất hạnh của các bạn khiếm khuyết mà biết quý trọng đời sống hơn.<br />
<br />
“Thử làm người khuyết tật” là một trải nghiệm như thế. Mỗi đội gồm 3 người phải vượt qua 3 vòng thử thách là: Di chuyển bằng xe lăng vượt vật cản lên xe buýt, vượt vật cản khi là người khiếm thị và truyền thông tin khi là người khiếm thính. Mặc dù đã có hai người hỗ trợ nhưng các bạn cũng phải đẫm mồ hôi và vô cùng vất vả mới có thể về đích.<br />
<br />
“Mình không thể tưởng tượng nỗi những người khuyết tật phải khó khăn đến dường nào để hòa nhập vào cuộc sống. Với mình, tuy chỉ một lần thử làm người khuyết tật thôi nhưng mình cũng phải rất khó khăn mới có thể di chuyển bình thường”, bạn Nhan Hoàng Long (trường ĐH KHTN) thổ lộ.<br />
<br />
Bạn Nguyễn Nhân Long (ĐH Bách Khoa) cho biết: “Khi một lần được trải nghiệm thì mình càng thêm khâm phúc các bạn khuyết tật”.<br />
<br />
Hãy chia sẻ, hãy yêu thương, hãy cùng nhau vượt qua mọi rào cản để sống vui, sống đẹp với cuộc sống, ngày hội đã để lại một ý nghĩa nhân văn về tình người, tình bạn và sự sẻ chia của cộng đổng với các bạn khiếm khuyết. Mặc dù chỉ diễn ra trong một ngày nhưng đã mang lại dấu ấn sâu sắc cho người tham gia. Một ngày, một lần trải nghiệm và chia sẻ nhưng cũng đủ để lại những kỷ niệm đẹp, những bài học quý. Đặc biệt là các bạn sinh viên có thêm những ý tưởng hay để tổ chức các chương trình hướng về người khuyết tật trong các phong trào, gần nhất là Xuân tình nguyên 2014.<br />
</span><span style="font-size: small;"><br />
</span></span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><strong>HOÀNG NGỌC</strong><br />
<br />
</span></span></div>
</meta>
</div>
<div><span style="font-family: Arial;"><br />
</span></div> </html>