<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: center;"> </div>
<div style="text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 255);"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> Triệu chứng và cách phòng chống bệnh tay chân miệng </span></span></strong></span><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> </span></span></div>
<div><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> Triệu chứng của bệnh</span></span></strong></div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> Triệu chứng bắt đầu xuất hiện sau khi nhiễm virus từ 3-6 ngày. Biểu hiện sớm nhất của bệnh là mệt mỏi, sốt nhẹ (38 - 38,5oC), đau họng, sổ mũi diễn ra trong vài ngày. Sau đó bệnh sang giai đoạn toàn phát. Đầu tiên là sự xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi; các mụn nước có kích thước nhỏ (2-3mm) nằm trên một nền niêm mạc viêm đỏ. Các mụn nước trong miệng thường dập vỡ rất nhanh tạo ra các vết trợt loét rất đau rát làm bệnh nhân khó ăn uống. Tiếp theo, xuất hiện các mụn nước, bọng nước ở bàn chân, bàn tay, đôi khi gặp cả mụn nước, bọng nước ở mông. Các mụn nước, bọng nước này thường không gây đau rát; chúng tồn tại trong vòng 7 đến 10 ngày rồi xẹp xuống và tự mất đi kể cả khi không được điều trị. Bệnh nhân có khả năng lây bệnh cho người khác qua đường hô hấp trong 1 tuần đầu bị bệnh. Bệnh nhân còn có khả năng đào thải virus qua phân trong vòng vài tuần sau. Sau khi khỏi bệnh, cơ thể bệnh nhân có miễn dịch với chủng virus gây bệnh, nhưng một người có thể bị bệnh tay chân miệng nhiều lần nếu lần sau bị nhiễm các chủng virus khác với những lần trước. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 10 tuổi, tuy nhiên người lớn chưa có miễn dịch với bệnh cũng có thể mắc bệnh.</span></span></div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> </span></span></div>
<div><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> Biến chứng của bệnh</span></span></strong></div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> Bệnh có thể gây biến chứng viêm não, màng não, viêm cơ tim, viêm phổi. Đây là một biến chứng rất hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, có thể gây tử vong, thường do chủng Enterovirus típ 71 gây ra.</span></span></div>
<div> </div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> </span><strong><span style="font-family: Arial;"> Chẩn đoán bệnh</span></strong></span></div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh và các yếu tố dịch tễ. Các xét nghiệm virus chủ yếu sử dụng nhằm mục đích nghiên cứu khoa học.</span></span></div>
<div> </div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> </span><strong><span style="font-family: Arial;">Điều trị</span></strong></span></div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> Cần đưa bệnh nhân đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu hoặc truyền nhiễm, không được tự mua thuốc điều trị để tránh các biến chứng. Hiện không có thuốc đặc hiệu diệt virus gây bệnh tay chân miệng. Các biện pháp điều trị chủ yếu là chăm sóc bệnh nhân. Cho bệnh nhân dùng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau; bù đủ nước cho bệnh nhân nếu có sốt cao. Bệnh nhân cần được ăn đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu; vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn. Tại các thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm. Khi có biến chứng viêm não, màng não, viêm cơ tim, viêm phổi phải nhập viện để có biện pháp điều trị tích cực.</span></span></div>
<div> </div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> </span><strong><span style="font-family: Arial;">Phòng ngừa</span></strong></span></div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> Hiện tại vẫn chưa có vaccin phòng bệnh chân tay miệng. Trong vùng dịch, biện pháp hữu hiệu nhất để khống chế dịch là phòng lây lan bệnh sang người lành. Các biện pháp phòng ngừa là:</span></span></div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> - Người lành, nhất là trẻ em nên hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân nếu không thực sự cần thiết.</span></span></div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> - Sau khi chăm sóc bệnh nhân, cần rửa tay kỹ với xà phòng.</span></span></div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> - Không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da bệnh nhân.</span></span></div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> - Giặt các đồ dùng của bệnh nhân và lau phòng ở của bệnh nhân bằng các dung dịch sát khuẩn có chlor.</span></span></div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> - Cần theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng dịch.</span></span></div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> - Cho trẻ nghỉ học cho đến khi khỏi bệnh.</span></span></div>
<div> </div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> </span><strong><span style="font-family: Arial;">Những nhận định sai lầm</span></strong></span></div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> - Bệnh tay chân miệng không chỉ xảy ra với trẻ em từ 5 tuổi trở xuống, cả người lớn cũng có thể là nạn nhân của bệnh chứng này. Nhưng ở người lớn và trẻ lớn hơn 5 tuổi, biểu hiện của bệnh chứng thường nhẹ hoặc không có triệu chứng rõ ràng để nhận biết. Bệnh thường lây lan qua các môi trường: nhà trẻ, gia đình, tiếp xúc với trẻ bệnh hay người lớn mắc bệnh mà không biểu hiện triệu chứng rõ ràng.</span></span></div>
<div> </div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> - Bệnh tay chân miệng có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong năm chứ không chỉ vào những khoảng thời gian chuyển mùa. Khi nhiễm bệnh, trẻ cũng không bắt buộc phải có những biểu hiện như loét miệng hay nổi sần, mụn nước ở tay hay chân. Có những trường hợp trẻ bị nhiễm chỉ nổi sần ngoài Da và các bậc cha mẹ rất dễ nhầm lẫn khi nghĩ rằng con em mình chỉ bị những bệnh nhiễm ngoài Da thông thường.</span></span></div>
<div> </div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> - Khi trẻ mắc phải bệnh chứng này, đừng xem thường khi thấy trẻ ngủ không yên, giật mình, Khóc quấy. Trong trường hợp này, khi thấy trẻ ngủ li bì, mê mệt, cho dù không mê man các bậc cha mẹ phải nhanh chóng đưa con em mình đến bệnh viện để được điều trị bởi có thể là bệnh đã biến chứng sang viêm màng não. Đây là lúc bệnh đã trở nặng và có khả năng gây nguy hiểm cao.</span></span></div>
<div> </div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> - Không nên bôi, xức các loại thuốc lên các mụn nước hay vết lở của trẻ. Bởi khi các vết lở hay mụn nước ngoài Da khô đi nhờ thuốc bôi, các bác sĩ sẽ khó chẩn đoán chính xác bệnh trạng của các em bé hơn.</span></span></div>
<div> </div>
<div><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"> - Dù trẻ chỉ bị nhẹ và vẫn khỏe mạnh như thường, các bậc cha mẹ cũng không nên cho con mình tiếp tục đi học để tránh lây bệnh cho các trẻ khác khi tiếp xúc với con em của mình. Phải cho trẻ ở nhà để theo dõi và phát hiện kịp thời khi biến chứng xảy ra.</span></span></div>
<div> </div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><strong>PYT (st)</strong></span></span></div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">nguồn tin: http://w3.lamdong.gov.vn</span></span></div> </html>