<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Ngôi trường mới của lớp học Cây</title>
</head>
<body>
<p align="center"><font color="#0000FF" face="Arial" size="2"><b>Ngôi trường mới
của lớp học Cây Bàng</b></font></p>
<p class="pHead"><font face="Arial" size="2">Chuyện bắt đầu khi anh Cát Tường,
phóng viên báo Mực Tím, gặp những đứa trẻ đường phố tụ tập xin cơm trưa tại quán
chay từ thiện. </font></p>
<table class="tLegend" id="table6" style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img class="lImage" onclick="return showImage(this.src)" height="150" hspace="0" src="Ngoi%20truong%20moi%20cua%20lop%20hoc%20Cay%20Bang.jpg" width="200" border="1" Hyperlink></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Thùy
Loan và Thủy (đứng nhảy), cựu HS Cây Bàng, hòa nhập với bạn bè trong
ngôi trường mới</font></i></td>
</tr>
</table>
<p class="pHead"><font face="Arial" size="2">“Chẳng đứa nào biết chữ, mấy đứa
bán báo chỉ nhìn hình ảnh trên báo mà rao”, anh Cát Tường nhớ lại. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Mỗi ngày, anh móc tiền túi đãi
chúng ăn trưa để dạy từng chữ một. Tiếng lành đồn xa, học trò rỉ tai kéo đến
ngày một đông. Lớp học là bóng mát dưới gốc cây bàng trên vỉa hè đường Nguyễn
Đình Chiểu (Q.3, TP.HCM) và Cây Bàng ngẫu nhiên trở thành tên lớp học. Học trò
Cây Bàng ngày ấy toàn dân vào đời sớm: bán báo, đánh giày, bán vé số... Những
ngày đó, nhiều người đi đường rất đỗi ngạc nhiên với tiếng ê a của đám học trò
ăn mặc nhếch nhác làm huyên náo cả một góc vỉa hè và nhiều SV tìm đến hỗ trợ
đứng lớp. </font></p>
<table id="table7" style="border-collapse: separate" borderColor="#ecf2fe" height="100" cellSpacing="5" borderColorDark="#456ae1" cellPadding="4" width="220" align="left" borderColorLight="#4792d9">
<tr>
<td vAlign="center" bgColor="#cfe6f9">
<p class="pBody"><font color="#030303" face="Arial" size="2">Vào học
Trường Lương Định Của, HS Cây Bàng được miễn toàn bộ chi phí học bán
trú, học đủ chín môn, giáo viên kèm cặp, được khám sức khỏe, kết nạp
Đội… Kinh phí trích từ phong trào “Nuôi heo đất giúp bạn vượt khó”.
</font></p>
<p class="pBody"><font color="#030303" face="Arial" size="2">Năm học
2006-2007, trường nhận thêm 24 HS của hai mái ấm Ánh Sáng và Ga Sài Gòn.</font></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">Giữa năm 1999, anh Cát Tường nhờ Đoàn phường 6, quận
3 giúp cho một nhà kho cũ làm chỗ học. Đến năm 2002, lớp học lại được “nâng cấp”
đến Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi quận 3. Bọn trẻ bụi đời vậy mà hiếu học
nên ai cũng thương. Rồi sau đó Trường tiểu học Lương Định Của đứng ra bảo trợ,
tiếp nhận hết HS Cây Bàng về học tại trường. Cô hiệu trưởng Vũ Thị Mỹ Hạnh cho
biết: “Nếu để các em học theo kiểu được chăng hay chớ như thế thì không biết đến
bao giờ mới xong phổ cập”. </font><p class="pBody"><font face="Arial" size="2">
Thùy Loan, HS lớp 5/3, từ nhỏ đã phải đi bán vé số mưu sinh. Những ngày đầu vào
học ngôi trường mới, em mặc cảm lắm. Nhưng rồi nhờ được thầy cô và các bạn kèm
cặp, động viên nên giờ đây Loan không còn cảm thấy tủi thân nữa. Nhìn Loan và
các học trò Cây Bàng ngày ấy ăn mặc tinh tươm, vai đeo khăn quàng đỏ thắm cùng
nhảy dây với bạn bè trong giờ ra chơi mới cảm nhận hết niềm hạnh phúc được “đổi
đời” của các bạn nhỏ này. Anh Cát Tường tâm sự: “Hồi đó mình chỉ mong giúp các
em biết đọc biết viết…”. </font></p>
<p align="right"><i><font face="Arial" size="2"><b>Theo Tuổi Trẻ</b></font></i></p>
</body>
</html>