<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Đồng Tháp - một điểm đến du lịch</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
<span id="newscontent1_MsgSubject">Đồng Tháp - một điểm đến du lịch sinh thái</span></font></b></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2"><em>“Tháp Mười đẹp nhất bông sen <br>
Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”</em></font></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2"> (Ca dao)</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tỉnh Đồng Tháp nằm trong vùng
trũng của lưu vực sông Cửu Long, đất đai màu mỡ, xóm làng trù phú. Thị xã Cao
Lãnh cách Quốc lộ 1A 36km, cách thành phố Hồ Chí Minh 162km, ở ngay sát Đồng
Tháp Mười mênh mông, là một trung tâm mua bán sầm uất từ xa xưa. Đến Đồng Tháp
bạn sẽ được tham quan nhiều di tích lịch sử văn hóa đã có từ lâu đời.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Quần thể khu di tích Gò Tháp
thuộc xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, cách thị xã Cao Lãnh 43km về hướng Đông Bắc
có 5 di tích tiêu biểu: Gò Tháp Mười, tháp Cổ Tự, mộ và đền thờ Đốc Binh Kiều,
gò Minh Sư, miễu Bà Chúa Xứ.</font></p>
<table width="2" align="center" border="0" id="table1">
<tr>
<td><img border="0" src="Dong%20Thap.bmp" width="340" height="255"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center">
<span style="font-size: 10pt; color: #808080; font-family: Arial"><i>Sếu
đầu đỏ ở Tràm Chim (Đồng Tháp) – thu hút nhiều khách tham quan.</i></span></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Gò Tháp Mười có nguồn gốc cách
đây khoảng 2.000 năm, là nơi sinh sống của các cư dân cổ. Nhiều di vật của nền
văn minh Óc Eo được tìm thấy nơi đây. Trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và
Mỹ, gò Tháp Mười là căn cứ của các cơ quan kháng chiến của Nam bộ và Khu 8.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Kiến An Cung (chùa Ông Quách) có
từ năm 1924 do nhóm người Hoa gốc Phúc Kiến xây dựng, tọa lạc tại phường 2,
trung tâm thị xã Sa Đéc. Chùa được kiến trúc theo hình chữ “Quốc” uy nghi, bề
thế, mái lợp ngói dợn sóng theo kiểu rồng vút cong lên. Trước cửa vào chánh
điện, có hai con kỳ lân bằng đá xanh rất to, chạm khắc khá tinh xảo. Những cột,
bao lam, hoành phi, đối liễn đều chạm trổ hoa lá, chim cảnh, sơn son thiếp vàng
lộng lẫy. Chánh điện chùa thờ Quan Công (Quan Vân Trường), Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Phía trong chánh tẩm là bệ thờ ngài Quảng Trạch (Ông Quách). Sân chùa là nơi
dành để cúng tế. Kiến An Cung là một công trình văn hóa đã được công nhận là di
tích lịch sử quốc gia năm 1990. Tại đây cứ ba năm một lần có tổ chức trai đàn
cầu quốc thái dân an.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đình Tân Phú Trung tọa lạc giữa
một vùng quê cây trái xum xuê thuộc xã Tân Phú Trung (huyện Châu Thành), trên
một khuôn viên rộng 3.000m vuông. Đình xây dựng vào giữa thế kỷ 19, được vua Tự
Đức phong sắc Thần Hoàng Bổn Cảnh vào ngày 16 tháng 4 âm lịch năm 1858. Đình có
mái hình chữ “Đại”, lợp ngói tiểu ống. Trên mái ngói có hình tượng lưỡng long
tranh châu. Cột kèo đình bằng danh mộc, được lộng khắc tinh xảo. Các bức hoành
phi, liễn đối sơn son thếp vàng với nét chữ sắc sảo. Đình thờ Quan Thánh Đế và
Thần Hoàng Bổn Cảnh ở bàn thờ chính, hai bên thờ những người có công lao với
đình. Hàng năm, hội cúng đình được tổ chức vào các ngày 10 đến 17 tháng 4 âm
lịch (năm chẵn), các ngày 12 đến 13 tháng năm âm lịch (năm lẻ), thu hút rất đông
người, tạo nên không khí vui vẻ và nhộn nhịp.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn
Sinh Sắc, một nhà nho yêu nước, được xây dựng trên diện tích 3,6 ha tại thị xã
Cao Lãnh, khánh thành ngày 13-2-1977. Đây là công trình ghi ơn cụ Nguyễn Sinh
Sắc, người đã sinh thành ra vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam – Bác Hồ.
Hàng năm, vào ngày giỗ cụ Phó bảng (27-10 âm lịch), đông đảo bà con địa phương
và các nơi về dâng hương tưởng niệm.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Khu căn cứ Xẻo Quýt rộng 20ha nằm
giữa rừng tràm nguyên sinh ngập nước cách thị xã Cao Lãnh hơn 30km. Nơi đây kinh
rạch chằng chịt, hiểm trở, lau sậy mịt mùng với những vạt tràm xanh thẳm, hoang
vu, là căn cứ của Tỉnh ủy Kiến Phong (nay là Đồng Tháp) trong những năm chiến
tranh chống Mỹ. Dù bị địch càn quét dữ dội, dù biết bao lần bị B.52 và pháo bầy
của giặc chà xát nhưng Xẻo Quýt vẫn hiên ngang đứng vững đến ngày toàn thắng
(30-4-1975). Ngày nay, các công sự, hầm ngầm, hầm bí mật, nhà họp của Tỉnh ủy
được phục chế lại như xưa nhằm phục vụ cho du lịch truyền thống và về nguồn. Bạn
sẽ được sống lại khung cảnh của một thời chiến khu xưa, nếu đi xuồng chèo xuyên
qua những con rạch nhỏ hoang sơ, tĩnh lặng giữa rừng tràm Xẻo Quýt.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Rời những di tích trên, chúng ta
đến những danh thắng của Đồng Tháp:</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Vườn Quốc gia Tràm Chim thuộc địa
phận huyện Tam Nông, có diện tích 7.588ha nằm trên địa hình đa dạng của vùng đất
ngập nước vào mùa mưa, khô cạn vào mùa nắng. Đây là xứ sở của tràm, lau, sậy,
năn, lác, sen, súng, lúa ma cùng với trăn, rắn, lươn, rùa và hơn 50 loài cá.
Vườn quốc gia Tràm Chim có đến 198 loài chim nước, chiếm ¼ số loài chim có ở
Việt Nam, trong đó có nhiều loài chim quí hiếm như: sếu cổ trụi, ngan cánh
trắng, te vàng, cò, bồ nông, diệc, vịt trời, già đãy Java. Loài chim điển hình
nhất ở Tràm Chim là sếu cổ trụi (còn có tên gọi là sếu đầu đỏ hay hạc). Vào mùa
khô, bắt đầu từ cuối tháng Chạp đến đầu tháng 5 âm lịch, sếu đầu đỏ bay về Tràm
Chim trú ngụ. Chúng cùng các loài chim khác kiếm ăn tạo ra cảnh quan rất sinh
động. Vườn Quốc gia Tràm Chim là một bảo tàng thiên nhiên, một khu du lịch sinh
thái rất hấp dẫn.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hàng năm vào các ngày 16 tháng 3
âm lịch, ở Gò Tháp Mười có lễ hội vía Bà Chúa Xứ, cử hành rất trọng thể với sự
tham dự của đông đảo khách thập phương. Lễ giỗ Đốc Binh Kiều được cử hành vào
các ngày 15, 16 tháng 11 âm lịch. Trong các lễ hội thường có các lễ: cầu an,
thảnh sanh, tế Thần Nông, cúng Ông (Đốc Binh Kiều) hoặc cúng Bà Chúa Xứ theo
nghi thức cổ truyền với nhạc lễ long trọng và trang nghiêm cầu cho quốc thái dân
an, mùa màng tươi tốt. Những màn múa lân, hát bội, đấu võ, lửa trận... đã tạo
nên không khí lễ hội rộn rịp, sôi nổi, hấp dẫn nhiều người.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đồng Tháp - điểm đến của du lịch
sinh thái, về nguồn đang chờ bạn khám phá.</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo Cần Thơ</i></b></font></p>
</body>
</html>