<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=utf-8">
<title></title>
<div>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=utf-8">
<title></title>
<div style="text-align: justify;">
<p class="MsoNormal"><strong style="font-size: 12px;"><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><span style="line-height: 13.910000801086426px;">Bình Thuận ngày 1 tháng 10 năm 2014,</span></span></span></strong></p>
</div>
<div style="text-align: justify;"><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"> Mùa thu năm 1993…</span></span></strong></div>
<div><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">“ Oe…oe…oe…” ngày mà con cất tiếng khóc chào đời là vào buổi bình minh ấp áp, có mùi vị của hương ổi hòa lẫn vào màn sương mờ buổi sáng, con nghe đâu đó tiếng sóng biển vỗ rì rào, những rặng phi lao ngày đêm vẫn miệt mài thổi những khúc nhạc du dương, choàng tỉnh giấc, con đã nhìn thấy một khuôn mặt hiền lành, phúc hậu, mặc cho con khóc thét nhưng vẫn mỉm cười với con, không ai khác đó chính là bố…</span></span></strong></div>
<div> </div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Bố biết không? Hình tượng của bố đã đi vào lòng con nhẹ nhàng như vậy đấy, và từ cái ngày ấy, con lớn dần lên trong lời ru của mẹ, được tắm mát trong tình yêu của bố. Ngay từ nhỏ, tâm hồn con đã được tưới mát bởi những câu chuyện mà bố từng kể con nghe. Nơi mà chỉ có bạt ngàn cây rừng, mênh mông sóng nước, không biết con có phải là con của bố - con của một người lính biển hay không mà con lại yêu màu áo của lính hải quân đến như vậy. Ngày ấy còn bé, biển qua cách nhìn của một đứa trẻ như con thật sự là rất đẹp và bình yên, biển khi ấy chỉ đơn giản là niềm vui nghịch ngợm với những con sóng bạc đầu tung bọt trắng xóa, cái cảm giác mát rượi của chất nước màu xanh, mằn mặn cứ vấn vương trên da thịt, cái sắc xanh lơ thuần khiết ấy của nước biển thỉnh thoảng được điểm xuyến bởi một vài sắc màu, đó là những cánh buồm trắng. Trong suy nghĩ đơn giản của con ngày ấy, biển là nơi con biết định nghĩa đơn sơ về cái gọi là bình yên. Biển vẫn mằn mặn, vẫn nuôi dưỡng những giấc mơ của con nhuốm màu cổ tích. Sau này khi lớn dần lên, nhìn sự khó nhọc và vất vả của bố mẹ và những người dân chài nơi đây trong cuộc sống mưu sinh hằng ngày, con hiểu rằng, biển không chỉ đẹp và bình yên mà ở nơi ấy còn chứa đựng biết bao nhiêu nguy hiểm đang rình rập.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Con còn nhớ, lá thư mà lần đầu tiên mà bố gửi từ đảo về đất liền cho mẹ con con là sau một tháng bố đi nhập ngũ. Trong thư, bố kể con nghe rất nhiều chuyện về cuộc sống của những người lính biển, mặc dù thiếu thốn rất nhiều nhưng họ vẫn lạc quan yêu đời, vẫn hát với cây đàn ghi ta, giữa biển khơi, vào những đêm trăng sáng, bố và mọi người quay quần và cùng hát bên nhau, bố còn kể ngoài những lúc làm nhiệm vụ, bố và những người đồng đội trồng rau, nuôi heo, nuôi gà, bố luôn tự hào với con: “ rau cải bố trồng xanh và tươi tốt lắm”. Bố biết không? Đọc xong câu ấy, con chỉ ước mình đang ở ngay ngoài đó để được nhìn thấy xem rau tốt như thế nào mà làm bố của con vui và tự hào đến vậy. Bố đã đi theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc từ năm con 8 tuổi và năm con lên 10, bố mới được đặc cách cho về thăm gia đình mấy ngày, những ngày ấy, con vui và hạnh phúc lắm, con quấn quýt bố không rời nửa bước, được tha hồ nghe bố kể chuyện, được tha hồ nhìn ngắm khuôn mặt và cả những nụ cười giòn tan của bố. Nhìn kĩ dưới làn da ngăm đen vì rám nắng, con gật gù hỏi bố: bố ơi! Những chú cùng đi với bố có về không ạ? Con nhớ lúc ấy, bố nhìn ra biển khơi xa xăm và trả lời con: </span></span></div>
<div style="text-align: left;"> </div>
<div style="text-align: left;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"> - Họ không về con ạ</span></span></div>
<div style="text-align: left;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"> - Vì sao vậy bố?</span></span></div>
<div style="text-align: left;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"> - Vì đồng đội của bố có rất nhiều những người lính trẻ, họ đi theo tiếng gọi của tổ quốc khi chưa lập gia đình con ạ, cũng còn có những người không thể trở về được nữa.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"> Nghe xong câu trả lời ấy, cuối cùng con cũng hiểu tại sao bố lại trầm ngâm và nhìn xa xăm như vậy, hóa ra còn có những người đi lính khi tuổi đời còn còn rất trẻ, họ hy sinh cả tuổi xuân, hy sinh cả những mối tình còn đang chớm nở để dành cả sự nhiệt huyết của mình bảo vệ quê hương. Nhanh thật đấy! Cuối cùng khoảng thời gian bố được về phép cũng đã hết, ngày bố trở lại nơi đảo xa, biển trở nên buồn đến lạ, gió vẫn thổi và sóng vẫn xô bờ nhưng con thấy hoàng hôn được bao phủ bởi một màu tím buồn bố ạ.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Bất chợt, con được lắng nghe một bản nhạc: “chút thư tình người lính biển”, bản nhạc với giai điệu và ca từ tha thiết, giàu cảm xúc như một câu chuyện kể về những người lính có khi là hy sinh oanh liệt, có khi là hy sinh thầm lặng…ngỡ như đó là tiếng vọng về từ một nơi nào đó xa lắm. Ở nơi những người lính, con cảm nhận được một điều gì đó rất lạ, rất riêng, nó không quá khô nóng như những vùng đất nơi hoang mạc, cũng không lạnh lẽo như vùng Siberi băng giá, mà nó như hạt mưa thấm dần trong đất, ấp ủ và nuôi dưỡng những mầm sống mới, để rồi từ đó, loài cây ấy lớn dần lên. Những người lính không chỉ dành tình yêu của mình cho gia đình, cho những người ở lại mà đằng sau ấy còn có một tình yêu lớn hơn là tình yêu với quê hương, đất nước. </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"> </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><br />
</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Bố đã đến cuộc đời này như là định mệnh vậy, định mệnh hết sức tuyệt vời phải không ? bố trao gởi nơi con tình yêu chân thành, uốn nắn và dìu dắt con trên đường đời. Dù có khó khăn hay vấp ngã, con vẫn vững tin bước tiếp, vì con biết, ở phía cuối con đường có bố đang dõi mắt và chờ con. Con biết rằng, tâm tình của bố cũng giống như tâm tình của những người lính biển ngoài kia, vẫn đang miệt mài, bao dung và nặng lòng với cuộc sống, nặng lòng với biển và nặng lòng với vùng trời của tổ quốc, bố và những người lính biển cũng giống như những hạt phù sa bồi đắp cho những bãi bồi để vùng đất ven sông ngày càng trở nên tươi tốt.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Ngày ấy...giờ chỉ còn là những hoài niệm, chuyện cũ giờ chỉ còn những vân thơ! Kỉ niệm thân thương ơi, hãy đưa ta về với ngày ấy, đưa ta về với những thời khắc tinh khôi nhất của đời người. Bố à! Mặc dù mùa thu ở vùng biển mình rất đẹp, nhưng con vẫn thích mùa hạ nhất, vì mùa hạ có mưa bố à, nước mưa hòa lẫn vào nước mắt, người ta sẽ không biết con đang khóc, những cơn mưa tưới mát và nuôi dưỡng hồn con, đánh thức trong con biết bao nhiêu kỉ niệm hồn nhiên và thơ dại, kí ức vẫn còn đó, vẫn đẹp và nguyên sơ như chính bố và những người lính biển vậy. Bố có nhớ chăng, đã có lần, bố kể cho con những câu chuyện về người lính biển và cuộc sống nơi ấy.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Con ơi! Hãy lắng nghe, nghe thành phố thở…</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Khi đó, con thấy bố cười, nụ cười rạng ngời, chắc bố hạnh hạnh phúc vì điều ấy lắm. Đúng vậy! chắc không chỉ có bố mà những người lính biển cũng tự hào và hãnh diện lắm, chẳng phải bây giờ con vẫn thấy bố sao? Có những khi suy nghĩ trầm ngâm, suy tư về một điều gì đó, ánh mắt bố xa xăm hơn, nỗi ưu tư còn vương trên nét mặt, nhìn dưới ánh đèn mờ ảo, phảng phất trên mái tóc ấy môt chút gì đó yên bình. Con nhớ có lần bố đã nói với con về mùa hạ nơi đảo xa, nới ấy, mùa hạ đỏng đảnh như một người thiếu nữ, lúc giận hờn với cái nắng chói chang, khi lại yếu mềm trong cơn mưa rào hổi hả. Gió ùa về mang theo vị mặn của biển cả tôi luyện cho những người lính biển làn da rám nắng. Bố có nghe thấy tiếng vỗ rì rào nơi đầu sóng ngọn gió, dư vị mặn nồng của biển cả hay không? Nhưng con thì vẫn nghe thấy đấy, biển vẫn vậy, chẳng khi nào thôi biếc xanh và dập dềnh sóng nước. Biển luôn là một cái gì đó xa vời mà sâu thẳm, mênh mang. Với những dòng suy nghĩ bất tận, tưởng chừng gió thổi qua nơi ấy và sẽ chẳng còn gì trên bờ cát thời gian. Nhưng không. Khi áp tai vào miền kí ức ấy, dù gió có thổi cũng chỉ mang những hạt cát hòa lẫn vào biển cả, làm sóng biển lấp lánh hơn, và dù gió có thổi, cũng chỉ làm khóe mắt con cay…</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Gió buổi chiều đỏng đảnh lắm bố ạ, nó lả lướt trên từng vạt áo vừa như thể muốn nhấn chìm tất cả ưu tư, có khi lại như muốn vỗ về, lúc ấy con lại nhớ về câu hỏi con từng hỏi bố: </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"> - Bố ơi! Sao xa kia chẳng thấy nước, thấy bờ, cũng không thấy cây, không thấy người ở đó.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Lúc ấy, bố đã mỉm cười xoa đầu con: </span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"> - Con à! Con có nhìn thấy những cánh buồm kia không:</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"> - Vâng, con thấy rồi bố ạ.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"> - Theo cánh buồm đó đi mãi đến nơi xa, sẽ có cây, có cửa, có nhà, nhưng nơi đó bố chưa hề đi đến.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"> - Bố mượn cho con cánh buồm trắng nhé?</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"> Để con đi…</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Bố không trả lời con, ánh mắt mênh mang, chỉ nhìn về phía cuối con chân trời..có lẽ lời của con như tiếng sóng thầm thì, hay tiếng lòng của bố từ một thời xa thẳm và lần đầu tiên trước biển khơi vô tận, bố gặp lại mình trong những giấc mơ con. Giờ đây, vẫn ánh hoàng hôn vàng vọt ấy,vẫn rặng phi lao ngày nào, vẫn khung cảnh như xưa, nếu có khác, có chăng là rặng phi lao đã già hơn xưa, nếu có khác là con đã lớn và nếu có khác là đôi khi vô thức, con chợt thấy hình bóng của bố, cười cười, nói nói với con…nhớ nhớ…quên quên…vỡ òa cảm xúc.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Bó biết không? Chính tâm hồn của người lính đã neo đậu vào tâm hồn con những gì đẹp đẽ và trinh nguyên nhất. Chẳng phải bố vẫn tự hào mình là một người lính biển đó sao? người lính hóa thành cột mốc kiên định cắm vào lòng đất bởi đất nước gian lao, khi tổ quốc gọi bố cũng những chàng thanh niên sẵn sàng lên đường để canh giữu Trường Sa_quần đảo máu thịt của quê hương. Cái ngày ấy, con đã rất muốn nói: bố ơi, bố đừng đi! Nhưng con và mẹ đều biết, bố để tình yêu tổ quốc trong lồng ngực, tình yêu của một người lính biển, tổ quốc cần và bố đã ra đi. Con và mẹ đều mong ngóng thư của bố về, mỗi cánh thư về từ đảo xa, bố thường nói rằng biển xa lắm xa xăm, nơi bố đóng quân là một vùng đảo nhỏ, bên đồng đội thân yêu. Mặc dù con rất muốn bố trở về nhưng con biết trái tim bố chia làm hai: một nửa cho gia đình và một nửa cho quê hương, con cũng biết con là con của người lính biển, là con chấp nhận hy sinh đi cái quyền được ích kỉ. Ở hai đầu nỗi nhớ, bố gửi gắm yêu thương vào nơi những người đồng đội, gửi vào con và mẹ, gửi vào biển khơi, tất cả hòa quyện với nhau thành một tình yêu lớn. Bố từng nói với con: “bố đi bảo vệ tổ quốc nhưng cũng là bảo vệ cho mẹ con con, đặc biệt là con gái bé bỏng của bố”. Đó là tâm tình của bố hay cũng chính là tâm tình của người lính biển dành cho gia đình bé nhỏ của mình.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Mỗi bức thư về bố thường nói rằng: “ở nơi xa xôi không có ánh điện nguy nga nhưng như chốn phồn hoa đô thị nhưng ánh lửa yêu thương lại chưa bao giờ nguội tắt. Những đêm khuya canh gác, ngước lên nhìn cả rừng trăng sao, bố đều nhớ về ngôi nhà nhỏ ven biển, bố luôn dõi mắt về con. Giờ đây, tất cả đã xa rồi, chỉ còn tiếng sóng biển thắp hoài nỗi nhớ. Ngày ấy, bố đã ra đi và bây giờ bố không bao giờ trở lại nữa, bố đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ_một năm sau lần bố trở về thăm gia đình. Con vẫn biết cuộc sống nơi đảo xa xôi sẽ không tránh khỏi hy sinh, mất mát, chỉ có điều bố ra đi quá vội vã, còn có rất nhiều điều con chưa kịp nói, ngày nhận được giấy báo tử, mẹ không cho con khóc, nhà mình treo khăn màu đỏ, thì mẹ nói rằng: bố hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ là hy sinh cho tổ quốc, chúng ta phải vui vì điều đó. Nhưng bố à, mỗi đêm chợt tỉnh giấc, con thấy cánh tay mình nóng hổi, tưởng nhà mình bị nước mưa rột xuống, ngưng không phải bố à, đó là những giọt nước mắt của mẹ, mẹ đã âm thầm chịu đựng nỗi đau như vậy đấy, hóa ra không chỉ có con đau mà mẹ cũng đau lắm, chỉ có điều mẹ cố giấu những giọt nước ấy để nó tuôn chảy khi đêm về.</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Hôm nay, vào đêm trăng mùa thu, nó cũng đẹp như cái đêm mà con được sinh ra vậy, chỉ có điều là hôm nay là kỉ niệm 10 năm ngày bố mãi mãi ở lại với lòng biển, ở lại cùng với những người lính, người đồng đội trên thiên đường. Viết bức này với tất cả tấm lòng và tình yêu của mẹ con con gửi tới bố. Để nói với bố rằng: nơi đây mẹ con con vẫn khỏe, dù đôi lúc gió thổi làm khóe mắt cay nhưng mẹ con con chưa bao giờ trách bố cả, con và mẹ mãi mãi tự hào về bố và những người lính biển. Ở trên đó, bố hãy nhắn giùm với họ: cảm ơn những hy sinh mà họ đã làm để dành trọn tình yêu cho tổ quốc, cảm ơn vì họ đã cho con và mẹ cũng như mọi người có được mùa thu yên bình, có được cuộc sống bình yên như ngày hôm nay, cảm ơn! Cảm ơn vì tất cả. Ở trên đó bố có thấy chiếc đèn lồng được thắp sáng, mang theo bức thư cùng tình yêu của con bay lên không? Bố hãy nhận và đọc nó bố nhé! Cảm ơn bố đã đến, cảm ơn vì bố đã là bố của con, bố cũng giống như những người lính biển mãi mãi trong lòng con, ồn ào…bất tận…</span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: right;"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;">DƯ THỊ THANH THỦY</span></span></strong></div>
<div style="text-align: right;"><strong><span style="font-size: small;"><span style="font-family: Arial;"><span style="line-height: 107%;">(Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM)</span></span></span></strong></div>
</meta>
</div>
</meta>
</div> </html>