<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div>
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=utf-8">
<title></title>
<div class="style2" style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"> <strong>Hoàng Sa trong những ngày dậy sóng, dông gió, căng thẳng và hiểm nguy, trên những con tàu Cảnh sát biển Việt Nam đang cùng nhau thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, hai chữ “đồng đội” - hơn lúc nào hết, trở nên rất dễ hiểu, dễ cảm nhận.</strong></span></span></div>
<p class="style2" style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><strong> </strong>Chúng tôi muốn định nghĩa hai chữ “đồng đội” trong người chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam bằng những câu chuyện nhỏ mà mình đã tận mắt nhìn thấy sau nhiều ngày có mặt tại Hoàng Sa, được tác nghiệp ở nhiều tàu Cảnh sát biển khác nhau. </span></span></p>
<p class="style2" style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><strong>Hành trình đi tìm tàu KN951</strong></span></span></p>
<p class="style2"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><strong> </strong>Tôi không quên được khoảnh khắc lúc 14h18 phút ngày 23-6, khi mặt biển hiện ra trước những ô cửa kính của cabin buồng lái tàu Cảnh sát biển 8003 sau hành trình 2 tiếng đồng hồ đi tìm tàu kiểm ngư (KN) 951 vừa bị Trung Quốc vây ép, đâm va rất nặng nề lúc 9h30 phút sáng. Khoảng không trước mặt là một tốp 4 tàu chấp pháp Việt Nam: tàu cảnh sát biển 4033 rồi đến 3 tàu kiểm ngư Việt Nam đang ở khoảng cách rất gần, cứ lần lượt hiện ra trước những ô cửa cabin buồng lái. Chúng tôi tìm tàu KN951 nhưng không thấy đâu. Một sĩ quan chỉ về phía xa: một chiếc tàu màu xám nhỏ bé ở tít đàng xa đang tăng tốc chạy lại gần. Thì ra, sau khi bị đâm va, tàu KN951 vẫn trở thành mục tiêu tấn công của Trung Quốc. Họ hung hãn muốn tấn công 951 cho đến lúc triệt tiêu hẳn sức sống con tàu và uy hiếp đến cùng tinh thần các kiểm ngư viên tàu 951. Nhận biết ý đồ đó của tàu Trung Quốc, các tàu Việt Nam đã tạo thành một vành đai chắc chắn bảo vệ cho 951. Bốn con tàu Việt Nam dàn hàng ngang làm thành vòng chắn phía trước, tàu 951 ở phía sau. Chỉ là một con tàu từ sắt thép mà thôi, nhưng sao lúc ấy tôi cảm thấy 951 như là một thực thể có cảm xúc, rất vui, hớn hở chạy về phía các tàu đồng đội. Nhìn đuôi tàu bị bẹp dúm, biến dạng, nhiều phần lan can bị bay mất, nhiều thủy thủ trên tàu CSB8003 ngậm ngùi nói: nó đâm tàn bạo quá.</span></span></p>
<p class="style2">
<table border="0" width="640" height="427" align="center">
<tbody>
<tr>
<td class="style2" style="text-align: center;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><img src="https://lh3.googleusercontent.com/-SXZuSIZz6HE/VGMtn4kioWI/AAAAAAAAANQ/XEVCyGYFsDI/w640-h427-no/3.jpg" width="640" height="427" border="0" alt="" /></span></span></td>
</tr>
<tr bgcolor="#f5f5f5">
<td class="style2" style="text-align: center;">
<div>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0.0001pt; text-align: center; line-height: 150%;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><em>Ảnh 1: Tàu Kiểm ngư Việt Nam bị tàu Hải cảnh Trung Quốc bao vây uy hiếp. (Ảnh : My Lăng) </em></span></span></p>
</div>
</td>
</tr>
</tbody>
</table>
</p>
<p class="style2" style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Nghe các thủy thủ kể, sau khi đâm liên tiếp 2 lần vào tàu 951, các tàu Trung Quốc tiếp tục vây ép, lúc đó các tàu Việt Nam đã cơ động lại gần để ứng cứu. Đặc biệt là tàu CSB4033 – tàu có tốc độ nhanh nhất trong nhóm – cùng với các tàu kiểm ngư nhỏ đã không ngại hiểm nguy cho chính tàu mình, cùng đến hỗ trợ, bảo vệ tàu 951. Tất cả cùng mở loa tuyên truyền phản đối Trung Quốc và một số thủy thủ trên tàu CSB4033 đã dũng cảm đứng trước mũi, sau lái, hai bên mạn tàu quay phim, chụp ảnh cảnh tượng hung hãn của các tàu Trung Quốc. Trung Quốc rất ngại những hình ảnh phản cảm của họ sẽ bị đưa ra khắp thế giới, cho nhân dân khắp các quốc gia biết rõ bản chất côn đồ của họ. Nên khi nhìn thấy những máy quay, máy ảnh đang chĩa về mình, sự hung hăng của Trung Quốc mới chịu dịu xuống. Giữa Hoàng Sa xa xôi, cách trở, trước sự áp đảo quá chênh lệch về số lực lượng tàu cũng như kích thước, tốc độ, sự hỗ trợ của các tàu Việt Nam dành cho nhau là cách đó. Trước sự manh động, hung hăng của Trung Quốc, có thể bị vây ép, đâm va bất cứ lúc nào nhưng những con tàu Việt Nam nhỏ bé vẫn dũng cảm tìm cách hỗ trợ, che chở cho nhau. Họ không thể bỏ rơi đồng đội ngay lúc gian nguy, dù chính bản thân mình bất cứ lúc nào cũng có thể trở thành mục tiêu của Trung Quốc trong giây phút.</span></span></p>
<p class="style2" style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Những ngày sau đó, Trung Quốc vẫn quyết tìm cách tấn công lần nữa vào tàu 951. KN951 vẫn kiên cường cùng đội hình tiến vào gần giàn khoan làm nhiệm vụ. Và tàu CSB4033 luôn kèm sát bên cạnh che chắn, hỗ trợ cho KN951 – cũng trở thành mục tiêu “tìm và diệt” của các tàu Trung Quốc. Ở giữa nơi như thế này, không cần phải chia nhau một ngụm nước ngọt, chẳng cần phải nhường nhau một miếng rau xanh, chỉ là bên nhau trong khoảnh khắc ấy thôi, cũng đã khiến cho những người có mặt trên tàu đều cảm nhận rất rõ, rất thật về hai từ “đồng đội” thiêng liêng.</span></span></p>
<p class="style2" style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Trước đó, sáng ngày 29-5, lúc 8h40, 4 tàu Trung Quốc đã vây ép, truy đuổi tàu KN951 – lúc này đang cách xa các tàu CSB. Hai trong số 4 tàu Trung Quốc đã tăng tốc truy cản tàu KN951. Khi tàu KN951 vòng tránh sự vây ép của 2 tàu này thì lập tức 2 tàu Trung Quốc còn lại tăng tốc lao đến chặn đầu, ép sát hai bên mạn tàu KN 951. Tình thế này gây khó khăn cho việc quay trở của tàu 951. Nhận thấy khả năng 951 sẽ bị đâm húc, tàu CSB8003 đã kịp thời báo cáo và nhanh chóng tăng tốc vừa cơ động đến gần hỗ trợ KN951 vừa phát loa phản đối. Bản thân tàu CSB8003 lúc đó cũng đang bị 4 – 5 tàu Trung Quốc lù lù vây quanh. Trong đó tàu Hải cảnh 3411 chỉ cách tàu CSB8003 khoảng 200m. Các tàu Trung Quốc cùng lúc mở loa công suất lớn, hú còi ủ như những tiếng bò rống để uy hiếp 8003. Tàu Hải cảnh 3210 còn tách khỏi đội hình đang vây ép KN951, lao thẳng về tàu CSB8003 với tốc độ cao để uy hiếp và đột ngột dừng lại khi cách 8003 chỉ có …50m! Tàu 8003 vẫn bình tĩnh không rời vị trí. Sự xuất hiện của tàu CSB8003 – một trong hai con tàu to nhất của Cảnh sát biển Việt Nam - thì các tàu Trung Quốc mới ngừng cuộc vây hãm, truy cản tàu KN951 kéo dài 25 phút.</span></span></p>
<p class="style2"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><strong> Là đôi mắt trong đêm tối cho KN630</strong></span></span></p>
<p class="style2" style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">5h30 phút sáng ngày 28-5, chỉ một ngày sau khi Trung Quốc dịch chuyển giàn khoan ra 22 hải lý về phía Đông Nam đảo Tri Tôn, tàu KN630 đã bị 2 tàu Trung Quốc cùng lúc phun vòi rồng tấn công liên tục trong 30 phút vào mạn trái và mạn phải, phía trước và sau mũi tàu. Chỉ khi tàu CSB8003 – lúc đó đang cách KN630 khoảng 5 hải lý về phía Tây giàn khoan – đến hỗ trợ thì KN630 mới thoát khỏi sự tấn công của các con “trâu điên” của Trung Quốc.</span></span></p>
<table border="0" width="640" height="427" align="center">
<tbody>
<tr>
<td class="style2" style="text-align: center;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><img src="https://lh6.googleusercontent.com/-giB_efE7qkM/VGMtpYrRpnI/AAAAAAAAANM/AWC3xHuA5iw/w640-h427-no/5.jpg" width="640" height="427" border="0" alt="22h46 phút đêm 14-6, không quản vất vả và nguy hiểm, tàu CSB4032 vẫn hạ xuồng qua tàu KN952 chở bác sĩ đến khám bệnh cho một kiểm ngư viên bị sốt cao trên 40 độ ở tàu KN767. " /></span></span></td>
</tr>
<tr bgcolor="#f5f5f5">
<td class="style2" style="text-align: center;">
<div>
<p class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0.0001pt; text-align: center; line-height: 150%;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><em>Ảnh 2: 22h46 ngày 14/6 ,tàu CSB4032 hạ xuồng qua tàu KN952 chở bác sĩ đến khám bệnh cho một kiểm ngư viên bị sốt cao trên 40 độ ở tàu KN767. ( Ảnh : My Lăng) </em></span></span></p>
</div>
</td>
</tr>
</tbody>
</table>
<p class="style2" style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Sau khi bị tấn công nghiêm trọng lần thứ hai này (lần thứ nhất cách đó 5 ngày khiến 3 kiểm ngư viên bị thương), hệ thống thiết bị điện trên cabin của tàu KN630 bị chập cháy mà toàn bộ hệ thống radar cũng tê liệt hoàn toàn. “Anh em bản lĩnh lắm. Tàu bị hư hỏng, anh em thì bị thương nhưng KN630 vẫn xin ở lại làm nhiệm vụ. Bị mất hết radar, KN630 vẫn tham gia đội hình bình thường, không kêu ca gì cả. Thời điểm đầu tàu CSB8003 vào gần, ở tốp tàu tốc độ nhanh nhưng chạy chậm để phóng viên tác nghiệp, khi thấy phía sau có các tàu Trung Quốc đang tăng tốc truy cản, tàu 630 nói với 8003: các anh cứ chạy chậm để phóng viên kịp tác nghiệp, chúng tôi sẽ chạy phía sau bảo vệ cho 8003”, một sĩ quan tàu CSB8003 kể.Cũng trong ngày 28-5, khi bóng tối phủ xuống bao trùm Hoàng Sa, nhóm các tàu Việt Nam gồm KN952, 771, 774 và 630 vẫn tiếp tục bị các tàu Trung Quốc bám sát trong cả đêm. Mất radar, chẳng khác nào như người bị bịt mắt đi giữa đêm tối, KN630 phải nhờ tàu CSB 8003 kèm cặp, chỉ huy dẫn đường vào ban đêm. Mỗi khi có tàu Trung Quốc chuẩn bị tiếp cận đội hình, tàu CSB8003 lại thông báo cho KN630 biết tàu Trung Quốc đang đi hướng nào, gồm mấy tàu, vận tốc, khoảng cách bao nhiêu… để 630 cơ động vòng tránh. Nhiều lần vừa bị tàu Trung Quốc truy cản, vừa phải tìm cách phá vỡ ý đồ vây ép, đâm va của các tàu Trung Quốc, tàu CSB8003 vẫn không quên nhiệm vụ dẫn đường cho tàu KN630. Những ngày đó, tàu 630 luôn chạy gần bên tàu CSB 8003 to lớn, vững chãi như một cậu em trai nhỏ bé đi bên người anh cao lớn. Ban ngày còn đỡ, màn đêm buông xuống giữa biển cả mênh mông và trong tình huống mặt biển dày đặc tàu Trung Quốc luôn lăm le lợi dụng đêm tối đâm lén tàu Việt Nam thì trách nhiệm hướng dẫn, kèm cặp đảm bảo an toàn hàng hải cho tàu KN630 càng nặng nề và căng thẳng hơn.</span></span></p>
<p class="style2" style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Một tuần sau, KN630 mới khắc phục được hệ thống radar. Và trong suốt một tuần đó, CSB8003 luôn kèm cặp, là đôi mắt chỉ đường cho KN630 suốt 24/24.</span></span></p>
<p class="style2" style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><strong>15 phút đầy kịch tính</strong></span></span></p>
<p class="style2" style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Đó là tình huống diễn ra vào ngày 21-6, khi tàu CSB8003 cùng đội hình hoạt động ở hướng Tây Nam giàn khoan và bị 10 tàu Trung Quốc hùng hổ lao ra định đâm va, phun vòi rồng. Trong lúc các tàu Trung Quốc đang truy cản gần đến nơi với tốc độ 8 – 9 hải lý/giờ (tương đương 14.6 – 16.4km/giờ) thì tàu CSB2016 bất ngờ gặp sự cố. Bình khí nén bất ngờ bị rò rỉ, áp lực không đủ để nổ máy. Tàu không cơ động được, đứng ì một chỗ! Các tàu kiểm ngư nhỏ, tốc độ thấp được lệnh tiếp tục cơ động để kéo giãn đội hình tàu Trung Quốc.</span></span></p>
<p class="style2" style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Nhận được báo cáo sự cố từ 2016, tàu CSB8003 đang cách đó 2 hải lý (khoảng 3.7km) ngay lập tức tăng tốc, cơ động đến gần hỗ trợ. “Dựa vào khoảng cách và tốc độ, chúng tôi biết khoảng 15 phút nữa tàu Trung Quốc sẽ đến nơi. Với số lượng tàu đông như vậy, sẽ có khả năng bị lọt vào vòng vây và uy hiếp của các tàu Trung Quốc nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm quay lại ứng cứu cho 2016”, đại úy Nguyễn Văn Hưng (thuyền trưởng tàu CSB8003) kể.</span></span></p>
<p class="style2" style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Khung cảnh và tình thế lúc đó căng thẳng chẳng khác nào trong phim hành động. Trong khi tàu 2016 đang gần như bất động tại chỗ, tàu 8003 khẩn trương đến ứng cứu thì phía sau 2016 – trước mặt 8003 – các tàu Trung Quốc đang xé sóng lao đến. Trong lúc đó, tàu 2016 vẫn bình tĩnh khắc phục trục trặc về bình khí nén. Nhằm đánh lạc hướng phán đoán của các tàu Trung Quốc, tàu 8003 đã cơ động sang ngang 2016 nhằm che cản tầm nhìn của các tàu Trung Quốc vào 2016, đồng thời mở loa tuyên truyền và cho người ra boong quay phim, chụp ảnh để Trung Quốc nghĩ đó là phóng viên (Trung Quốc rất sợ những hành động chẳng tốt đẹp gì của mình lọt vào ống kính và xuất hiện khắp thế giới). Sau 11 phút, 2016 đã khắc phục được sự cố và nhanh chóng cơ động. Và vừa đúng lúc, các tàu Trung Quốc đã sát rạt phía sau lái 2016 và 8003!</span></span></p>
<p class="style2" style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><strong>Những câu chuyện trên tàu CSB 8003</strong></span></span></p>
<p class="style2" style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Đồng đội, còn là những câu chuyện nhỏ có phần như vụn vặt mà người viết đã vô tình bắt gặp trong nhiều ngày tác nghiệp trên tàu CSB8003 và ở nhiều con tàu khác.</span></span></p>
<p class="style2" style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Đó là một buổi trưa sau giờ cơm nước, mấy anh thủy thủ đang đứng trò chuyện bên mạn tàu chờ cơm xuống bụng thì phát hiện một đàn cá bò bơi sát rạt mạn tàu, nổi gần lên trên mặt nước. Một chiến sĩ lấy vợt vớt được 2 con. Đây là loại cá thịt rất dai, thơm ngon và ngọt. Hai con cá bò nhanh chóng được chuyển cho nhà bếp. Nướng cá xong, một thủy thủ chạy lên boong trên mời thuyền trưởng xuống thưởng thức đặc sản ở Hoàng Sa. Người nướng nhễ nhại mồ hôi mang ra hai con cá bò, đôi mắt đầy háo hức chờ đợi lời khen từ thuyền trưởng. Tôi hỏi hình như có cái gì ngon cũng để dành thuyền trưởng. Đó là quy định hay sao? Một người bảo: <em>không có quy định nào như vậy đâu. Tiêu chuẩn, chế độ như nhau hết. Mình quý thuyền trưởng, có cá mực ngon, số lượng ít thì mời thuyền trưởng thôi. Làm như thế thấy vui lắm</em>.</span></span></p>
<p class="style2" style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Đó là một buổi chiều, sau khi nấu nướng xong, tổ nhà bếp ngồi bên hành lang mạn tàu hóng gió cho mát. Tôi đi ngang, vô tình nhìn thấy một thủy thủ lớn tuổi đang ngồi trên bệ cửa, nhổ tóc sâu, tóc bạc cho một sĩ quan trẻ. Mọi người trêu đùa nhau cười vang cả một góc.</span></span></p>
<table border="0" width="640" height="427" align="center">
<tbody>
<tr>
<td class="style2" style="text-align: center;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><img src="https://lh3.googleusercontent.com/--_CC90I1AxE/VGMtniUNBqI/AAAAAAAAANE/3APQImEXj3E/w640-h427-no/2.jpg" width="640" height="427" border="0" alt="22h46 phút đêm 14-6, không quản vất vả và nguy hiểm, tàu CSB4032 vẫn hạ xuồng qua tàu KN952 chở bác sĩ đến khám bệnh cho một kiểm ngư viên bị sốt cao trên 40 độ ở tàu KN767. " /></span></span></td>
</tr>
<tr bgcolor="#f5f5f5">
<td class="style2" style="text-align: center;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><span class="MsoNormal " style="margin-bottom: 0.0001pt; text-align: center; line-height: 150%;"><em>Ảnh 3: Thượng úy Võ Văn Thành (trưởng ngành hàng hải tàu CSB8003) đang cắt tóc cho một thủy thủ.( Ảnh : My Lăng)</em></span></span></span></td>
</tr>
</tbody>
</table>
<p class="style2" style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">Đó là một buổi sáng trong mâm cơm, một thủy thủ tên Thành gắp miếng trứng cá rất to vào bát của thủy thủ tên Nghiêm, bảo: <em>ăn đi, miếng này ngon lắm, mới tìm thấy đấy</em>. Tôi còn nhớ ở chuyến đi trước (cuối tháng 5-2014), tàu gần hết lương thực thực phẩm, bữa cơm đồ ăn vơi đi nhiều. Đàn ông sức dài vai rộng, phải trực gác liên tục, vậy mà chẳng ai bảo ai, cứ ngầm nhường nhau từng cọng rau xanh đã úa, từng miếng thịt cắt nhỏ… Trong ca trực đêm, người viết từng không ít lần thấy thuyền trưởng pha mì tôm cho kíp trực. Ở bên tàu CSB8001, có lần tôi còn thấy thuyền trưởng … trồng rau mầm cho chiến sĩ ăn.</span></span></p>
<table border="0" width="640" height="427" align="center">
<tbody>
<tr>
<td class="style2" style="text-align: center;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><span class="style2" style="text-align: center;"><img src="https://lh6.googleusercontent.com/-6XwQe8Zu8Kw/VGMtpFh678I/AAAAAAAAANI/Pwh2a_iTnLo/w640-h427-no/4.jpg" width="640" height="427" border="0" alt="22h46 phút đêm 14-6, không quản vất vả và nguy hiểm, tàu CSB4032 vẫn hạ xuồng qua tàu KN952 chở bác sĩ đến khám bệnh cho một kiểm ngư viên bị sốt cao trên 40 độ ở tàu KN767. " /></span></span></span></td>
</tr>
<tr bgcolor="#f5f5f5">
<td class="style2" style="text-align: center;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><span class="MsoNormal" style="margin-bottom: 0.0001pt; text-align: center; line-height: 150%;"><em>Ảnh 4: Cùng bắt tay nhau chào tạm biệt lúc hai tàu chuẩn bị tách ra đi hai hướng ( Ảnh : My Lăng) </em></span></span></span></td>
</tr>
</tbody>
</table>
<p class="style2" style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;">“Anh em đoàn kết lắm. Có gì cũng san sẻ cho nhau”, thuyền trưởng tàu CSB8003 nói. Anh kể: “Tàu đi ra thì cố mua thêm nhiều rau xanh, mang thêm nhiều gà vịt để tặng cho các tàu ngoài thực địa. Báo chí, hoa quả, rau củ đất liền tặng riêng cho tàu mình cũng được phân ra từng thùng – hễ gặp tàu nào trên đường đi là gửi sang tặng. Tàu nào về bờ thì nhín lại rau xanh, thực phẩm tươi gửi cho tàu ở lại”. Như đợt đầu chúng tôi ra, tàu CSB2013 trong hành trình về đã ghé ngang gửi cho tàu CSB8003 20 mớ rau muống, 15 con gà. Trong đợt 2, tôi đi theo tàu CSB2016 – một trong những tàu nhỏ nhất của lực lượng cảnh sát biển. Dù biển động, sóng cấp 5 cấp 6, anh em thủy thủ có người say lả nhưng tàu CSB2016 vẫn ráng tranh thủ gửi cho các tàu bạn thùng trái cây, rau củ và những tờ báo Tuổi Trẻ vốn được tặng riêng cho tàu CSB2016. Người lính chẳng bao giờ nói nhiều về tình cảm của chính họ dành cho nhau. Họ không giỏi diễn đạt, bộc lộ những từ yêu thương. Nhưng những hành động nhỏ bé đó – ngay trong lúc sóng gió và hiểm nguy này – đã có sức mạnh biểu lộ hơn trăm ngàn từ ngữ, về một thứ tình cảm rất dung dị của họ: tình đồng đội <strong> </strong></span></span></p>
<p align="right" class="style2"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"><strong>MY LĂNG – Báo Tuổi trẻ</strong></span></span></p>
<div class="style2"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: small;"> </span></span></div>
</meta>
</div> </html>