<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Du lịch văn hóa Óc Eo</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
<span id="newscontent1_MsgSubject">Du lịch văn hóa Óc Eo</span></font></b></p>
<div style="float: left; width: 203px; height: 48px">
<table border="0" width="100%" id="table2">
<tr>
<td>
<img border="0" src="du%20lich%20van%20hoa%20Oc%20Eo.bmp" width="200" height="124"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><span style="font-size: 10pt; font-family: Arial">
<i><font face="Arial" color="#808080">Toàn cảnh núi Ba Thê</font></i></span></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#808080"><strong>Đi du
lịch về An Giang, người ta tưởng ngay đến các núi Sam, núi Cấm, núi Tượng, đồi
Tức Dụp... vốn có nhiều huyền thoại gắn liền với những người dân vùng đất phía
Tây Nam. Thế nhưng, bên cạnh những danh thắng nổi tiếng đó, tỉnh An Giang còn có
Di chỉ khảo cổ Óc Eo rất hấp dẫn ở núi Ba Thê (huyện Thoại Sơn), là đặc trưng
nền văn hóa vương quốc Phù Nam xa xưa. </strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Từ những
“mỏ vàng”...</strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Từ lâu, khu vực Đá Nổi, vùng giáp
ranh giữa 2 huyện Thoại Sơn và Thốt Nốt, được người dân ở đây coi là “mỏ vàng”
lộ thiên bởi đào đâu cũng thấy vàng, bới xuống vài mét là tìm được nhiều vật
dụng trang trí gia đình, với nhiều kiểu dáng khác nhau có giá trị kinh tế và
nghiên cứu văn hóa. Ông Trần Văn Hùm, nông dân ở khóm Tây Huề, phường Mỹ Hòa,
thành phố Long Xuyên, kể lại, những năm trước 1975 ông hay xuống khu vực Đá Nổi
để đặt trúm bắt lươn, giăng câu lưới vào mùa nước nổi. Ngày nào cũng có hàng
trăm người từ khắp nơi đổ về đây đào vàng, phần lớn đều là dân nghèo mong gặp cơ
may và thực tế cũng kiếm ăn được lắm. Ông bảo rằng: “Ban đêm nằm ngủ thấy có
nhiều tia sáng từ mặt đất vọt lên, ban ngày đến đào là được vàng, thường gặp
những mảnh vụn, đem phân kim được tỷ lệ rất ít. Nếu không có thì gom đất nát đem
đãi cũng được mạt vàng, cực công một chút nhưng mỗi ngày cũng kiếm được vài chục
ngàn đồng”. Tin tức lan rộng, lượng người tìm vàng ngày càng đông, mạnh ai nấy
đào bới, cứ nghĩ của trời cho!</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Sau khu vực Đá Nổi, người ta lại
phát hiện ra mỏ vàng tương tự ở khu vực Giồng Xoài, Giồng Cát chạy dài qua 2
huyện Thoại Sơn (An Giang) và Hòn Đất (Kiên Giang), trung tâm là xung quanh chân
núi Ba Thê (An Giang) đã tìm thấy được nhiều hiện vật quý hiếm, pho tượng cổ có
niên đại từ thế kỷ thứ 1-2 đến thế kỷ thứ 6-7. Năm 1913, nhân dân vùng này phát
hiện một tượng Phật bốn tay và hai bia đá khắc chữ Phạn, đã lập chùa để thờ tại
chân núi Ba Thê và có tên gọi dân gian: chùa Phật Bốn Tay. Năm 1988, tượng Phật
bốn tay được Bộ Văn hóa quyết định công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật.
Chuyện đi đào vàng ở Óc Eo, Ba Thê luôn hấp dẫn người nghe và thu hút dư luận
quan tâm. Anh Tư Chậu ở Ba Thê (cũ), xã Tân Hội (huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên
Giang) nói: “Những năm còn làm lúa mùa nổi, tôi đem máy cày qua làm mướn ở chân
núi Ba Thê, thường lượm được những đồ vật ở giữa đồng và có hình dạng rất ngộ.
Khi bằng đất nung, có lúc giống như đồng đen, thậm chí có nhiều món cầm lên cứ
ngỡ là vàng thật”.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Từ những câu chuyện có thật, mỗi
người kể cho nhau nghe lại thêu dệt đôi chút, làm phong phú thêm về giá trị vùng
Di chỉ khảo cổ Óc Eo, vẫn còn nhiều bí ẩn.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>... đến
các di tích</strong></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong nhiều năm qua, Bảo tàng
tỉnh An Giang đã phối hợp cùng Viện Khoa học Xã hội thành phố Hồ Chí Minh và
Viện Khảo cổ Hà Nội tiến hành khảo sát và khai quật một số loại hình tại vùng Di
chỉ Óc Eo (núi Ba Thê) và một số nơi khác trong tỉnh. Liên tiếp trong 3 năm, từ
1998 đến năm 2000, các nhà khảo cổ khai quật 2 di chỉ ở núi Ba Thê là khu kiến
trúc, mộ táng nằm phía Nam chùa Phật Bốn Tay và khu gò Cây Thị nằm dưới đồng
bằng. Kết quả cho thấy, đây là một dạng kiến trúc cung đình mang tính cách tôn
giáo, được xây dựng rất xưa và tồn tại đến thế kỷ thứ 9. Đặc biệt, qua đợt khai
quật cũng phát hiện một chum cải táng bằng gốm thô đường kính 0,67m, cao 0,4m,
trong chum có vài mảnh nhỏ chất hữu cơ, 5 hạt chuỗi bằng vàng và một mảnh chuỗi
vỡ bằng mã não. Tỉnh An Giang đã hợp đồng với Công ty Tu bổ di tích và Thiết bị
văn hóa (Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh) để thiết kế và xây dựng mái che cho 2
di tích này, với tổng kinh phí hơn 1 tỉ đồng, phục vụ du khách tham quan và công
tác nghiên cứu khoa học.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong lần khảo sát điền dã hồi
đầu tháng 10 năm 2001, Bảo tàng tỉnh An Giang cũng phát hiện một công trình kiến
trúc cổ nằm ở xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn có chiều dài 18m, rộng 12m và cao 3m.
Theo nhận định ban đầu của giới chuyên môn, công trình dưới dạng đền tháp còn
khá nguyên vẹn thuộc nền văn hóa Óc Eo, có niên đại khoảng thế kỷ thứ 7, 9 cách
đây hơn 1.000 năm. Ông Dương Ái Dân, Giám đốc Bảo tàng tỉnh An Giang cho biết,
ngành đã xúc tiến lập hồ sơ khoa học các khu di tích này để trình lên Bộ Văn hóa
- Thông tin năm 2002 và được công nhận di tích cấp quốc gia trong năm 2003, xem
như góp phần giữ gìn và bảo tồn di sản văn hóa, đồng thời còn có ý nghĩa to lớn
cho việc nghiên cứu về vùng đất và con người An Giang trong giai đoạn lịch sử
đầu Công nguyên.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Hồi đầu năm 2002, khi bổ sung một
chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư trên các lĩnh vực quan trọng, UBND tỉnh
An Giang cũng xác định khu Di chỉ khảo cổ Óc Eo ở núi Ba Thê là 1 trong 5 địa
bàn trọng điểm, kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển dịch
vụ và du lịch, tạo thành tuyến liên hoàn trên vùng Bảy Núi đi thẳng Hà Tiên và
ngược lại. Nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng được triển khai nhanh chóng, thu
hút du khách tham quan từ trong nước và quốc tế đến chiêm ngưỡng vùng đất có đặc
trưng nền văn hóa cổ độc đáo nhất ở ĐBSCL.</font></p>
<p align="justify"><strong><font face="Arial" size="2" color="#008000">Điểm du
lịch hấp dẫn</font></strong></p>
<table width="2" align="right" border="0" id="table1">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img style="cursor: hand" onclick="openImage('/news/images/news/560/22.jpg','340','221');" hspace="1" src="http://www.baocantho.com.vn/news/picture.aspx?file=/news/images/news/560/22.jpg&width=200&ratio=true" align="baseline" vspace="2" border="0"></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><span style="font-size: 10pt; font-family: Arial"><i>
<font face="Arial" color="#808080">Du khách nước ngoài đến tham quan di
chỉ khảo cổ Óc Eo.</font></i></span></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">Ông Huỳnh Công Mước, Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn,
nói với chúng tôi, tỉnh và huyện đã đầu tư nhiều cho Óc Eo, cố gắng hoàn thiện
cơ sở hạ tầng, phấn đấu trở thành một thị trấn du lịch-văn hóa hấp dẫn nhất ở An
Giang. Từ các nguồn vốn đầu tư, giao thông xung quanh chân núi đã được nâng cấp
và trải nhựa, rồi kéo đường dây điện thắp sáng, đường ống nước máy phục vụ sinh
hoạt của người dân, nhất là ấp Trung Sơn có đông đồng bào Khmer. Kỷ niệm
30-4-2002, Thoại Sơn đã khánh thành con đường lên đỉnh núi Ba Thê, dài hơn
2.000m và rộng 3m, với kết cấu bê tông cốt thép. Ông Mước cho biết: “Huyện đã
xây dựng cầu dây văng bắc qua hai ngọn núi Ba Thê, do Công ty Cơ Khí An Giang
đảm nhận thi công và đưa vào hoạt động hồi Tết 2003. Nhiều công trình khác như
đường dây điện thắp sáng, nhà trưng bày hiện vật di chỉ văn hóa Óc Eo... xúc
tiến triển khai, có khả năng đưa vào phục vụ ngay dịp mừng lễ Quốc khánh 2-9 sắp
tới”. Chuẩn bị cho mùa mưa năm nay, ngành Kiểm lâm An Giang tiếp tục thực hiện
kế hoạch trồng rừng, phủ xanh đất trống, sườn đồi trọc ở núi Ba Thê. Tổ chức
phát động nhân dân trồng cây ăn trái, cây gây bóng mát, xây dựng nhiều mô hình,
vườn rừng để phục vụ du khách tham quan.</font><p align="justify">
<font face="Arial" size="2">Cách trung tâm thành phố Long Xuyên khoảng 40 cây
số, Tỉnh lộ 943 dẫn về thị trấn Núi Sập, chợ Ba Thê lưu thông nhanh chóng và
nhiều công trình xây dựng cầu, cống đã thi công hoàn chỉnh đảm bảo xe tải trọng
lớn. Từ cầu kênh xáng Mướp Giăng, tuyến lộ Huệ Đức xuyên về Bảy Núi đã đầu tư
nâng cấp và xây dựng cầu đầu lộ Cô Tô thay cho chiếc phà cũ kỹ. Có thể nói, giao
thông ở núi Ba Thê tỏa về các ngả trong tỉnh, qua huyện Hòn Đất và về thị xã
Rạch Giá (Kiên Giang) không còn khó khăn, lầy lội như những năm trước đây.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Vì là trung tâm của khu vực Tứ
giác Long Xuyên, nên du khách đến tham quan núi Ba Thê không chỉ thưởng ngoạn
phong cảnh hấp dẫn đồng bằng mùa nước nổi, tham quan các di tích văn hóa Óc Eo,
làm quen với phong tục của đồng bào Khmer vùng núi, còn được dịp chứng kiến các
loài đặc sản đồng nước, như: tôm, ếch, lươn, rắn, cá... và ngay cả bông điên
điển ngon miệng của bữa cơm dân dã. Người dân Ba Thê siêng năng lao động, hiền
hậu và hiếu khách. Đó cũng là biểu hiện nét đẹp của vùng du lịch văn hóa Óc Eo,
huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.</font></p>
<p align="right"><b><i><font face="Arial" size="2">Theo Cần Thơ</font></i></b></p>
</body>
</html>