<html> <head> <meta http-equiv='Content-Type' content='text/html; charset=utf-8'> <title> </title> </head> <div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: medium;"><strong>TT - Từ tháng 12 năm ngoái, sảnh G Trường ĐH Hoa Sen bỗng “mọc” lên một cái cây. Cây được đóng bằng gỗ, sơn xanh. Những cành cây ôm đầy “hoa trái” là gần 70 quyển sách.</strong></span></span></div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
<div style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: medium;">Người qua kẻ lại ở cơ sở này (Nguyễn Văn Tráng, Q.1, TP.HCM) ai thích thì nhón lấy một quyển. Không phải trả tiền, không phải hỏi ai. Cái cây chỉ yêu cầu để lại một quyển sách khác.</span></span></div>
<div>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: medium;">Cái cây “tâm sự” trên trang Facebook Ươm mầm tri thức: “Mình được nuôi dưỡng bằng niềm tin. Niềm tin vào sự tử tế giữa con người với con người. Niềm tin một xã hội trung thực, tự giác và công bằng”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: medium;">Nguyễn Trần Hoàng Việt, anh chàng sinh viên năm 4 ngành ngoại thương ĐH Hoa Sen - người trồng cây - đã tin như thế. Đặt tên cây là Cây Tri Thức, nhưng điều Việt mong mỏi không chỉ chia sẻ tri thức với bạn bè. Cháy bỏng hơn, Việt muốn tập tành xây dựng một cộng đồng sống tử tế, trung thực, trân trọng khi nhận và tự nguyện cho đi.</span></span></p>
<p class="ck_inner_title" style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: medium;"><strong>Sự tử tế khó tìm</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: medium;">Việt rất nhiệt huyết và tràn đầy lòng tin, mặc dù khi hỏi xin ý kiến của mọi người, hầu như ai cũng lắc đầu: “Không khả thi. Thể nào cũng mất hết sách rồi bạn sẽ dẹp cái cây sớm!”. Nhưng những tiên đoán bi quan không ảnh hưởng đến quyết định của Việt. Được cái gật đầu của cô hiệu trưởng và 3 triệu đồng ủng hộ từ văn phòng Đoàn trường, Việt bắt tay làm luôn.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: medium;">Số sách tích cóp trong bốn năm làm sinh viên của Việt, cộng với số huy động tối đa từ bạn bè, thầy cô, số mua mới... được hơn 200 cuốn “làm vốn” cho cây sách. Việt nói cây chứa được 70 quyển sách nên cần chuẩn bị ít nhất gấp 3 số lượng đó “để nếu mất cũng có sách thay thế vào ngay”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: medium;">Chỉ có điều, Việt không ngờ sách mất... nhanh và nhiều vậy. Một tuần, 45 cuốn! Việt sốc phát khóc nhìn giá sách trơ trụi. Không ai chia sẻ một quyển sách mới, cũng không mấy ai trả lại sách đã lấy trên cây. Người ta chọn những quyển hay nhất, đắt tiền nhất rồi lấy đi, vậy thôi.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: medium;">Người ta tảng lờ tờ giấy hướng dẫn: “Chọn một quyển sách bạn thích. Đọc trực tiếp hoặc mang về. Tặng lại cho cây một quyển sách của bạn” được dán trang trọng trên cây. Để an ủi mình, Việt tự nhủ: “Chắc các bạn quên...”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: medium;">Buồn, nhưng niềm tin vẫn còn. Cứ một, hai ngày anh chàng lại ghé qua cây sách, bổ sung sách lên kệ. Việt nghĩ thời gian sẽ cải thiện tình thế. Việt cũng đã làm nhiều việc kêu gọi sự ủng hộ và đánh động ý thức, ở trường lẫn trên Facebook.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: medium;">Nhưng không ích gì, người ta vẫn đều đặn “quên”.</span></span></strong></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: medium;">Khi hơn 100 quyển sách ra đi, Việt bắt đầu tuyệt vọng. Những người bạn từng tham gia vì quý tấm lòng của Việt cũng rút dần, vì không thể mãi kiên nhẫn giữ một niềm tin hão. Có lúc Việt nghĩ: hay mình để hết số sách còn lại lên cây, đợi người ta lấy hết rồi dừng luôn dự án, vậy là xong! Và từ chỗ luôn xốc vác viết - đăng bài kêu gọi sự trung thực, tử tế trên Facebook, Việt không muốn viết gì nữa.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: medium;">“Thời điểm đó, mình nghĩ chính niềm tin của mình đã đày đọa mình. Càng tin nhiều, mình càng thất vọng nhiều” - Việt nói. Ban đầu, Việt tính sau cây sách này sẽ làm thêm một cây sách khác, cả một máy photocopy để mọi người đến photo bài vở rồi tự giác để tiền lại và một quầy văn phòng phẩm cũng hoạt động trên nguyên tắc trung thực tương tự. Nhưng với cách Cây Tri Thức đang chết đi, Việt nhủ sẽ dẹp luôn mọi ý định.</span></span></p>
<p class="ck_inner_title" style="text-align: justify;"><strong><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: medium;">Những hạt mầm cựa mình</span></span></strong></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: medium;">Một ngày, cô hiệu trưởng gọi Việt lên văn phòng. Trong sự ngỡ ngàng của cậu sinh viên, cô bê một chồng sách hơn 20 cuốn đặt vào tay Việt: “Tiếp tục đi. Cô tin ở em”. Sự xúc động làm Việt choáng váng.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: medium;">Và một buổi chiều khác, sau ba tháng cây sống cầm cự, Việt “đứng hình” trước cây sách đầy sách. Ai đó đã đặt kín sách lên những cành cây trơ trụi. Công cuộc “truy lùng” để nói lời cảm ơn của Việt dẫn đến cô giảng viên trẻ tên Chiêu Anh. “Cô không thể nhìn cái cây chết được!” - cô đáp.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: medium;">Đến bây giờ, cây sách đang bước qua tháng thứ tư. Sách vẫn mất nhưng với tốc độ chậm hơn, khoảng 6-7 quyển/tuần. Thi thoảng Việt nhận được những mẩu giấy gắn lên cây. “Hôm nay tớ không đem sách để đổi. Tớ xin lỗi. Mai tớ sẽ đem, không quên đâu!”, hoặc một hộp quà nhỏ có thắt nơ như lời động viên mà Việt chưa bao giờ mở.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: medium;">Có bạn đăng thẳng lên tường Facebook Ươm mầm tri thức: “Mình post vào page coi như lấy danh tính của mình đảm bảo sẽ mang sách đến đổi, cũng như làm động lực thúc mình khi mình... làm biếng đổi”. Những dấu hiệu chưa đủ mạnh nhưng cũng đủ để Việt tin hạt giống tử tế đang rục rịch nảy mầm.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: medium;">Những dự án có mô hình tương tự đang hoạt động khá thành công như Book Box, Neverland Library góp ý Việt nên điều chỉnh hình thức cây, như lắp thêm cửa kính để người ta có thời gian đắn đo trước khi mở tủ lấy sách, hoặc chuyển cây đến một nơi có người quan sát giùm, như thư viện, nhằm hạn chế tối đa việc thất thoát thay vì cứ “mở toang” như hiện nay.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: medium;">Nhưng Việt tâm niệm tử tế là làm điều đúng ngay cả khi không ai nhìn thấy. “Nếu sự tử tế cần được theo dõi, ràng buộc thì đó không phải là sự tử tế nữa”.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: medium;">Điều Việt làm vẫn chưa thành công. Như cô Chiêu Anh nói: cái cây vẫn sống, nhưng không sống khỏe. Cây chỉ sống khỏe khi nó thật sự được tưới tắm bằng sự tử tế. Mỗi cuốn sách lấy đi là một quyển sách khác bù vào chỗ trống, để tri thức và lòng tốt tiếp tục được trao truyền.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: medium;">Tháng 4 này, Cây Tri Thức của Việt có thêm một người anh em “mọc” trong khuôn viên ĐH Tân Tạo (Đức Hòa, Long An). Đó là nỗ lực của một nữ sinh viên trường này, với mong muốn chung tay cùng Việt xây dựng một cộng đồng sinh viên yêu tri thức và sống liêm chính. </span></span></p>
<div class="wrapper-qt">
<div class="qtam_social btn-qt">
<div style="float: left;" id="like_thread"> </div>
</div>
<div style="text-align: right;"><span style="font-family: Arial;"><span style="font-size: medium;"><strong>HẢI THI</strong></span></span></div>
</div>
<div style="text-align: justify;"> </div>
</div> </html>