<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"> </p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Ngày 05/7, tại Nhà văn hóa Thanh niên, Câu lạc bộ các nhà khoa học trẻ thuộc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ đã có buổi ra mắt chuyên đề tháng 6 với tên gọi “Cách thức viết đề cương cho một đề tài nghiên cứu khoa học” cùng sự tham gia của đông đảo các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh, cử nhân… của đa số các trường Đại học trên khắp địa bạn TP.HCM.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>“Xây dựng một đề cương cần phải có sự đầu tư và không ngừng đổi mới”</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đó cũng chính là phát biểu của Huỳnh Thư - nghiên cứu viên ĐH Bách Khoa và cũng là báo cáo viên của chuyên đề.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Theo cô, trong một bài nghiên cứu khoa học cần phải có tổng quan, mục đích, đối tượng, thời gian, địa điểm, ý nghĩa… Tuy nhiên, cách thức thực hiện một đề tài nghiên cứu như thế nào là hợp lí thì đó là vấn đề đặt ra hàng đầu.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đổi mới và đầu tư công sức là hai yếu tố quan trọng để góp phần tạo nên thành công cho một bài nghiên cứu khoa học.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Một đề tài nghiên cứu cần ít nhất 3 đến 4 tháng thực hiện và hoàn thành phải đến 6 tháng nếu là các đề tài nhỏ. Tuy nhiên, có một số đề tài mang ý nghĩa lớn và ảnh hưởng toàn quốc, thế giới thì cần thời gian lâu hơn, một, hai năm… Vấn đề đặt ra ở đây chính là sự dày công tìm tòi và kiên trì của người nghiên cứu. Không sự thành công nào mà không đô mồ hôi và nước mắt. Vì thế, muốn có một công trình nghiên cứu hoàn chỉnh, điều trên hết, chính là sự đầu tư công sức từ bạn.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Sự đổi mới ở đây không phải là cách thức bạn làm khác vấn đề khi trước đó vấn đề đã được nghiên cứu rõ ràng, đổi mới chính là sự sáng tạo trong cách thức thực hiện, tìm ra những điểm mới, điểm hay mà các đề tài khác không có. Thông qua đó, tạo nên nét riêng, thương hiệu riêng cho nhóm nghiên cứu của bạn. Việc sử dụng lại những tư liệu cũ và lấy đó làm trọng tâm trong bài nghiên cứu sẽ khiến cho nghiên cứu của bạn trở nên nhàm chán và thiếu sự sáng tạo, đổi mới với các đề tài đã có trước đó.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Viết một đề cương nghiên cứu cần nắm bắt trọng tâm</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Thành công của một bài nghiên cứu không đến từ rập khuôn với những đề tài cũ mà thông qua những yếu tố khuôn mẫu của một đề cương nghiên cứu khoa học bạn phát huy và khai thác sâu vào những yếu tố trọng tâm.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Vấn đề chính của một bài nghiên cứu khoa học là đề tài và mục đích. Đối với đề tài bạn cần xây dựng form đề tài như một tít báo, trong đó thể hiện rõ ràng mục tiêu và đối tượng, bên cạnh đó phải chỉ ra được mục đích của đề tài nghiên cứu một cách rõ ràng và cụ thể.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đối với phần tổng quan, phải nói lên được điểm khác biệt của đề tài của bạn so với các đề tài khác, thuyết phục việc vận động kinh phí cho đề tài và hơn hết phải nói lên được lí do của đề tài, có cần thiết hay không, có mới lạ hay không. Bên cạnh đó, muốn một đề tài được đầu tư bạn cần phải tạo CV ấn tượng với nhà đầu tư, bởi CV là bộ mặt và là sản phẩm ngôn ngữ đầu tiên của bạn trước những nhà đầu tư cho đề tài nghiên cứu bạn chọn. Hãy tạo cho họ ấn tượng bằng cách viết CV toát lên được tầm quan trọng và niềm khát khao bạn muốn thực hiện dề tài đó.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Bên cạnh đó, một vấn đề cần lưu ý trong nghiên cứu khoa học đó là việc bạn phải nêu được ý tưởng của đề tài, tính mới, tính thời sự và ý nghĩa. Đối với tính mới đây là yếu tố quan trọng hàng đầu, bạn nên cân nhắc kĩ lưỡng khi quyết định chọn một đề tài nghiên cứu vì đôi lúc bạn lại trùng lặp với những đề tai nghiên cứu trước đó, khiến cho đề tài của bạn thiếu sự thu hút và sự lôi cuốn. Nếu có tính mới mà nó không mang lại tính thời sự thì cũng trở nên vô nghĩa, tính thời sự trong đề tài nghiên cứu khoa học chính là sự phản ánh, sự ảnh hưởng của đề tài đó đến với công chúng, với xã hội. Mặt khác, ý nghĩa của đề tài rất quan trọng, nó <a name="_GoBack"></a>phản ánh kết quả bạn đạt được trong quá trình nghiên cứu và tác động của đề tài đối với toàn thể xã hội như thế nào.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Song song đó, người làm đề tài nghiên cứu khoa học cần biết cách tham khảo tài liệu hợp lí. Không nên sử dụng các công trình nghiên cứu sau 5 năm vì những công trình đó so với hiện tại đã có nhiều thay đổi, không còn khách quan nữa. Điều đáng lưu ý là việc bạn cần tìm các trang tài liệu chính thống.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Mặt khác bạn cần chỉ ra được đề tài nghiên cứu của bạn là cần thiết và tìm ra được cách khắc phục lỗi của những đề tài trước đó. Sau đó bạn cần đề cập đến khả năng thành công của đề tài, dự báo khả năng ảnh hưởng của đề tài với xã hội.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Cuối cùng là việc bạn cần nắm bắt tình hình trong và ngoài nước. Khác với cách nghiên cứu nước ngoài, một đề tài không tìm ra kết quả nghiên cứu lại là một nghiên cứu, còn Việt Nam bạn cần phải có kết quả chính xác cho bài nghiên cứu của mình thì mới công nhận là một nghiên cứu khoa học. Vì thế, bạn cần nắm rõ thông tin trong và ngoài nước để xây dựng bài nghiên cứu của mình hoàn chỉnh nhất.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>TRIỆU DỦ</strong></span></span></p>
</body></html>