<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Đi và trải nghiệm với cộng đồng</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Đi và trải nghiệm với cộng đồng</font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table6">
<tr>
<td>
<img border="0" src="di%20va%20trai%20nghiem%20voi%20cong%20dong.JPG" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Đỗ Đức
Hạnh và trẻ em đang học lớp mẫu giáo tại vùng miền núi Quan Hóa, Thanh
Hóa</font></i></td>
</tr>
</table>
<p class="pHead"><font face="Arial" size="2">Sau một năm sang Sri Lanka làm tình
nguyện viên cho Liên Hiệp Quốc, về VN Đỗ Đức Hạnh lại tiếp tục xuôi ngược về
nhiều vùng sâu vùng xa... </font></p>
<p class="pHead"><font face="Arial" size="2">Nhiều bạn trẻ chọn cho mình cách đi
và sống ở những cộng đồng nghèo khó trên khắp đất nước.</font></p>
<p class="pInterTitle"><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">Lớn lên
theo những chuyến đi</font></b></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Về xã miền núi thuộc huyện Hòa Vang
(Đà Nẵng), Đỗ Đức Hạnh gặp một em bé ba tuổi đang một mình đến lớp mẫu giáo, cổ
đeo lủng lẳng hai gói xôi bọc trong lá chuối làm bữa ăn trưa tại trường. Nhà em
ở trên núi nên đi mất gần ba giờ. “Ở đây, đó là chuyện thường ngày” - Hạnh nói.
Hạnh còn gặp các em 4 - 5 tuổi lang thang một mình đến lớp, lội suối, vượt rừng.
Đã có nhiều trường hợp bị ngã xuống suối, đau lòng hơn là bị nước cuốn trôi khi
lũ về... Những hình ảnh đó thúc giục Hạnh hành động. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Tham gia dự án “Chăm sóc phát triển
trẻ mầm non” của Tổ chức World Vision, công việc của Hạnh là đi khảo sát, nghiên
cứu tình hình thực tế, từ đó thiết kế dự án và triển khai các hoạt động. Để có
những kết quả cho từng địa phương nhằm đưa dự án đến mức thành công cao nhất,
Hạnh đã đi mòn nhiều vùng sâu vùng xa ở nhiều tỉnh, thành Thanh Hóa, Đà Nẵng,
Quảng Nam, Quảng Trị...</font></p>
<table style="border-collapse: separate" borderColor="#ecf2fe" height="250" cellSpacing="5" borderColorDark="#456ae1" cellPadding="4" width="200" align="right" borderColorLight="#4792d9" id="table7">
<tr>
<td vAlign="center" bgColor="#cfe6f9"><font color="#030303">
<table style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="center" border="0" id="table8">
<tr>
<td><font face="Arial" size="2">
<img class="lImage" onclick="return showImage(this.src)" height="200" hspace="0" src="http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=162030" width="150" border="1" Hyperlink></font></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p class="tLegend" align="center"><i>
<font face="Arial" size="2" color="#808080">Thảo Trang trên
đường làm dự án phát triển cộng đồng tại An Giang</font></i></td>
</tr>
</table>
</font>
<p class="pBody"><font color="#030303" face="Arial" size="2">An Nhiên -
23 tuổi, tốt nghiệp khoa xã hội học ĐH KHXH&NV TP.HCM, là trợ lý dự án
“Nước sạch và vệ sinh nông thôn”, đang “đóng đô” ở An Giang - khẳng định
sẽ làm phát triển cộng đồng lâu dài, bởi “đi rồi mới càng thấy mình còn
nhiều điều phải làm”. </font></p>
<p class="pBody"><font color="#030303" face="Arial" size="2">Còn Phan
Nguyên tâm sự: “Tiếp xúc với người nghèo mình học được cái tính không
than thở gì nhiều”. Học được rất nhiều điều không hề có trong sách vở,
với những người trẻ ấy, còn đi là còn biết trái tim mình đang đập...
</font></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">Tôi theo chân Thảo Trang, cô gái quê Đồng Nai đang
làm mảng truyền thông của dự án “Nước sạch và vệ sinh nông thôn” được triển khai
trong các trường tiểu học, về Cần Đăng (Châu Thành, An Giang). Tốt nghiệp chuyên
ngành vi sinh ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, Trang vào làm cho Tổ chức SCA. </font>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Năm tháng sống ở vùng sâu để tuyên
truyền vệ sinh nước sạch và thành lập CLB sức khỏe tại chín trường tiểu học ở ba
xã Cần Đăng, Vĩnh Hạnh, Hòa Bình Thạnh, Trang và đồng nghiệp đã hiểu vì sao ở
đây có quá nhiều em nhỏ con đến mức đã học lớp 4 nhưng cứ như mới lớp 1. “Các em
cần ăn chín uống sôi, thói quen giữ vệ sinh sạch sẽ” - Trang nói. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Còn với Phan Nguyên, sau khi tốt
nghiệp ĐH KHXH&NV TP.HCM đã có gần hai năm chọn hướng đi về với bà con đồng bào
dân tộc trong dự án “Nước sạch và vệ sinh nông thôn”, được triển khai trên địa
bàn tỉnh Đắc Lắc. “Những ngày đầu, đồng bào nhìn mình với cặp mắt xa lạ vì không
biết bọn trẻ như mình đang làm gì với nguồn nước của bà con” - Nguyên kể. Cô và
đồng nghiệp phải cùng ăn, cùng ở, cùng uống nguồn nước chưa sạch và sạch để bà
con tin...</font></p>
<p class="pInterTitle"><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">Nhiều dự
định, nhiều ước mơ</font></b></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Các bạn đều cho rằng làm cộng đồng
ngoài tuổi trẻ và lòng nhiệt tình thì kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực
tế luôn quan trọng. Dự án không đơn thuần chỉ hỗ trợ vật chất, mà khó khăn, trăn
trở nhất với họ là làm sao thay đổi được nhận thức, hành vi trong cộng đồng theo
hướng tích cực. Hỏi một câu “tại sao chọn hướng vào đời vì cộng đồng?”, những
người trẻ này không suy nghĩ nhiều mà đều trả lời đơn giản: “Thấy mình cần phải
làm như thế!”. Họ cảm thấy mình lớn hơn sau những chuyến đi. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Đợt về xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức
(Quảng Nam), Hạnh đã may mắn thoát khỏi một trận sạt lở núi ngay sau khi xe vừa
chạy qua. Có những chuyến Hạnh lội bùn ngập tận đầu gối suốt 2km để vào địa bàn.
Còn Nguyên thì không biết bao nhiêu lần gặp mưa, bão, té lên té xuống trên những
con đường đất đỏ bazan trơn trượt vào sâu các bản làng. Nhưng họ vẫn đi.</font></p>
<p class="pBody" align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>