Vẻ đẹp người phụ nữ trong tác phẩm sân khấu Nam Bộ

Vừa qua chương trình giao lưu văn hóa văn nghệ ca ngợi hình ảnh của người phụ nữ trong các tác phẩm sân khấu miền Nam đã diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Chương trình do CLB nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam Bộ xưa tổ chức.

Tổng quan về hình ảnh người phụ nữ, diễn giả Hồ Nhựt Quang khai thác những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ từ trong thơ ca, những câu danh ngôn, trong tín ngưỡng, những tượng đài đã đi vào huyền thoại và những câu chuyện chân thật tự cổ chí kim về sức mạnh cũng như vai trò, ý nghĩa lịch sử của người phụ nữ nói chung và người phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là Nam Bộ nói riêng.

Đó là vẻ đẹp tam tòng, tứ đức, công dung ngôn hạnh, thủy chung, biết vun vén gia đình. Đó là câu chuyện về Hòn Vọng Phu, Quan Âm Thị Kính, bà Mạnh Mẫu, Thái hậu Dương Vân Nga… Đó là những tiếng nói mới trong xã hội đòi cái nhìn công bằng và bình đẳng đối với người phụ nữ như “Đoạn Trường Tân Thanh” của Nguyễn Du, là những bài thơ ngạo nghễ của Hồ Xuân Hương, là Tờ “Nữ giới chung” do nữ sĩ Sương Nguyệt Anh làm chủ bút…

Gần gũi hơn là vẻ đẹp hoàn toàn hiện thực hóa ở các nữ anh hùng liệt sĩ thời kháng Pháp, chống Mỹ cứu nước. Đó là hình ảnh người chiến sĩ cộng sản Việt Nam Nguyễn Thị Minh Khai, là Võ Thị Sáu – nữ anh hùng liệt sĩ lực lượng vũ trang trẻ tuổi nhất, là những trang nhật kí xúc động của Đặng Thùy Trâm, là bà Nguyễn Thị Định – nữ tướng duy nhất của Việt Nam thế kỉ XX hay người sinh viên yêu nước, can đảm – Nguyễn Thị Thắng…

Kết thúc phần tham luận của mình, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang có đôi chút suy ngẫm về hình ảnh người phụ nữ đương đại. Người phụ nữ ngày nay được bình đẳng để mưu cầu hạnh phúc chính đáng, được phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, được giải phóng năng lực cá nhân và cá tính sáng tạo. Song bên cạnh những ưu điểm đó, một bộ phận người phụ nữ hiện đại có lối sống đua đòi, vô cảm, yếu đuối… trở thành nạn nhân của kẻ vũ phu, sa vào tệ nạn, thậm chí trở thành kẻ sát nhân…

Nhắn nhủ đến tuổi trẻ, diễn giả đã mượn câu nói nổi tiếng củaA.Shenier: “Khi còn là người yêu, đàn ông thích phụ nữ đẹp và lẳng lơ, vì họ ham sắc đẹp và có lẳng lơ họ mới dễ chiếm được. Nhưng khi lấy nhau, họ thích vợ đoan trang và đừng đẹp quá. Vì đoan trang mới có hạnh phúc và không đẹp lắm mới không ngại bị kẻ khác chiếm mất”.

Tại chương trình, khán giả còn được thưởng thức những tiết mục văn nghệ, sân khấu cải lương đặc sắc về hình ảnh của người phụ nữ trong các tác phẩm sân khấu miền Nam. Mỗi tác phẩm, chúng ta lại bắt gặp một vẻ đẹp đáng trân trọng của người phụ nữ. Đó là tấm lòng của người mẹ hi sinh cả đời vì con trong tác phẩm “Tấm lòng của biển” (nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân, nghệ sĩ Lê Hồng Phước, nghệ sĩ Hồng Thơ thủ vai). Đó là sự đoan trang, tiết hạnh và sự dạy dỗ của mẹ dành cho con gái trong tác phẩm “Con gái của mẹ” (nghệ sĩ Xuân Lan và nghệ sĩ Quế Thảo thể hiện). Đó là lòng hiếu thảo của người con gái với cha mẹ và sự bao dung của người mẹ với những lỗi lầm của con trong tác phẩm “Nửa đời hương phấn” (nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân, nghệ sĩ Diệu Thanh, nghệ sĩ Lê Hồng Phước, nghệ sĩ Huỳnh Tấn Phát, nghệ sĩ Hồng Thơ, nghệ sĩ Kim Ngân thể hiện).

Đến tham dự chương trình, thầy Chung Hoàng Chương khẳng định: “Do thời phong kiến chúng ta bị ảnh hưởng bởi tư tưởng Nho giáo của Trung Quốc nên nhiều giá trị của người phụ nữ bị chà đạp. Song chúng ta phải thừa nhận rằng thế giới này vẫn cần 50% trí tuệ và công sức của người phụ nữ”.

Nhìn nhận thức tế vai trò và sứ mệnh lịch sử của người phụ nữ, thông điệp của chương trình nhắn nhủ chúng ta gìn giữ hình ảnh đẹp cho người phụ nữ cũng chính là cứu lấy văn hóa cho cả thế hệ mai sau.

THANH ĐỨC

BÌNH LUẬN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tối ngày 23-3, Tại Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh, Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức thành công Chương trình kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2025) và Trao Giải thưởng Hồ Hảo Hớn lần thứ 23, năm 2025. …

Agile Việt Nam
;