<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">“Tuy không phải là ước mơ từ bé nhưng hiện tại niềm hạnh phúc nhất của mình đó là được gắn bó với nghề giáo, hàng ngày được gặp học trò của mình, cùng vui, cùng buồn và cùng có bao kỉ niệm”, đó là tâm sự chân thành của một cô giáo trẻ đã gắn bó với nghề dạy học hơn 5 năm nay - cô Hoàng Thị Kiều Oanh, giảng viên bộ môn Địa Lý trường Đại học Sài Gòn.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Cái duyên đơn sơ với nghề giáo</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Là một giáo viên trẻ, khi trò chuyện với chúng tôi, cô thân thiết như một người chị đi trước và từng trải nghiệm cuộc đời.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Cô kể ước mơ hồi còn bé là trở thành một luật sư hoặc một hướng dẫn viên du lịch chứ chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ trở thành một cô giáo đứng trên bục giảng. Nhưng cái duyên đến với nghề giáo là từ gia đình, ba của cô là một thầy giáo và luôn định hướng cho cô là phải theo nghề vì mong muốn con gái được nhàn hạ, ổn định. Vì gia đình nên cô cũng quyết định thi vào sư phạm, và tình yêu với nghề giáo dần hình thành trong cô.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Cô đã từng trải qua những vất vả, cực nhọc ngoài xã hội với những công việc như: hướng dẫn viên du lịch, nhân viên văn phòng. Điều đặc biệt giúp cô cảm thấy yêu và trân trọng nghề giáo đó là được sự tin yêu, tôn trọng của phụ huynh, học sinh và của cả xã hội. Cái duyên chớm nở và phát triển cho đến tận bây giờ. Đến hôm nay, khi là một giáo viên trên giảng đường đại học, được dạy, được chia sẻ với các bạn sinh viên về kiến thức, về con đường đời mình đã đi qua thì cô thầm cám ơn gia đình, cám ơn ba cô vì đã định hướng con đường này cho cô, và với cô quyết định chọn nghề giáo làm nghề gắn với cuộc đời mình là sáng suốt.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>Trăn trở tìm phương pháp dạy mới</strong></span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Khi chia sẻ về những khó khăn của nghề giáo, cô nhấn mạnh: “Nghề nào cũng có cái khó riêng, nghề nào cũng cần có bí quyết vượt qua cái khó đó, và bản thân nghề giáo cũng như vậy. Cô kể có nhiều lúc vào lớp, sinh viên bạn thì gục lên bàn ngủ, bạn thì mải mê chơi game, lướt web…bản thân chỉ muốn quát lên và bỏ ra về. Nhưng vì tình yêu, vì trách nhiệm, cô tự nhủ mình phải cố gắng và tìm ra cách để học trò đến lớp với tinh thần sẵn sàng học tập.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Bởi cái tình của một người thầy, cái nghĩa của một người trải nghiệm trước, cô giáo trẻ luôn nỗ lực kiếm tìm những phương pháp mới, thú vị và hiệu quả để giảng dạy cho học sinh của mình. Thay vì chỉ cho học sinh đọc giáo trình, cô chia lớp thành các nhóm thuyết trình bằng hình ảnh, bởi theo cô, kiến thức khi hình học hóa lên sẽ dễ nhớ, dễ hiểu hơn. Sau mỗi tiết thuyết trình cô đều có một bài trắc nghiệm nhỏ để các bạn sinh viên lưu nhớ lại kiến thức. Cô còn cho các bạn làm báo tường theo từng nhóm để các bạn tự nghiên cứu và biến kiến thức trong sách vở thành kiến thức của mình. Không chỉ dạy bằng lí thuyết, cô giáo trẻ còn chú ý đến thực tế cuộc sống bởi hơn ai hết cô từng trải và hiểu rằng có những điều sách vở dạy là không đủ. Vậy nên cô luôn cố gắng tìm mẫu vật cho môn học mà mình giảng dạy. Đó là các mẫu vật về các loại thực vật của các đới khí hậu, ép khô và bảo quản làm tư liệu dạy học, hay những mẫu vật cho sinh viên quan sát, tiếp xúc để sinh viên có thể tiếp cận với bài giảng trực quan và sinh động hơn. Cô dịch những clip của nước ngoài rồi giảng dạy để sinh viên mở rộng kiến thức.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Bên cạnh đó, cô tổ chức cho sinh viên đi đến Bảo tàng Địa chất, phòng thí nghiệm để quan sát trực tiếp các mẫu đất đá, phân loại các mẫu vật, giúp sinh viên nắm bài tốt hơn. Cô quan niệm, muốn học sinh giỏi, trước hết người thầy phải giỏi, vì vậy cô thường xuyên tham gia các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị để vận dụng vào hoạt động giảng dạy, giáo dục và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Hiện tại cô đã có bằng Thạc sĩ và đang học lên Tiến sĩ.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Với cô Oanh, mỗi ngày đến lớp là một kỉ niệm. Cô xúc động khi nói về những món quà nhẹ vật chất nhưng nặng tình cảm của sinh viên làm cô có thêm niềm vui và động lực. Không chỉ nhận được sự quý trọng của học trò, cô Oanh còn được đồng nghiệp tôn trọng và giúp đỡ nhiều, cô nói nhiều khi cảm giác công việc chồng chất, phân thân cũng không thể làm được nhưng nhờ các đồng nghiệp giúp đỡ nên cô đã vượt qua.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Mặc dù quỹ thời gian hạn hẹp, bộn bề công việc nhưng cô luôn cố gắng sắp xếp để tham gia hoạt động tình nguyện với các bạn sinh viên. Với cô đây là hoạt động có ý nghĩa tích cực và giúp mình trẻ lại với những năm tháng sinh viên.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Gặp không ít khó khăn trong quá trình giảng dạy cũng như trong việc cân bằng công việc và gia đình của mình nhưng vì tình cảm của học trò, vì sự giúp đỡ của gia đình, đồng nghiệp và cao hơn cả là cái tình với nghề giáo cô đã vượt lên mọi khó khăn để ngày ngày đem cảm hứng, kiến thức đến truyền lại cho những thế hệ trẻ.</span></span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>THỦY PHAN – TUYẾT VY</strong></span></span></p>
</body></html>