<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:center"><strong>Đưa nghệ thuật dân tộc đến gần người trẻ</strong></p>
<p style="text-align:justify">Vừa qua, tại Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ, Câu lạc bộ Nghiên cứu và Vinh danh văn hóa Nam Bộ đã tổ chức một chương trình đặc biệt mang chủ đề So sánh sự độc đáo giữa nghệ thuật hát bội và cải lương thu hút đông đảo các học giả và bạn trẻ đến tham dự.</p>
<p style="text-align:justify">Không gian của khán phòng ấm cúng và trang nghiêm, phía sân khấu là không gian lộng lẫy nguy nga của phông màn sân khấu hát bội miền Nam.</p>
<p style="text-align:justify">Chương trình đã mở đầu bằng việc rước di ảnh GS Khê lên phía ghế gần sân khấu như thuở sinh tiền, giáo sư thường ngồi phát biểu truyền lửa văn hóa, thưởng thức và đánh giá chương trình. Diễn giả Hồ Nhựt Quang thực hiện chương trình nhằm mục đích đáp lại sự mong mỏi của GS-TS Trần Văn Khê vinh danh nền nghệ thuật truyền thống hát bội miền Nam lúc ông nằm trên giường bệnh trong những ngày cuối đời. Khán giả rất xúc động xem lại phim tư liệu GS Khê nói chuyện về Hát Bội và những lời gửi gắm của ông cho thế hệ sau.</p>
<p style="text-align:justify">Để thực hiện lời hứa của Thầy mình, Diễn giả đã cố công tìm tư liệu, tìm thầy học về hát bội. Anh tâm sự: “Như một nhân duyên, vào năm 1993, ngay khi đặt chân lên Sài Gòn, tôi ghé một tiệm sách cũ gần rạp Đại Nam, tôi đã tìm thấy một quyển sách Nghệ thuật sân khấu Việt Nam của Trần Văn Khải – Nhà sách Khai Trí 1970. Đọc quyển sách xong, tôi đã cảm thấy rất đam mê và nhất là khi gặp được GS-TS Tần Văn Khê nói chuyện về nghệ thuật sân khấu tại Trường Đại học Tổng Hợp (ĐH KHXH-NV) vào năm 1995. Cộng với kiến thức về Kinh Dịch mà ông bà ngoại đã dạy, tôi cảm thấy bị cuốn hút khi nghiên cứu về hát bội bởi phần lớn việc xây dựng Lễ Khai Tràng, Túc Yết, Xây Chầu, Hát Bội, Tôn Vương…đều mang giá trị Dịch Học rất sâu đậm, mang rõ chất văn hóa cổ truyền của Nam Bộ xưa”.</p>
<p style="text-align:justify">Dàn đàn của hát bội có nhiều điểm khác cải lương là không có đàn tranh và đàn bầu, bài bản của hát bội thì có hát Nam (Nam Xuân, Nam Ai, Nam Dựng, Nam Tẩu…), hát Khách (khách Thi, khách Phú, khách Hồn…), có hát lối (lối Bốp chiến, Bốp ai…), có hát vịnh, xướng, bạch…rất khác với nghệ thuật cải lương là dựa trên các việc soạn lời theo các bài bản tổ của tài tử cải lương. Cải lương là tả thực cảnh, tả đẹp, còn Hát Bội là tính ước lệ cao, tả thực tâm.</p>
<p style="text-align:justify">Sau phần minh họa đầy thích thú của anh Hồ Nhựt Quang, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng đã phát biểu: “Cần lắm những người biết cách thuyết trình có giả giọng minh họa theo kiểu GS-TS Trần Văn Khê để tạo sự hấp dẫn như thế này”.</p>
<p style="text-align:justify">Diễn giả đã phân tích quá trình hình thành lịch sử Hát Bội và thân phận thăng trầm của nghệ thuật hát bội, diễn viên hát bội. Mặc dù cuộc đời có những lời mỉa mai Hát Bội. Nhưng theo ý kiến của diễn giả, sau bao ngày theo học và tìm hiểu từ các bậc thầy như nghệ nhân Ba Kiên 103 tuổi (Tiền Giang), thầy Đinh Bằng Phi, nghệ nhân Hữu Lập, Thanh Hiệp…thì rõ ràng hát bội vẫn còn sống trong lòng những người nghệ sĩ tâm huyết giữ nghiệp tổ. Hát bội đã từng được vinh danh tại thủ đô Paris Pháp năm 1889, tại hội chợ thuộc địa Marseille (Pháp) năm 1906, 1922. Hát bội đi từ sân khấu cung đình ra thường dân, từ sân khấu hoành tráng cho đến hát đình hát miễu, từ Đoàn, Ban, Gánh…nếm đủ thượng vàng hạ cám, nếm đủ lời khen chê vinh nhục, thân phận diễn viên có người ban ngày bán vé số, tối lên làm vua nhưng lửa nghề hát bội vẫn rực sáng. NSƯT Ngọc Khanh (Trưởng đoàn hát bội Ngọc Khanh) phát biểu: “Tôi đã sống với nghề từ lúc bé và tôi muốn chết với nghề dù bất cứ lý do nào”.</p>
<p style="text-align:justify">Giáo sư - Tiến sỹ Chung Hoàng Chương cho rằng: “Tôi đã có dịp xem hát bội từ lúc nhỏ, hôm nay được xem lại một chương trình đặc biệt, nhất là vở tuồng San Hậu khiến tôi nhớ đến thời của cô Năm Đồ, cô Ba Út…”. Một bạn khán giả đến từ Tiền Giang tên Lê Hoàng Sơn phát biểu: “Các bạn trẻ ơi, rõ ràng hôm nay chúng ta đã học được nhiều điều bổ ích về giá trị văn hóa truyền thống của cha ông. Khi chúng ta đã hiểu thì chúng ta càng trân quý và phát huy giữ gìn, chúng ta rất tự hào về giá trị ấy. Bởi lẽ văn hóa chính là sức mạnh của quốc gia”.</p>
<p style="text-align:justify">Khán giả trẻ tên Trương Hoàng Long, lặn lội từ Bến Tre đến với chương trình và đã tặng Diễn giả Hồ Nhựt Quang bức tranh GS-TS Trần Văn Khê do chính anh vẽ bằng bút chì rất sống động. Anh Quang đã đón nhận và cảm thấy rất thiêng liêng khi nhìn lại hình ảnh của một người thầy truyền lửa luôn tận tụy với học trò và tâm huyết với văn hóa nghệ thuật của dân tộc Việt Nam.</p>
<p style="text-align:right"><strong>THANH ĐỨC</strong></p>
<p> </p>
</body></html>