<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Ngày 26/12, Liên hoan Tuổi trẻ sáng tạo lần VI do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ tổ chức đã khai mạc tại sân 4A Nhà Văn hóa Thanh niên. Đây là sân chơi hấp dẫn dành cho các bạn trẻ yêu thích nghiên cứu khoa học có điều kiện gặp gỡ, trao đổi với các bạn có cùng đam mê.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Bên cạnh các tiết mục văn nghệ đặc sắc, trò chơi Rung Chuông Vàng, các đơn vị tham gia đều đưa ra những nghiên cứu sáng tạo, đặc sắc, giàu tính ứng dụng của nhiều lĩnh vực như công nghệ hóa học, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin…</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Đặc biệt, ba chàng trai trẻ trường Đại học Khoa học Tự nhiên, với đam mê robot từ nhỏ và khao khát muốn chế tạo ra một chú robot có thể phục vụ cho học tập, quản lý nhà cửa đã cùng nhau thiết kế ra T-res. Robot T-res có nhiều ưu điểm vượt trội: có thể giao tiếp bằng nhiều thứ tiếng, biết biểu lộ cảm xúc, có khả năng cầm gắp vật thể, quan trọng nhất là có thể chống trộm, phát hiện cháy nổ, phát hiện trẻ em ngồi học sai tư thế… bằng cách tiếp nhận hình ảnh qua camera, cảm biến khí, và báo thông số vào Iphone.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Khoa Công nghệ hóa học và Thực phẩm trường Đại học Nguyễn Tất Thành tham gia dự thi bằng những sản phẩm sáng tạo. Sau ba tháng nghiên cứu, nhóm đã đưa ra sản phẩm rau củ quả sấy khô, có màu sắc đẹp, không mất dinh dưỡng, bảo quản được 2-3 tháng và khi ngâm vào nước có thể hoàn nguyên trở lại hình dạng của rau củ tươi ban đầu. Ngoài ra, nhóm còn nghiên cứu được sản phẩm thuốc trừ sâu có thành phần thiên nhiên, không độc hại cho con người, nhanh bay hơi và hiệu quả diệt sâu cao hơn các loại thuốc hóa học ngoài thị trường.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Khoa công nghệ Sinh học trường Đại học Nông lâm đưa ra mô hình cây kiểng thủy sinh rất thú vị. Với ứng dụng trang trí trong nhà, giúp thư giãn sau những giờ làm việc mệt mỏi, “hồ cá thần kỳ” này sử dụng vật liệu tái chế, ở rễ các loại thực vật trong hồ có vi sinh vật phân giải chất hữu cơ do cá thải ra, trả lại chất vô cơ vào môi trường, các thực vật trong hồ lại dùng chất vô cơ này để phát triển và cá lại ăn thực vật để sống. Với nghiên cứu vừa đẹp mắt, vừa tiện lợi này đã được sự giúp đỡ tận tình của bộ môn: cung cấp vườn ươm, đầy đủ trang thiết bị, máy móc, và giáo viên sẵn sàng cung cấp kiến thức khi các “nhà sáng tạo trẻ” thắc mắc.</span></span></p>
<p style="text-align: justify;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn như bắt đầu nghiên cứu ngay khi đang thi đại học, không đủ kinh phí, phải tự mày mò các kiến thức xa lạ với mình như hóa học, lập trình… nhưng với đam mê và quyết tâm, các bạn sinh viên đã đóng góp rất nhiều sản phẩm đặc sắc, hữu ích góp phần cải thiện cuộc sống hằng ngày.</span></span></p>
<p style="text-align: right;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>TÂM HIỀN</strong></span></span></p>
</body></html>