<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Chùa Thầy</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
<span id="newscontent1_MsgSubject">Chùa Thầy</span></font></b></p>
<div style="float: left; width: 182px; height: 48px">
<table border="0" width="100%" id="table1">
<tr>
<td><img border="0" src="chua%20thay.JPG" width="221" height="312"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center">
<span style="font-size: 10pt; color: #808080; font-family: Arial">
<i>Thủy đình trên hồ Long Chiểu trong quần thể Chùa Thầy</i></span></td>
</tr>
</table>
</div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chùa Thầy là một ngôi chùa ở chân
núi Sài Sơn, làng Hoàng Xá, xã Phượng Cách, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (nay là
xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây), cách Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây
Nam, đi theo đường cao tốc Láng - Hòa Lạc. Sài Sơn có tên Nôm là núi Thầy, nên
chùa được gọi là chùa Thầy. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý. Đây là nơi tu
hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, lúc này núi Thầy còn gọi là núi Phật Tích. Chùa
Láng gắn liền với giai đoạn đầu của cuộc đời Từ Đạo Hạnh, còn chùa Thầy lại
chứng kiến quãng đời sau cùng cho đến ngày thoát xác của vị sư thế hệ thứ 12
thuộc dòng Thiền Tỳ ni đa lưu chi này.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Ban đầu chùa Thầy chỉ là một am
nhỏ gọi là Hương Hải Am, nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì. Vua Lý Nhân Tông đã
cho xây dựng lại gồm hai cụm chùa: chùa Cao (Đỉnh Sơn Tự) trên núi và chùa Dưới
(tức chùa Cả, tên chữ là Thiên Phúc Tự). Đầu thế kỷ 17, Dĩnh Quận Công cùng
hoàng tộc chăm lo việc trùng tu, xây dựng điện Phật, điện Thánh; sau đó là nhà
hậu, nhà bia, gác chuông. Theo thuyết phong thủy, chùa được xây dựng trên thế
đất hình con rồng. Phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên
phải dựa vào núi Sài Sơn. Chùa quay mặt về hướng Nam, trước chùa, nằm giữa Sài
Sơn và Long Đẩu là một hồ rộng mang tên Long Chiểu hay Long Trì (Ao Rồng). Sân
có hàm rồng.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Chùa Thầy gồm ba tòa nhà chạy
song song nhau dựng trên nền cao bó đá hộc xanh. Tòa ngoài gọi là nhà tiền tế
hay chùa Hạ. Tòa giữa là trung điện hay chùa Trung, tòa trong cùng là thượng
điện, thờ các hóa thân của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, diễn tả 3 “kiếp” của Từ Đạo
Hạnh: Tăng, Phật và Đế vương. Bên trái là tượng toàn thân Thiền sư bằng gỗ bạch
đàn lắp máy tự động có thể đứng lên ngồi xuống được, nhắc nhở thời kỳ ngài đi tu
ở Hương Hải am đã làm thuốc trị bệnh cứu người và dày công sáng tạo môn nghệ
thuật múa rối nước cổ truyền để cho dân giải trí. Tượng đặt trên ngai, sau lưng
ngai chạm trổ hình đầu rồng, lưỡi búa, sừng tê, ngọc báu... Chính giữa là tượng
Thiền sư khi đã thành Phật, đội mũ hoa sen, tay chắp trước ngực, khoác áo cà sa
vóc vàng, đặt trên một bệ tượng bằng đá thời nhà Lý, có hình sư tử đội tòa sen.
Bệ đá chạm những cánh hoa sen, bốn mặt chạm hình rồng và hoa lá, bốn góc có hình
thần điểu Garuda. Đây là di vật thời nhà Lý còn sót lại duy nhất ở chùa. Bên
phải là tượng Thiền sư sau khi đã hóa, đầu thai làm con trai của Sùng Hiền Hầu
và trở thành nhà vua Lý Thần Tông. Tượng Lý Thần Tông đầu đội mũ bình thiên,
mình khoác long bào, ngồi trên ngai vàng. Trong chùa còn có tượng ông Từ Vinh và
bà Tăng Thị Loan là cha mẹ Từ Đạo Hạnh và hai bạn đồng đạo thân thiết của ngài
là Thiền sư Minh Không và Thiền sư Giác Hải. Hai bên chùa là hành lang dài thờ
mười tám vị La Hán. Phía sau chùa là gác chuông và gác trống.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trước cửa chùa có một hồ nước
rộng có tên là Long Trì. Giữa hồ có một thủy đình nhỏ vuông vắn, dùng làm nơi
diễn rối nước. Hai bên chùa có hai chiếc cầu mái, do Phùng Khắc Khoan xây vào
năm 1602. Cầu Nhật Tiên ở bên trái, trông vào đền Tam Phủ xây trên một hòn đảo
giữa hồ. Bên phải là cầu Nguyệt Tiên, nối với con đường lên núi. Trên núi có
chùa Cao, vốn là Hiển Thụy Am, còn có tên là Đỉnh Sơn Tự, là nơi Thiền sư Từ Đạo
Hạnh đến tu đầu tiên. Trên vách chùa còn khắc những bài thơ tức cảnh của Nguyễn
Trực và Nguyễn Thượng Hiền. Tương truyền rằng động Phật Tích ở sau chùa là nơi
Từ Đạo Hạnh thoát xác để đầu thai làm vua Lý Thần Tông. Phía trên chùa Cao có
một mặt bằng gọi là chợ Trời với nhiều tảng đá hình bàn ghế, kệ bày hàng, ly
rượu... trong đó có một phiến đá nhẵn lì được gọi là bàn cờ tiên. Có lẽ nơi đây
ngày xưa các bậc trích tiên vẫn ngồi chơi cờ, uống rượu, thưởng trăng và ngâm
thơ. Từ chùa Cao, đi vòng ra phía sau là hang Cắc Cớ, là nơi tình tự của trai
gái ngày xưa trong những ngày hội hè, như ca dao đã ghi lại:</font></p>
<p align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ, </font></p>
<p align="justify" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đi ngược lên trên là đến đền
Thượng. Gần đền Thượng có hang Bụt Mọc với nhiều tảng đá được thời gian bào mòn
trông như tượng Phật. Tiếp đó là hang Bò với lối vào âm u. Cách một đoạn là đến
hang Gió với những ngọn gió thổi thông thốc cả hai đầu. Ở chân núi phía Tây còn
có chùa Bối Am, còn gọi là chùa Một Mái, chùa có tên như vậy là vì chùa chỉ có
một mái ngói, mặt sau chùa dựa vào vách núi. Như vậy, quanh núi Thầy, ngoài chùa
Thầy còn có cả một cụm kiến trúc Phật giáo được xây dựng trong những khoảng thời
gian khác nhau.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong một bài ký ghi trên vách
núi, Chúa Trịnh Căn đã phác họa cảnh chùa Thầy “như viên ngọc nổi lên giữa đám
sỏi đá, rạng vẻ xuân tươi khắp cả bốn mùa. Động trên hệt như cõi thanh hư, bên
vách còn in mây ráng. Ao Rồng thông sang bến siêu độ, cầu tiên Nhật Nguyệt đôi
vầng. Hình tựa bình phong, sông như dải lụa”. Hội chùa Thầy diễn ra từ ngày mùng
5 đến ngày mùng 7 tháng ba Âm lịch hàng năm. Trong ngày hội, nhiều tăng ni từ
các nơi khác trong vùng cùng về đây dự lễ trong những bộ cà sa trang trọng, tay
cầm gậy hoa, miệng tụng kinh trong tiếng mõ trầm đều. Lễ cúng Phật và trai đàn -
một diễn xướng có tính chất tôn giáo - được thực hiện có sự phối hợp của các
nhạc cụ dân tộc. Nhưng hội chùa Thầy không chỉ có những nghi thức tôn giáo. Ở
đây còn có trò múa rối nước mang đậm sắc thái dân gian mà ngày nay có tiếng vang
ở nhiều nước. Trai thanh gái lịch gần xa tìm đến hội chùa Thầy còn để thỏa mãn
tính mạo hiểm khi leo núi và khao khát bày tỏ tình yêu trong một khung cảnh
thiên nhiên rộng mở:</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><em>Rủ nhau lên núi Sài Sơn <br>
Ai làm đá ướt đường trơn hỡi mình? <br>
Hỏi non, non những làm thinh <br>
Phải rằng non đã vô tình với ai? <br>
Nước non ví chẳng chìu đời <br>
Mắt xanh đâu lẽ phụ người tình chung? <br>
Yêu nhau ta dắt nhau cùng <br>
Non bao nhiêu đá nặng lòng bấy nhiêu. </em></font></p>
<p align="left"><font face="Arial" size="2">(Á Nam Trần Tuấn Khải)</font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo Cần Thơ</i></b></font></p>
</body>
</html>