<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Tìm về mái nhà xưa</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Tìm về mái nhà xưa</font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0" id="table5">
<tr>
<td>
<img border="0" src="tim%20ve%20mai%20nha%20xua.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Một lớp
học may của dự án “Hỗ trợ trẻ em hồi gia và ngăn ngừa trẻ lang thang”
</font></i></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">Vì sinh kế, hàng ngàn đứa trẻ bỏ quê ra phố mưu
sinh, nhưng hôm nay nhiều em tự tin trở về mái nhà xưa khi sau lũy tre làng vẫn
còn có những cơ hội vào đời.</font><p class="pInterTitle"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#008000">Tiếng gọi từ quê nhà </font></b></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Vừa về quê đúng một ngày, Phan Thị
Thủy, 19 tuổi (xã Quảng Châu, thị xã Hưng Yên) đã được các anh chị ở xã chuẩn bị
sẵn một bộ hồ sơ đăng ký vào lớp học may công nghiệp. Mẹ mất khi Thủy mới 12
tuổi; cách đây bốn năm ba em cũng ra đi sau một cơn bệnh nặng. Gánh nặng đè lên
đôi vai khi Thủy vừa bước vào tuổi 15. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Để nuôi đàn em, Thủy đã bỏ quê lên
Hà Nội làm thuê để kiếm số tiền 400.000đ/tháng gửi về cho em ăn học. Thủy tâm
sự: “Thật bất ngờ, em đang làm thuê cho chủ thì có người ở xã tìm đến báo cho
biết sắp có lớp học may công nghiệp miễn phí cho trẻ lang thang và gọi em về
học. Đây là cơ hội hiếm có nên em thu xếp về ngay. Em tính cả rồi, lớp học chỉ
mất ba tháng, lại có việc làm ngay tại quê nhà sao mình không về?”.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Học hết cấp II, gia cảnh quá nghèo
nên Vũ Trọng Minh bỏ quê lên Hà Nội lang thang bán hàng rong. Hôm được 5.000
đồng, 10.000 đồng, hôm không có đồng nào. Sống lây lất giữa Hà thành nhiều năm,
bỗng một hôm gia đình tìm lên tận thủ đô báo tin có lớp dạy nghề cho trẻ lang
thang ở tỉnh. Ban đầu Minh không tin mình sẽ được dạy nghề miễn phí nên tiếp tục
cuộc sống lang thang. Cán bộ xã tiếp tục đi tìm, thuyết phục gọi Minh về. Em về
thử và bất ngờ khi được bố trí ngay vào lớp học may công nghiệp đợt 2 - gồm
những trẻ lang thang như Minh.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Đó là hai trong số hàng ngàn trường
hợp các em đi bán vé số, bán hàng rong, phụ hồ, giúp việc nhà ở các thành phố
lớn như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng... được vận động trở về quê học nghề. </font>
</p>
<p class="pInterTitle"><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">Tiếng lành
đồn xa</font></b></p>
<table style="border-collapse: separate" borderColor="#ecf2fe" height="173" cellSpacing="5" borderColorDark="#456ae1" cellPadding="4" width="200" align="right" borderColorLight="#4792d9" border="0" id="table6">
<tr>
<td vAlign="center" bgColor="#cfe6f9">
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2"><font color="#030303">Dự án
“Hỗ trợ trẻ em hồi gia và ngăn ngừa trẻ lang thang” (phối hợp với Tổ
chức Plan) tại tỉnh Hưng Yên gồm bảy nội dung chính: hoạt động truyền
thông tư vấn; mô hình hoạt động trẻ em; hỗ trợ kinh tế gia đình và dạy
nghề; hỗ trợ giáo dục, y tế và vui chơi giải trí; xây dựng một số mô
hình điểm về bảo đảm quyền trẻ em; phòng chống lạm dụng trẻ em...</font> </font></td>
</tr>
</table>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Minh đã đi làm được một năm và cho
biết thu nhập không cao nhưng công việc rất ổn định; và quan trọng hơn, cũng đã
tích lũy được ít tiền. “Những đêm ngủ bờ ngủ bụi chẳng khi nào dám mơ có được
một tương lai như hôm nay”, Minh tâm sự. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Gặp Nguyễn Thị Mai Hương, cô bé mới
15 tuổi vừa quay về sau nhiều năm đi bán kẹp tóc rong kiếm mỗi ngày 15.000
-20.000 đồng, đang cùng hàng trăm thanh thiếu niên chen chân nộp hồ sơ học nghề.
Mai Hương cho biết đã nộp hồ sơ vào lớp may công nghiệp, em tin chắc sẽ khá hơn
nhiều so với thời lang thang, bởi hàng chục bạn gái của Hương hồi “đi bộ bán
rong suốt từ sáng tinh mơ đến tối mịt để kiếm hai bữa cơm” đã được học may và có
việc làm ổn định lắm. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Chị Đào Thị Thơm, người phụ trách
công tác dân số - gia đình và trẻ em xã Thành Công (huyện Khoái Châu, Hưng Yên),
cho biết: “Ban đầu việc vận động gọi các em quay về khó khăn lắm, không chỉ là
đi tìm và vận động, nhiều em bảo chi phí tàu xe trở về, thời gian học nghề, ai
lo cho gia đình. Thế là nhiều xã chuyển hướng sang cho gia đình vay vốn trước để
các em tin tưởng và mở rộng nhiều ngành nghề cho các em chọn lựa. Một rồi hai,
ba em quay về, được đào tạo nghề và có việc ổn định, tiếng lành đồn xa, trẻ quay
về đang là phong trào của nhiều làng xã trong huyện”.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Anh Lương Mai Thế, trưởng phòng
truyền thông của Ủy ban Dân số - gia đình và trẻ em tỉnh Hưng Yên, cho biết: “Đã
có hơn 500 em lang thang hoàn thành các khóa học may công nghiệp, phục vụ nhà
hàng khách sạn, điện tử... Khi biết được ý nghĩa của việc làm này các doanh
nghiệp đã hưởng ứng rất nhiệt tình. Vì thế hầu hết các em đều có được việc làm
ngay với mức lương ổn định từ 600.000 - 1,5 triệu đồng, tùy ngành nghề”.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Dự án “Hỗ trợ trẻ em hồi gia và
ngăn ngừa trẻ lang thang” đã đưa được hơn 1.000 em lang thang về với gia đình.
Gần như không có trường hợp “tái lang thang”, bởi từ xã đến huyện đều triển khai
các câu lạc bộ do chính các em học sinh tại địa phương phụ trách sẽ nắm bắt các
hoàn cảnh khó khăn, những thông tin về những mối hiểm nguy khi lang thang kiếm
sống, những cơ hội tìm được việc làm ngay tại địa phương... để những bạn khó
khăn hiểu rằng: nơi quê nhà vẫn còn cơ hội vươn lên với đời.</font></p>
<p class="pBody" align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>