<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Hãy là giá đỡ cho con</title>
<style>
<!--
p.MsoNormal
{mso-style-parent:"";
margin-bottom:.0001pt;
font-size:13.0pt;
font-family:"Times New Roman","serif";
font-weight:bold;
margin-left:0in; margin-right:0in; margin-top:0in}
table.MsoNormalTable
{mso-style-parent:"";
font-size:11.0pt;
font-family:"Calibri","sans-serif";
}
-->
</style>
</head>
<body>
<p class="MsoNormal" style="margin-left: .75pt; margin-right: 1.5pt; margin-top: 0in; margin-bottom: .0001pt" align="center">
<span style="font-family: Arial,sans-serif; color: #0000FF"><font size="2">Hãy
là giá đỡ cho con</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-left: .75pt; margin-right: 1.5pt; margin-top: 0in; margin-bottom: 3.75pt"> </p>
<table class="MsoNormalTable" border="0" cellspacing="0" cellpadding="0" align="right" width="170" style="width: 127.5pt; border-collapse: collapse; margin: 0in 2.25pt; background: white">
<tr>
<td style="padding: 2.25pt">
<p class="MsoNormal">
<img border="0" src="hay%20la%20gia%20do%20cho%20con.JPG" width="170" height="160"></td>
</tr>
<tr>
<td style="padding: 2.25pt">
<p class="MsoNormal" align="center">
<span style="font-family: Arial,sans-serif; color: #008080; font-weight: normal; font-style: italic">
<font size="2">Lứa tuổi học trò có nhiều biến động về tâm lý, dễ hụt
hẫng khi gặp biến cố trong cuộc sống, cần sự quan tâm chu đáo của người
thân (Hình chỉ mang tính minh họa)</font></span></td>
</tr>
</table>
<p class="MsoNormal" style="margin-left: .75pt; margin-right: 1.5pt; margin-top: 7.5pt; margin-bottom: 7.5pt">
<span style="font-family: Arial,sans-serif; color: #666666"><font size="2">
<i>Tuổi mới lớn có nhiều thay đổi thể chất, tâm lý và dễ bị tổn thương dẫn đến
hành vi tiêu cực - Hãy quan tâm chăm sóc thật tốt và tuyệt đối không xúc phạm
các em.</i></font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-left: .75pt; margin-right: 1.5pt; margin-top: 7.5pt; margin-bottom: 7.5pt">
<span style="font-family: Arial,sans-serif; font-weight: normal"><font size="2">
Vào một buổi chiều cuối tháng 10, Đỗ Hải Y., sinh viên (SV) lớp B4-K44 khoa lịch
sử Trường ĐH Vinh, đã gieo mình xuống dòng sông từ cầu Bến Thủy. Từng là hoa
khôi của khoa, học lực khá, thân thiện, hòa nhã với mọi người nên khi Y. quyết
định tìm đến cái chết, nhiều người vô cùng ngạc nhiên. </font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-left: .75pt; margin-right: 1.5pt; margin-top: 7.5pt; margin-bottom: 7.5pt">
<span style="font-family: Arial,sans-serif"><font size="2" color="#FF9900">Áp
lực học tập, gia cảnh </font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-left: .75pt; margin-right: 1.5pt; margin-top: 7.5pt; margin-bottom: 7.5pt">
<span style="font-family: Arial,sans-serif; font-weight: normal"><font size="2">
Tại phòng trọ của Y., người ta đã tìm thấy một lá thư tuyệt mệnh cô để lại với
những dòng trăng trối không được công bố. Trước Y., Quản Thị Tr. (sinh năm
1986), quê Thanh Hóa, là SV năm thứ 2 lớp K30 trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nghệ An
cũng đã nhảy lầu tự tử do tuyệt vọng vì bệnh tật của mình (đau dạ dày và xuất
huyết đường ruột). </font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-left: .75pt; margin-right: 1.5pt; margin-top: 7.5pt; margin-bottom: 7.5pt">
<span style="font-family: Arial,sans-serif; font-weight: normal"><font size="2">
Ngày 18-10, nữ sinh Đ.T.K.N, học sinh lớp 11A4 Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện
Hóc Môn - TPHCM cũng đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu do uống thuốc chuột tự tử
ngay trên lớp học. Lý do: chương trình học quá căng thẳng, mỗi đêm K.N chỉ được
ngủ có... 3 giờ, vì thế em không làm đủ bài tập và bị thầy giáo mắng. Lo sợ bị
đuổi học, cha la rầy, nên K.N đã quyết định tự tử. </font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-left: .75pt; margin-right: 1.5pt; margin-top: 7.5pt; margin-bottom: 7.5pt">
<span style="font-family: Arial,sans-serif; font-weight: normal"><font size="2">
Rất nhiều câu chuyện đau lòng nữa cũng đã xảy ra, đặc biệt trong mùa thi tuyển
sinh ĐH, CĐ. Ngày 14-8, nữ sinh Nguyễn Thị D.T. (sinh năm 1988) vừa tốt nghiệp
Trường THPT Trần Hưng Đạo, tỉnh Nam Định đã treo cổ tự tử trong phòng riêng do
biết tin mình thi trượt ĐH. 20 giờ ngày 31-8, Nguyễn Thị P. (sinh năm 1988), trú
tại khối 6, thị trấn Cày, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh vừa tốt nghiệp tú tài cũng đã
nhảy xuống sông tự tử. Theo lời bạn P. kể lại, trước khi chết, P. đã tâm sự rất
nhiều về chuyện học hành và hoàn cảnh gia đình. P. thi Trường ĐH Khoa học Huế
nhưng không đậu. P. đang muốn nộp đơn thi vào trường trung cấp y hoặc trung cấp
kinh tế, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, người chị gái của P. lại học năm
cuối Trường Cao đẳng Kinh tế Cửa Lò (Nghệ An) nên gia đình đang rất phân vân.
</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-left: .75pt; margin-right: 1.5pt; margin-top: 7.5pt; margin-bottom: 7.5pt">
<span style="font-family: Arial,sans-serif; font-weight: normal"><font size="2">
Có lẽ đau lòng nhất là vụ 5 nữ sinh do bị bố mẹ mắng nên trong phút bồng bột đã
rủ nhau trầm mình xuống sông tự tử tại xã Phượng Hoàng, Thanh Hà, Hải Dương vào
tháng 5-2006 vừa qua. Một ngày trước khi tự tử, cả nhóm học trò này còn vui vẻ ở
lại sau buổi học giúp thầy ghi danh sách những học sinh lớp 9 đăng ký học ôn thi
vào lớp 10. Trong tờ giấy để lại trước khi trầm mình xuống dòng sông, một nữ
sinh đã viết rằng cả 5 em thường bị bố mẹ bắt ép học tập và la mắng nhiều lần.
</font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-left: .75pt; margin-right: 1.5pt; margin-top: 7.5pt; margin-bottom: 7.5pt">
<span style="font-family: Arial,sans-serif"><font size="2" color="#FF9900">Như
người bạn lớn của con </font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-left: .75pt; margin-right: 1.5pt; margin-top: 7.5pt; margin-bottom: 7.5pt">
<span style="font-family: Arial,sans-serif; font-weight: normal"><font size="2">
Lý do gì dẫn đến nhiều nữ sinh lại coi rẻ tính mạng của mình? Theo chuyên gia tư
vấn tâm lý của tổng đài 1080, các nữ sinh trong tuổi dậy thì có nhiều thay đổi
về nội tiết, thể chất nên tâm lý có nhiều biến động. Một lý do nữa lý giải hiện
tượng số nữ sinh tự tử nhiều hơn nam sinh là do các em dễ bị tổn thương hơn. Chỉ
từ những chuyện đơn giản như bị bố mẹ trách mắng, không được quan tâm, bạn bè xa
lánh, bệnh tật... các em cũng dễ chán nản và nảy sinh những ý nghĩ tiêu cực.
Nhiều em có thể nghĩ đến việc chết chỉ để giải quyết những ấm ức, buồn chán và
đôi khi... để thách thức người lớn. </font></span></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-left: .75pt; margin-right: 1.5pt; margin-top: 7.5pt; margin-bottom: 7.5pt">
<span style="font-family: Arial,sans-serif; font-weight: normal"><font size="2">
Theo các chuyên gia tâm lý, lứa tuổi học sinh là đối tượng cần được chăm sóc
nhiều nhất về tâm lý. Các em chưa có kinh nghiệm ứng xử nên thường hụt hẫng khi
gặp biến cố trong cuộc sống, dễ bị kích động trước những cú sốc đầu tiên. Chính
vì vậy, gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển tâm lý của các
em. Sự quan tâm không đúng phương pháp, luôn áp đặt, không chú ý đến suy nghĩ
độc lập của con cái hay kỳ vọng thái quá vào các em cũng dễ dẫn tới hành vi tự
tử. Rất nhiều trường hợp tự tử là do áp lực học tập, đặc biệt là thi trượt ĐH,
vì thế các bậc phụ huynh cần tạo cảm giác gần gũi, tạo điều kiện để các em tâm
sự với cha mẹ như với một người bạn lớn tuổi. Tuyệt đối không xúc phạm các em.
</font></span></p>
<div align="center">
<table class="MsoNormalTable" border="1" cellspacing="0" cellpadding="0" width="90%" style="width: 90.0%; border-collapse: collapse; border: medium none; margin-left: 2.25pt; background: #EDF5FD">
<tr>
<td style="border: 1.0pt inset royalblue; padding: 2.25pt">
<p class="MsoNormal" align="center" style="text-align: center; margin-left: .75pt; margin-right: 1.5pt; margin-top: 7.5pt; margin-bottom: 7.5pt">
<i><span style="font-size: 10.0pt; font-family: Arial,sans-serif">Để
các em biết quý cuộc sống của chính mình </span></i></p>
<p class="MsoNormal" style="margin-left: .75pt; margin-right: 1.5pt; margin-top: 7.5pt; margin-bottom: 7.5pt">
<span style="font-size: 10.0pt; font-family: Arial,sans-serif; font-weight: normal">
TS Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học Việt Nam, cho rằng trường học
chính là nơi tốt nhất để điều chỉnh các suy nghĩ sai lầm của học
sinh. vì thế, các thầy cô cần có mặt bên cạnh những học sinh yếu về
tâm lý và thần kinh, vì các em dễ chán nản, tuyệt vọng trước những
sự kiện, những hiện tượng gây sốc của đời sống. Sự vỗ về, an ủi có ý
nghĩa như những giá đỡ đưa các em trở lại trạng thái thăng bằng.
Cùng với gia đình, nhà trường nên tổ chức cho học sinh đến làm quen
và giao lưu với những trẻ bất hạnh, nhà tình thương để các em hiểu
rằng hạnh phúc là được sống trong một gia đình yên ấm. Đồng thời có
thể kết hợp với các bệnh viện, giúp các em hiểu hoàn cảnh những bệnh
nhân tự tử được cứu sống để cảm nhận nỗi khổ khi gia đình có người
thân tự tử, từ đó biết quý cuộc sống của bản thân mình. </span></td>
</tr>
</table>
</div>
<p class="MsoNormal"><font size="2"> </font></p>
</body>
</html>