<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong><em>Vừa qua, thầy và trò trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 1, TP.HCM) đã kết thúc một tuần làm việc và học tập bằng buổi sinh hoạt chuyên đề ngoại khóa với chủ đề “Vinh danh lễ giáo học đường”.</em></strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Để làm rõ tính ứng dụng của văn hóa Nam Bộ, lễ giáo Nam Bộ xưa cũng như những ứng dụng của nó trong môi trường học đường nói riêng và xã hội nói chung, các bạn học sinh đã được lắng nghe phần diễn thuyết đầy thú vị của diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang. Qua từng câu chuyện, từng bài học, diễn giả Hồ Nhựt Quang như dẫn dắt các bạn đi xuyên suốt một hành trình, đó là hành trình văn hóa phương Nam.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Theo diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang, văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa Nam Bộ là văn hóa ứng dụng. Nghĩa là văn hóa ấy luôn gắn liền với cuộc sống người dân, đi sâu và tâm hồn của người dân Việt Nam trong suy nghĩ, nhận thức, phong tục, tập quán, lối sinh hoạt và cả những vật dụng gần gũi, bình dị nhất trong đời sống.</span></span></p>
<p style="text-align: center;"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><img alt="" src=" http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2016/10/27017/Hinh anh 5.JPG" style="height:90%; width:90%" /></span></span></p>
<p style="text-align: center;"><em><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang chia sẻ tại buổi sinh hoạt ngoại khóa.</span></span></em></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Do đó, chuyên đề ngoại khóa của trường thoát khỏi lối diễn thuyết dễ dãi thông thường, trở thành một buổi giao lưu, trao đổi và toàn bộ những giá trị tiếp thu cho học sinh đều là những trải nghiệm thực tế mà qua đó các bạn tự rút ra những bài học cho riêng mình, định hình cách ứng xử đúng với lễ giáo truyền thống trong nhà trường cũng như trong xã hội.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Có thể nói những loại trang phục truyền thống như nón lá, áo bà ba, áo dài, khăn rằn,… các món bánh truyền thống như bánh xèo, bánh tét,… và các đồ vật gần gũi như đôi đũa, cây đèn dầu, trái dưa hấu, trầu cau… đã quá quen thuộc với các bạn và hầu hết người dân Nam Bộ. Nhưng trong chương trình này, đây là lần đầu tiên các bạn học sinh THPT Lê Quý Đôn ngồi lại đếm số vành nón lá để biết nón lá có 16 vành nan tre, tượng trưng cho hòa khí, biết được ý nghĩa của cái bánh xèo, ngọn đèn dầu, trái dưa hấu “xanh vỏ đỏ lòng”, hiểu đúng hơn về phong tục trầu cau, cách bày biện trên bàn thờ gia tiên theo nguyên tắc “Đông bình, Tây quả”, hay trở lại với câu chuyện bó đũa để thấy rằng những giá trị giáo dục của người xưa đến nay không hề suy giảm. Ngược lại những giá trị đó càng phải được tôn vinh, nhất là với thế hệ trẻ, những người kế thừa, phát huy và tiếp thu văn hóa, quyết định sự sống còn của bản sắc văn hóa dân tộc trong tương lai.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Để khắc sâu hơn những bài học đó, CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam Bộ xưa (Solomonvietnam) đã mang đến cho thầy cô và học sinh trường THPT Lê Quý Đôn những tiết mục văn nghệ minh họa độc đáo, đậm chất Nam Bộ của nhiều nghệ sĩ tên tuổi như NGƯT Phạm Thúy Hoan, nhạc sĩ – Tiến sĩ Hải Phượng, nhạc sĩ – Thạc sĩ Huỳnh Khải, nhạc sĩ Châu Minh Tâm, nghệ sĩ Xuân Lan, Diệu Thanh, Long Hồ, Quốc Nhựt, Mỹ Tiên và diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Trong đó, các bạn học sinh đặc biệt thích thú với phần giao lưu đầy sôi nổi, trẻ trung của NGƯT Phạm Thúy Hoan với một số thể loại dân ca Việt Nam. Bằng việc hướng dẫn các bạn kĩ thuật hò đối đáp, phối hợp với các động tác hình thể… NGƯT Phạm Thúy Hoan đã làm khuấy động một buổi sáng thứ bảy tại sân trường trong sự hưởng ứng nồng nhiệt của các bạn học sinh THPT. Không chỉ là những phút giây thư giãn giải trí cuối tuần, các bạn đã thật sự hòa mình vào một không gian văn hóa nghệ thuật truyền thống, mang đậm bản sắc dân tộc. Qua đó, các bạn hiểu hơn, yêu hơn vẻ đẹp của quê hương, đất nước và con người VN truyền thống bên cạnh việc vinh danh lễ giáo học đường. Đồng thời, tự đánh giá lại lối suy nghĩ, hành động của bản thân để hành xử tốt đẹp hơn, lễ giáo hơn, văn hóa hơn.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Thạc sĩ Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, cho biết: Phương Nam mang tính phóng khoáng, trọng nghĩa và có nhiều bản sắc riêng cần tìm hiểu và vinh danh hơn nữa. “Đó là những giá trị rất bổ ích cho chúng ta hôm nay và cho con cháu truyền đến ngày sau. Đất nước có những giá trị hữu hình với chiều dài, chiều rộng cùng những giá trị vô hình là văn hóa. Văn hóa chính là linh hồn của đất nước. Phải làm sao để giữ gìn văn hóa đó, lễ giáo đó, nhất là trong thời buổi hội nhập sâu rộng như hiện nay thì các bạn trẻ, các em học sinh rất xứng đáng để chúng ta phó thác trọng trách này” – thầy Thạch nhấn mạnh.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif">Chương trình sinh hoạt chuyên đề ngoại khóa với chủ đề “Vinh danh lễ giáo học đường” do Trường THPT Lê Quý Đôn phối hợp cùng CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn hóa Nam Bộ xưa tổ chức, nằm trong chuỗi chương trình đưa văn hóa truyền thống, cụ thể là văn hóa Nam Bộ vào học đường để gìn giữ những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Qua đó hướng đến giáo dục nhận thức và nuôi dưỡng tinh thần cho những thế hệ tương lai, đồng thời phó thác cho các bạn trẻ một trọng trách lớn lao là phải làm sao để tiếp tục phát huy những cái hay, cái đẹp đó, hướng con người đến với những giá trị chân – thiện – mỹ, hướng xã hội đến một lối ứng xử mực thước, khuôn phép, hòa nhã, để con người thật sự người hơn và gần nhau hơn.</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><strong>THANH ĐỨC</strong></span></span></p>
</body></html>