Những học sinh không chịu ngồi yên
![]() |
Nguyễn Đăng Khoa nghiên cứu hóa học trong phòng thí nghiệm của nhà trường |
Nguyễn Đăng Khoa với giấy thử hàn the
Nguyễn Đăng Khoa (HS chuyên hóa Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) nghe mẹ nói hàn the là một trong những hóa chất đang được sử dụng phổ biến trong thực phẩm hiện nay. Cậu suy nghĩ: “Làm sao để người tiêu dùng bình thường có thể phát hiện loại thực phẩm nào có chứa hàn the?”. Lúc này, một kiến thức đã được nghe khá lâu bỗng hiện ra trong đầu: củ nghệ có thể nhận biết được hàn the! Nhưng hợp chất nào trong củ nghệ làm được điều này? Lên Internet tìm tài liệu, Khoa biết được thành phần chính và cũng là hợp chất có giá trị nhất trong củ nghệ là chất curcumin.
Nhưng nghệ cũng có nhiều loại, loại nào có chất curcumin nhiều? Lùng khá nhiều chợ lớn nhỏ trong TP, Khoa cũng chỉ tìm thấy hai loại nghệ vàng, trong khi tài liệu ghi nhận có đến trên 50 loại nghệ. Chạy qua Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cầu cứu các anh chị SV, Khoa được tặng thêm hai loại nghệ đen và nghệ xanh mà các SV này đã sưu tầm tận Đồng Nai.
Những ngày này, Khoa đều đặn với thời khóa biểu: sáng lên lớp, chiều vào phòng thí nghiệm nghiên cứu tách chiết với ba loại nghệ. Kết quả khá bất ngờ: chỉ có nghệ vàng với hợp chất curcumin cao mới làm dung dịch hàn the đổi màu. Tuy nhiên, Khoa cũng cho biết trong điều kiện phòng thí nghiệm trường phổ thông bạn không thể trích xuất được curcumin nguyên chất cũng như không xác định được trong hợp chất này có những chất nào khác nữa để có thể định danh chính xác chất thử hàn the.
Sản phẩm của Khoa được ứng dụng ngay trong lớp. Cậu mua quà sáng của những người bán hàng rong ngoài cổng trường rồi dùng giấy thử để cảnh báo cho bạn bè biết những món chả lụa, lạp xưởng, thịt nguội... trong xôi, bánh mì đều có chứa hàn the.
Bộ từ điển 12 thứ tiếng
![]() |
Hà Duy Lộc và cuốn từ điển 12 thứ tiếng |
Còn lại, cuốn từ điển có 12 thứ tiếng, từ những tiếng quen thuộc Anh, Pháp, Hoa, Nga, Nhật, Đức, Hàn Quốc đến những thứ tiếng ít phổ biến như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Ba Lan, Ả Rập. Dự định sẽ soạn mỗi thứ tiếng trên 3.000 từ, đến nay sau chín tháng bắt tay thực hiện số lượng từ đã là 1.280/mỗi tiếng, cũng có nghĩa bộ từ điển của Lộc đã có 15.360 từ.
Học lớp chuyên Anh Trường Hoàng Văn Thụ (quận 10) từ bậc THCS, nhưng Lộc đặc biệt thích tiếng Hoa và võ vẽ học thứ tiếng này khi bước vào lớp 8. Mê học ngoại ngữ, Lộc bắt đầu tìm hiểu thêm tiếng Nga, Pháp từ lớp 9 và mon men tìm đến tiếng Nhật khi có một bạn học cùng lớp đang học ngoại ngữ này. Thi đậu vào lớp 10 chuyên tiếng Hoa của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, lại được bà ngoại nuôi (làm ở một nhà xuất bản trước năm 1975) tặng rất nhiều sách, tài liệu học một số tiếng nước ngoài, Lộc càng có thêm động lực để học nhiều ngoại ngữ.
Mỗi ngày sau khi hoàn thành bài vở trên lớp, Lộc lại dành một giờ để ôn từ vựng, học ngữ pháp. Học một lúc nhiều thứ tiếng, Lộc phát hiện nhiều tiếng có cách viết, cách đọc từ na ná nhau. Để dễ học, bạn nghĩ đến việc làm một cuốn từ điển các thứ tiếng để dễ so sánh. Không đơn giản khi làm bộ từ điển độc đáo này. Chỉ từ nào có đủ 12 thứ tiếng bạn mới ghi vào. Ngoài việc soạn từ điển để học từ vựng, bạn còn có một cuốn sổ văn phạm để ghi lại cấu trúc câu, cách chia động từ, sổ phiên âm các tiếng...
Ngưỡng mộ danh nhân Pétrus Ký - người biết đến 26 ngoại ngữ, Lộc cũng ước mơ có thể trở thành nhà ngôn ngữ học và bạn đang tìm cách biến ước mơ thành hiện thực.
TTO