<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>45 phút háo hức cùng ý tưởng</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
45 phút háo hức cùng ý tưởng</font></b></p>
<table style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="right" border="0">
<tr>
<td><img border="0" src="45%20phut.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p class="tLegend" align="center"><font face="Arial" size="2">Trà Giang,
lớp 12E chuyên ngữ, thuyết trình trước lớp về ATM</font></td>
</tr>
</table>
<font face="Arial" size="2">“Cư dân” lớp 12E (ĐH Sư phạm ngoại ngữ) giờ đây đã
thôi định nghĩa môn kỹ thuật công nghiệp (KTCN): “KTCN = Khó chết đi được + Tiếc
45 phút/tuần + Chán + Nếu được thay đổi thì tốt”. Mà là ngược lại...</font><p class="pInterTitle">
<b><font face="Arial" size="2" color="#008080">“Điên rồ, có một ý tưởng điên
rồ!”</font></b></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Vẻ mệt mỏi, ỉu xìu vì nắng, đói
bụng sau bốn tiết học căng thẳng được xua đi ngay lập tức. Đứa nào cũng háo hức
nghe ý tưởng có phần điên rồ của Hương Giang. Cô Thanh - giáo viên bộ môn KTCN
lớp 12E - mỉm cười: “Mình sắp được chứng kiến một cuộc tranh luận nảy lửa đây”
và nhường bục giảng cho Hương Giang. Cô nàng tay cầm sợi rơm, tay cầm bài thuyết
trình “Rơm và lông gà có thể tạo ra sợi len?” mặt đỏ bừng “khí thế” bước lên.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Tự tin giữa lớp, Hương Giang thay
mặt nhóm dõng dạc nói về sự phong phú của nguồn nguyên liệu rơm và lông gà trong
tự nhiên, các phương pháp tách sợi rơm để chế ra loại vải mới. Rồi từ cấu trúc
lông gà làm thế nào để tạo ra được sợi len thay thế các nguồn nguyên liệu cũ
trước đây. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Tám phút. Phần thể hiện ý tưởng học
trò của Hương Giang - Trà Giang kết thúc. Những cánh tay liên tục giơ lên, phản
biện rất học trò: Sợi rơm mong manh vậy khi đưa xuống nước giặt có ảnh hưởng đến
chất liệu vải không? Lông gà “hôi” như vậy bạn khử mùi thế nào? Liệu vải chế từ
lông gà và sợi rơm có rẻ hơn vải được chế từ sợi bông? Có thấm mồ hôi như chất
liệu vải cotton không?... Sau khi giải đáp thắc mắc của các bạn xoay quanh ý
tưởng của mình, Hương Giang không quên nhắc đến những ưu việt về nguồn gốc tự
nhiên của vải: dễ phân hủy, có lợi cho môi trường; khi mặc sẽ có cảm giác mát mẻ
của loại vải chế tạo từ lông gà và rơm... Cuối cùng, Giang “khẳng định” thêm: “Ý
tưởng của tụi mình không hề lãng xẹt, không hề điên rồ!”.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Lần lượt từng nhóm trong lớp chia
nhau thực hiện các đề tài, những vật dụng mà mình quan tâm. Thùy Chi làm hẳn về
năng lượng điện nguyên tử hay Xuân Hà tự biến mình thành CPU của máy vi tính để
thuyết trình trực quan, Trà Giang với đề tài máy rút tiền ATM... Không khí sôi
nổi hẳn lên khiến cái nóng, ngột ngạt, mệt mỏi, đói bụng như tan biến.</font></p>
<p class="pInterTitle"><b><font face="Arial" size="2" color="#008080">“Thực tế +
sáng tạo = tiết học sinh động”</font></b></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Ngay tiết học KTCN đầu tiên của năm
học 2006 - 2007, dân chuyên ngữ đã rất sửng sốt khi nghe cô Nguyễn Thị Thanh
(giáo viên bộ môn KTCN) thông báo: “Tiết KTCN từ nay sẽ được gọi với một cái tên
mới là KTCN ứng dụng”. Và việc “học đi đôi với hành” thành hiện thực khi các
thành viên trong lớp sẽ tự chuẩn bị một bài thuyết trình 5-10 phút, có hình ảnh
minh họa càng sinh động càng tốt. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">“Môn KTCN và các môn phụ khác
thường gây nhàm chán cho HS vì chúng ta chưa kích thích, tạo điều kiện cho HS
sáng tạo trong mỗi giờ học, mỗi bài học” - cô Thanh giải thích về tiết KTCN của
mình vốn đang là “điểm thu hút” trong giới HS THPT chuyên ngữ (ĐH Sư phạm ngoại
ngữ Hà Nội).</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Không chỉ thế, để thu hút học trò
nhiều hơn, cô Thanh còn đưa ra thảo luận những vật dụng gắn liền với đời sống,
sinh hoạt thực tế của nhiều học trò như máy nghe nhạc Ipod, Internet không dây
(wifi), máy vi tính xách tay (laptop)... Và có những cái tên chỉ nghe thôi đã
thấy hấp dẫn: “keo dán siêu dính con tắc kè”; “bồn cầu đa năng” có khả năng tự
diệt vi khuẩn, tự tỏa hương, có những tính năng đặc biệt để thư giãn... Thậm chí
có một nàng còn lên mạng tìm hiểu và thấy 80% học trò có nhu cầu đọc gì đó
trong... toilet nên đã nảy sinh ý tưởng “sản xuất giấy vệ sinh in truyện tranh”.
Một nàng khác, Thùy Chi, cười hóm hỉnh: “Từ tiết học này, biết đâu những ý tưởng
học trò có thể tham gia ytuongvietnam.com!”.</font></p>
<p class="pBody" align="right"><b><font face="Arial" size="2">TTO</font></b></p>
</body>
</html>