<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Chương trình</title>
</head>
<body>
<p class="pSuperTitle"><b><font face="Arial" size="2">Chương trình "Alô, chúng
tôi nghe":</font></b></p>
<p class="pTitle" align="center"><font color="#0000FF" face="Arial" size="2"><b>
Người bạn gỡ rối cho tuổi teen</b></font></p>
<p class="pHead"><font face="Arial" size="2">Sau hơn 3 năm ra mắt, Chương trình
“Alô, chúng tôi nghe” của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM đã thực hiện 170 buổi
phát sóng với gần 10.000 cuộc gọi trực tiếp và hàng nghìn lá thư của thính giả
tuổi teen. </font></p>
<strong>
<table style="border-collapse: separate" cellSpacing="0" cellPadding="0" width="40" align="center" border="0">
<tr>
<td align="center">
<img border="0" src="nguoi%20ban%20go%20roi%20cho%20tuoi%20teen.bmp" width="400" height="300"></td>
</tr>
<tr>
<td class="tLegend" align="center"><i>
<font face="Arial" size="2" color="#808080">TS Huỳnh Văn Sơn và TH.S
Hồng Trước chuyên gia tư vấn của Chương trình</font></i></td>
</tr>
</table>
</strong>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Bật mí với
“Alô, chúng tôi nghe”</strong></font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Ông Đỗ Xuân Kỳ – Phó Giám đốc Đài
Tiếng nói Nhân dân (TNND) kể, khi T.Ư Đoàn đề nghị Đài phối hợp thực hiện Dự án
Cửa sổ tình yêu vào đầu năm 2003 (Dự án được Đại sứ quán Đan Mạch tài trợ), đội
ngũ biên tập viên, phóng viên đều nhiệt tình ủng hộ. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Bởi chương trình không chỉ bổ ích
với thính giả trẻ mà bổ ích với cả những người thực hiện chương trình. Ông Kỳ
khẳng định: “Tư vấn về sức khỏe sinh sản, tình dục và những điều riêng tư… là
những điều rất tế nhị, nhạy cảm. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Hơn nữa, chương trình được phát
sóng trực tiếp nên sẽ khó diễn đạt và rất dễ gây tai tiếng. Nhưng trước nhu cầu
và sự phát triển của xã hội, nhà đài phải xắn tay vào đồng hành cùng thanh niên
thôi. Chúng tôi cùng nhau chọn một cái tên thật gần gũi “ngứa đâu, gãi đó”. Và
Alô, chúng tôi nghe ra đời”.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Từ tháng 6/2003, Alô, chúng tôi
nghe được phát sóng trực tiếp vào 22giờ 30 phút, Chủ nhật hàng tuần. Riêng từ
năm 2006, chương trình được phát thêm vào lúc 22 giờ tối thứ Ba hàng tuần.
</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Chương trình không chỉ giới hạn tại
TP Hồ Chí Minh mà còn mở rộng đến nhiều tỉnh, thành như đồng bằng sông Cửu Long,
miền Đông Nam bộ, một số tỉnh Tây Nguyên và miền Trung… </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Thạc sĩ Võ Thị Hồng Trước - giảng
viên Khoa tâm lý giáo dục (ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh), chuyên gia cố vấn của
Chương trình vui vẻ nói: “Nhu cầu tư vấn muôn màu, muôn vẻ. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Ngoài các vấn đề tâm lý, sức khỏe
sinh sản thông thường, các em còn mạnh dạn thổ lộ những vấn đề “sinh tử” như:
Một học sinh 16 tuổi ở Đồng Nai mới bị nhiễm HIV đang rất tuyệt vọng, một bạn nữ
20 tuổi quan hệ tình dục với người yêu và có thai cũng đòi tự tử… nhưng nhờ gọi
tới chương trình đã được giúp đỡ kịp thời. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Có nhiều trường hợp ngoài tư vấn
trực tiếp, chúng tôi còn gửi thư giải thích và đưa ra hướng giải quyết chi tiết
hơn tới những em bị nhiễm HIV muốn hòa nhập với cộng đồng; một số em bị dằn vặt
bởi quan hệ với người đồng tính; di tinh, mộng tinh kéo dài tác hại như thế nào
và làm gì để chấm dứt; mất phương hướng và muốn tự tử khi bị người yêu bỏ rơi…</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Và hầu hết sau khi được tư vấn, các
em gọi điện về cám ơn chương trình đã có lời khuyên kịp thời để thoát khỏi tình
cảnh chán chường, thất vọng”.</font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2" color="#008000"><strong>Và các
chuyên gia luôn bận rộn</strong></font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Chương trình được thực hiện với đội
ngũ chuyên gia dày dạn kinh nghiệm và yêu nghề. Đó là bác sĩ Trần Thị Kim Chi –
Trưởng phòng quản lý dự án (UB DSGĐ&TE TP HCM), BS Phan Hồng Anh - Phó Chủ tịch
Hội Kế hoạch hóa gia đình TP HCM, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn – Trưởng bộ môn Tâm lý
và Thạc sĩ Võ Thị Hồng Trước – giảng viên khoa Tâm lý (Trường ĐH Sư phạm TP HCM)
đã làm hài lòng nhiều thính giả với vấn đề nhạy cảm, tế nhị. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Theo ông Kỳ, mỗi buổi phát sóng
tiếp nhận khoảng 50 – 60 cuộc gọi nhưng chương trình chỉ tư vấn được 6 – 8
trường hợp (đáp ứng khoảng 10% nhu cầu) và mỗi tuần nhận hơn 100 thư tay. Trước
nhu cầu của tuổi teen, nhà đài đã mở thêm một phòng tiếp thính giả xin tư vấn mà
vẫn không hết việc. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Chính vì thế đội ngũ tư vấn thường
xuyên làm việc ngoài giờ khi nhiều bạn trẻ gọi đến điện thoại di động. Thạc sỹ
Trước kể, sau nhiều buổi phát sóng, máy di động của cả 4 người đổ chuông và hầu
hết là những bạn đang gặp những rắc rối rất cần tư vấn. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Nhiều hôm các chuyên gia phải về
nhà rất khuya. “Thậm chí, công việc của chúng tôi hầu như không có ngày nghỉ bởi
vừa nấu cơm, lau nhà vừa trả lời qua điện thoại nhiều lúc đến… nóng máy, đau tai
vì thời gian kéo dài. </font></p>
<p class="pBody"><font face="Arial" size="2">Căng thẳng nhưng ai nấy đều vui vẻ
bởi đã giúp được các bạn trẻ đang mất phương hướng bình tâm trở lại thậm chí là
việc cứu sống những con người”. </font></p>
<p class="pBody" align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TPO</i></b></font></p>
</body>
</html>