<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Tuy chỉ mới 26 tuổi và công tác tại xí nghiệp sản xuất nữ trang PNJ chỉ mới 2 năm, nhưng chàng kỹ sư trẻ Nguyễn Hùng Linh đã có những sáng chế cực kỳ hữu ích giúp công ty mỗi năm tiết kiệm gần nửa tỷ đồng. </strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Xung kích trong mọi công việc</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Là chuyên viên của Phòng nghiên cứu phát triển công nghệ, chuyên về qui trình xi mạ, ngày từ khi mới vào công tác tại xí nghiệp, kỹ sư Nguyễn Hùng Linh hay có thói quen đi khảo sát khu vực sản xuất nữ trang để đảm bảo hệ thống máy móc hoạt động hiệu quả. Từ những lần khảo sát đó, anh nhận thấy lượng nước để rửa sạch các sản phẩm nữ trang chỉ được dùng một lần là bị loại bỏ. Điều này khiến xí nghiệp mỗi ngày tiêu tốn hơn chục mét khối nước, trong khi lượng nước bị bỏ đi còn khá sạch và có thể tái sử dụng.</span></span></p>
<p style="text-align:center"><img alt="" src="http://thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2017/10/29667/TNCN%20-%20Ng%20Hung%20Linh%20(2).JPG" style="height:420px; width:600px" /></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Nghĩ là làm, chàng kỹ sư trẻ bắt tay ngay vào nghiên cứu để làm lại hệ thống nước làm sạch sản phẩm. Đặt vấn đề với ban giám đốc xí nghiệp, anh được biết sở dĩ chưa ai dám nghiên cứu vấn đề này vì thực sự nó đây là vấn đề không đơn giản. Vì không chỉ là tái sử dụng nước nhiều lần mà phải xây dựng cả một hệ thống tính toán: lọc nước như thế nào, chống tràn khi bể nước đầy, bơm nước khi bể bị hao hụt, lượng nước dùng để tuần hoàn sử dụng hằng ngày…</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Phải mất 3 tháng miệt mài để hoàn thiện thiết kế, trình bày ý tưởng và phân tích hiệu quả với ban giám đốc, anh Hùng Linh và nhóm mới nhận được cái gật đầu được phép xây dựng hệ thống mới này của mình. Sử dụng hệ thống lọc ứng dụng hóa vô cơ để hấp thụ chất Kiềm hoặc A-xít trong nước, nước sẽ tiếp tục được lọc qua những tầng cát, sỏi, đá, than hoạt tính… trả lại vừa đủ độ sạch cho nước để tiếp tục tái sử dụng cho việc rửa nữ trang. Khó khăn nhất chính là phải tính toán lượng nước luôn được điều hòa đầy đủ ở tất cả các vị trí, từ bể chứ nước đến các hệ thống ống dẫn và quan trọng là đảm bảo bồn nước luôn được tiếp nước kịp thời để tái sử dụng.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Sau hơn nửa năm chạy thử, hiện hệ thống tái sử dụng nước này đã hoàn thiện và chứng minh được hiệu quả của nó, cả về hiệu quả sản xuất và hiệu quả kinh tế khi giúp xí nghiệp tiết kiệm mỗi năm gần 250 triệu đồng.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>Tự chế robot thay vì mua công nghệ nước ngoài</strong></span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">“Quần áo dơ còn phải dùng bột giặt để tẩy trắng. Đồ trang sức cũng vậy”, anh kỹ sư 9x dí dỏm chia sẻ. Trang sức sau khi đánh bóng còn vướng khá nhiều bụi và chất dơ, do đó phải làm sạch bằng cách siêu âm qua những bể hóa chất 70 độ C. Những công nhân làm công đoạn này tuy được bảo hộ kĩ càng nhưng vẫn không thể tránh khỏi việc sức khoẻ bị ảnh hưởng.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Đã từng đi công tác ở nhiều quốc gia có ngành công nghiệp nữ trang phát triển mạnh, anh thấy nhiều nước có hệ thống cánh tay robot siêu âm trang sức rất hiệu quả, tuy nhiên giá thành lại không hề dễ chịu. Những cánh tay robot này thực ra chỉ là hệ thống khung sắc di chuyển qua lại giữa các bể hóa chất, có gắn những giá đỡ trang sức có thể nâng lên, hạ xuống để nhúng vào các bể theo lập trình sẵn về thời gian siêu âm. “Họ làm được thì mình cũng làm được, đâu cần bỏ ra cả tỉ đồng để mua công nghệ”, thế là bắt tay vào nghiên cứu – anh Hùng Linh chia sẻ.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Anh Hùng Linh cho biết anh quyết tâm làm bằng được cánh tay robot một phần vì muốn chứng minh khả năng chế tạo của các công ty Việt Nam, một phần vì được ban giám đốc gợi ý muốn từng bước đưa xí nghiệp chuyển dần sang tự động hóa. Nhờ đã được học qua về thiết kế công nghiệp khi còn là sinh viên đại học Bách khoa, lại được sự giúp đỡ hết mình từ các đồng nghiệp, người giúp hiệu đính bản thiết kế, người gia công sản phẩm, người giúp chế tạo hệ thống tự động hóa và lập trình hoạt động cho cánh tay robot, …</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Và cũng giống như sáng chế trước đó, anh đã hoàn thành cánh tay robot siêu âm chỉ trong vài tháng. Anh cho biết cảm thấy rất tự hào khi giới thiệu cánh tay robot “Made in Vietnam” cho các công ty nước ngoài khi họ đến tham quan máy móc và ngưỡng mộ trình độ chế tạo của người Việt Nam. Với cánh tay robot này, tốc độ sản xuất trang sức đã tăng đáng kể, lên đến hơn 43.000 sản phẩm mỗi tháng, tiết kiệm hơn 120 triệu đồng mỗi năm. Đồng thời giúp các đồng nghiệp thoải mái hơn khi làm việc, bớt đi rủi ro gặp tai nạn lao động như trước.</span></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px">Được biết ngoài công việc chuyên môn, kỹ sư Nguyễn Hùng Linh còn là một cán bộ Đoàn năng nổ và yêu thích các hoạt động tình nguyện. Anh đã được Thành Đoàn tuyên dương Giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi năm 2017 trong dịp kỉ niệm 35 năm Ngày truyền thống thanh niên công nhân thành phố.</span></span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-family:arial,helvetica,sans-serif"><span style="font-size:14px"><strong>ĐỨC DUY</strong></span></span></p>
</body></html>