<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Về quy chế quan hệ thương mại bì</title>
</head>
<body>
<p align="center"><font face="Arial" size="2" color="#0000FF"><b>Về quy chế quan
hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR)</b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><b>Trong quá trình Việt Nam đàm
phán song phương với Hoa Kỳ về việc gia nhập WTO, vấn đề quy chế "Quan hệ thương
mại bình thường vĩnh viễn" (PNTR) trong quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ
được đặt ra. Vậy PNTR là gì? Nó có tác động như thế nào đối với tiến trình gia
nhập WTO của Việt Nam? Bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin về các vấn đề
nêu trên. </b></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><i><b>* Quy chế quan hệ thương
mại bình thường (NTR) và điều khoản Jackson - Vanik được hiểu như thế nào? </b>
</i></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Quy chế "Quan hệ thương mại bình
thường" (NTR), hay "tối huệ quốc" (MFN) thể hiện việc các đối tác thương mại
nước ngoài được đối xử bình đẳng về thương mại trên lãnh thổ một nước thứ ba.
Đây là một nguyên tắc rất cơ bản trong quan hệ thương mại quốc tế. Thuật ngữ MFN
được sử dụng phổ biến trong các điều ước quốc tế. Tuy nhiên, đến năm 1998, trong
pháp luật Hoa Kỳ, thuật ngữ MFN được thay thế bằng thuật ngữ NTR. Trong quan hệ
thương mại với Hoa Kỳ, chỉ có một số ít đối tác không hưởng quy chế NTR. Trên
thực tế, thuế đánh vào hàng NK từ một nước hưởng quy chế NTR sẽ thấp hơn nhiều
so với hàng NK từ một nước khác không hưởng quy chế NTR. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Mục 401, Tít IV, Đạo Luật thương
mại (1974) yêu cầu Tổng thống Hoa Kỳ từ chối trao quy chế NTR cho bất cứ quốc
gia nào không được nhận quy chế này tại thời điểm ban hành pháp luật ngày
1/1/1975, nghĩa là tất cả các nước cộng sản, trừ Ba Lan (Nam Tư ra khỏi
danh sách vào năm 1981). Mục 2 Tít 4, thường được gọi là điều khoản Jackson -
Vanik, yêu cầu tổng thống Hoa Kỳ tiếp tục từ chối trao quy chế NTR đối với các
nước này, cũng như không đồng ý các nước này tiếp cận các nguồn tín dụng của
Chính phủ Hoa Kỳ, như Ngân hàng XNK, nếu các nước này từ chối quyền tự do di cư
của công dân nước mình. Các hạn chế này có thể được hủy bỏ, nếu Tổng thống xác
nhận rằng nước này hoàn toàn tuân thủ điều kiện về tự do di cư theo quy định tại
điều khoản Jackson - Vanik. Đối với một nước đang được hưởng quy chế này, Tổng
thống phải tái khẳng định sự xác nhận của mình trong các báo cáo 6 tháng gửi
Nghị viện (ngày 30/6 và ngày 31/12 hàng năm). Sự xác nhận này của Tổng thống có
thể bị phủ quyết bằng việc 2 viện ra một nghị quyết chung về việc không phê
chuẩn báo cáo ngày 31/12. </font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Điều khoản Jackson - Vanik cũng
cho phép Tổng thống "Miễn trừ" việc áp dụng điều khoản Jackson - Vanik đối với
một nước, nếu Tổng thống xác nhận rằng nước này không từ chối quyền tự do di cư
của công dân nước mình. Thẩm quyền này được thực hiện bằng một quyết định gia
hạn hàng năm, hoặc có thể không được phê chuẩn bằng một nghị quyết chung của 2
viện. Trước khi một nước có thể được nhận quy chế NTR theo sự xác nhận của Tổng
thống về việc hoàn toàn tuân thủ quyền tự do di cư, hoặc theo thẩm quyền "Miễn
trừ" nói trên của Tổng thống, nước đó phải ký kết một hiệp định song phương theo
đó có quy định việc Hoa Kỳ trao quy chế NTR hoặc MFN.</font></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0">
<font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="ve%20quy%20che%20quan%20he%20thuong%20mai%20binh%20thuong%20vinh%20vien.bmp" width="278" height="172"></font></p>
<p align="center" style="margin-top: 0; margin-bottom: 0"><i>
<font face="Arial" size="2" color="#808080">Thượng nghị sỹ Max Baucus giới thiệu
dự luật PNTR tại Thượng viện Mỹ ngày 13/6.</font></i></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><i><b>* Quy chế thương mại hiện
hành của Việt Nam trong quan hệ với Hoa Kỳ và vấn đề quy chế "Quan hệ thương mại
bình thường vĩnh viễn" (PNTR). </b></i></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Theo pháp luật thương mại Hoa Kỳ,
Việt Nam hiện đang hưởng quy chế "quan hệ thương mại bình thường" có điều kiện (NTR),
gia hạn hàng năm. Kể từ năm 1998, Hoa Kỳ liên tục thực hiện quy chế NTR hàng năm
đối với Việt Nam. Quy chế NTR hiện hành đối với Việt Nam trên cơ sở một quy định
về NTR có đi có lại trong Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA), có hiệu
lực ngày 10/12/2001. Hiện nay, Hoa Kỳ đang thông qua quy chế "Quan hệ thương mại
bình thường vĩnh viễn" với Việt Nam, hoặc theo cách hiểu của WTO là quy chế tối
huệ quốc vô điều kiện.</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><i><b>* PNTR có quan hệ thế nào
với việc Việt Nam gia nhập WTO?</b></i></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Việc gia nhập WTO không phụ thuộc
vào việc Việt Nam với Hoa Kỳ có quy chế PNTR, hoặc việc Việt Nam gia nhập WTO
cũng không có nghĩa là Hoa Kỳ buộc phải có quy chếPNTR với Việt Nam. Tuy
nhiên, theo quy định của WTO về cơ bản, một thành viên WTO buộc phải trao quy
chế MFN ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các thành viên khác của WTO trên
cơ sở có đi có lại. Do đó, khi Việt Nam gia nhập WTO, Hoa Kỳ phải thực hiện với
Việt Nam quy chế NTR vô điều kiện hoặc PNTR. Nếu không thì trước khi Việt Nam
gia nhập WTO, Hoa Kỳ phải quyết định viện dẫn quy định "không áp dụng" tại Điều
XIII Hiệp định thành lập WTO, theo đó Hiệp định này sẽ không được áp dụng giữa
bất kỳ 2 thành viên nào, nếu một trong hai thành viên đó không đồng ý áp dụng
cho thành viên kia và thông báo cho Hội nghị Bộ trưởng WTO trước khi thông qua
các điều kiện gia nhập. Tuy nhiên, nếu điều khoản "không áp dụng" được viện dẫn,
thì Việt Nam sẽ có quyền từ chối thực hiện với Hoa Kỳ những lợi ích xuất phát từ
các cam kết gia nhập WTO, mà Việt Nam thực hiện với các thành viên khác của WTO.
</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><i><b>* Một nước có thể gia nhập
WTO trước khi có PNTR với Hoa Kỳ hay không? </b></i></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trên thực tế có 6 nước là đôí
tượng của điều khoản Jackson - Vanik đã trở thành thành viên đầy đủ của WTO
trước khi có PNTR với Hoa Kỳ. Đó là Rumani (thành viên ban đầu của WTO), Mông Cổ
(1997), Cộng hoà Kyr-ghi-zi (1998), Grudia (2000), Moldova (2001) và Armenia
(2003). Trong tất cả các trường hợp nêu trên, Hoa Kỳ viện dẫn điều khoản "không
áp dụng".</font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2"><i><b>* Thủ tục thông qua quy chế
PNTR với Việt Nam như thế nào?</b></i></font></p>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trừ trường hợp Hoa Kỳ quyết định
viện dẫn Điều XIII Hiệp định thành lập WTO, cho dù Việt Nam đã gia nhập WTO hay
chưa gia nhập, thủ tục này giống như thủ tục thực hiện quy chế PNTR với Albania,
Bulgaria, Trung Quốc, Cộng hoà Séc, Estonia, Grudia, Hungary, Kyr-ghi-zi,
Latvia, Litva, Mông Cổ, Rumani và Slovakia. Nghị viện sẽ ban hành văn bản pháp
luật ủy quyền cho Tổng thống quyết định chấm dứt việc áp dụng Tít IV Đạo luật
Thương mại (1974) đối với Việt Nam và thông qua quy chế PNTR với Việt Nam. Luật
về chấm dứt việc áp dụng Tít IV Đạo luật Thương mại (1974) đối với Việt Nam được
đưa ra Hạ nghị viện và có thể không cần đưa ra Thượng nghị viện, sau đó chuyển
sang Ủy ban Tài chính Thượng nghị viện để xem xét. Với việc ban hành văn bản
luật, Tổng thống sẽ thực thi việc tiến hành quy chế PNTR bằng một tuyên bố của
Tổng thống. </font></p>
<p align="right"><i><b><font face="Arial" size="2">Tạp chí Thương Mại, số
19/2006</font></b></i></p>
</body>
</html>