<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><strong><span style="font-size:14px">Tận tâm, yêu nghề, chịu hi sinh chính là những gì có thể mô tả về cô giáo Phan Thụy Mộng Thu – Giáo viên môn Lịch sử trường THCS Lữ Gia (Quận 11), một trong những nhà giáo tiêu biểu đã hết lòng vì các thế hệ học trò của mình. Đó là nguyên do mà dù bao thế hệ học sinh đã ra trường, đã trưởng thành vẫn luôn nhớ đến người cô này, bởi lúc nào trong cô cũng dành một phần tình yêu lớn lao cho “đàn con nhỏ” của mình.</span></strong></p>
<p style="text-align:center"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2017/11/29880/NGTTB chi thu.jpg" style="height:460px; text-align:justify; width:650px" /></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><strong>Phần lớn thời gian đều ở trường</strong></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Vừa làm công tác Đoàn – Đội , công tác Đảng, vừa chủ nhiệm lớp, lại tham gia vào nhiều hội thi của Đoàn, hội thi chuyên môn, chị Thu cho hay, phần lớn thời gian hầu như chị đều có mặt ở trường. Không những thế, chị còn dạy kèm để kiếm thêm thu nhập. Vào những đợt hoạt động cao điểm, một đêm chị chỉ ngủ 4 – 5 tiếng thì mới đủ thời gian để làm việc. Nhà lại có con nhỏ, chị phải sắp xếp thời gian để vừa chăm sóc gia đình, vừa chấm bài, soạn bài, đọc tài liệu,… Nghề giáo thật sự không hề rảnh rỗi như người ta nghĩ.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Ngoài ra, chị còn dành rất nhiều thời gian cho việc nghiên cứu phương pháp giảng dạy. Kiến thức lịch sử khá khô khan, nhưng bằng sự sáng tạo, Mộng Thu đã thiết kế mỗi tiết học của mình trở nên thật sinh động và hấp dẫn. Chị chịu khó đọc nhiều sách sử, tự học các phần mềm tiện ích để chỉnh sửa hình ảnh, cắt nhạc, làm phim, thiết kế bản đồ… ứng dụng vào việc soạn giáo án điện tử. Để giúp môn lịch sử đỡ khô khan, chị lồng ghép tư liệu văn học, kể chuyện cho các bé, đồng thời giảm lượng kiến thức trong sách giáo khoa để các bé không bị ngán môn sử.Chị Thu cũng sáng tạo thêm nhiều hình thức dạy học khác như: đặt cả lớp vào tình huống lịch sử để các bạn đưa ra cách giải quyết vấn đề. Các ví dụ minh họa thì chị cũng đặt học sinh vào. Có bé sẽ làm công chúa, có bé sẽ là tướng quân, có bé sẽ là lãnh chúa…</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Thay cho những vất vả, việc hàng ngày được đứng trên bục giảng vẫn là niềm vui lớn nhất của chị. Chị tâm sự, ngày bé chị rất may mắn khi gặp được cô giáo thương mình, luôn giúp đỡ mình. “Cô thường cho học trò kẹo, bánh, cho lớp vừa học, vừa chơi. Hình ảnh cô tóc dài, dịu dàng, tận tâm với học sinh cứ in sâu mãi vào trong tim của chị. Từ lớp 1, chị đã ước mơ là sau này làm cô giáo, để được giống như người cô của mình”.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Và giấc mơ đã trở thành hiện thực, giờ chị đã là một giáo viên mẫu mực, liên tục nhận được các danh hiệu cao quý như: danh hiệu “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác” cụm Miền Đông Nam bộ, Nhà giáo trẻ tiêu biểu thành phố Hồ Chí Minh 4 năm liên tiếp (2014 - 2017), Gương thanh niên tiêu biểu Quận 11 năm 2017 và hàng loạt giải thưởng dành cho giáo viên như giải Nhất hội thi Giảng viên lý luận chính trị giỏi năm 2017 của Ban Tuyên giáo Thành ủy...</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><strong>“Nếu có kiếp sau, vẫn xin được làm cô giáo”</strong></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Đạt nhiều giải thưởng là vậy, nhưng niềm vui của chị Thu lại đến từ những điều bé nhỏ hơn. Đó là được đứng trên bục giảng, được nhìn thấy những ánh mắt háo hức tiếp thu kiến thức từ học sinh, được nhìn những cánh tay phát biểu, được nhìn thấy nụ cười hồn nhiên của các em. Có thể nói, với chị mỗi học sinh là một đứa con của mình. Chị dồn hết tâm sức, tình thương đề dành cho các bạn.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Chị Thu kể, “Chị có 1 học sinh khá cá biệt, tên Bá Thắng. Vì mẹ em bỏ em từ nhỏ. Ba có vợ mới không quan tâm đến Thắng. Chị rất mệt mỏi vì những việc Thắng làm, em ấy thường đánh nhau, chọc ghẹo bạn rồi trộm cắp xe... Năm đó chị lại đang mang thai. Thắng nợ học phí và các khoản đóng. Chị đã đóng tiền học cho Thắng. Mỗi lần họp phụ huynh, tất cả phụ huynh đều muốn chuyển Thắng qua lớp khác. Cuối cùng, chị cũng thuyết phục để Thắng được ở lại lớp. Hiện nay, Thắng vẫn còn giữ liên lạc và thường xuyên hỏi thăm chị”.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Học trò cá biệt trong lớp thực ra không thiếu, mỗi người thầy, người cô lại có cách bảo ban khác nhau. Song, tất cả họ đều mong muốn cho học sinh của mình ngày một trưởng thành hơn. Với Mộng Thu, chị yêu nghề và yêu luôn học trò của mình. Chị cho hay, chưa bao giờ hối hận về quyết định chọn nghề sư phạm, và “nếu có kiếp sau, chị vẫn xin được làm cô giáo”.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Chia sẻ về quan điểm nghề nghiệp, Thu cho rằng, mục tiêu của ngành sư phạm không phải là kiếm ra tiền, mà cái chính là đào tạo những người chủ tương lai của đất nước hiểu biết truyền thống, uống nước nhớ nguồn. Và cái “tâm” của người giáo viên chính là cầu nối kiến thức, nối thế hệ hôm nay với thế hệ anh hùng của cha anh mình. </span></p>
<p style="text-align:right"><strong><span style="font-size:14px">Ý NHUNG</span></strong></p>
</body></html>