<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><strong>Là một thanh niên trẻ năng động của thế hệ 9X, chàng trai Đoàn Hoàng Minh – giáo viên trường Tiểu học Phan Huy Thực (Quận 7) vẫn chọn gắn bó với một công việc khá truyền thống: giáo viên tiểu học. Dù gặp không ít khó khăn song Hoàng Minh vẫn luôn giữ ngọn lửa yêu nghề rực cháy. Không chỉ nhiều năm hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, anh còn ành đạt nhiều giải thưởng cao quý dành cho nhà giáo.</strong></span></p>
<p style="text-align:center"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2017/11/29883/ThaygiaoMinh.png" style="height:512px; text-align:justify; width:600px" /></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"><strong>Sáng tạo trong mỗi bài giảng</strong></span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề giáo, Đoàn Hoàng Minh cho hay, từ nhỏ anh đã rất thần tượng thầy cô giáo của mình. Vì vậy, anh đã mơ ước được một lần đứng trên bục giảng mặc cho bạn bè đều chọn những ngành mới mẻ, năng động hơn. “Mình nghĩ, đến với nghề nào đó thì nó sẽ gắn bó với mình cả đời, không nên lúc nào cũng chạy theo trào lưu, chạy theo thu nhập hay để phù hợp thời đại. Đến với một nghề, đó còn là niềm đam mê, lòng yêu nghề”, Minh chia sẻ.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Việc soạn sẵn giáo án để sáng sáng lên lớp không phải là điều khó với mỗi nhà giáo, mà việc khó là làm sao để thực tế hóa những kiến thức đó, để các em học sinh tiếp thu một cách dễ dàng chứ không phải kiểu học nhồi nhét truyền thống. Với thầy giáo Đoàn Hoàng Minh, mỗi tiết học anh đều có sự sáng tạo riêng. Anh cho rằng, hãy xem mỗi học trò là một người bạn của mình, đặt mình vào chúng để thấu hiểu, để biết chúng thích gì, ghét gì.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px"> “ Trước đây, khi dạy mình cứ chăm chăm vào ngữ liệu của sách giáo khoa thì bây giờ nhưng mình sẽ dùng chính các em trong lớp,bắt kịp những xu hướng, những sỡ thích hiện đại của các em và đặt các câu liên quan đến đặc điểm của các em. Như vậy, chắc chắn sẽ tạo được tiếng cười,một khi các em thích thú nghe giảng thì coi như bài giảng đã thành công và các em sẽ nhớ bài lâu hơn”, anh cho hay.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Ngoài những bí quyết giảng bài trên, thầy giáo Đoàn Hoàng Minh cũng có nhiều chuyên đề về phương pháp dạy học đáng được ghi nhận như: Chuyên đề cấp trường “Ứng dụng phương pháp bàn tay nặn bột trong dạy học môn Toán” , chuyên đề cấp quận “giáo dục đạo đức cho học sinh thông qua các sự kiện thời sự”. Bên cạnh đó, anh cũng đã đã hoàn thành được một sáng kiến kinh nghiệm: “Một số kinh nghiệm rèn kỹ năng quan sát cho học sinh khi làm văn miêu tả”. Với những sáng tạo ấy, Hoàng Minh đã làm phong phú hơn những tiết học của mình và giúp các em học sinh tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng.</span></p>
<p style="text-align:justify"><strong>Mỗi lần la mắng là một lần thương</strong></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Khó khăn lớn nhất của anh chính là thiếu kinh nghiệm. Học sinh Tiểu học khá nhỏ tuổi và khó bảo, đôi khi, anh không biết dùng cách gì để các em nghe lời, để kiến thức được truyền đạt dễ dàng. Học trò nhiều khi cũng bướng bỉnh, khó bảo. Nổi nóng rồi trách phạt là điều không tránh khỏi, song, chính sự tiến bộ từng ngày của các em đã tiếp thêm cho anh động lực để từng ngày hoàn thiện những thiếu sót.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">“Một lần, trong lớp mình dạy có một em học sinh nhiều lần không làm bài, mình đã tức giận mà lớn tiếng với em. Đến giờ giải lao, em đến gần mình và hỏi: “thầy ơi, thầy ăn kẹo không?”. Ngay lập tức, từ giận mình chuyển sang thương, rồi cảm thấy bản thân mình có lỗi, tự nhủ sao lại lớn tiếng với các em và tự hứa rằng sẽ luôn cố gắng kiềm chế cảm xúc của bản thân.” Cứ như vậy, mỗi lần mắng học trò xong, nhìn vẽ mặt lầm lũi cúi xuống của tụi nhỏ, chàng giáo viên trẻ lại càng thương hơn.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Lẽ dĩ nhiên, công việc nào cũng có khó khăn và cũng có niềm vui xen lẫn, với Minh, niềm vui lớn nhất chính là nhìn các em tiến bộ từng ngày, là cùng các em lớn lên, cùng đá cầu, cùng chơi cờ và nghe các em kể những chuyện về gia đình mình. Đó chính là động lực lớn nhất để anh mỗi ngày đến trường của anh đều vui vẻ.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Từng có ý định chuyển sang một lĩnh vực khác vì lương giáo viên khá “bèo”, nhưng lòng yêu nghề lại thôi thúc anh tiếp tục. Anh luôn nghĩ, có những nhà giáo 50, 60 tuổi vẫn theo nghiệp dạy học, họ vẫn sống tốt và vui vẻ thì những người trẻ không có gì phải lo ngại về điều đó. Và nghề dạy, “đã lỡ yêu rồi thì không vứt bỏ được”.</span></p>
<p style="text-align:justify"><span style="font-size:14px">Với những gì đã gắn bó cùng các em học sinh trong những năm qua, Đoàn Hoàng Minh luôn tự hào về những gì mà mình đã và đang làm. Anh hi vọng, những bạn trẻ đang có ý định theo đuổi nghề giáo sẽ giữ vững lòng nhiệt huyết, niềm yêu nghề của mình, vững tin vào con đường mình đã chọn. Bởi với anh: <em>“Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”</em>.</span></p>
<p style="text-align:right"><span style="font-size:14px"> </span><strong> Ý NHUNG</strong></p>
</body></html>