<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Hòn Khoai</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Hòn Khoai,
hoang sơ và kỳ thú</font></b></p>
<div align="center" style="float: left; width: 182px; height: 19px">
<table border="0" cellpadding="0" style="border-collapse: collapse" width="100%" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">
<img border="0" src="hon%20khoai.bmp" width="255" height="164"></font></td>
</tr>
</table>
</div>
<div class="tittrungbinh" align="justify">
<font face="Arial" size="2">Hòn Khoai là một thắng cảnh đẹp của Cà Mau nằm
ngoài biển Ðông, cách đất liền nơi gần nhất thuộc xã Ðất Mũi, huyện Ngọc
Hiển chừng 15 km. Đây là cụm đảo nhỏ với diện tích gần 5 km2.</font></div>
<div class="art_content" align="justify">
<div>
<font face="Arial" size="2">Hòn Khoai là một đảo đá có đồi và rừng gần
như còn nguyên vẹn với nhiều loại gỗ quý, nhiều nhất là gỗ sao và một
quần thể động thực vật phong phú, phong cảnh thiên thiên hoang dã luôn
cuốn hút khách du quan. </font></div>
<div>
<font face="Arial" size="2">Thuở xưa Hòn Khoai còn có tên là Hòn Giáng
Hương, Hòn Ðộc Lập. Thời Pháp thuộc gọi đảo là Poulo Obi mà trên bản đồ
hành chính Việt Nam, nó chỉ là một chấm nhỏ nằm phía nam mũi Cà Mau. Tuy
nhiên, người địa phương vẫn quen gọi là Hòn Khoai vì hình dạng của nó
trông giống như củ khoai khổng lồ. Nhưng cũng có nhiều tài liệu kể lại
rằng, cách đây đã lâu lắm rồi, nhiều người từ đất liền ra đây làm rẫy và
trồng cây ăn trái. Ðến nay vẫn còn đây đó những bụi khoai mì, khoai
mỡ... Có lẽ vì vậy mà nó mang tên Hòn Khoai chăng? Ngư dân địa phương
còn dựa vào trí tưởng tượng và hình dáng của mỗi hòn đảo mà đặt tên như
Hòn Tượng, Hòn Ðồi Mồi, Hòn Ðá Lẻ...</font></div>
<div>
<font face="Arial" size="2">Ðường lên đảo uốn theo hình trôn ốc bám theo
sườn đồi, cây cối mọc um tùm che rợp lối đi. Mít và xoài ở đây rất nhiều
và không ít cây đã thành cổ thụ. Trên đảo còn có nhiều cây là vị thuốc
chữa trị được một số bệnh. Ở đây còn có nhiều loại hoa rừng mọc xen
trong kẹt đá phô đủ mầu sắc. Du khách còn nghe tiếng róc rách của khe
nước chảy, tiếng chim hót trong bụi cây, thật là chốn thần tiên ngoài
biển cả.</font><p><font face="Arial" size="2">Bờ biển Hòn Khoai có nhiều
long tu (rong biển hình râu rồng) đóng quanh những tảng đá. Loại rong
này ăn rất mát và bổ. Ở đảo còn có nhiều chim quý, ngoài những bầy chim
nhạn, chim én còn có chim cao các. Giống chim này lông đen, mỏ vàng,
trên mỏ lại có thêm cái mỏ thứ hai như chim hồng hoàng vậy. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Từ lâu, ngư dân vùng Rẫy Chệc, Rạch Tàu,
Rạch Gốc thường ra Hòn Khoai để lấy nước ngọt. Không hiểu vì đâu, từ một
mạch đá, suốt đêm ngày chảy ra một dòng nước trong mát lạ lùng và ngọt
như nước mưa. </font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Hòn Khoai còn là một vị trí đèn biển quan
trọng ở biển Ðông và vịnh Thái-lan. Sau khi xâm lược nước ta, thực dân
Pháp đã xây dựng một hệ thống đèn biển từ Cần Giờ, Côn Ðảo, Phú Quốc,
Hòn Khoai nhằm phục vụ cho các loại tàu biển đi lại an toàn. Riêng ở
đỉnh cao nhất của Hòn Khoai, tại độ cao 318 m, năm 1920 người Pháp xây
dựng ngọn hải đăng mà cho đến nay kiến trúc này vẫn còn khá nguyên vẹn.
Ngọn hải đăng hình khối vuông mỗi cạnh dài 4 m, cao 14,50 m, được xây
bằng đá hộc và xi-măng. Tháp hải đăng Hòn Khoai được xem là một trong
những công trình đèn biển có mặt sớm nhất tại hải phận Việt Nam. </font>
</p>
<p><font face="Arial" size="2">Trước đây ngọn hải đăng này sử dụng bầu
đèn chạy bằng dây cót nay được thay thế bằng bầu đèn hiện đại quay từ
trường qua kính hội tụ có độ chiếu sáng xa đến 35 hải lý.</font></p>
<p><font face="Arial" size="2">Hòn Khoai chẳng những là danh lam thắng
cảnh của Cà Mau mà còn là di tích cách mạng nổi tiếng ở miền Tây Nam Bộ.
Tại đây, năm 1940, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, nhân dân ta được sự chỉ
huy của Phan Ngọc Hiển đã đánh chiếm Hòn Khoai từ tay giặc Pháp. </font>
</p>
<p><font face="Arial" size="2">Với những đặc điểm khí hậu mát mẻ, thời
tiết tốt, phong cảnh đẹp, có rừng, có biển, ngày nay Hòn Khoai rất thích
hợp với các loại hình du lịch về nguồn, dã ngoại, nghiên cứu, nghỉ ngơi.
Năm 1994, Bộ Văn hóa - Thông tin đã công nhận Hòn Khoai là di tích -
thắng cảnh cấp quốc gia. </font></p>
<p align="right"><i><b><font face="Arial" size="2">Theo NDO</font></b></i></div>
</div>
</body>
</html>