<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Đôi bạn</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Đôi bạn “phát minh”</font></b></p>
<p class="pHead" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tại một làng quê
nghèo thuộc xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) có một đôi bạn thân từ thuở
chăn trâu cắt cỏ vừa được nhận huy chương từ những ý tưởng, những nỗi đau đời
thường. </font></p>
<p align="justify"><b><font face="Arial" size="2" color="#008000">“Tàu ngầm cứu
hộ” - sau nỗi đau Chôm Lôm</font></b></p>
<div style="float: right; width: 201px; height: 54px">
<table border="1" width="100%" id="table2">
<tr>
<td>
<img border="0" src="doi%20ban%20phat%20minh.jpg" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Mô
hình robot máy xúc thủy lực của Tuyển và Thuận</font></i></td>
</tr>
</table>
</div>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">“Sau vụ đắm đò kinh
hoàng ở bản Chôm Lôm, Con Cuông, Nghệ An, em được biết còn mấy học sinh chưa tìm
được xác. Vì vậy em nghĩ cần làm một chiếc tàu lặn vừa ít tốn kém, vừa lặn sâu
xuống nước tìm vớt người bị nạn một cách nhanh chóng nhất...”. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Đây là đoạn trích
trong phần giới thiệu “Giá trị sản phẩm” về “phát minh” của Nguyễn Xuân Tuyển,
học sinh lớp 12A chuyên văn Trường THPT Lê Hồng Phong, Hưng Nguyên. Tuyển giới
thiệu thêm: “Nguyên tắc hoạt động của tàu dựa trên nguyên lý hoạt động của tàu
lặn thám hiểm và tàu ngầm. Xung quanh tàu được gắn năm camera để phát hiện mục
tiêu. Đây là mô hình một chiếc tàu ngầm cứu hộ mini đơn giản, đỡ tốn kém; có
chiếc tàu này các thợ lặn cứu hộ sẽ đỡ mệt nhọc, giảm rủi ro khi phải ở dưới
dòng nước xoáy mà độ sâu có khi tới 3-10m...”.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Ông Nguyễn Xuân
Tình, bố của Tuyển, không giấu được xúc động: “Trong suốt thời gian diễn ra các
hoạt động tìm kiếm nạn nhân chuyến đò Chôm Lôm trên sông Lam của các thợ lặn,
Tuyển không bỏ sót một buổi tường thuật đưa tin nào trên Đài truyền hình Nghệ
An. Nhiều đêm tôi thấy cháu băn khoăn ray rứt không ngủ được; có đêm tung chăn
vùng dậy chạy ra bàn hí hoáy viết vẽ nhưng tôi cứ nghĩ là cháu làm toán, làm văn”.
Ý tưởng phát minh “tàu cứu hộ mini” đối với Tuyển là chuyện hoàn toàn nghiêm túc.
Nhưng nó đáng quí hơn khi xuất phát từ những cảm xúc - một sự chia sẻ rất nhân
văn của cậu học trò này.</font></p>
<p class="pInterTitle" align="justify"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#008000">“Xe cứu hỏa” - từ chuyện cháy chợ
Vinh</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">“Xe cứu hỏa đa chức
năng” - giải thưởng “Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc 2006”
là công trình sáng chế của đồng tác giả Lưu Văn Thuận và Nguyễn Xuân Tuyển. Ông
Tình (cha Tuyển) cho biết: “Thuận đang học lớp 12 bổ túc thuộc Trung tâm Giáo
dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên. Chúng nó là đôi bạn tâm đầu ý hợp từ hồi nhỏ;
rất ham mê đọc sách và tìm tòi khám phá, rất tò mò tìm hiểu các loại động cơ máy
móc, điện tử...”.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Căn gác xép nhà ông
Thào (bố Thuận) ở xóm 5A xã Hưng Đạo, Hưng Nguyên là nơi Tuyển và Thuận làm chỗ
tập kết vật liệu, nghiên cứu lắp ráp các mô hình máy móc. Bà Nhuần (mẹ Thuận) kể:
“Hôm đi xem chữa cháy chợ Vinh về, hai đứa tranh cãi nhau chuyện xe cứu hỏa dữ
lắm, và bàn nhau làm xe cứu hỏa “đời mới”. Chúng nó mày mò tìm nhặt máy móc hư
hỏng khắp nơi về, có lần chiếc đồng hồ điện còn tốt bố nó xin về chưa kịp cất
thì liền bị hai cu cậu tháo ngay mấy cái bánh răng. Tiền cho mua sách học thêm,
tiền cho ăn sáng hai đứa chi vào mua linh kiện máy móc hết. Ở trường về là chúi
đầu vào máy quên ăn quên ngủ”.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Thuận và Tuyển cho
biết trước ngày sáng chế xe cứu hỏa đa chức năng, họ đã biết sửa chữa tương đối
thành thạo các loại động cơ, máy phát điện, đồ điện tử, cơ khí, gò hàn... và đã
làm tương đối hoàn thiện một số mô hình robot máy cẩu, xe ben, xe xúc rác vệ
sinh đường phố, máy lau bảng hút bụi. “Hai đứa còn nói sẽ sáng chế một chiếc máy
cấy cải tiến để hai bà mẹ của chúng và bà con trong xóm khỏi lội bùn đỡ bệnh
thấp khớp...” - bà Nhuần vừa nói vừa xoa đầu con. Còn hai “nhà phát minh” thì
bẽn lẽn cười... </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>