<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Hai thầy trò cùng nhận</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Hai thầy trò cùng nhận “Quả cầu vàng”</font></b></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="hai%20thay%20tro%20cung%20nhan%20Qua%20cau%20vang.jpg" width="150" height="200"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Thầy Đỗ
Đức Đông (bìa phải) và học trò trong giờ ôn luyện đội tuyển HS giỏi quốc
gia</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Giải thưởng công nghệ thông tin
thanh niên năm 2006 có một bất ngờ thú vị: hai thầy trò Đỗ Đức Đông (giáo viên
Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ) và Đặng Thanh Tùng (SV năm 1 lớp cử nhân tài năng
ĐH Bách khoa Hà Nội - cựu HS Trường Nguyễn Huệ) đều đứng lên bục cao nhất với
giải “Quả cầu vàng”. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Khi trao giải, ban
tổ chức khá bối rối không rõ ai thầy ai trò. Đơn giản thôi, trò sinh năm 1988
còn thầy sinh 1981, chỉ hơn bảy tuổi. Đó cũng là hai gương mặt ít tuổi nhất
trong bảy gương mặt nhận giải. Sau khi nhận giải, thầy Đông tâm sự: “Tôi như
thấy lại mình mấy năm trước khi bắt gặp niềm đam mê tin học của trò Tùng”…</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm 2004, với giải
ba tin học quốc gia (1999), thành viên đội tuyển HS giỏi quốc tế (1999-2000),
luôn đạt mức điểm xuất sắc khi học ĐH, chàng SV năm cuối Đỗ Đức Đông (khoa công
nghệ thông tin ĐH Công nghệ, ĐHQG Hà Nội) nhận lời mời của ban giám hiệu Trường
THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Tây) về dạy đội tuyển của trường chuẩn bị kỳ thi HS
giỏi quốc gia. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Một buổi chiều, đến
lớp sớm, người thầy trẻ bất ngờ nhận ra cậu học trò Thanh Tùng ngủ gục trên ghế
đá sân trường, đôi mắt sâu hoắm vì thiếu ngủ. Ký ức người thầy bỗng ùa về khi
nhớ lại mình năm nào: cậu bé Đông với mái tóc bờm xờm cháy nắng mò mẫm từng ký
tự bàn phím trên máy tính người hàng xóm; cóp nhặt tiền ăn sáng và tiền mừng
tuổi tết ba năm bố mẹ mới mua nổi chiếc máy tính “đồ cổ đời 386” để học tin học...
Không nỡ đánh thức, người thầy lặng lẽ ngồi bên cạnh đợi. Sực tỉnh, cậu học trò
chỉ lắp bắp: “Em xin lỗi thầy, hôm qua em thức khuya để làm bài”. </font></p>
<table class="tLegend" style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table2">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="hai%20thay%20tro%20cung%20nhan%20Qua%20cau%20vang2.jpg" width="150" height="200"></td>
</tr>
<tr>
<td>
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Trò
Đặng Thanh Tùng trong kỳ thi Olympic tin học quốc tế 2005-2006</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Buổi học hôm ấy kéo dài đến 23
giờ. Các cách giải bài tập “Xâu chuỗi các ký tự trên máy tính” đã được đưa ra
hết, chỉ có cậu học trò Thanh Tùng vẫn say sưa trình bày phương pháp “Qui hoạch
động” mà cậu mất cả đêm hôm trước để tìm ra. “Phải mất một thời gian khá lâu sau
mình mới nhận ra sự tối ưu trong phương pháp của trò Tùng” - thầy Đông tâm sự.
Đêm hôm ấy, đích thân thầy hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ Thái Văn
Bình ở lại động viên bằng cách “đun nước nấu mì gói cho thầy trò ăn tạm lấy sức
học”.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">“Những ngày sau đó,
trừ bốn tiếng học trên lớp và năm tiếng để ngủ, thời gian còn lại thầy và em
ngồi trước máy tính để giải các bài tập” - Tùng nhớ lại. Còn thầy Đông tâm sự:
“Mình như bị cuốn theo đam mê của học trò. Liên tục những đêm thức trắng với
chiếc máy tính đặt ngay đầu giường...”.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Năm ấy Tùng giành
liền “tam nguyên” thi HS giỏi tin học: nhất trường, nhất tỉnh, nhất quốc gia và
huy chương đồng Olympic tin học quốc tế. Cùng năm ấy, người thầy cũng giành giải
nhất nghiên cứu khoa học cấp trường với đề tài “Tối ưu hóa đàn kiến” khi thực tế
hóa công cụ tìm kiếm bằng cách cải tiến phần mềm tìm kiếm của nước ngoài. Xuất
sắc tốt nghiệp ĐH, thầy Đông được chính thức nhận về dạy tại mái trường Nguyễn
Huệ mình học năm xưa. </font></p>
<table style="border-collapse: separate" bordercolordark="#456ae1" bordercolorlight="#4792d9" align="center" bordercolor="#ecf2fe" cellpadding="4" cellspacing="5" width="96%" id="table3">
<tr>
<td bgcolor="#cfe6f9" valign="center">
<p class="pBody" align="justify">
<font color="#030303" face="Arial" size="2">Một thành viên ban giám khảo
tiết lộ: “Chúng tôi rất khó khăn chọn ra bảy gương mặt trẻ trong tổng số
23 hồ sơ để trao giải, nhưng các thành viên chấm giải đều bị thuyết phục
và nhất trí cao bởi thành tích của thầy Đỗ Đức Đông và cậu học trò Đặng
Thanh Tùng”. Cả hai thầy trò chỉ cười chia sẻ: “Giải thưởng lớn nhất:
thầy trò được tiếp tục niềm đam mê tin học”.</font></td>
</tr>
</table>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TTO</i></b></font></p>
</body>
</html>