<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Hãy cho trẻ kiến thức để tự bảo</title>
</head>
<body>
<p class="pTitle" align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">
Hãy cho trẻ kiến thức để tự bảo vệ mình </font></b></p>
<p class="pHead" align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong khi ngành
giáo dục lúng túng trước việc dạy và học về giới tính, sức khỏe sinh sản, tình
dục thì trên thực tế, nhu cầu tìm hiểu thông tin của trẻ ngày càng tăng. </font>
</p>
<table style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table1">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="hay%20cho%20tre%20kien%20thuc%20de%20bao%20ve%20minh.bmp" width="200" height="150"></td>
</tr>
<tr>
<td class="tLegend">
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Những
rung cảm, băn khoăn của lứa tuổi mới lớn luôn cần được chia sẻ và định
hướng</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Xoay quanh những vấn đề nổi cộm
đó, PV Tiền phong đã có cuộc trao đổi với anh Đặng Nam - Giám đốc Trung tâm tư
vấn và Dịch vụ truyền thông, Đường dây tư vấn và hỗ trợ cho trẻ em 19001567 (Ủy
ban Dân số - Gia đình và Trẻ em).</font></p>
<p class="pSubTitle" align="justify"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#008000">Từ câu hỏi chưa được trả lời…</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><b><font face="Arial" size="2"><em>Qua Diễn đàn
tuổi teen nhiều em bày tỏ, các bậc phụ huynh không đảm nhận được vai trò cung
cấp kiến thức Sức khỏe sinh sản, kỹ năng sống và tâm lý tuổi mới lớn. Vậy theo
anh, vai trò và trách nhiệm của nhà trường, xã hội và các tổ chức khác về vấn đề
này như thế nào?</em></font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhà nước và các tổ
chức xã hội có trách nhiệm hỗ trợ gia đình làm tốt hơn chức năng bảo vệ, chăm
sóc, giáo dục đối với trẻ em. Nhà nước cung cấp những chính sách, dịch vụ trong
trường hợp trẻ em không cùng sống chung với gia đình. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tuy nhiên, trong
thời gian các em tới lớp, trách nhiệm giảng dạy thuộc về nhà trường bởi cha mẹ,
nhà nước, xã hội đã tin tưởng và giao các em cho nhà trường. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Trước đây, các gia
đình thường tự loay hoay với trách nhiệm ấy nhưng nay có rất nhiều hoạt động hỗ
trợ họ làm tốt hơn chức năng với con em mình. Đường dây tư vấn 19001567 là một
trong những ví dụ.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Sau gần 3 năm hoạt
động, Ủy ban DSGD&TE đã từng bước chuyển đường dây tư vấn, hỗ trợ thí điểm thành
một dịch vụ công. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Điều đó chứng tỏ
Nhà nước bắt đầu quan tâm và cung cấp hỗ trợ cho gia đình làm tốt hơn chức năng,
nhiệm vụ của mình. Đặc biệt, đường dây có sự liên hệ với nhà trường để giải
quyết những mối quan hệ, kỹ năng, ứng xử của trẻ em đối với thầy cô giáo. </font>
</p>
<p class="pBody" align="justify"><b><font face="Arial" size="2"><em>Hiện nay,
vấn đề các em quan tâm là chăm sóc SKSS, vậy theo anh tại sao việc đưa giáo dục
SKSS vào nhà trường lại không thành công?</em></font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tôi đặt một dấu hỏi
rất lớn là: Tại sao đến lúc này chúng ta chưa giáo dục giới tính ở tất cả các
bậc học? Bởi việc này không đòi hỏi quá nhiều tiền bạc, đầu tư tốn kém, không
cần quá nhiều công sức mà chỉ cần chấp nhận nó như một môn học chính thống, giáo
dục cho trẻ em. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Đặc biệt, trong bối
cảnh hiện nay, các em không chỉ tự bảo vệ mình trước các hành vi lạm dụng cụ thể
nào đó mà còn phòng vệ cho mình trước “biển” thông tin các tác động xấu tới trẻ
từ băng đĩa, truyền hình và Internet. </font></p>
<table style="border-collapse: separate" align="right" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" width="40" id="table2">
<tr>
<td>
<p align="justify">
<img border="0" src="hay%20cho%20tre%20kien%20thuc%20de%20bao%20ve%20minh2.bmp" width="202" height="199"></td>
</tr>
<tr>
<td class="tLegend">
<p align="center"><i><font face="Arial" size="2" color="#808080">Anh
Đặng Nam</font></i></td>
</tr>
</table>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Internet là con dao 2 lưỡi và
lưỡi có hại thường nhắm vào trẻ em nhiều hơn. Việc giáo dục giới tính trở nên
cấp bách, quan trọng hơn bao giờ hết và tiến hành càng sớm càng tốt. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Nhiều người quan
niệm rất cứng nhắc rằng: giáo dục giới tính, SKSS và tình dục cho trẻ em là sử
dụng hệ thống chương trình chung cho tất cả các lứa tuổi ở mẫu giáo, bậc trung
học hay trẻ em nông thôn, thành thị… </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Thực tế, những kiến
thức cung cấp sẽ dựa theo từng môi trường sống, từng độ tuổi và từng bậc học
khác nhau. Nếu hiểu theo góc độ đó mới phù hợp với tập quán, văn hóa và dễ tiếp
thu.</font></p>
<p class="pSubTitle" align="justify"><b>
<font face="Arial" size="2" color="#008000">Cho trẻ kiến thức để tự bảo vệ mình</font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><b><font face="Arial" size="2"><em>Theo anh
việc giáo dục giới tính, SKSS, tình dục nên bắt đầu từ đâu và tiến hành như thế
nào?</em></font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Hiện nay nội dung
này mới được tích hợp trong một số môn học ở năm cuối bậc học PTTH. Theo tôi,
giáo dục giới tính, SKSS, tình dục cần phải đặt thành chuyên đề, một môn học
chính thức và cần phải bắt đầu ngay từ bậc học mẫu giáo.</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Việc giáo dục giới
tính giúp các em có kỹ năng, nhận biết để tự chăm sóc bản thân và chống lại
những hành vi xâm hại tình dục. Rất nhiều quốc gia áp dụng chương trình ngay từ
bậc học mẫu giáo để giáo dục kỹ năng chống lại những hành vi lạm dụng, dâm ô,
xâm hại tình dục trẻ em. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tất nhiên, ngay cả
ở nước ngoài, trong giờ học giáo dục giới tính cho trẻ em nam, thì các em nữ
cười và ngược lại. Nhưng đến tiết học thứ 2, các em bắt đầu làm quen và không
cười nữa. Có những chương trình nên tách riêng nam- nữ nhưng có những giờ học để
học chung cùng nhau. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Việc giáo dục giới
tính phải dựa trên khoa học và tiến hành từng bước một. Và theo tôi, với nền văn
hoá, truyền thống, tập tục, thói quen… nền giáo dục nước ta hoàn toàn có thể áp
dụng được. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><b><font face="Arial" size="2"><em>Trong nhiều
bài viết gửi đến Diễn đàn tuổi teen, nhiều bậc phụ huynh bày tỏ: Kiến thức về
giới, SKSS là điều rất tế nhị. Vậy bố mẹ nên chọn cách thức như thế nào để tiếp
cận và truyền đạt đến con cái một cách tốt nhất?</em></font></b></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Giáo dục giới tính
từ những tiếp xúc và sinh hoạt hàng ngày chứ không phải là những buổi lên lớp,
hô hào hay quát nạt bằng câu: “Bây giờ là lúc bố mẹ giảng cho con về giới tính!”.
</font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Để bổ sung kiến
thức cho trẻ nên thông qua việc tắm rửa, vệ sinh, trong khi xem tivi hay nghe
một chương trình ca nhạc nói về tình yêu… </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Chẳng hạn, trên
truyền hình xuất hiện cảnh một đôi tình nhân hôn nhau thì bố mẹ không thể bắt
con quay đi, không được xem! Đấy là hành vi hoàn toàn không tưởng mà bố mẹ phải
giải thích vì sao họ lại hôn nhau! </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Tôi rất ủng hộ một
số mô hình CLB giáo dục kỹ năng sống trong gia đình mới xuất hiện ở Việt Nam.
Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng làm được. </font></p>
<p class="pBody" align="justify"><font face="Arial" size="2">Để tránh những thắc
mắc của em gái, em trai về sự phát triển của cơ thể, một số gia đình áp dụng
phương pháp tắm chung giữa mẹ và con gái, bố và con trai để bố, mẹ khéo léo giới
thiệu về cơ thể cho con hiểu về sự khác nhau giữa cơ thể của trẻ em với người
trưởng thành, tại sao lại có sự biến đổi ấy…để tránh những tò mò, khám phá tai
hại. </font></p>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo TPO</i></b></font></p>
</body>
</html>