<html><head><meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252"</head><body>
<p><strong>Người cựu tù Lê Hồng Tư (cựu cán bộ Thành Đoàn TP. Hồ Chí Minh) đã chia sẻ như thế tại buổi giao lưu, ra mắt sách ảnh “Tử tù, cựu tù Côn Đảo – ngày trở lại” và “Biệt đội giữ bình yên đất lửa” nhiếp ảnh gia Nguyễn Á, ngày 27-7 ở Nhà Văn hoá Thanh niên TP. Hồ Chí Minh.</strong></p>
<p dir="ltr" style="text-align:center"><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2023/7/36302/Trienlam4.jpg" style="height:414px; width:600px" /></p>
<p dir="ltr" style="text-align:center"><span style="font-size:12px"><em>Cựu tù Côn Đảo Lê Hồng Tư (thứ hai từ trái sang phải), Trần Thị Cúc, Võ Ái Dân cùng chia sẻ, giao lưu với khán giả.</em></span></p>
<p style="text-align: justify;">Chia sẻ lại những ngày tháng ác liệt của chiến tranh, chú Lê HồngTư cho biết đã cùng đồng đội trải qua bao nguy nan trước kẻ địch. Cũng như nhiều đồng đội, ông bị địch bắt và đày ra “địa ngục trần gian” Côn Đảo. Đến đây, những chiến sĩ cộng sản kiên trung như ông Tư tiếp tục hoạt động, tự tìm đường giải thoát bản thân khỏi chốn lao tù khắc nghiệt. Khi vượt ngục, chú Lê Hồng Tư chứng kiến cảnh đồng đội bị địch bắt lại, tra tấn dã man và không tránh khỏi cái chết.</p>
<p style="text-align: justify;">Đấu tranh chính trị trực diện với địch, cựu tù Võ Ái Dân bị đày ra Côn Đảo hơn 10 năm trong số 14 năm lao tù. Giờ đây, ông khẳng định rất tự hào khi đã bỏ một thời thanh xuân, sinh mệnh để góp phần nhỏ bé xây dựng Côn Đảo trở thành “hòn đảo sáng trên Biển Đông hôm nay”.</p>
<p style="text-align: justify;">Sau tất cả, tử tù Côn Đảo Lê Hồng Tư khẳng định chính cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975 đã giúp ông cùng các tù chính trị “sống lại”. “Từ đó, tôi nhớ lại công ơn cứu sống của đồng bào, nhân dân mình trước đó. Cuộc đời mình là doNnhân dân cứu sống, cho nên từ đó về sau mình phải sống, phục vụ nhân dân”, ông Tư bộc bạch và cho biết khi có dịp trở lại Côn Đảo, ông đã phấn khởi khi thấy cuộc sống nơi đây đổi thay, phát triển.</p>
<p style="text-align: justify;">Tham gia hoạt động và bị bắt trong đợt tấn công thứ hai cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đến năm 1969, cô Trần Thị Cúc bị địch đày ra Côn Đảo. Đối với nữ cựu tù này, những ngày sống trong “chuồng cọp” của kẻ thù là quãng thời gian cô vừa bị cắt đứt tình cảm thân thương của gia đình, vừa bị đày đọa, đánh đập, tra tấn.</p>
<p style="text-align: justify;">“Thời gian này nhớ nhà, nhớ đồng đội, quê hương. Khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, chúng tôi có ước nguyện làm sao xây dựng Côn Đảo được giàu đẹp, đồng thời việc giao thông đi lại giữa đất liền với đảo được thuận tiện để Côn Đảo trở thành một hòn đảo sinh động, phát triển vững mạnh, trở thành một khu du lịch lịch sử của đất nước.</p>
<p style="text-align: justify;">Ngày nay khi trở lại, chúng tôi thấy ước mơ của mình đã đạt được về nhiều mặt và từng bước được cải thiện, dù cần phải dựng xây hơn nữa. Đó là điều tôi rất vui mừng”, Cô Cúc tâm sự.</p>
<p style="text-align: justify;">Gửi gắm với thế hệ trẻ bây giờ, cựu tù Trần Thị Cúc cho rằng mỗi giai đoạn có những hoàn cảnh, điều kiện khác nhau, giai đoạn đấu tranh cách mạng, giải phóng đất nước khác với giai đoạn xây dựng đất nước. Do đó, ở thời đại ngày nay, bà Cúc mong người trẻ trước hết phải trau dồi kiến thức để góp sức xây dựng đất nước, đưa đất nước vươn cao đúng tầm. “Ngoài ra, phải có lòng tin, mong ước thực hiện lý tưởng của mình, đặt trọn niềm tin của mình đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và cố gắng phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành”, bà nói thêm.</p>
<p>Dặn dò thêm, cựu tù Lê Hồng Tư nói điều quan trọng là phải làm sao cho dân giàu, nước mạnh, bởi khi dân giàu thì đời sống Nhân dân được cải thiện, nước mạnh sẽ khiến kẻ thù không dám xâm lăng.</p>
<p>“Bây giờ mình phải mạnh bằng mọi phương pháp, thế hệ trẻ hãy cố gắng để nước mình mạnh, dân mình giàu”, chú Lê Hồng Tư đặt kỳ vọng với các bạn trẻ có mặt tại buổi giao lưu.</p>
<p style="text-align:center"><em><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2023/7/36302/Trienlam1.jpg" style="height:396px; width:600px" /></em></p>
<p style="text-align:center"><em><img alt="" src="http://www.thanhdoan.hochiminhcity.gov.vn/ThanhDoan/webtd/Content/news/2023/7/36302/Trienlam2.jpg" style="height:333px; width:600px" /></em></p>
<p style="text-align:center"><span style="font-size:12px"><em>Tiết mục văn nghệ thực hiện bởi các cô cựu tù Côn Đảo.</em></span></p>
<p style="text-align:center"> </p>
<div class="content " style="color: rgb(38, 38, 38); font-family: "PT Sans", sans-serif; font-size: 15px; text-align: justify;">
<div class="txtbox-content" style="max-width: 100%; width: 600px; margin: 10px auto; padding: 10px 15px; border-width: 2px 2px 2px 10px; border-style: solid; border-color: rgb(159, 34, 78); border-image: initial; background: rgb(255, 238, 244);">
<p style="text-align: center;"><span style="color:#FF0000"><strong>NHIẾP ẢNH GIA NGUYỄN Á KỂ CHUYỆN LỊCH SỬ QUA ẢNH</strong></span></p>
<p>Ngày 27-7, tại Nhà Văn hóa Thanh niên, nhiếp ảnh gia Nguyễn Á đã tổ chức triển lãm và công bố hai sách ảnh Tử tù, cựu tù Côn Đảo - ngày trở lại và Biệt đội giữ bình yên “đất lửa”.</p>
<p>Đến tham dự có các đồng chí: Phan Nguyễn Như Khuê - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; Kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh; nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh; TS. Nguyễn Khắc Thuần và TS Lý Thị Mai; Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP. Hồ Chí Minh Đoàn Hoài Trung cùng với hơn 20 cô, chú cựu tù chính chính trị Côn Đảo - những nhân chứng sống trong tác phẩm của Nguyễn Á.</p>
<p>Với hai tác phẩm: <em>Tử tù, cựu tù Côn Đảo - ngày trở lại </em>và <em>Biệt đội giữ bình yên “đất lửa”,</em> nhiếp ảnh gia Nguyễn Á đã truyền tải tinh thần quả cảm của cả hai thế hệ trong thời chiến và thời bình đến với độc giả.</p>
<p>Trang bìa của sách ảnh <em>Tử tù, cựu tù Côn Đảo - ngày trở lại</em> là hình ảnh vị khách tham quan ôm lấy cựu tù nhân Côn Đảo.</p>
<p>Trong buổi đến Côn Đảo thực hiện bộ ảnh, đoàn công tác có gặp gỡ các vị khách từ miền Bắc vào du lịch. Tại đây, các cô chú cựu tù đã thay hướng dẫn viên kể lại chân thực câu chuyện chính họ đã trải qua. Khi ấy, có vị khách xúc động đã đến ôm lấy cô cựu tù, một cái ôm thay cho sự chia sẻ, cảm thông và lời cảm ơn vì những gì họ đã hy sinh cho đất nước. “Có nhiều người hỏi sao tôi không chọn ảnh bìa khác, mà lại lấy hình ảnh hai người phụ nữ ôm nhau khóc. Thật sự mà nói, đây chính là khoảnh khắc khiến tôi xúc động nhất, lan tỏa cảm xúc đến tôi nhiều nhất” - Nguyễn Ánh chia sẻ.</p>
</div>
</div>
<p style="text-align:right"> </p>
<p style="text-align:center"> </p>
<p style="text-align:right"><strong>Tin, ảnh: THẠCH ANH, NGỌC DIỄM</strong></p>
<p style="text-align:right"> </p>
</body></html>