<html>
<head>
<meta http-equiv="Content-Language" content="en-us">
<meta http-equiv="Content-Type" content="text/html; charset=windows-1252">
<title>Đội Việt Nam dự thi lập trình si</title>
</head>
<body>
<p align="center"><b><font face="Arial" size="2" color="#0000FF">Đội Việt Nam dự
thi lập trình sinh viên thế giới</font></b></p>
<div style="float: left; width: 218px; height: 29px">
<table border="1" width="100%" id="table1">
<tr>
<td>
<img border="0" src="doi%20VN%20du%20thi%20lap%20trinh%20TG.bmp" width="255" height="170"></td>
</tr>
</table>
</div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đội tuyển Chicken Đại học
Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội vừa so tài cùng các đội tuyển từ 88
trường đại học trên thế giới trong trận chung kết lập trình sinh viên tại
Nhật Bản, xếp thứ 44. </font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đội tuyển Chicken gồm ba sinh
viên năm thứ 4 gồm: Trần Thị Thùy Trang, Phan Đa Phúc và Lê Huy Bình do TS
Bùi Thế Duy làm huấn luyện viên.</font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong các ngày 12 và 13-3,
các đội tuyển từ sáu châu lục đã có mặt tại Tokyo dự chung kết toàn cầu kỳ
thi lập trình sinh viên lớn nhất thế giới ACM/ICPC. Ban tổ chức bố trí toàn
bộ hoạt động của 246 sinh viên, hơn 100 huấn luyện viên cùng gần 600 chuyên
gia, đại diện các quốc gia tại khách sạn Tokyo Hilton Bay. Cuộc thi được tài
trợ bởi IBM và đồng tổ chức bởi Chi nhánh ACM và Trung tâm nghiên cứu IBM
tại Nhật Bản </font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Lễ khai mạc được tổ chức
trọng thể vào sáng 14-3, ngay sau lễ khai mạc, 88 đội tuyển nhận và thử máy,
chuẩn bị tài liệu tham khảo nộp trước ngày thi. </font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đúng 8h15 sáng 15-3, các đội
tuyển vào vị trí thi đấu và đồng loạt bóc đề thi, mỗi đội được bố trí một
bàn, ba ghế và một PC tiêu chuẩn nối mạng cùng các tài liệu cho phép đã nộp
từ hôm trước, đề thi gồm 10 bài theo thứ tự A-J gồm các bài lập trình theo
các giải thuật ứng dụng cho nhiều lĩnh vực thực tế khác nhau. </font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong 30 phút đầu, lập tức đã
có hai đội đã giải được một bài (A) đó là Đại học Warsaw (Ba Lan) với 13
phút và sau đó là MIT (Mỹ). Tiếp đó là cuộc tranh giành không khoan nhượng
theo số bài nộp và giải đúng. 88 đội tuyển chia làm ba tốp rượt đuổi khác
nhau. Ở tốp đầu với các tên tuổi lớn như ĐH Tổng hợp Warsaw, ĐH CNTT,
Quang-Cơ Saint Petersburg, MIT, Đại học Thanh Hoa, ĐH Giao thông Thượng Hải
tranh giành 12 vị trí đầu với số bài giải được từ 5-7. Tốp giữa là các đội
với số bài giải từ 3-5 trong đó có Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản. </font>
</div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Tốp còn lại là các đội có số
bài từ 0 đến 2. Thứ hạng liên tục thay đổi theo số bài giải được và truyền
trực tuyến công khai trong Khu thi chung kết và cập nhật liên tục sau 30
giây trên mạng tại địa chỉ:
<a style="color: blue; text-decoration: underline" href="http://icpc.baylor.edu/icpc/Finals/Scoreboard/default.htm">
http://icpc.baylor.edu/icpc/Finals/Scoreboard/default.htm</a> . Trước khi
hết giờ một tiếng (12h15) toàn bộ kết quả được giữ kín và chỉ công bố trong
lễ Bế mạc và trao giải vào 17h00 buổi chiều cùng ngày.</font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đến sát giờ nộp bài, kết quả
thấy được có duy nhất hai đội giải được 7/10 bài và tính theo thời gian là :
Đại học Tổng hợp Warsaw, Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh), một số giải được 5-6
bài trong đó có MIT, Đại học giao thông Thượng Hải và một số trường Nga ....
Các trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản ở thứ hạng cao với 4-5 bài giải
được (thứ hạng 12-20). Đáng chú ý vẫn còn bốn đội vẫn không giải được bài
nào.</font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Đội Chicken Việt Nam vào trận
với tốc độ chậm có lẽ do sinh viên Việt Nam chưa chuẩn bị ngoại ngữ thật tốt,
đến hết hai giờ đầu đội Chicken giải được hai bài và đến giờ thứ ba được ba
bài. Thứ hạng tạm thời ở mức 48. Đến phút tạm dừng công bố kết quả, Đội Việt
Nam vẫn tạm dẫn trên các đội ASEAN khác như Indonesia, Singapore, Hồng Công...
</font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Một điều đặc biệt, đội
Chicken nộp bài J tới bảy lần, bài J cùng hai bài khác (E & H) là ba bài
không đội nào giải được. Chắc đội Chicken đã chưa chọn được chiến thuật phù
hợp khi “vất vả” dành nhiều thời gian cho một trong những bài khó nhất vòng
chung kết.</font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Lễ công bố giải Vô địch ACM/ICPC
lần 31 bắt đầu từ 17h00 ngày 15-3, Đội Đại học Tổng hợp Wasaw đoạt CUP Vô
địch năm 2007 xứng đáng với 8 bài giải được, tiếp theo là Đội ĐH Thanh Hoa
(7 bài), ĐH CNTT, Quang-Cơ Saint Petersburg và MIT đoạt giải nhất. Đáng chú
ý một trong ba sinh viên đại học Wasaw đã đứng đầu Olympic Tin học quốc tế
2006 và một vô địch giải lập trình của Google, với đội ĐH Thanh Hoa có một
sinh viên hạng 3 trong Top Code toàn cầu. Ban tổ chức còn trao bốn giải Bạc
và bốn giải đồng cho các đội đứng đầu. Trong bảng xếp hạng, Đội Việt Nam
đồng hạng thứ 44/88 với ba bài giải trọn vẹn. </font></div>
<div>
<p align="justify"><font face="Arial" size="2">Trong khu vực, Việt Nam đứng
thứ 12/28 và đứng đầu các nước ASEAN có mặt trong vòng chung kết. Đây là kết
quả ban đầu đáng khích lệ, là bước khởi đầu thành công khi tuổi trẻ CNTT-TT
Việt Nam trong những lần đầu tranh thứ hạng cao các kỳ thi lập trình quốc tế.
Kết quả cũng phần nào phản ánh được khả năng và vị trí của sinh viên CNTT-TT
Việt Nam trên bản đồ đào tạo đại học CNTT-TT toàn cầu. Để có thứ hạng cao,
tiến tới đoạt giải (thứ hạng dưới 12), các bạn trẻ sinh viên Việt Nam còn
phải nỗ lực nhiều và cũng là bài toán đặt ra cho ngành đào tạo đại học về
CNTT-TT Việt Nam đang hướng tới đào tạo công nghệ thông tin đẳng cấp thế
giới. </font></div>
<p align="right"><font face="Arial" size="2"><b><i>Theo NDO</i></b></font></p>
</body>
</html>